Đổi mới tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức: nhìn từ các trường đại học công lập

(QLNN) – Xu hướng tự chủ đại học đòi hỏi các quy định của Nhà nước về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức phải tạo ra hành lang pháp lý theo hướng quy chuẩn, đồng thời cần bảo đảm linh hoạt để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện.

 

Các thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính tại kỳ tuyển dụng công chức cấp xã năm 2019. Ảnh: Hữu Tiệp

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức với các nội dung phù hợp với Luật số 52/2019/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức năm 2019. Việc xây dựng và ban hành Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức là rất cần thiết vì: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức năm 2019 (được thông qua ngày 25/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) là văn bản có tính pháp lý cao nhất sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức năm 2010 quy định một cách đầy đủ và toàn diện về quy định về viên chức, quyền nghĩa vụ của viên chức, tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cần có những quy định chi tiết đối với những nội dung mang tính khái quát và nguyên tắc trong Luật sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, bảo đảm thống nhất hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Viên chức năm 2010Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức năm 2019, thay thế cho cho Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc xây dựng Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cần bảo đảm phù hợp với Luật Viên chức năm 2010, Luật số 52/2019/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức năm 2019, phù hợp với các quy định hiện hành của các luật khác, kế thừa các quy định hướng dẫn đã ban hành, đồng thời cũng bổ sung điểu chỉnh các trường hợp phát sinh trong thực tiễn tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức mà các quy định pháp luật trước đây chưa đề cập. Trong lĩnh vực giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các đại học, trường đại học, học viện là các đơn vị sự nghiệp công lập vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức, vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học. Theo đó việc đổi mới tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cần quan tâm đến một số vấn đề cụ thể trong lĩnh vực giáo dục đại học như sau:

Một là, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cần chú ý đến vai trò của Hội đồng trường của các trường đại học công lập.

Điều 16 Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, tại trường đại học, cao đẳng có Hội đồng nhà trường. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của c hủ sở hữu và các bên liên quan. Hội đồng trường có quyền hạn: ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với các trường đại họckhi tổ chức tuyển dụng viên chức, việc ban hành thông báo tuyển dụng phải dựa trên cơ sở danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn của từng vị trí đã do Hội đồng trường thông qua, đồng thời thực hiện tuyển dụng theo các quy định mà Hội đồng trường đã quy định. Đây là điểm khác biệt đáng kể giữa các trường đại học công lập với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khác. Theo đó, cần chú ý làm rõ vai trò của Hội đồng trường trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Việc làm rõ vai trò của Hội đồng nhà trường sẽ bảo đảm sự thống nhất chung giữa các đơn vị sự nghiệp công lập trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, vừa linh hoạt đáp ứng được tính đặc thù của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực cụ thể là giáo dục đại học.

Hai là, tạo cơ chế giúp các trường đại học chủ động tuyển dụng những người có trình độ cao và tài năng vào làm việc.

Hiện nay, chức danh nghề nghiệp của viên chức giảng dạy được chia thành ba hạng: hạng I, hạng II và hạng III, trong khi Luật Giáo dục đại học quy định chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư, theo đó quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần bao quát các trường hợp đặc thù như trong lĩnh vực giáo dục đại học. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng viên chức hiện nay thường yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, trong khi tại nhiều trường đại học, khi sinh viên tốt nghiệp đã phải bảo đảm yêu cầu của chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và đạt trình độ nhất định về tin học. Vì vậy, nên nghiên cứu giản lược các điều kiện, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và thăng hạng.

Việc giản lược này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của các trường đại học được so sánh tương ứng với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện đang được sử dụng và được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Việc giản lược này sẽ giảm bớt chi phí xã hội trong tuyển dụng viên chức, đồng thời cũng tạo điều kiện thúc đẩy các trường tăng cường triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại các Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 và Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017.

Đối với các trường đại học, việc tuyển dụng được những giảng viên có trình độ cao, được đào tạo tại các trường danh tiếng, có bài báo nghiên cứu khoa học đặc trên các tạp chí uy tín sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng tầm các trường đại học theo hướng hội nhập quốc tế.

Việc tuyển dụng viên chức cần cho phép các trường đại học có thể tổ chức sát hạch tiếp nhận ngay không qua thông báo tuyển dụng đối với các ứng viên là người đã tốt nghiệp trình độ tiến sỹ trong và ngoài nước hoặc thạc sỹ tại nước ngoài, có bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên Tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI hoặc scopus hoặc có đề tài, đề án nghiên cứu đã được áp dụng thực tiễn có hiệu quả mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng có nguyện vọng làm việc, giảng dạy tại trường đại học phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và trong chỉ tiêu đã được duyệt. Điều này sẽ giúp tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, rút ngắn thời gian tiếp nhận nhằm thu hút nhân tài phù hợp với vị trí việc làm của đơn vị, góp phần thực hiện chính sách thu hút đội ngũ có trình độ cao về công tác tại các trường đại học theo chính sách thu hút nhân tài của Chính phủ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn nói chung và các trường đại học công lập tự chủ hoàn toàn nói riêng, việc giao quyền hạn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức là cần thiết, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm để thực hiện trong khuôn khổ cho phép, nhằm kiểm soát, giám sát đối với loại hình đơn vị sự nghiệp công lập này, vì nếu không có cơ chế kiểm soát sẽ có thể dẫn đến tình trạng tuyển dụng không phù hợp, gây khó khăn trong quản lý viên chức.

Thứ ba, cần cân nhắc nguồn tài chính chi trả trợ cấp cho viên chức trong trường hợp thôi việc.

Trong thực tiễn, nhiều trường hợp viên chức chuyển công tác qua nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Khi viên chức thôi việc, việc quy định chi trả trợ cấp thôi việc cần làm rõ nguồn chi trả để bảo đảm phù hợp với thực tiễn của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thông thường, kinh phí chi trả trợ cấp cho viên chức thôi việc thường được trích từ các nguồn theo thứ tự ưu tiên: nguồn tài chính của đơn vị, ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc chi trả trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc, khi đó đơn vị sự nghiệp công lập có viên chức thôi việc phải sử dụng nguồn lực tài chính của mình để chi trả trợ cấp thôi việc cho cả thời gian trước đó viên chức đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức đơn vị khác, trong khi nguồn tài chính của của các đơn vị sự nghiệp là do các đơn vị tự cân đối thu chi. Do đó, nếu đơn vị sự nghiệp phải chi trả cho cả quãng thời gian làm việc trước đó của viên chức tại các đơn vị khác có thể có tác động hạn chế viên chức thôi việc, làm chậm quá trình tinh gọn đội ngũ viên chức.

Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học nói riêng chỉ dùng nguồn kinh phí của mình chi trả trợ cấp thôi việc cho thời gian viên chức làm việc tại đơn vị, quãng thời gian trước đó viên chức làm việc cho các đơn vị khác sẽ được tài trợ từ nguồn khác, chẳng hạn như từ nguồn kinh phí đóng góp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã từng sử dụng viên chức theo cơ chế tương tự như cơ chế đóng góp và chi trả cả bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ tư, cần hạn chế, giảm bớt các thủ tục hành chính trong các quy định, đồng thời phát huy tính tự chủ cho các đơn vị trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Hạn chế, giảm bớt các thủ tục hành chính là giảm bớt chi phí xã hội, tăng hiệu quả trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Vì vậy, các nội dung quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cần hạn chế việc chi tiết hoá về quy trình, thủ tục trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, đặc biệt là đối với trường hợp các đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ. Theo đó, đối với các đơn vị được giao quyền tự chủ, các quy trình, thủ tục nên quy định những điểm chung nhất, đồng thời cho phép các đơn vị tự xây dựng những quy trình, thủ tục chi tiết trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Như thế sẽ tạo kiều kiện cho các đơn vị được giao quyền tự chủ phát huy được tối đa khả năng của mình, tạo điều kiện cho đơn vị cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đơn vị.

Bên cạnh đó, cần quan tâm nghiên cứu về luân chuyển và chính sách luân chuyển đối với viên chức lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập tương tự như quy định đối với công chức, đồng thời nghiên cứu bổ sung các quy định về thuê lao động, chế độ, chính sách đối với người lao động được thuê để bổ nhiệm giữ chức, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập giao quyền tự chủ.

Tóm lại, việc đổi mới tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cần bám sát theo quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là trong những ngành, lĩnh vực cụ thể, đồng thời bao quát, điều chỉnh được các trường hợp phát sinh trong thực tiễn tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ giúp các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tính tự chủ, vận hành hiệu quả, đồng thời vẫn bảo đảm thống nhất trong quản lý nhà nước đối với vấn đề tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

TS. Nguyễn Xuân Thu
Học viện Hành chính Quốc gia