Phát huy vai trò tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên

(QLNN)- Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động công chứng mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này. Trước sự phát triển về quy mô, tính chất xã hội hóa và yêu cầu riêng biệt đối với việc hành nghề công chứng, việc thành lập tổ chức chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là xu thế tất yếu nhằm quy tụ sức mạnh, thống nhất ý chí, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, xây dựng hoạt động công chứng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.

Đại hội đại biểu công chứng viên lần thứ nhất thành lập Hội Công chứng viên Việt Nam (nguồn: internet).

  Thực trạng tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên

Ở Việt Nam, hoạt động công chứng (HĐCC) đã hình thành từ khá sớm, trong những năm 30 của thế kỷ XX.

Khi nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, các giao dịch dân sự, kinh tế cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn đã kéo theo nhu cầu công chứng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung. Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh HĐCC cũng dần được hoàn thiện.

Luật Công chứng năm 2006 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 đã xác lập cơ sở pháp lý cho sự ra đời của các văn phòng công chứng. Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý chặt chẽ cho HĐCC, ngày 20/6/2014, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Công chứng năm 2014; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, HĐCC vừa được cung ứng bởi Phòng công chứng – một tổ chức thuộc Nhà nước, vừa được cung ứng bởi văn phòng công chứng – một tổ chức ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó, các văn phòng công chứng được thành lập tại nhiều địa phương trên cả nước với số lượng ngày càng tăng.

Đội ngũ công chứng viên (CCV) làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng cũng không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, để các CCV, các tổ chức hành nghề công chứng có sự kết nối thống nhất như một loại hình nghề tự do thì Nhà nước cần phát huy vai trò của các tổ chức nghề nghiệp mang tính chất tự quản của CCV. Điều 39 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ”.

Thực hiện quy định trên, ngày 02/02/ 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 132/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội CCV Việt Nam. Theo đó, cơ quan nhà nước (CQNN), cá nhân, tổ chức có liên quan cần đẩy mạnh hoạt động thành lập Hội CCV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiến tới thành lập Hiệp hội CCV Việt Nam.

Tính đến tháng 8/2018, cả nước đã có 50 Hội CCV được thành lập tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương1. Trên cơ sở các tổ chức xã hội – nghề nghiệp (TCXHNN) của CCV đã được thành lập tại các địa phương, Đại hội Đại biểu CCV toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 13 – 14/01/2019. Đại hội đã thành lập Hiệp hội CCV  Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của công chứng Việt Nam.

Tuy mới được thành lập trong 5 năm trở lại đây nhưng TCXHNN của CCV đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của HĐCC cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Cụ thể:

Thứ nhất, TCXHNN của CCV đã tập hợp đội ngũ CCV đang hành nghề tại các tỉnh, thành phố trên cả nước thành một khối thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 1.026 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 125 phòng công chứng, 901 văn phòng công chứng). Đội ngũ CCV đã lên tới 2.574 CCV. TCXHNN đã trở thành diễn đàn sinh hoạt chung của hơn 2.000 CCV, giúp các CCV có thể thường xuyên trao đổi, học tập về kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp2.

Thứ hai, TCXHNN của CCV đã trở thành cầu nối gắn kết hoạt động giữa các tổ chức hành nghề công chứng, giúp các tổ chức hành nghề công chứng có thể chia sẻ dữ liệu công chứng, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Nhờ vậy, số lượng đầu việc công chứng được giải quyết qua các năm ngày càng tăng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2015, số đầu việc công chứng được giải quyết là 4.363.960 việc, với tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước gần 310 nghìn tỷ đồng 3; đến năm 2018, số đầu việc công chứng được giải quyết lên đến 6.716.309 việc, tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước gần 348 nghìn tỷ đồng 4.

Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng tổ chức năm 2019 (nguồn: internet).

Thứ ba, TCXHNN của CCV đã tích cực tham gia các nội dung quản lý nhà nước cùng với CQNN như: hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng định kỳ; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động công chứng; đề nghị, tham mưu với Bộ Tư pháp về việc phân bố tổ chức hành nghề công chứng; cho ý kiến về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV; giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong việc thi hành các quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, tại một số địa phương, vai trò của TCXHNN đối với HĐCC còn chưa rõ nét. Cụ thể:

Thứ nhất, tính đến cuối năm 2018, một số tỉnh vẫn chưa thành lập được Hội CCV, như: Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Giang… Hiện nay, trên cả nước mới có 50 tỉnh, thành phố thành lập hội CCV, như vậy, hiện còn 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập được tổ chức này.

Thứ hai, thiếu quy chế phối hợp giữa các hội CCV  và cơ quan quản lý nhà nước (trong đó sở Tư pháp đóng vai trò chủ quản). Bên cạnh đó, các hội CCV còn lúng túng khi tham gia công tác quản lý nhà nước, như: việc tổ chức hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV chưa được thực hiện một cách đều đặn; nhiều vụ việc xử lý vi phạm liên quan đến HĐCC. Hoặc có nhiều địa phương tuy đã xây dựng quy chế nhưng chưa thể hiện hết vai trò của Hội như: chưa có nội dung tham gia xây dựng các văn bản quản lý nhà nước; chưa có sự phối hợp trong việc trao đổi, hợp tác với các địa phương khác…

Đặc biệt, phần lớn các nội dung trong quy chế được xây dựng theo hướng, CQNN lấy ý kiến hoặc thông báo cho Hội biết mà không chú trọng đến việc phát huy tính chủ động của Hội trong việc tham gia góp ý xây dựng các quy định, quy chế liên quan đến quản lý nhà nước.

Một số đề xuất

Để TCXHNN của CCV có thể thực sự phát huy vai trò của một tổ chức tự quản, CQNN cũng như Hội CCV Việt Nam cùng Hội CCV các tỉnh, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa.

Một là, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn, trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của TCXHNN của CCV.

Đối với các địa phương chưa thành lập được Hội CCV, các CQNN cần thực sự quan tâm, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của CCV trong việc thành lập Hội. Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần ban hành văn bản với những chỉ đạo quyết liệt trong việc thành lập Hội.

Hoạt động của công chứng viên tại Văn phòng công chứng (nguồn: internet).

Đối với các địa phương đã thành lập Hội CCV, sở Tư pháp cần phối hợp với Hội CCV tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp để giúp các CCV, các tổ chức hành nghề công chứng thấy rõ vai trò của Hội cũng như lợi ích thiết thực được bảo đảm khi tham gia hội. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Hội CCV có thể tham gia các hoạt động quản lý nhà nước về công chứng.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa CQNN và Hội CCV. Đây là căn cứ quan trọng để Hội CCV có thể tham gia các hoạt động quản lý nhà nước về công chứng.  Bởi, HĐCC trên thực tế lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: dân sự, thương mại, đất đai, thuế… Do đó, Hội CCV cần phát huy vai trò là kênh kết nối giữa các tổ chức hành nghề công chứng với CQNN, như: sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính, sở Tài nguyên và Môi trường, cục Thi hành án dân sự…

Việc phối hợp cần được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như: văn bản trao đổi; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm theo từng chuyên đề… Đây là cơ sở để Hội cũng như CQNN từng bước xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế liên thông từ tổ chức hành nghề công chứng đến Văn phòng đăng ký đất đai, Văn phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… Đặc biệt, quy chế phối hợp cần được tập trung xây dựng theo hướng phát huy tính chủ động của Hội.

Hội cũng có thể chủ động đề xuất với sở Tư pháp trong việc xây dựng quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn; tham mưu, đóng góp ý kiến trong các đề án chuyển đổi phòng công chứng…

Ba là, tích cực tham gia xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu điện tử về công chứng.

Với vai trò là tổ chức tự quản của CCV, Hội cần chủ động tham mưu và đề xuất những kiến nghị trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này. Khi cơ sở dữ liệu đã được vận hành, Hội cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn các hội viên cũng như đôn đốc và nhắc nhở các hội viên chấp hành nghiêm các quy định về việc cung cấp, cập nhật thông tin, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, bên cạnh những biện pháp xử phạt về mặt quản lý nhà nước, Hội cũng cần có biện pháp xử lý riêng với những thành viên trong Hội không chấp hành các quy định trên.

Bốn là, cần xây dựng trang thông tin điện tử hoặc các ấn phẩm, tạp chí để quảng bá hình ảnh của Hội tại các địa phương nhằm giới thiệu tổ chức, văn bản của Hội, giải đáp văn bản, hướng dẫn thủ tục công chứng, tin bài và ý kiến của cá nhân, tổ chức… Đây là kênh thông tin kết nối Hội với các hội viên và Hội CCV của các địa phương khác trên cả nước.

Có thể nói, khi HĐCC phát triển như một loại nghề tự do thì việc thành lập TCXHNN của CCV trở thành xu thế tất yếu. Sự ra đời của Hội CCV tại các địa phương cũng như Hiệp hội CCV Việt Nam hứa hẹn sẽ góp phần tích cực để đưa HĐCC Việt Nam đạt tới sự chuyên nghiệp và hiện đại.

Chú thích:
1. Bộ Tư pháp. Danh sách các Hội Công chứng viên đã thành lập năm 2018.
2. Bộ Tư pháp. Thống kê về tổ chức và hoạt động công chứng năm 2018.
3, 4. Bộ Tư pháp. Kết quả hoạt động công chứng năm 2015 và năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Công chứng năm 2006 và năm 2014.
2. Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014.
3. Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 02/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thị Thanh Mai
Trường Cao đẳng Kinh tế – Tài chính Thái Nguyên