ThS. Nguyễn Trọng Thành – TS. Hoàng Văn Mạnh
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Biển, đảo Việt Nam không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam, đồng thời biển, đảo luôn gắn liền với mỗi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có tác động của các hoạt động quân sự làm cho môi trường biển ở nhiều khu vực đứng trước nhiều thách thức, một số nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, lực lượng, đặc biệt là bộ đội Hải quân trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Từ khóa: Hải quân, bảo vệ, tài nguyên biển, môi trường biển.
1. Vai trò của bộ đội Hải quân trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển
Quân chủng Hải quân ngoài chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc còn là lực lượng quan trọng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; phòng, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường; tìm kiếm cứu nạn trên biển, là chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển làm ăn, sản xuất.
Thời gian qua, Quân chủng đã luôn quan tâm gắn kết công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân chủng đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Hằng năm đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Môi trường Thế giới”, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương Thế giới”. Thực hiện hiệu quả hoạt động “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” ra quân xây dựng cảnh quan, môi trường đơn vị “xanh – sạch – đẹp”; phối hợp với các cơ quan đoàn thể trên địa bàn đóng quân tổ chức chương trình “Chung tay làm sạch biển” ra quân thu gom rác thải, thu hút sự tham gia của quần chúng nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tích cực tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm thực tiễn, thông qua các hoạt động trên biển đã có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trưởng biển, đảo. Trong đó, có sáng kiến máy ép rác thủy lực trên tàu ngầm của Lữ đoàn 189, có thể sử dụng trong bất kỳ điều kiện nào. Sau khi được xử lý toàn bộ rác thải nhựa, chất rắn và rác vô cơ được cất giữ trong các túi nhựa sinh học để đưa lên bờ xử lý khi tàu cập cảng, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe của thủy thủ đoàn; cùng với đó là các dự án xử lý, cải thiện các điều kiện môi trường tại các khu vực quân sự nhằm nâng cao sức khỏe bộ đội, giảm thiểu tác động bất lợi của môi trường đến chất lượng, tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí trang bị và công trình quân sự trên biển, đảo. Các đơn vị Hải quân đã phối hợp với cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư và các địa phương ven biển tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo cho ngư dân; đồng thời, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá trên biển và hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai. Với những hành động và việc làm cụ thể, những người lính biển đã góp phần cùng các đơn vị và địa phương bảo vệ tài nguyên biển, khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao chất lượng môi trường biển, góp phần giữ gìn cho biển, đảo Tổ quốc mãi mãi xanh tươi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bộ đội Hải quân đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề phải quan tâm giải quyết, như: vấn đề suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; tình hình ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển có dấu hiệu gia tăng; sự gia tăng các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan; mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển giữa các ngành, các bên có liên quan; nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho thực hiện nhiệm này còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là trong khai thác thủy hải sản của bà con ngư dân còn nhiều hạn chế, tình trạng khai thác cạn kiệt, vi phạm quy định vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển có mặt còn hạn chế; công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển có thời điểm chưa được coi trọng đúng mức; cá biệt còn vi phạm về bảo vệ môi trường do một số lỗi vô ý khách quan mang lại. Ô nhiễm môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học bị suy giảm, một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập1.
2. Giải pháp phát huy vai trò của bộ đội Hải quân trong bảo vệ tài nguyên, môi trưởng biển, đảo hiện nay
Với bờ biển dài hơn 3.260 km cùng hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển nước ta được công nhận là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị thế kinh tế, địa chính trị quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tài nguyên môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biển đổi khí hậu2. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển3. Trong bối cảnh tình hình ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo4. Cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích của bộ đội Hải quân trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Đây là biện pháp quan trọng góp phần làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng nhận thức sâu sắc những ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm, suy thoái tài nguyên, môi trường biển và biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hoạt động an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Quân chủng, đơn vị. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi quân nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương cũng như tài nguyên, môi trường biển, đảo; phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Thủy sản năm 2017; Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 37/CT-BQP ngày 13/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong quân đội…
Cùng với tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, thông tin về biến đổi khí và tác động của nó đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần tổ chức các buổi tập huấn về bảo vệ môi trường, giáo dục bộ đội không xả rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy xuống biển và kiểm tra nhận thức cán bộ, chiến sĩ thông qua hành động, việc làm cụ thể. Hình thức tuyên truyền, giáo dục cần sát thực tế, phù hợp với từng đối tượng gắn với các nhiệm vụ; phương pháp tuyên truyền phải ngắn gọn, chính xác, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ hành động; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền thường xuyên với tổ chức các chiến dịch tuyên truyền mang tính thời sự để kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy có hiệu quả các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, phát hành tài liệu, tờ rơi, băng rôn, phim ảnh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; mở rộng tuyên truyền bảo vệ môi trường biển qua hoạt động nghệ thuật, sân khấu hóa…
Hai là, tiến hành đa dạng các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Phối hợp với địa phương thu gom rác thải, làm sạch bờ biển, trồng cây, trồng rừng; tổ chức cho bộ đội trồng rau xanh ở nhà giàn DK1; trồng cây cảnh trên tàu quân sự; xanh hóa các đảo, điểm đảo; củng cố cảnh quan đơn vị xanh, sạch, đẹp; không xả rác trực tiếp xuống biển; phát động các chiến dịch “Nói không với túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần”. Cùng với đó, cần tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; giám sát hoạt động khai thác tài nguyên biển; áp dụng nghiêm các chế tài với các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, đảo. Đồng thời, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên biển, các đơn vị đóng quân trên các đảo, nhà dàn DK cần tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; bảo đảm chất lượng và trữ lượng nguồn nước cho bộ đội.
Ba là, phối hợp với các tổ chức, lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp trên biển, như: cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và kiểm ngư, bảo đảm hiệu quả trong trao đổi thông tin, xử lý nhanh các vụ việc phát sinh; trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật; quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng; tăng cường công tác phối hợp đối với việc kiểm soát các hoạt động nghiên cứu khoa học của các tàu nước ngoài trên vùng biển Việt Nam, kiểm soát các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho ngư dân, các thuyền trưởng, chủ phương tiện tham gia hoạt động trên biển về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt lực lượng về con người và trang thiết bị để tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; tham gia xử lý, ứng cứu các sự cố môi trường có thể xảy ra. Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý môi trường của địa phương tổ chức thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị Hải quân trên địa bàn; phối hợp khắc phục, giải quyết kịp thời các khiếu nại của nhân dân về các vụ việc ô nhiễm, đặc biệt là phải khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dựa dẫm, ỷ lại trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ vào bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Các đơn vị cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ số, sử dụng thiết bị không người lái trong quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Luật Biển Việt Nam năm 2012 xác định “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh”5. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học – công nghệ về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đề xuất các biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại trong hoạt động quân sự; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường biển và điều kiện sống; hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường biển và các yếu tố bất lợi của môi trường biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe bộ đội, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật và công trình của các đơn vị.
Năm là, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển thông qua đối ngoại Hải quân.
Trên cơ sở tăng cường mở rộng quan hệ quốc phòng song phương và đa phương với Hải quân các nước, duy trì, thúc đẩy các mối quan hệ hiện có đi vào chiều sâu, ổn định và thực chất; thiết lập thêm các lĩnh vực, cơ chế hợp tác mới, nhất là về chia sẻ thông tin, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, y học Hải quân, bảo vệ môi trường… Đồng thời, tích cực chủ động đề xuất sáng kiến duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; phối hợp ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống; nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng Hải quân các nước giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trên biển…
3. Kết luận
Với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước và ý chí sẵn sàng chiến đấu, bộ đội Hải quân không chỉ là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn tài nguyên, chống khai thác bất hợp pháp và ứng phó với các sự cố môi trường biển. Để phát huy tốt vai trò của bộ đội Hải quân cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm đến tổ chức các hoạt động, việc làm cụ thể trong bảo vệ tài nguyên, môi trưởng biển, đảo. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng, sự nỗ lực của bộ đội Hải quân không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn đóng góp vào mục tiêu chung của nhân loại trong việc gìn giữ đại dương xanh cho thế hệ mai sau.
Chú thích:
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2, 3. Chính phủ (2023). Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5. Quốc hội (2013). Luật Biển Việt Nam năm 2013.