Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 – 2030

(QLNN) – Những năm qua, với việc triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Việc chú trọng khai thác tốt các tiềm năng về du lịch đã và đang đưa ngành “công nghiệp không khói” dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội Quảng Ninh phát triển.

 

Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới
Quảng Ninh huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển du lịch

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, hiệu quả phát triển ngành Du lịch, Quảng Ninh đã thường xuyên quan tâm đến việc bảo vệ các di tích, di sản gắn với bảo tồn, sưu tầm, phát huy giá trị di sản phi vật thể; phát triển du lịch tỉnh mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm; phát triển song song du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển du lịch.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu, đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành một trung tâm du lịch quốc tế với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tiền đề vững chắc cho mục tiêu trên đã được minh chứng bằng tốc độ phát triển du lịch của tỉnh trong những năm qua.

Năm 2016, hoạt động du lịch Quảng Ninh có bước tiến quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh đạt trên 8,3 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đến Quảng Ninh đạt 3,5 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 20151.

Năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón được trên 12 triệu lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng 22,1% cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% cùng kỳ. Thu ngân sách từ du lịch ước đạt 2.750 tỷ đồng, chiếm 9% tổng ngân sách nội địa, tăng 31% so với cùng kỳ. Mức chi tiêu bình quân cho một du khách quốc tế đạt 104USD/khách, tăng 8,5USD/khách so với năm trước2.

5 tháng đầu năm 2019 đánh dấu những bước phát triển mạnh của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh. Việc chú trọng khai thác tốt các tiềm năng về du lịch đã và đang đưa ngành “công nghiệp không khói” dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội Quảng Ninh phát triển.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh, 5 tháng đầu năm 2019, các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã đón 7,5 triệu lượt du khách, tăng 14% (so với cùng kỳ năm 2018), đạt 54% kế hoạch năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh đạt trên 2,4 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 51% kế hoạch năm3.  Công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được tăng cường và không ngừng đổi mới, đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, định hướng, ban hành các chính sách quản lý, quy hoạch…

Tại Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, tỉnh phấn đấu đưa tổng số nhân lực tăng 15%/năm, từ 29.000 người năm 2013 lên 77.000 người vào năm 2030. Quảng Ninh cũng xác định tập trung phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, trong đó tạo việc làm cho 62.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, tổng số khách du lịch đạt 23 triệu lượt; tạo việc làm cho 120.000 lao động trực tiếp4. Với Quy hoạch này, giải pháp chính của tỉnh là phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng dự báo, cân đối về cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, du lịch Quảng Ninh còn gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức như:

Thứ nhất, ngân sách, cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài chưa phù hợp; các văn bản chỉ đạo, điều hành chung của cơ quan nhà nước liên quan đến hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch còn nhiều bất cập, cản trở việc tổ chức các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền cho ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, việc quản lý các khu di tích còn chồng chéo hoặc chưa được quản lý đầy đủ, nhất là các khu di tích nhỏ vẫn do người dân địa phương quản lý theo kiểu tự phát, gây khó khăn cho việc quản lý đầu tư, quảng bá hình ảnh đến khách du lịch. Việc xúc tiến những điểm đến như Hạ Long đang chủ yếu do các doanh nghiệp tự thực hiện.

Thứ ba, nguồn nhân lực du lịch còn yếu và thiếu (từ vị trí cao nhất là tổng quản lý đến những công việc như bồi bàn, dọn phòng…  Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch. Với tốc độ phát triển du lịch “chóng mặt” như hiện nay thì công tác đào tạo du lịch cần được tính toán kỹ và cần được đặc biệt chú trọng.

Thứ tư, việc tăng trưởng du lịch quá nóng trong thời gian vừa qua đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là những khu du lịch ven biển. Cùng với sự gia tăng về lượng khách, các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh, nhất là ở các vùng trọng điểm phát triển du lịch; đa dạng sinh học, cảnh quan nhiều khu vực bị xâm hại nghiêm trọng. Sự gia tăng ngày càng nhanh lượng khách du lịch kéo theo việc xuất hiện tràn lan các cơ sở dịch vụ, đã dẫn đến việc sử dụng quá mức tài nguyên, gây tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cụ thể:

Một là, do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa thực sự sáng tạo cũng như chủ động học hỏi cách làm du lịch của những quốc gia có ngành Du lịch phát triển.

Hai là, cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật phục vụ cho lĩnh vực đầu tư nói chung, đầu tư cho lĩnh vực du lịch nói riêng chưa hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, làm giảm hiệu quả của việc quản lý nhà nước cũng như các hoạt động đầu tư, kêu gọi đầu tư từ phía doanh nghiệp.

Ba là, nhân sự quản lý hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch còn yếu về kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp cũng như nền tảng lý luận khoa học. Số lượng, chất lượng hướng dẫn viên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bốn là, việc tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức người dân cũng như doanh nghiệp làm du lịch bảo vệ môi trường chưa thực sự sát sao, hiệu quả, còn làm qua loa, hình thức, dẫn đến việc nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại Quảng Ninh của người dân còn hời hợt.

Năm là, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đưa công nghệ thông tin vào quản lý di sản văn hóa cũng như bồi dưỡng cán bộ quản lý làm công tác bảo tồn di sản văn hóa chưa cao, dẫn đến việc tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Ninh tới bạn bè quốc tế còn hạn chế.

Để du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, Quảng Ninh cần tập trung vào một số nội dung sau:

1) Xây dựng những chính sách, văn bản pháp luật thiết thực, có tác động thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tránh tình trạng làm du lịch “một mình mình biết”.

2) Tỉnh cần ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường tại các khu, điểm du lịch như xây dựng, phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, nuôi trồng thủy sản, sản xuất ở các làng nghề.

3) Cần thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch địa phương, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên nhân văn, bảo đảm mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường cảnh quan phát triển bền vững.

4) Xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông đồng bộ, đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, internet để quảng bá du lịch, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng tham gia phát triển du lịch.

5) Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động hoạt động trong ngành Du lịch là sứ giả trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của Quảng Ninh. Tỉnh cũng cần cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch. Cán bộ quản lý du lịch cần được cập nhật, đào tạo thường xuyên các kỹ năng mới trong quản lý và phục vụ du lịch, bao gồm cả ngoại ngữ, văn hóa ứng xử quốc tế và tư duy phát triển du lịch bền vững.

6) Tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh du lịch liên kết. Liên kết giữa các tỉnh lân cận thành tuyến du lịch. Liên kết giữa các tỉnh có điểm chung và thế mạnh về biển và quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch lâu dài trong liên kết du lịch quốc tế về phát triển, quảng bá di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào…

Chú thích:
1, 2. Sở Du lịch Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ năm 2019. http//vietnamtourism.gov.vn, ngày 20/12/2018.
3. Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh. Báo cáo phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh 5 tháng đầu năm 2019.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết
Học viện Hành chính Quốc gia