Đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư tại Khu Đại học Nam Cao

(QLNN) – Với nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vị trí địa lý và cơ chế, chính sách hấp dẫn cùng với việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng và tăng cường thu hút các nhà đầu tư, Khu Đại học Nam Cao được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình tiên tiến về tổ chức xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đô thị. Từ đó, đặt tiền đề thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Phối cảnh Khu Đại học Nam Cao.
Tổng quan về Khu Đại học Nam Cao

Khu Đại học (KĐH) Nam Cao, tỉnh Hà Nam được thành lập từ năm 2013, nằm trên địa bàn huyện Duy Tiên và TP. Phủ Lý, có vị trí đắc địa, cách trung tâm hành chính tỉnh Hà Nam 7 km, cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Nam. Dự án nằm trên trục động lực phát triển đô thị của tỉnh Hà Nam, vị trí giao thông thuận tiện, liền kề quốc lộ 1A và cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, dễ dàng kết nối với các tỉnh miền Bắc, miền Trung và cả nước.

Đây cũng là khu vực trung tâm liên kết giữa Khu Liên hiệp Thể dục – Thể thao, Khu Trung tâm Y tế chất lượng cao, Khu Du lịch Văn hóa – Lễ hội và Khu Du lịch Tâm linh -Nghỉ dưỡng. Đặc biệt hơn, KĐH Nam Cao còn nằm trong khu vực liên kết với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Khu công nghiệp Đồng Văn III, Đồng Văn IV, qua đó thuận lợi cho việc đào tạo, trao đổi, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp này.

KĐH Nam Cao được xây dựng với quy mô 912 ha và hiện đang được mở rộng lên tới 1.580 ha nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và làm việc cho khoảng 100 nghìn học sinh, sinh viên; 20 nghìn giáo viên, chuyên gia và 30 nghìn cư dân đô thị. Khi đi vào vận hành, KĐH Nam Cao sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, KĐH Nam Cao còn tích cực góp phần điều chỉnh mạng lưới trường đại học, cao đẳng cho vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và hỗ trợ chủ trương di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành TP. Hà Nội đến các khu quy hoạch, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020 và Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực trạng đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư tại Khu Đại học Nam Cao

Ngay từ khi thành lập, KĐH Nam Cao đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật liên quan đến giáo dục đại học tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục và các quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Ngoài ra, KĐH Nam Cao còn được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế thí điểm đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội để cho các đơn vị ngoài công lập thuê dài hạn. Cùng với đó, được hưởng một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê.

Để cụ thể hóa một số chính sách trong đề án được phê duyệt, ngày 01/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào KĐH Nam Cao, trong đó quy định chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, các chính sách miễn, giảm thuế và nhiều ưu đãi hỗ trợ khác, như: đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các dự án, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng đúng tiến độ.

Đến nay, KĐH Nam Cao đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung giai đoạn I, đáp ứng yêu cầu triển khai xây dựng các dự án thành phần trong KĐH. Đang chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư hạ tầng giai đoạn II phục vụ hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học cũng như các dự án đô thị thành phần khác, tiến tới đầu tư có chiều sâu, phát triển KĐH theo hướng hiện đại, tiện nghi cao.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình đầu tư, xây dựng, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý KĐH Nam Cao đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trên các mặt, cụ thể:

Về quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng: tập trung công tác quản lý hiện trường, mặt bằng các dự án đã bàn giao cho nhà đầu tư; tổ chức lập, tham gia ý kiến thẩm định đề án xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các dự án chức năng đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (giao thông, cấp nước sạch, thoát nước thải…); tổ chức chấp thuận việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật các dự án thành phần trong KĐH theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tuân thủ quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông nội khu và ngoại khu bảo đảm giao thông kết nối đến từng lô đất dự án theo quy hoạch phân khu.

Về xúc tiến thu hút đầu tư: Ban Quản lý đã thường xuyên tuyên truyền, liên hệ phối hợp chặt chẽ với các trường có nhu cầu đầu tư xây dựng để di chuyển trường về hoặc mở thêm cơ sở đào tạo tại KĐH, làm đầu mối hướng dẫn các thủ tục, chắp nối và giúp đỡ các trường, cơ sở đào tạo làm việc với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh với mức thuận lợi nhất có thể. Bên cạnh đó, tập trung, phối hợp, đôn đốc các trường đã đầu tư thực hiện đẩy nhanh tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn khi các trường thực hiện dự án.

Ban Quản lý đã đón tiếp, làm việc với một số trường có nhu cầu đầu tư, như: Trường Đại học Kiểm sát, Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội… Ngoài ra, Ban Quản lý còn tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng các trường liên cấp chất lượng cao từ bậc mầm non đến THPT.

Hiện tại, nhờ chủ động đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, xúc tiến đầu tư, KĐH Nam Cao đã thu hút được 19 trường đại học đăng ký về đầu tư. Trong đó có 5 trường đã và đang triển khai dự án, như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Xây dựng, Trường Đại học U1 (Hàn Quốc), Trường Dạy nghề chất lượng cao, Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp… Một số dự án chức năng đô thị, dịch vụ thương mại đã được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư.

Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng phát triển KĐH Nam Cao còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã có một số kết quả nhất định bởi KĐH là một mô hình đặc thù, rất mới mẻ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các chính sách cũng như quy định của pháp luật liên quan đến quản lý KĐH phần lớn được vận dụng từ các quy định đối với khu chức năng khác, do đó, cần thời gian để xây dựng, hoàn thiện.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển KĐH Nam Cao bảo đảm đúng theo kế hoạch trong đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (3 giai đoạn), ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý là Ban quản lý KĐH, cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù của Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam, trong đó ưu tiên phê duyệt quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, cần triển khai những ngay giải pháp mang tính thực tế.

Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư vào Khu Đại học Nam Cao

Một là, Ban Quản lý KĐH Nam Cao tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh Hà Nam trình Chính phủ phê duyệt các chính sách ưu đãi đặc thù dành riêng cho KĐH này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch mở rộng phân khu tỷ lệ 1/2000 KĐH Nam Cao làm cơ sở triển khai các dự án trong KĐH.

Hai là, làm tốt công tác đôn đốc các trường đang đầu tư có phương án báo cáo Bộ chủ quản ưu tiên cấp vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó: tập trung đôn đốc Trường Đại học Xây dựng khởi công Hợp phần 2 của dự án; tăng cường hỗ trợ các Trường Đại học U1 (Hàn Quốc), Đại học Y Hà Nội, Trường Dạy nghề chất lượng cao hoàn thiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.

Ba là, ngoài việc tập trung xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông nội khu và ngoại khu, cần đôn đốc nhà đầu tư cung cấp các hạ tầng thiết yếu đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng và thực hiện cung cấp các dịch vụ như cấp điện, nước, viễn thông; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hoàn thành dự án xử lý nước thải bảo đảm kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư khi dự án thành phần đi vào hoạt động.

Bốn là, thực hiện tốt việc cải cách hành chính, đặt trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng, tổ chức đấu nối hạ tầng kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng trong KĐH bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt, không để xảy ra sai phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch phát triển chung của KĐH.

Năm là, nhằm chủ động nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 01/8/2018 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào KĐH Nam Cao, Ban quản lý KĐH Nam Cao cần nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh Hà Nam cho phép sử dụng quỹ đất được quy hoạch làm đô thị, dịch vụ, những vị trí có quỹ đất sinh lời, tổ chức đấu giá lấy kinh phí để đầu tư cho giải phóng mặt bằng và xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật trong KĐH.

Sáu là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư, trong đó tiếp tục chú trọng kêu gọi, vận động các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuộc diện quy hoạch di dời khỏi nội đô thành phố Hà Nội, các trường có khả năng thực hiện dự án bằng hình thức xây dựng, chuyển giao (BT), đặc biệt quan tâm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và dạy nghề./.

Trương Công Khải
Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao, tỉnh Hà Nam