Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, việc “quy tụ lòng người”, xây dựng “thế trận lòng dân” là nhân tố cực kỳ quan trọng cấu thành sức mạnh quốc phòng, quân sự Việt Nam, góp phần quyết định thắng lợi trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bài viết phân tích, làm rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng thế trận lòng dân; đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy thế trận lòng dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
“Thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thế trận lòng dân (TTLD) là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, niềm tin, quyết tâm của toàn dân tộc, được khơi dậy, quy tụ và phát huy, tạo nền tảng chính trị – tinh thần vững chắc, cho phép huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TTLD được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau. Đó là nền tảng tinh thần – thành lũy kiên cố nhất, vững chắc nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn thế nữa, TTLD còn là cội nguồn sức mạnh sâu xa, xuất phát từ bản sắc văn hóa Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dân tộc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta cho thấy, khi lòng dân thuận thì nước mạnh, lòng dân ly tán thì nước yếu. Sự hưng thịnh hay suy vong của các triều đại hầu hết đều do nhận thức đúng, quan tâm, chăm lo yếu tố “lòng dân”, thông qua thực thi các chính sách. Vào thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chủ trương thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Theo đó, lấy tư tưởng “trọng dân”, “an dân” để vua tôi hạ quyết tâm chiến đấu, thống nhất ý chí đánh giặc của toàn dân tộc. Đó là nhân tố quyết định trong 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông. Thời Lê Lợi (thế kỷ XV), bằng mưu lược và trí tuệ của mình, Nguyễn Trãi đã khái quát cô đọng về sức mạnh của Nhân dân: “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “lật thuyền mới biết sức dân như nước”, để rút ra vấn đề căn cốt nhất, đó là “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nhờ đó, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã nhanh chóng giành thắng lợi. Ngược lại, thời nhà Hồ, chỉ lo xây dựng quân đội mà coi nhẹ “lòng dân”, nên dù quân có đông, tướng có giỏi nhưng lòng dân ly tán, trước họa xâm lăng mà trăm vạn người, trăm vạn nỗi lòng dẫn đến mất nước.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử và quyết định sự phát triển của lịch sử. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”1; “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”2. Với lĩnh vực quân sự – quốc phòng, Người chỉ rõ: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”3 và khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”4. Từ thực tiễn hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng đặc biệt coi trọng xây dựng, quy tụ lòng dân và thật sự TTLD đã được phát huy lên tầm cao mới, trở thành nghệ thuật lãnh đạo, truyền thống, cội nguồn sức mạnh nội sinh, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành nước độc lập; vượt qua mọi gian lao thử thách đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại hơn 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”5. Một trong những nhân tố quyết định làm nên thành quả đó là do Đảng ta đã xây dựng và phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Vấn đề “lòng dân”, “dân làm gốc” và TTLD nhiều lần được Đảng ta nhấn mạnh và đưa vào trong các văn kiện. Đại hội X của Đảng lần đầu tiên thuật ngữ “thế trận lòng dân” được sử dụng khi nhấn mạnh nhiệm vụ: “xây dựng thế trận lòng dân làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”6. Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”7. Đại hội XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”8.

Tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”9. Cùng với khẳng định, nâng tầm TTLD là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, Đảng ta không chỉ nhấn mạnh “xây dựng” mà còn chỉ rõ phải “phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân”. Qua đó, phải khơi dậy, thúc đẩy các yếu tố cấu thành sức mạnh TTLD thành “sức mạnh vật chất” to lớn, gắn với xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Đây là sự khẳng định, bổ sung, phát triển mới trong tư duy của Đảng về đường lối quân sự quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực; những hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên…; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng TTLD. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng TTLD; nhanh chóng hiện thực hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Giải pháp phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Để xây dựng, phát huy mạnh mẽ TTLD trong bảo vệ biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng TTLD trong bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề về tranh chấp chủ quyền biển, đảo để chống phá các mạng nước ta. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vị trí vai trò, tiềm năng của biển, đảo; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển, đảo; những khó khăn thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn dân và toàn quân với các chủ trương của Đảng trong giải quyết những vấn đề về biển, đảo.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các lực lượng thường xuyên trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư… thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về biển, đảo, góp phần rất quan trọng để xây dựng, củng cố TTLD trong bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Thông qua những hoạt động đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất cao đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Đồng thời, khơi dậy lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo, tinh thần cách mạng, khát vọng cống hiến, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền địa phương trong xây dựng, phát huy mạnh mẽ TTLD bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng TTLD trong bảo vệ biển, đảo phải gắn với xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành ven biển. Theo đó, cần tăng cường vai trò lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương; quan tâm, chăm lo xây dựng cấp ủy đảng trong sạch vững mạnh, thật sự là hạt nhân lãnh đạo xây dựng TTLD trong bảo vệ biển, đảo.

Lực lượng vũ trang các tỉnh thành ven biển chủ trì, phối hợp tổ chức hiệp đồng tác chiến bảo vệ biển, đảo với các chính quyền địa phương; tích cực tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập huy động tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành, huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; không ngừng xây dựng TTLD trên hướng biển ngày càng vững chắc.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và củng cố quốc phòng – an ninh; huy động nguồn lực của toàn dân cho bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Đây là vấn đề rất quan trọng để xây dựng nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biển, đảo nói riêng; là cơ sở, nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ xây dựng TTLD trên biển. Cần triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó tăng cường bảo vệ, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác thủy sản hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm kinh tế ở các vùng biển, ven biển, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các khu kinh tế quốc phòng ở khu vực ven biển và một số vùng biển, đảo.

Theo đó, các đơn vị trong quân đội chủ động phối hợp, giúp đỡ các địa phương, nhất là các địa phương ven biển phát triển mạnh kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, đối ngoại,như: hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản và làm ăn trên các vùng biển, đảo xa (hỗ trợ nhiên liệu, lương thực thực phẩm, cung cấp nước ngọt… nhất là vai trò của các cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá trên các đảo); phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp quân đội trong lĩnh vực kinh tế biển… Cùng với đó, Quân đội chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội trong cả nước tổ chức nhiều phong trào, việc làm cụ thể để huy động nguồn lực của toàn dân trong củng cố, phát triển kinh tế biển, từ đó, nâng cao nguồn lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân (nhất là ở vùng ven biển và trên các đảo); huy động các nguồn lực tại chỗ để củng cố, xây dựng tiềm lực quân sự, kinh tế, chính trị, tinh thần, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân mà trước hết là TTLD trên biển thực sự vững chắc.

Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, toàn diện, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng TTLD bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, tập trung xây dựng các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, nhất là cơ quan chính trị quân sự địa phương thực sự vững mạnh, toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu. Quan tâm, chăm lo các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về hiện đại hóa các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển… thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ đội Hải quân cùng các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió; dù phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, phức tạp nhưng vẫn luôn nêu cao ý chí quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, “còn người, còn biển, còn đảo”… bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo. Qua đó, tạo niềm tin, chỗ dựa tin cậy trong toàn Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.Cùng với đó, toàn quân làm tốt công tác dân vận, coi đó là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với Nhân dân. Đặc biệt, luôn thực hiện tốt các công tác hỗ trợ người dân, như: nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ, giúp đỡ ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển (nhất là trên những vùng biển xa), coi đó lànhững “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, là “mệnh lệnh trái tim” của người chiến sĩ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, dù sóng to, gió lớn, đối diện với hiểm nguy… có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tất cả vì cuộc sống bình yên của Nhân dân trên các vùng biển, đảo.

Năm là, chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ TTLD, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân dân. Qua đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đề cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ vững phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội (đặc biệt là là kỷ luật trong quan hệ quân dân). Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân dân. Hết sức cảnh giác, đấu tranh chống lại những những luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình, nhất là tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo; kích động tư tưởng dân tộc cực đoan; xuyên tạc chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong giải quyết những bất đồng, tranh chấp trên biển hiện nay; chống mọi âm mưu phá vỡ TTLD trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 345.
2, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 502, 151.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 89.
5, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 104, 157.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 109.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 234.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr. 149.
PGS.TS. Lê Duy Chương
ThS. NCS. Trần Văn Duy
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng