Thúc đẩy liên kết ngành, vùng trong phát triển bền vững kinh tế biển

(QLNN) – Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tiếp đó là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Để kinh tế biển thực sự là động lực phát triển bền vững kinh tế đất nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường vai trò của quản lý nhà nước trong thúc đẩy tính liên kết theo địa bàn lãnh thổ, theo ngành kinh tế để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng lớn hơn.
Ảnh minh hoạ: http://tapchimoitruong.vn
Thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam

Tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam khá đa dạng, phong phú. Là quốc gia ven biển, nằm trên phía Tây của biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, gấp 3 lần lãnh thổ, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Diện tích biển của Việt Nam chiếm 29% diện tích biển Đông. Bình quân 100 km2đất liền có 1 km đường bờ biển, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 600 km2/km. Cứ khoảng 1 km2đất liền thì có gần 4 km2vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế. Tỷ lệ này gấp khoảng 1,6 lần so với mức trung bình của thế giới. Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển1. Nhiều khu vực bờ biển, cũng như các đảo ở nước ta có vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và an ninh – quốc phòng.

Trong quá trình đổi mới, kinh tế biển Việt Nam đã được quan tâm đầu tư phát triển và có những kết quả bước đầu quan trọng, thể hiện trên các ngành, lĩnh vực như:

– Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, bảo đảm giao thương hàng hóa trong nước cũng như quốc tế. Hệ thống cảng biển được quy hoạch xây dựng, nhất là những cảng lớn, nước sâu. Cả nước có 45 cảng biển, gồm 3 cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế; 11 cảng đầu mối khu vực và 17 cảng tổng hợp địa phương. Ngoài ra, còn có hệ thống cảng chuyên dùng cho các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế. Tổng công suất thiết kế của hệ thống cảng biển đạt trên 534,7 triệu tấn/năm2.

Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, Việt Nam cũng đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển, nhất là đội tàu công-ten-nơ, đồng thời xây dựng chiến lược cũng như khung chính sách phù hợp, tạo điều kiện để cho dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống sân bay cũng được phân bổ khá dày trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Về đường bộ, bên cạnh hai hệ thống đường bộ Bắc – Nam là Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, hàng loạt các đường xương cá chạy ngang được đầu tư, nâng cấp và cải tạo. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng hệ thống đường bộ ven biển.

– Du lịch và dịch vụ biển phát triển mạnh mẽ. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch phát triển nhanh ở các tỉnh ven biển. Du lịch biển trong những năm qua tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và số lượt du khách, tính bình quân chiếm tỷ trọng 71,5% doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Xét theo địa phương, bình quân doanh thu du lịch lữ hành của một địa phương giáp biển cao gấp 3,2 lần so với một địa phương không giáp biển. Du lịch biển đóng góp quan trọng vào kết quả chung của ngành Du lịch. Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 95,5 triệu du khách (trong đó có 15,5 triệu du khách quốc tế) với tổng doanh thu toàn ngành Du lịch vượt 620.000 tỷ đồng (khoảng 27 tỷ USD), tăng khoảng 11% so với năm trước và đưa tổng doanh thu của ngành Du lịch tăng gấp hơn 10 lần kể từ năm 20083.

– Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác từng bước khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng bước phát triển, lớn mạnh. Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác – phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Tập đoàn có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tổng doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn PVN đã đạt trên 160 tỷ USD, luôn ở mức tăng trưởng cao gần 20%/năm4. Hiện nay, Tập đoàn có các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi – Đà Nẵng, Nghi Sơn – Thanh Hóa…

Hoạt động liên doanh trong khai thác và chế biến dầu khí cũng phát triển mạnh, đã hình thành hai trung tâm chế biến dầu khí mà hạt nhân là nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

– Nuôi trồng và khai thác hải sản phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đóng góp quan trọng vào xuất khẩu của cả nước còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sản lượng thủy sản khai thác biển năm 2018 ước tính đạt 3.392,6 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.560 nghìn tấn, tăng 6,8%, tôm đạt 146,4 nghìn tấn, tăng 1,7%, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt gần 9 tỷ USD5.

– Các ngành công nghiệp khác vùng ven biển được quan tâm đầu tư, xây dựng. Nhiều khu, cụm công nghiệp nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển có độ lấp đầy cao. Hiện nay, cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 845.000 ha. Các khu kinh tế ven biển thu hút trên 390 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 45,5 tỷ USD, vốn thực hiện 26,5 tỷ USD và 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 805 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 323,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2018, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu 14,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 7,2 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 40.000 tỷ đồng6.

– Trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tổng sản phẩm (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trung bình 7,5%, cao hơn so với mức bình quân cả nước (khoảng 6%). Năm 2017, GRDP của 28 tinh, thành phố ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,9 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước là 53,5 triệu đồng7.

Kết quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế biển khá ấn tượng, tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế cũng như kỳ vọng thì vẫn còn những điều cần tiếp tục điều chỉnh.

Trước hết, có thể thấy tính liên kết, kết nối trong phát triển kinh tế biển chưa cao nên chưa tạo được lực hút, kích thích các ngành, các vùng khác phát triển. Lấy ngành du lịch làm ví dụ. Các địa phương ven biển có “kịch bản” phát triển du lịch tương đối giống nhau, từ thu hút đầu tư, xây dựng cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, nhiều khi cạnh tranh nhau. Rất ít địa phương nghiên cứu, tìm tòi nét đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch hoặc liên kết giữa các địa phương để tạo thành chuỗi du lịch nhằm khai thác lợi thế chung.

Một số tỉnh, thành phố đã tổ chức các hội nghị về liên kết phát triển du lịch. Tuy nhiên, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương còn nặng về hình thức, sự phối hợp giữa du lịch với các ngành liên quan chưa chặt chẽ; nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo, chất lượng cao còn thiếu chưa đáp ứng và bắt kịp tốc độ phát triển du lịch. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của liên kết chưa thực sự rõ nét.

Liên kết giữa các ngành kinh tế để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cũng chưa được quan tâm đúng mức. Được xác định là một trong các trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất chỉ mới hình thành hai nhà máy sản xuất liên quan lĩnh vực lọc, hóa dầu; sản phẩm chủ yếu là xăng, dầu và hạt nhựa PP; các nhà máy sản xuất từ sản phẩm lọc hóa dầu chưa nhiều. Các điều kiện cần thiết để phát triển thành cụm công nghiệp lọc hóa dầu, trung tâm lọc hóa dầu với sự đa dạng các sản phẩm theo chuỗi từ lọc hóa dầu trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế biển chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng vùng ven biển được đầu tư khá nhiều nhưng còn dàn trải, chưa có những đột phá, những hạ tầng lớn, hiện đại, vận hành theo chuẩn quốc tế (cảng biển, trung tâm logistics…). Việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển nhanh một số trung tâm kinh tế biển, khu kinh tế ven biển có sức cạnh tranh cao còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Đặc biệt, kết nối hạ tầng đường ven biển, các sân bay quốc tế, bến cảng chưa hoàn thiện làm cho sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển; vùng ven biển với vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, kém hiệu quả, làm cho tiềm năng kinh tế biển phân tán, chưa được khai thác hiệu quả.

Tăng cường quản lý nhà nước để thúc đẩy liên kết trong phát triển kinh tế biển

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) xác định mục tiêu Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, cần hệ thống các giải pháp, trong đó, chú trọng tăng cường vai trò quản lý nhà nước để nâng cao tính liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển. Theo đó, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng biển quy mô toàn quốc theo hướng tổng hợp, liên ngành. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển và quản lý kinh tế biển bằng hệ thống quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách vì lợi ích chung, lâu dài, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng bảo đảm chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch. Phối hợp thành lập và quản lý các khu bảo tồn ven biển và hải đảo để bảo toàn chức năng sinh thái của vùng biển và nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển bền vững.

Thứ hai, về kết cấu hạ tầng, quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.

Thứ ba, tiến hành quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ – bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế – xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển. Rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.

Trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.

Thứ năm, tăng cường thể chế liên kết vùng, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động và sản xuất… để tối ưu hóa phương án đầu tư, tránh tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương. Cần xây dựng những chương trình mục tiêu phát triển ở quy mô vùng như du lịch vùng, nhân lực vùng, thị trường lao động chung, bảo vệ môi trường vùng… làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của các địa phương. Nghiên cứu thiết lập cơ chế điều tiết liên kết vùng hiệu quả. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa Trung ương với địa phương về công tác biển, đảo. Kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; tăng cường năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo.

Phát triển mạnh mẽ, vững chắc kinh tế – xã hội vùng ven biển, hải đảo, làm cứ điểm phát triển toàn diện kinh tế biển. Đầu tư thích đáng cho các ngành kinh tế biển có thế mạnh, như khai thác, chế biến dầu khí, hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, du lịch biển, đảo… Xây dựng các trung tâm dịch vụ có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ cho khai thác kinh tế biển, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh biển.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển. Gắn kết chặt chẽ các vùng kinh tế trọng điểm biển với các vùng kinh tế ven biển. Bảo đảm các vùng kinh tế ven biển là hậu cứ vững chắc cho vùng kinh tế biển, kịp thời ứng phó với những tình huống phức tạp phát sinh trên vùng kinh tế biển./.

Chú thích:
1. Bảo đảm an ninh biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế – xã hội đất nước. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 22/8/2019.
2, 6, 7. Nguyễn Thanh Tùng. Phát triển kinh tế biển để Việt Nam là quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển/Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh” do Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức, tháng 9/2019.
3, 5. Tổng cục Thống kê. Tổng quan tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2018. https://www.gso.gov.vn, ngày 28/12/2018.
4. Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho các dự án của PVN. http://www.pvn.vn, truy cập ngày 05/8/2019.
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Đại học Luật Hà Nội