Cần có chiến lược bài bản cùng chính sách phù hợp đón đầu trật tự kinh tế mới cho doanh nghiệp sau dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Qua hai cuộc khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), lần 1 vào đầu tháng 3/2020 đối với 1.200 doanh nghiệp vừa và nhỏlần 2 vào giữa tháng 4/2020 đối với 358 doanh nghiệp, cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần có các giải pháp mạnh và đồng bộ hơn trong mục tiêu chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp và kiểm soát chặt chẽ khâu tổ chức thực thi. Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch Covid-19 để tận dụng tối đa các cơ hội.

 

Nhận diện các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh

Dưới đây là kết quả khảo sát vào đầu tháng 3/2020 của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đối với 1.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 100 lao động chiếm 75%; doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động, chiếm 14,3%; doanh nghiệp có quy mô từ 100 đến 200 lao động, chiếm 10,7%.

Mặc dù số liệu khảo sát lần này chưa phản ánh được cơ cấu phân theo loại hình doanh nghiệp (nhà nước, ngoài nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài) song cơ cấu doanh nghiệp theo ngành kinh tế trong khảo sát này (Biểu đồ 1) tương đồng so với cơ cấu doanh nghiệp phân theo ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) được báo cáo trong Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 20191.

Điểm khác biệt ở đây là tỷ lệ doanh nghiệp Du lịch (Dịch vụ lưu trú, ăn uống2) chiếm tới 29% số doanh nghiệp trả lời khảo sát. Tương tự là tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo trả lời khảo sát là 7%3. Số liệu này phần nào phản ánh tác động nghiêm trọng và tức thì của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành Du lịch và ngành Giáo dụckhiến các chủ doanh nghiệp rất tích cực tham gia khảo sát nhanh để bày tỏ vấn đề cùng các kiến nghị của mình. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Du lịch và Giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt các doanh nghiệp Du lịch không có khách hàng, hay các cơ sở Giáo dục, đặc biệt giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có tỷ lệ phản hồi tương đối cao, chiếm 20% trong tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát.

Xem xét tỷ lệ doanh nghiệp theo phân ngành nhỏ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Biểu đồ 2) thì trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019, hay trong Niên giám thống kê 2018 không phân loại chi tiết theo ngành nhỏ nên tỷ lệ này chưa có cơ sở tham chiếu.

Cũng qua kết quả khảo sát nhanh, tỷ lệ phản hồi của doanh nghiệp ngành dệt may và da giày chiếm tỷ trọng cao nhất, với 32% trong nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trả lời khảo sát. Tiếp đó là tỷ lệ doanh nghiệp ngành Chế biến thực phẩm và đồ uống là 13%, ngành sản xuất giường tủ, bản, ghế là 11%. Số liệu cho thấy, các doanh nghiệp bị tác động lớn và tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 thì có xu hướng quan tâm đến việc dành thời gian tham gia khảo sát để đề xuất kiến nghị (tương tự nhóm các doanh nghiệp Du lịch và Giáo dục). Đây cũng là những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, đồng thời có nguồn nguyên liệu hay thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khá lớn.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệpngành dệt may và da giày nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc năm 2019 và đa số các doanh nghiệp này chỉ dự trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3/2020, một số có thể đến đầu tháng 4/2020. Ngành chế biến gỗ, sản xuất giường tủ, bàn ghế thì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế. Bởi lẽ, hiện nay Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi, 67% tổng số giấy xuất khẩu. Do đó, khả năng các doanh nghiệp này tạm ngừng sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động, chứ không chỉ riêng thiệt hại của doanh nghiệp.

Các giải pháp chủ động của doanh nghiệp nhằm phòng, chống dịch bệnh

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay tiếp tục được khẳng định là đúng và trúng dựa trên kết quả khảo sát mới nhất (lần thứ 2 trên diện rộng) từ ngày 7/4-13/4/2020 đối với 358 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam6.

Kết quả khảo sát đã ghi nhận có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động. Có khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực bảo đảm trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là bảo đảm mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng; 26% doanh nghiệp trả lời phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trả trợ cấp cho lao động.

So với lần khảo sát trước đó chỉ có 5% số doanh nghiệp trả lời có chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì tại lần khảo sát này, 100% các doanh nghiệp mà có duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm tại văn phòng đều đã áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Như vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng không vì thế các doanh nghiệp “ngồi im”. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro và trong số 81% số doanh nghiệp trả lời có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100%, trong đó đã chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn…

Phần lớn doanh nghiệp trong số đó cũng đã thực hiện phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tập thể dục, nâng cao sức khỏe, yêu cầu nhân viên khai báo y tế nếu nghỉ làm quá 3 ngày, lập hồ sơ sức khỏe giao cho bộ phận nhân sự theo dõi hay xây dựng lại quy trình làm việc để phù hợp với tình hình mùa dịch.

15% số doanh nghiệp trả lời có thực hiện kiểm tra nhiệt độ người lao động trước khi vào phân xưởng và khử khuẩn toàn bộ vật tư, phụ tùng phục vụ sản xuất.

13% doanh nghiệp trả lời đã cho phép các lực lượng lao động gián tiếp (như văn phòng, tài chính, kế toán…) hoặc các vị trí có thể áp dụng trực tuyến được phép làm tại nhà để giảm việc tập trung đông người và hạn chế tiếp xúc.

6% doanh nghiệp trả lời đã áp dụng cách thức tổ chức nơi lao động, sản xuất thành “vùng cách ly” để bảo đảm an toàn cho mọi người và không đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp. Biện pháp cụ thể như tổ chức cho người lao động làm việc ở cơ sở trang trại nào thì cách ly luôn tại đó, không giao dịch với các khu vực khác; bố trí hệ thống sát khuẩn hoàn chỉnh, bố trí ký túc xá tập trung có kiểm soát y tế cho người lao động… Đây được xem là một trong các giải pháp có tính sáng tạo và rất điển hình để các doanh nghiệp khác tham khảo, học hỏi nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch. Số doanh nghiệp quyết định ngừng kinh doanh để phòng tránh bệnh tật lây lan, hoặc do khó khăn trong mùa dịch chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát.

Để duy trì sản xuất kinh doanh, có 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay sử dụng nền tảng internet để cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online, tư vấn online, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng.

Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%).

Những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này. Đây có thể là chỉ số tham khảo, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật để giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong những lĩnh vực này.

Điều rất đáng ghi nhận trong khảo sát lần thứ 2 là có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động. Có khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực bảo đảm trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là bảo đảm mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng; 26% doanh nghiệp trả lời phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trả trợ cấp cho lao động.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đã thể hiện nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ người lao động. Chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp còn 27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn; 26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.

Các giải pháp và kiến nghị

Các doanh nghiệp đa phần bày tỏ sự đồng lòng với Chính phủ trong việc kiên quyết ngăn chặn, dập dịch từ các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài và các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện sớm, đồng thời cũng thể hiện sự tích cực và chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh lây lan trong cơ sở sản xuất bằng cách tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đưa ra một số nhóm kiến nghị rất đáng lưu tâm để thực hiện 3 mục tiêu: chống dịch – chống suy thoái doanh nghiệp – chống thất nghiệp.

Về việc chống thất nghiệp, các doanh nghiệp ủng hộ tinh thần của Chính phủ và các Bộ ngành thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020. Tuy nhiên, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, thì doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này theo hướng có những chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động. Đơn cử, doanh nghiệp kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn… trong vòng 12 tháng để có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự nhằm thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới, thay cho chính sách vừa ban hành là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.

Về việc chống suy thoái, các kiến nghị vẫn cơ bản xoay quanh một số vấn đề gồm: (1) Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh; (2) Hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; (3) Giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; (4) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi mà nguồn cung vượt qua cầu trong nước; (5) Đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.

Song song với 2 nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp đặc biệt phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các Bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất – kinh doanh là rất cấp thiết.

Chú thích:
1. Năm 2018, Tỷ lệ DN nông, lâm, ngư nghiệp là 1,5%, DN Công nghiệp chế biến, chế tạo là 15,2%, DN Xây dựng là 15,2%, DN Dịch vụ là 66,6%, Vận tải kho bãi là 5,5% (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019)
2, 3. Tỷ lệ này trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 là 4%, 1,6%
4. Tham khảo Kiến nghị thư của Tập thể Giáo dục ngoài công lập số 01/2020-GDNCLV ngày 03/3/2020
5. Báo cáo số 266/CN-CBCT ngày 25/02/2020 của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương về Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam
6. Báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp về giải pháp/ hành động tích cực để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress thực hiện từ 07-13/4/2020
Thuý Vân