Vi-rút corona sẽ thay đổi thế giới vĩnh viễn

(QLNN) – Dưới đây là dự báo của một số nhà tư tưởng đương đại lớn về cộng đồng, kinh tế, công nghệ y sinh, thói quen và những thay đổi mà vi-rút corona gây ra. Một số dự báo dành cho nước Mỹ nhưng nhìn chung đều có tính khái quát rất cao. Có những dự báo đã, đang hiện hữu và chứng tỏ đây là những dự báo rất xác đáng. Những chuyên gia dự báo này đều là những nhân vật có ảnh hưởng rất lớn và những nghiên cứu mang tính dự báo của họ có thể giúp người đọc chiêm nghiệm và có sự chuẩn bị cho những thay đổi lớn đã, đang, sẽ diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, nó có thể là những gợi ý giá trị cho những người làm chính sách, doanh nhân và những lãnh đạo cộng đồng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Thế giới thay đổi khi ngay cả việc tiếp xúc với các cá nhân cũng trở nên “nguy hiểm”

Deborah Tannen – Giáo sư ngôn ngữ học và là tác giả cuốn sách mới nhất có tên: Bạn là người duy nhất tôi có thể thổ lộ: Nội hàm ngôn ngữ tình bạn của phụ nữ.

Vào ngày 11/9 người Mỹ đau đớn nhận ra rằng, họ cũng dễ bị tổn thương bởi những tai ương mà trước đây họ từng nghĩ chỉ xảy xa ở những vùng đất xa xôi. Khủng hoảng tài chính năm 2008 cho chúng ta biết rằng, chúng ta vẫn có thể phải hứng chịu những sự việc bi thảm như đã từng trong quá khứ. Ví dụ như, sự sụp đổ kinh tế trong thời kỳ Đại suy thoái và giờ đây, đại dịch cúm Covid -19 lại xuất hiện như một bóng ma bất ngờ trong cuộc sống chúng ta.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Sự ngây thơ hay cũng có thể gọi là sự tự mãn này đã mất đi và tạo ra một phương thức tồn tại mới, theo đó chúng ta phải thay đổi những việc đang làm. Giờ thì chúng ta hiểu rõ, đụng chạm vào đồ vật, ở gần người khác và hít thở trong những không gian chật hẹp là những việc làm rủi ro. Nhận thức được điều này nhanh hay chậm có thể khác nhau giữa mỗi người nhưng có lẽ nó sẽ không bao giờ phai nhạt trong suy nghĩ của bất kỳ ai sống qua thời gian này. Có thể sẽ thêm một hành động bản năng giật lùi khi bắt tay hoặc chạm mặt với người khác và tất cả đều không ngừng rửa tay.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Sự vui vẻ khi có sự hiện diện của người khác có thể được thay thế bằng sự thư thái, thậm chí lớn hơn khi tỏ thái độ đặc biệt, muốn ở một mình với những người không thân thiết lắm. Và người ta thay vì đặt câu hỏi, “Lý do gì phải làm việc trực tuyến?” thì chúng ta sẽ hỏi, “Có lý do gì đặc biệt không mà phải làm việc trực tiếp?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Sẽ rất là khó khăn đối với những người không có hoặc thiếu các điều kiện vật chất cần thiết khi truy cập băng thông rộng, đây sẽ là những người tiếp tục chịu thêm thiệt thòi. Nghịch lý của việc giao tiếp trực tuyến là nó sẽ đào sâu thêm khoảng cách vốn có trước đây, nhưng đồng thời lại tạo ra liên kết thường xuyên hơn vì chúng ta sẽ giao tiếp với những người quanh ta càng lúc càng xa về khoảng cách vật lý – và với những người mà ta cảm thấy an toàn hơn khi giao tiếp trực tuyến.

Xác lập một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước mới

Mark Lawrence Schrad – Phó giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị và là tác giả cuốn sách sắp phát hành: Đập bỏ máy bán đồ uống cồn: Lịch sử cấm đoán toàn cầu. Từ lâu nước Mỹ đã đánh đồng chủ nghĩa yêu nước với các lực lượng vũ trang, nhưng giờ thì không ai mang súng ra bắn chết được con vi-rút cả. Thậm chí, chính những binh lính, sỹ quan lại đang bị viruts tấn công.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Những người lính tuyến đầu không phải là binh lính nhập ngũ, chẳng phải lính đánh thuê hay những anh hùng; họ là các bác sỹ, y tá, dược sỹ, giáo viên, nhân viên phục vụ, chủ doanh nghiệp nhỏ và công nhân. Giống như Li Wenliang và các bác sỹ khác ở Vũ Hán, nhiều người đột nhiên phải đảm nhiệm những nhiệm vụ không thể tưởng tượng được cộng với nguy cơ bị lây nhiễm và tử vong mà họ không bao giờ muốn.

Khi mọi sự đi qua, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra sự hy sinh của họ mới thực sự là hành động yêu nước, chúng ta sẽ phải ngả mũ trước đội ngũ bác sỹ, y tá và nói lời cảm ơn như cách chúng ta nói với các cựu chiến binh. Chúng ta phải bảo đảm cho một tầng lớp người mới, bởi họ đã dâng hiến cả sức khoẻ và sinh mạng của họ cho sự sống còn của chúng ta như: bảo đảm những phúc lợi về y tế, hưởng những ưu đãi mua hàng, thêm ngày nghỉ, thậm chí cần phải dựng tượng đối với họ.

Sự gia tăng xu thế khám bệnh từ xa

Ezekiel J. Emanuel – Trưởng khoa Y đức và chính sách Y tế, trường Đại học University of Pennsylvania. Đại dịch sẽ thay đổi phương thức triển khai dịch vụ y tế hiện nay. Từ lâu, khám bệnh từ xa đã bị cho ra rìa bất chấp sự tiện lợi và với chi phí thấp, nhưng giờ đây khám bệnh từ xa sẽ tăng vọt khi hệ thống y tế truyền thống quá tải bởi sự bùng nổ dịch bệnh.

Sự chuyển dịch này đã minh chứng và đóng góp hiệu quả nhất định khi đưa ra giải pháp phải hạn chế đi lại, tránh nguồn lây nhiễm; ngồi ở nhà và chỉ với một cuộc gọi video sẽ tránh được việc phải sử dụng hệ thống giao thông, phòng chờ và đặc biệt là tránh xa được những bệnh nhân đang cần chăm sóc đặc biệt.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Khoa học giành lại vai trò vốn có 

Sonja Trauss – Giám đốc điều hành YIMBY Law. Sự thật và khoa học đã bị sút giảm uy tín trong cả thế hệ vừa qua. Như Obi-Wan Kenobi đã nói trong cuốn Sự trở lại của Jedi, “nhiều sự thật chúng ta tin lại phụ thuộc vào quan điểm của chúng ta”.

Vào năm 2005, Stephen Colbert đã nhắc đến thuật ngữ “sự đáng tin cậy” để miêu tả ngôn ngữ chính trị ngày càng thiếu thực tế ở Mỹ. Ngành công nghiệp dầu khí đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại sự thật và khoa học, theo sau những nỗ lực tương tự của ngành công nghiệp thuốc lá. Tất cả những điều đó đã dẫn tới một tình trạng mà Đảng Cộng hoà Mỹ đã tuyên bố trong các báo cáo về coronavirus không có tính khoa học mà chỉ sặc mùi chính trị và điều này lại nghe hợp tai hàng triệu người.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, người Mỹ đã nhanh chóng làm quen với những khái niệm khoa học như lý thuyết vi trùng và tăng trưởng cấp số nhân. Không giống như hút thuốc lá hay biến đổi khí hậu, những người nghi ngờ vào khoa học đã ngay lập tức nhìn thấy tác động của coronavirus. Về điều này tôi nghĩ, phải mất chừng 35 năm nữa thì người dân mới khôi phục được một phần sự tôn trọng dành cho các chuyên môn về sức khoẻ cộng đồng và bệnh dịch.

Nhiều hạn chế tiêu dùng ồ ạt

Sonia Shah – tác giả cuốn Đại dịch: Lần dấu vết truyền nhiễm từ dịch tả, Ebola và xa hơn. Cuốn sách sắp xuất bản: Cuộc di cư vĩ đại kế tiếp – Vẻ đẹp và nỗi sợ hãi của cuộc sống di động. Trong kịch bản khả quan nhất, tổn thương đại dịch mang lại sẽ buộc phải chấp nhận những hạn chế đối với văn hoá tiêu dùng ồ ạt như một cái giá phải trả hợp lý để bảo vệ mình trước những nguy cơ trong tương lai hoặc những thảm hoạ thiên nhiên tương tự.

Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã thoả mãn nhu cầu ngoại cỡ của mình bằng cách không ngừng mở rộng phạm vi xâm chiếm hành tinh bằng những hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, buộc các loài sinh vật hoang dã trong tự nhiên phải dồn ép vào những môi trường sống nhỏ lẻ gần nơi ở con người. Đó chính là nguyên nhân đã khiến những vi sinh vật như coronavirus – chưa kể tới hàng trăm loại khác từ Ebola tới Zika- xâm nhập vào cơ thể người và gây ra dịch bệnh.

Trên lý thuyết, chúng ta có thể hạn chế sự mở rộng khai thác công nghiệp, bảo vệ môi trường sống hoang dã và vì thế vi khuẩn sẽ chỉ ở trong cơ thể động vật thay vì xâm nhập vào cơ thể người. Và nhiều khả năng chúng ta sẽ gặp phải ít biến chủng vi khuẩn, ít liên quan trực tiếp hơn. Thu nhập tối thiểu toàn cầu và nghỉ ốm có hưởng lương bắt buộc từ những vị trí việc làm mờ nhạt sẽ trở thành trung tâm của các tranh luận chính sách. Việc chấm dứt kiểm dịch hàng loạt, cách ly và giãn cách xã hội sẽ giải phóng nhu cầu giao tiếp thân thiết bị dồn nén và sẽ có một sự bùng nổ con số trẻ em ra đời nho nhỏ. Sự cường điệu trong giáo dục trực tuyến sẽ lắng xuống do một thế hệ người trẻ tuổi mới bị buộc phải sống thu mình trong thời kỳ dịch bệnh sẽ định hình lại văn hoá với một sự đề cao đời sống cộng đồng.

Vào năm 2018, chính quyền tổng thống Trump bị các chuyên gia chỉ trích vì áp thuế nhập khẩu thép bởi những lý do an ninh quốc gia. Vào thời điểm tổng thống đăng trên mạng xã hội Twitter, “NẾU BẠN KHÔNG CÓ THÉP, BẠN KHÔNG CÓ TỔ QUỐC!”. Nhưng đối với hầu hết các nhà kinh tế, Trung Quốc chính là lý do thực chất của sự gián đoạn trong thị trường kim loại, việc áp thuế quan lên các đồng minh là việc làm hơi vô lý, lập luận đưa ra là: Cuối cùng thì thậm chí nếu Hoa Kỳ thất bại trong ngành thép chúng ta vẫn còn có thể dựa vào các đồng minh Bắc Mỹ và châu Âu.

Đến năm 2020, chỉ mới đây thôi, các đồng minh của Mỹ đang xem xét các hạn chế đáng kể về đường biên giới, bao gồm đóng cửa cảng và hạn chế xuất khẩu. Trong khi không có dấu hiệu cho thấy bản thân vi-rút corona lây lan qua đường thương mại, nhưng ai cũng tưởng tượng được suy thoái nghiêm trọng và căng thẳng chính trị gia tăng sẽ hạn chế Mỹ tiếp cận các chuỗi cung ứng truyền thống. Sự thiếu hụt các sản phẩm nội địa trên thị trường đã hạn chế năng lực phản ứng của chính phủ trước các mối đe doạ. Những người duy lý có thể có cái nhìn khác nhau như: liệu hàng rào thuế thép của ông Trump có là phản ứng đúng thời điểm hay không. Trong những năm tới, hy vọng sẽ có nhiều sự ủng hộ từ các bên đối với ý tưởng: Chính phủ cần phải có một vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra một sự dư thừa hợp lý trong các chuỗi cung ứng có thể chịu đựng ngay cả những cú sốc thương mại từ các nước đồng minh.

Theo Dambisa Moyonhà kinh tế học, đại dịch vi-rút corona sẽ tạo ra áp lực chuyển dịch lên các tập đoàn để cân nhắc hiệu suất và chi phí/lợi ích của hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu trước sự mạnh lên của chuỗi cung ứng nội địa. Chuyển sang chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh hơn sẽ làm giảm bớt sự lệ thuộc vào hệ thống cung ứng toàn cầu đang ngày càng bị chia rẽ. Nhưng trong khi sự chuyển dịch này bảo đảm cho người dân mua được những thứ hàng hoá họ cần thì đồng thời nó lại làm tăng gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khoảng cách bất bình đẳng sẽ nới rộng

Theda Skocpol – Giáo sư xã hội học và chính phủ, Đại học Harvard. Các thảo luận ở Mỹ về bất bình đẳng thường tập trung vào khoảng cách giữa 99% dưới đáy và 1% thượng lưu. Nhưng một khoảng trống khác đang lộ diện và rộng ra là giữa top 20% người giàu nhất với phần còn lại – và đáng lo là khoảng cách này sẽ càng bị nới rộng sau cuộc khủng hoảng này.

20% người giàu nhất nước Mỹ đã kiếm được nhiều tiền hơn tất cả phần còn lại trong bậc thang thu nhập ở những thập kỷ gần đây. Thường thì những người này đều có một nửa còn lại giống họ ở điểm là có học thức rất cao. Và với mức lương cao ở những vị trí như giáo sư hay quản lý, họ sống trong những ngôi nhà đầy đủ Internet, điều này cho phép họ giao tiếp từ xa và lũ trẻ đều có phòng ngủ riêng, không hề bị ảnh hưởng trong khi học tại nhà. Trong khủng hoảng, phần lớn vẫn kiếm được những khoản thu nhập đều đặn và chi tiền mua sắm những thứ thiết yếu giao tới tận nhà.

80% còn lại thiếu tấm đệm tài chính đó. Một số sẽ ổn, nhưng rất nhiều người sẽ phải vật lộn khi bị mất việc làm và gánh nặng gia đình. Đây là những người bố/mẹ đơn thân hoặc những người sống trong gia đình chỉ có một người có thu nhập. Những người này gặp khó khăn khi làm việc tại nhà, thường có những việc làm trước đây thuộc khu vực phân phối hoặc dịch vụ, hoặc những việc làm khiến họ có nguy cơ tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 cao hơn. Trong nhiều trường hợp, trẻ nhỏ trong những gia đình này không được học tại nhà vì bố mẹ chúng không có khả năng dạy, hoặc những nhà đó không có Internet tốc độ cao để học trực tuyến.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.politico.com/news/magazine/2020/03/19/coronavirus-effect-economy-life-society-analysis-covid-135579#econ
Nguyễn Thanh Tùng (lược dịch)
Học viện Hành chính Quốc gia