Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo – Thực trạng và giải pháp

(QLNN) – Ngày 04/11/2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước ta đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả, được các tổ chức giáo dục thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Các học sinh của ĐHQGHN tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế đạt được nhiều thành nổi bật.
Thực trạng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian qua

Giáo dục và đào tạo (GDĐT) luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu rõ mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW ra đời, mặc dù trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), sự nghiệp GDĐT nước ta đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả, được các tổ chức giáo dục thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể:

Thứ nhất, hệ thống cơ chế, chính sách về GDĐT tiếp tục được chú trọng hoàn thiện nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GDĐT thực hiện. Bộ GDĐT đã trình và được Quốc hội thông qua hai luật quan trọng, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019.

Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Nếu như năm học 2013 – 2014, cả nước mới có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì đến năm 2017, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng phổ cập ngày càng được nâng cao. Tháng 8/2018, Chính phủ đã thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em diện phổ cập, nhất là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. Báo cáo Phát triển 2018 của Ngân hàng Thế giới “Learning to realize education’s promise” tái khẳng định đánh giá trong nhiều nghiên cứu là năng lực học sinh lứa tuổi 15 nước ta – một nước thu nhập trung bình thấp, có kết quả vượt mức trung bình của học sinh các nước khối OECD1.

Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến.

Đến nay, Bộ GDĐT đã hoàn thành và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chức thực nghiệm chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình phổ thông mới thay đổi căn bản cách tiếp cận từ “theo nội dung” sang theo hướng “phát triển năng lực và phẩm chất”, dạy học “tích hợp” ở cấp dưới, dạy “phân hóa” ở cấp trên, tăng cường các môn tự chọn. Mặc dù chương trình chưa áp dụng chính thức, nhưng các yếu tố về phương pháp giáo dục, dạy học và kiểm tra đánh giá đã được áp dụng từng phần ở các bậc học.

Chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) ngày càng được quan tâm, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở GDĐH. Một số trường đại học đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên. Những năm qua, chất lượng GDĐH từng bước được thế giới công nhận thông qua kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học quốc tế.

Nếu như trước năm 2014, chỉ có 15 chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được các tổ chức của khu vực ASEAN hay quốc tế đánh giá thì đến năm 2018 đã có tổng số 104 chương trình đào tạo từ 13 trường đại học khác của Việt Nam được các tổ chức quốc tế (AUN-QA của ASEAN, CTI của Pháp, ABET và AACSB của Hoa Kỳ) đánh giá và công nhận. Đồng thời, có 05 cơ sở GDĐH tham gia kiểm định cấp trường, được Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp và Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN đánh giá và công nhận.

Thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế của các cơ sở GDĐH Việt Nam ngày càng được cải thiện. Nếu như trước năm 2014, cả Việt Nam chỉ có duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á của Tổ chức xếp hạng đại học QS với vị trí trong nhóm 250 trường hàng đầu thì đến năm 2018, có 7 cơ sở GDĐH lọt top 500 của bảng xếp hạng đại học QS châu Á. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp vị trí 124 của châu Á. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên lĩnh vực Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng 502 trên thế giới theo US News. Ngoài ra, cũng có 3 trường đại học đạt mức 3 sao, 1 trường đạt mức 4 sao theo chuẩn gắn sao đại học thế giới (QS Star Rating)2.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ. Kể từ khi được giao quyền tự chủ, số lượng các đề tài khoa học đấu thầu thành công, số lượng các công bố trong nước, quốc tế, các chương trình mở mới của các trường đại học đều tăng, quy mô đào tạo ổn định, thu nhập của giảng viên, người lao động tăng.

Thứ hai, chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQLGD các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Tính đến ngày 15/8/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 858.772, ngoài công lập 23.691). Trong đó, mầm non: 309.770 người (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 người (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); trung học cơ sở: 305.815 người (công lập 300.990, ngoài công lập 4825; trung học phổ thông: 149.710 người (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891). Đội ngũ nhà giáo, CBQLGD tăng mạnh về số lượng, đồng thời đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn với mầm non là 96,6%; tiểu học: 99,7%; trung học cơ sở: 99%; trung học phổ thông: 99,6%; đại học: 82,7%, tạo tiền đề để Bộ GDĐT đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong sửa đổi Luật Giáo dục3.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2018 – 2030. Xây dựng khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo, CBQLGD. Đồng thời, rà soát mạng lưới, quy mô, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đầu ra sư phạm.

Khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm đã được hoàn thành; số lượng giáo viên đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ của các cấp học được nâng lên.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê; dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và CBQLGD được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa, thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo. Kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng làm căn cứ để xác định chất lượng GDĐH, vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH.

Thứ tư, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ được ký kết. Nhiều cơ sở GDĐT đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu.

Công tác thanh tra được đẩy mạnh, góp phần phòng ngừa, phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý và kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp khắc phục, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT cũng còn một số hạn chế, như: công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn bất cập do chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp. Nguồn lực tài chính thực tế cho đổi mới GDĐT còn thiếu do quy mô ngân sách nước ta còn nhỏ, vì vậy, chi thực tế cho giáo dục còn ít so với nhu cầu của một nền giáo dục đang phát triển.

Năng lực đội ngũ quản lý giáo dục, nhà giáo các cấp còn yếu, chưa theo kịp với tiến trình đổi mới. Mặc dù tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao, nhưng năng lực ứng dụng những phương pháp dạy học và giáo dục mới, năng lực thực hiện các phương pháp kiểm tra đánh giá mới, năng lực ngoại ngữ và ứng dụng CNTT còn kém. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông mất cân đối, tạo ra sự thừa, thiếu cục bộ. Chính sách tiền lương cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non chưa phù hợp nên chưa thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật; nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường chậm được đổi mới. Chất lượng GDĐH còn thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp; một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao; việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế…

Một số giải pháp tăng cường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới

Trước thực trạng trên, để thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, cần tập trung vào những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT. Các địa phương cần rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập. Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019; thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQLGD các cấp. Rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nâng cao đạo đức nhà giáo, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Triển khai hiệu quả các giải pháp của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh ngay từ cấp học phổ thông.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng trường cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH cần tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội. Tăng cường gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDĐH cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, thực tập và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Phát triển, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra và trong quá trình GDĐT. Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng triệt để CNTT; đầu tư có trọng điểm, hệ thống hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ trực tuyến đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và người học.

Bốn là, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Tổ chức giám sát, đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục; kiểm tra việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục để quản lý chất lượng bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục. Xây dựng và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu trực tuyến về GDĐH; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; thực hiện giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc); triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh ở những nơi có điều kiện. Triển khai giải pháp dạy học kết hợp (blended learning), nâng cao chất lượng đào tạo CNTT trong GDĐT; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo.

Sáu là, đẩy mạnh việc phân cấp và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục theo quy định. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDĐT. Rà soát, hướng dẫn thành lập, kiện toàn và giám sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của Hội đồng trường trong các cơ sở GDĐH.

Bảy là, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT. Phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được giao bảo đảm tỷ lệ chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục, trong đó chi thường xuyên bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% dành cho chuyên môn; bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển góp phần nâng cao chất lượng GDĐT.

Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là lớp 1 năm học 2020 – 2021; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025. Rà soát các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị của các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia bảo đảm đúng quy định. Xây dựng và thực hiện kế hoạch bổ sung, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết bị đối với các tiêu chí trường chuẩn quốc gia đã quá hạn, bị xuống cấp.

Tám là, thực hiện hội nhập quốc tế trong GDĐT. Xây dựng và tổ chức triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong GDĐT của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2045. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDĐH, giáo dục thường xuyên đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các cơ sở giáo dục có uy tín của nước ngoài hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận.

Các cơ sở giáo dục mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi học sinh/sinh viên, giáo viên/giảng viên, nghiên cứu khoa học; tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; phát triển nhóm nghiên cứu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở GDĐT của các nước có uy tín hoặc được cấp thẩm quyền công nhận. Khuyến khích công nhận tín chỉ, văn bằng, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận để thu hút học sinh, sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu, làm việc tại Việt Nam.

Tăng cường thu hút các cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận vào Việt Nam dưới hình thức thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên danh, liên kết với các cơ sở giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật./.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo nghiên cứu tại Hội thảo khoa học 05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức của Đại học Quốc gia. Hà Nội, ngày 18/9/2018.
3. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW: Đội ngũ quyết định chất lượng giáo dục. https://giaoducthoidai.vn, ngày 31/12/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày 08/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 – 2020 của ngành Giáo dục.
TS. Nguyễn Thị Tuyết Vân
Trường Đại học Lao động – Xã hội