Cần rà soát các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý

(QLNN) – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 là văn bản có tính pháp lý cao nhất sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức năm 2010. Theo đó, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức để bảo đảm phù hợp với luật này và các quy định hiện hành của các luật khác, kế thừa các quy định hướng dẫn đã ban hành. Dưới đây là một số góp ý đối với các quy định về bổ nhiệm, viên chức nghỉ hưu theo quy định của Đảng, Nhà nước về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tinh giản biên chế.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Cần rà soát các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý tại dự thảo Nghị định để bảo đảm thực hiện theo quy định của Đảng (Điều 40 Dự thảo). Xem xét sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, điều bổ nhiệm tại điểm a khoản 4 Điều 40 của dự thảo: “Viên chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ quản lý hoặc đề nghị giữ chức vụ quản lý cao hơn thì độ tuổi bổ nhiệm không quá 55 tuổi đổi với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ”cho phù hợp với Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và Luật Lao động số 45/2019/QH14. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử quy định: “Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Tại khoản 3 Điều 28, cần quy định rõ khi chuyển chức danh nghề nghiệp có được kết hợp thay đổi hạng viên chức hay không? Ví dụ: Giáo viên môn toán THPT hạng III đang hưởng lương đại học, nếu chuyển về dạy toán THCS có được chuyển sang hạng II để tiếp tục hưởng lương đại học không? Nếu không được thì xếp lương như thế nào?

Điểm d, khoản 3 Điều 39 nên quy định cụ thể thời hạn giữ “quyền”, “phụ trách” cơ quan, tổ chức, đơn vị vì quy hoạch chức danh cấp trưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; trường hợp nguồn trong quy hoạch cấp trưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa kiện toàn, bổ nhiệm được thì còn có nguồn nhân sự từ nơi khác. Hơn nữa thời hạn giữ chức vụ cho mỗi lần bổ nhiệm được quy định cụ thể là 05 năm, song thời hạn giữ “quyền”, “phụ trách” lại không quy định cụ thể do vậy có thể dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, vụ lợi và tiêu cực trong công tác cán bộ.

Tại Điểm c, khoản 3 Điều 39 đề nghị quy định thống nhất thời gian viên chức được giao “quyền”, “phụ trách” cơ quan, đơn vị để thực hiện thống nhất trong công tác bổ nhiệm viên chức. Bổ sung quy định về thời hạn giao quyền hoặc giao phụ trách tối đa không quá 12 tháng, vì thời hạn này đủ để làm quy trình bổ nhiệm đối với cấp trưởng.

Việc bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 39 dự thảo Nghị định, kể từ thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm mà viên chức chưa được bổ nhiệm lại thì đương nhiêm tạm dừng việc điều hành cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, đề nghị làm rõ khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định bổ nhiệm lại thì thời điểm bổ nhiệm lại liên tục với thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm trước đó hay kể từ khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại.

Bộ Nội vụ cần xem xét bổ sung quy định cụ thể danh mục hoặc quy định tiêu chí làm căn cứ để xác định các “chức vụ tương đương”; quy định xác định nhân sự tại chỗ, nhân sự từ nơi khác để thực hiện quy trình bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hướng dẫn bổ sung quy định cụ thể về thời điểm tính tuổi bổ nhiệm lần đầu làm căn cứ để thống nhất thực hiện.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 169 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 lực thi hành từ 01/01/2021 quy định: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”.

Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021 quy định về tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo lộ trình; Bộ Nội vụ cần hướng dẫn đối với các trường hợp: viên chức đề nghị bổ nhiệm lần đầu thời điểm hiện tại còn trên 04 năm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành; tuy nhiên từ năm 2021 trở đi khi được tăng thêm tuổi nghỉ hưu theo quy định mới thì viên chức đó đủ 05 năm (60 tháng) đến tuổi nghỉ hưu hoặc công chức được tăng tuổi nghỉ hưu để bổ nhiệm lại cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu hay kéo dài thời gian giữ chức vụ ở thời điểm hiện tại.

Xem xét bổ sung quy định khung số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc quy định khoán tổng số lượng cấp phó cho các địa phương, đơn vị làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giao số lượng cấp phó cụ thể cho từng đơn vị. 

Khoản 4 Điều 50 của Dự thảo quy định “Người được trên 50% số người được triệu tập ở các hội nghị đồng ý thì người đứng đầu ra quyết định bổ nhiệm lại hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Trường hợp dưới 50% đồng ý thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến để người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định”. Trường hợp được đúng 50% đồng ý thì xem xét, quyết định thế nào? Vì vậy, đề nghị sửa là: “Người được trên 50% số người được triệu tập ở hội nghị đồng ý thì người đứng đầu ra quyết định bổ nhiệm lại hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; trường hợp từ 50% trở xuống đồng ý thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến để người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định”.

Đề nghị quy định cụ thể đối với trường hợp đang trong thời gian thi hành kỷ luật nhưng chưa đến mức cách chức mà đến thời hạn bổ nhiệm lại thì không được bổ nhiệm lại và sau khi hết thời hạn kỷ luật được xem xét bổ nhiệm lại (nếu có) theo quy trình như bổ nhiệm mới hay thực hiện theo quy trình bổ nhiệm lại.

Thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản lý, tại điểm c, Khoản 3 Điều 39, kính đề nghị quy định thống nhất thời gian viên chức được giao “quyền”, “phụ trách” cơ quan, đơn vị để thực hiện thống nhất trong công tác bổ nhiệm viên chức (chẳng hạn thời gian giao “quyền”, “phụ trách” cơ quan, đơn vị không quá 1 năm, nếu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ).

Tại điểm b, khoản 1, Điều 54 dự thảo Nghị định: “b) Viên chức quản lý không đủ năng lực, uy tín để làm việc thuộc một trong các trường hợp: Có 02 năm liên tiếp của thời hạn giữ chức vụ bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;”. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 29 Luật Viên chức: “a) Viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;”thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức. Do đó, góp ý điều chỉnh nội dung này theo hướng đồng bộ với khoản 12, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như sau: “b) Viên chức quản lý không đủ năng lực, uy tín để làm việc thuộc một trong các trường hợp: Có 02 năm không liên tiếp của thời hạn giữ chức vụ bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, bị xếp loại chất lượng  ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;”

Về thôi việc, ngoài các trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 56 dự thảo Nghị định, đề nghị xem xét bổ sung: không thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức chuẩn bị có thông báo nghỉ hưu trong thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng để tránh thực tế một số trường hợp viên chức xin thôi việc trước thời điểm chuẩn bị có thông báo nghỉ hưu.

Chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, được ký kết hợp đồng vụ việc với đơn vị sự nghiệp. Đối với nội dung này đề nghị hướng dẫn thống nhất việc thực hiện chế độ hợp đồng vụ việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tại khoản 1, Điều 58 dự thảo Nghị định: “1. Thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định“. Thực tế hiện nay có nhiều viên chức không có ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì dự thảo chưa quy định cụ thể thời điểm xác định nghỉ hưu. Do đó, kiến nghị bổ sung nội dung khi viên chức không có ngày, tháng sinh thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề năm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và viết lại như sau: “1. Thời điểm nghi hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp viên chức không có ngày, tháng sinh thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu”.

Tại khoản 3. Điều 60 dự thảo Nghị định: “Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức khi bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm phải hoàn thiện tiêu chuẩn của ngạch được bổ nhiệm; đồng thời được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã bổ nhiệm, được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ khác như viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì không quy định đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, kiến nghị điều chỉnh nội dung này phù hợp với luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định chuyển tiếp cần lưu ý đến các văn bản có liên quan, chẳng hạn như: Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm… Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa các quy định. 

Về trách nhiệm trong công tác bổ nhiệm viên chức quản lý. Các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khác nhau thì có những đặc thù riêng trong công tác bổ nhiệm, ví dụ, đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, theo quy định tại Luật GDĐH số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018, trường đại học công lập có Hội đồng trường, tại Điều 16 quy định thẩm quyền của Hội đồng trường “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng; việc quyết định chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định”.

Đối với lĩnh vực báo chí, tại Luật số 103/2016/QH13 ngày 05/4/2016 quy định quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí “Bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Theo đó, quy trình bổ nhiệm nhân sự ở các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khác nhau có tính chất đặc thù, đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung quy định mở để các đơn vị có thể thực hiện theo quy định chung cũng như quy định đặc thù riêng.

Đề nghị bổ sung nội dung: “trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hợp đồng; trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản” để bảo đảm quyền lợi viên chức, tránh việc người sử dụng lao động tuỳ tiện không ký tiếp hợp đồng làm việc khi người lao động hết thời hạn hợp đồng làm việc.

TS. Lê Thị Hoa
Học viện Hành chính Quốc gia