Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo

(Quanlynhanuoc.vn)- AI hiện đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sản xuất – kinh doanh, dịch vụ và đời sống con người. Tuy nhiên, AI là một lĩnh vực rất phức tạp và cũng tạo ra nhiều thách thức. Hiểu đúng về phát triển AI để nắm bắt kịp thời cơ hội và thách thức từ AI là rất cần thiết đối với mỗi con người, mỗi tổ chức và mỗi quốc gia.

Bài viết cung cấp một cái nhìn khái quát về sự phát triển vượt bậc của AI trong thời đại số và những thách thức lớn về phát triển AI. Trên cơ sở khảo sát nội dung cơ bản các chiến lược phát triển AI của một số nước trên thế giới, từ đó, xây dựng chính sách phát triển AI ở Việt Nam.

Hội thảo: Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được tổ chức. Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia cùng tạo thành mạng lưới để phát triển AI Việt Nam. (Ảnh: T.A/Vietnam+)
Kinh nghiệm xây dựng và phát triển AI của một số quốc gia trên thế giới

Ở Hoa Kỳ

Với lợi thế về sự phổ biến rộng rãi các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và internet vạn vật (Internet of Things), Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên (tháng 5/2016) xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển AI quốc gia (ban hành tháng 10/2016) với mục tiêu để Hoa Kỳ là cường quốc phát triển AI thế giới, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế và an ninh quốc gia của nước này phát triển. Trong bản kế hoạch này đã đưa ra bảy chiến lược và hai khuyến nghị1:

Bảy chiến lược: (1) Đầu tư dài hạn cho nghiên cứu phát triển AI; (2) Phát triển các phương pháp hiệu quả cho sự hợp tác giữa con người với AI, (hay nói cách khác là con người làm việc cùng đồng nghiệp là rô-bốt); (3) Nắm vững, giải quyết các vấn đề phát sinh về pháp lý, đạo đức và ảnh hưởng xã hội của AI; (4) Bảo đảm an toàn, an ninh của các hệ thống phát triển AI; (5) Phát triển các bộ dữ liệu công chia sẻ (shared public datasets) và môi trường để huấn luyện và kiểm thử AI; (6) Đo lường, đánh giá các công nghệ AI thông qua các tiêu chuẩn và điểm chuẩn (benchmark); (7) Hiểu rõ hơn nhu cầu nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển AI quốc gia.

Hai khuyến nghị: (1) Phát triển khung triển khai nghiên cứu AI để xác định các cơ hội khoa học – công nghệ và hỗ trợ hiệu quả việc hợp tác trong đầu tư nghiên cứu phát triển AI phù hợp với chiến lược từ 1 – 6. (2) Nghiên cứu xây dựng không gian phát triển AI quốc gia, bảo đảm duy trì bền vững nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển AI phù hợp chiến lược 7. Hai điểm nổi bật trong bảy chiến lược và hai khuyến nghị là các khu vực tập trung đầu tư của Chính phủ Hoa Kỳ và nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển AI cho Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ sẽ áp đặt các giới hạn xuất khẩu đối với chương trình AI nhất định ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, đối thủ lớn của họ (ảnh minh họa: internet)

Một số dự án nghiên cứu phát triển AI do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ đã được khởi động, chẳng hạn chương trình học máy suốt đời của cơ quan dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như từ bỏ kế hoạch trên đây bằng cách thi hành một chính sách đầu tư AI khác. Đồng thời, giảm đầu tư công trực tiếp cho một số khu vực phát triển AI, Chính phủ sử dụng chính sách cải cách thuế để thu hồi tiền đầu tư ra nước ngoài của các công ty và cho phép các công ty dùng toàn bộ số tiền đó vào đầu tư phát triển AI và các công nghệ tiên tiến khác. Chính sách này giúp một số khu vực AI của Hoa Kỳ có bước phát triển nhanh, chẳng hạn như máy bay không người lái và xe tự lái.

Tại Ấn Độ

Năm 2018, Ấn Độ mới bắt đầu công bố chiến lược phát triển AI nhưng đã bao hàm một ý tưởng đột phá, đó là, biến Ấn Độ trở thành “công xưởng” phát triển AI cho thế giới. Chiến lược mang tên là AI for all sẽ tập trung vào các dự án về chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng và giao thông cho thành phố thông minh. Bước chuyển sang phát triển AI của Ấn Độ tạo nên ngành gia công trị giá 143 tỷ USD và tuyển dụng 4 triệu lao động2.

Một chính sách rất đặc biệt của Ấn Độ trong phát triển AI đó là đầu tư cho giáo dục bằng AI và AI sẽ hỗ trợ ngược lại cho phát triển giáo dục ở quốc gia này. Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu Tracxn cho thấy hơn 300 công ty khởi nghiệp Ấn Độ sử dụng AI trong sản phẩm cốt lõi của họ và khoảng 11% hướng hoạt động vào lĩnh vực giáo dục3. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ của các ngành công nghiệp bên ngoài công nghệ và thương mại điện tử sử dụng AI trong việc cung cấp sản phẩm của họ. AI tác động đáng kể đến tương lai của giáo dục. Có nhiều nhà cung cấp công nghệ khác nhau đang giới thiệu các sản phẩm AI để tăng cường học tập cho mọi lứa tuổi. Các công cụ hỗ trợ AI giúp đánh giá mức độ hiểu biết hiện tại của một học sinh, xác định các khoảng trống và đưa ra đề xuất phù hợp, giống như hoạt động của một giáo viên.

Bên cạnh đó, Ấn Độ phát triển mạnh mảng sử dụng AI thay cho con người trong giao thông, quân sự, y tế… Đối với Ấn Độ, C4ISR (chỉ  huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính và trình báo, giám sát và trinh sát) đã chọn hỗ trợ và hướng dẫn việc sử dụng máy bay không người lái, AI và blockchain. Ví dụ, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thông tin về bệnh tật, các nỗ lực phòng ngừa và thử nghiệm lâm sàng được phân phối trên nhiều cơ quan khác nhau như bệnh viện tư nhân, công ty dược phẩm và phòng khám chính phủ. Để phân tích dữ liệu thông minh, tất cả dữ liệu chăm sóc sức khỏe nên được tạo, quản lý và lưu trữ theo một giao thức chung.

Ở nước Pháp

Châu Âu đi sau Bắc Mỹ và Trung Quốc trong xây dựng chiến lược phát triển AI. Do Đức tập trung vào Công nghiệp 4.0 và Anh tập trung cho việc rời khởi Liên minh châu Âu, nên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố chiến lược “lãnh đạo AI” quốc gia của nước Pháp với vốn đầu tư 1,5 tỷ Euro trong 5 năm (2018 – 2022) đã được nhìn nhận như đại diện cho chiến lược AI quốc gia của châu Âu4. Tuyên bố của Tổng thống Pháp về chiến lược phát triển AI là tóm tắt các điểm chính của Báo cáo chiến lược phát triển  AI của Pháp và châu Âu do Cédric Villani (nhà toán học Pháp được giải thưởng Fields năm 2010 và là một nghị sỹ Pháp) và cộng sự xây dựng. Bảy nội dung chính trong báo cáo đó là:

Một là, xây dựng một chính sách dữ liệu tích cực, khuyến khích các công ty cùng tạo lập và chia sẻ dữ liệu, tạo lập dữ liệu được xã hội quan tâm, hỗ trợ quyền sao lưu dữ liệu.

Hai là, bốn khu vực phát triển AI chiến lược trọng tâm là y tế, giao thông, môi trường, quốc phòng và an ninh, tiến hành các chính sách riêng theo từng khu vực chiến lược hướng vào các vấn đề chính, tạo nền tảng đặc thù khu vực, kiểm tra vùng đổi mới cho mỗi khu vực.

Ba là, thúc đẩy lợi thế tiềm năng nghiên cứu phát triển AI của Pháp, thành lập các tổ chức AI liên ngành tại các trường đại học và viện nghiên cứu được chọn lựa, phân bổ nguồn lực phù hợp dành cho nghiên cứu (bao gồm một siêu máy tính được thiết kế riêng cho ứng dụng AI với sự hợp tác của nhà sản xuất); tăng lương cho các nhà nghiên cứu và tăng cường trao đổi hàn lâm – công nghiệp.

Bốn là, lập kế hoạch ứng phó tác động của công nghệ AI tới người lao động, thiết lập phòng thí nghiệm công về chuyển đổi công việc, phát triển nghiên cứu về sự bổ trợ của máy móc tới con người, đánh giá phương pháp tài trợ mới cho đào tạo nghề.

Năm là, nâng cao tính thân thiện với môi trường của công nghệ AI, xây dựng trung tâm nghiên cứu về AI với hệ sinh thái, giảm thiểu năng lượng cho sử dụng AI, chuyển đổi hệ sinh thái song hành với độ tự do dữ liệu hệ sinh thái.

Sáu là, bảo đảm tính minh bạch của công nghệ phát triển AI, phát triển tính minh bạch và kiểm toán thuật toán, lưu ý trách nhiệm của các tác nhân AI liên quan tới đe dọa đạo đức, thành lập ủy ban đạo đức tư vấn cho các công nghệ số và AI với trách nhiệm tổ chức các tranh luận công khai về đạo đức AI, bảo đảm nguyên tắc trách nhiệm là của con người (đặc biệt khi công cụ AI dùng trong dịch vụ công).

Ở Nhật Bản

Nhật Bản luôn là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính theo GDP ngang giá sức mua5. Thị trường phát triển AI Nhật Bản tăng trưởng nhanh từ khoảng 3.700 tỷ yên (năm 2015) lên khoảng 87.000 tỷ yên (năm 2030)6. Chiến lược phát triển AI  hướng tới mục tiêu dẫn đầu thế giới với một số nội dung:

Một là, Hội đồng chiến lược công nghệ phát triển AI Nhật Bản được Chính phủ thành lập với vai trò quản lý ngành dọc 05 cơ quan nghiên cứu phát triển quốc gia, 03 trung tâm phát triển nòng cốt (Viện Công nghệ thông tin – Trung tâm quốc gia, Viện nghiên cứu vật lý và hóa học và Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp quốc gia).

Hai là, quá trình công nghiệp hóa AI tập trung ưu tiên vào ba khu vực là năng suất, chăm sóc sức khỏe – y tế theo ba giai đoạn: giai đoạn 1 (năm 2020): phát triển việc sử dụng và ứng dụng AI hướng dữ liệu vào các miền ứng dụng hạt giống; giai đoạn 2 (năm 2020 – 2025): phát triển việc sử dụng công cộng AI và dữ liệu vào nhiều miền mở rộng; giai đoạn 3 (năm 2025 – 2030): hệ sinh thái AI được thiết lập dựa trên sự kết nối và trộn nhiều miền. “AI như một dịch vụ” (AI as a Service: AIaaS) được thực thi dọc theo nhiều miền.

Ba là, ba trung tâm nghiên cứu phát triển nòng cốt tập trung nghiên cứu ưu tiên các công nghệ AI tiếp xúc xã hội (nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng/tổng hợp tiếng nói, dự báo) dựa trên dữ liệu đa dạng (cá nhân, thoại – hội thoại, nội khoa, lịch sử hành động và tìm kiếm, không gian sống – làm việc, bán hàng – sản xuất, giao thông, thiên nhiên, thời tiết, bản đồ – vùng đất – không gian đô thị). Chính phủ tăng đầu tư nghiên cứu phát triển AI gấp ba lần cho các công ty thuộc các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu phát triển trong vòng mười năm, đồng thời, thúc đẩy tăng cường đầu tư tư nhân cho nghiên cứu phát triển AI.

Bốn là, tạo môi trường phát triển cho các nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt thu hút nhân lực phát triển AI cao cấp trong và ngoài nước ở giai đoạn 1. Khuyến khích các nhà nghiên cứu AI tham gia tích cực về phát triển công nghệ AI.

Ở Hàn Quốc

Tháng 5/2018, Ủy ban Công nghiệp 4.0 Hàn Quốc công bố chiến lược phát triển AI quốc gia với vốn đầu tư 2.200 tỷ won nhằm trở thành một trong bốn cường quốc về phát triển AI trên thế giới, thu hút được 5.000 nhân sự AI cao cấp, xây dựng được 160 triệu đơn vị dữ liệu AI7. Chiến lược này đến năm 2030 và chia làm 04 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (năm 2020). Công nghệ lõi: phát triển công nghệ hiểu âm thanh – thị giác ngôn ngữ. Công nghệ mở rộng: hệ thống hỏi – đáp AI trong các lĩnh vực chuyên môn. Rút ngắn thời gian tìm kiếm thuốc mới trong ngành y tế từ 05 năm xuống còn 01 năm. Công nghệ nền: phân tích thông tin phức tạp cần vận dụng hoạt động diễn giải công suất lớn. Thu hút và đào tạo 590 nhân sự AI cao cấp và 2.250 nhân sự AI phổ thông. Xây dựng được 66,7 triệu đơn vị dữ liệu thông dụng, 4,3 triệu đơn vị dữ liệu công nghiệp và 9,2 tỷ đơn vị hiểu tiếng Hàn. Mỗi năm cung cấp hỗ trợ siêu máy tính cho 300 tổ chức.

Giai đoạn 2 (đến năm 2022). Công nghệ lõi: làm chủ lý thuyết học không giám sát, kỹ thuật tóm tắt ảnh, công nghệ theo dõi – phát hiện và dự đoán, học suy luận chức năng diễn giải (kéo dài tới năm 2025). Công nghệ mở rộng: hệ thống phát hiện rủi ro thời gian thực. Rút ngắn hơn một nửa chu kỳ phát triển thuốc mới trong ngành y tế (từ 15 năm xuống còn 7 năm). Công nghệ nền: trao đổi thông tin nhận thức giữa mạng thần kinh não bộ và mạng thần kinh AI; giao diện tích hợp an toàn não bộ và máy móc (kéo dài tới năm 2025). Thu hút và đào tạo 1.370 nhân sự AI cao cấp và 3.600 nhân sự AI phổ thông. Xây dựng được 111 triệu đơn vị dữ liệu thông dụng, 48,5 triệu đơn vị dữ liệu công nghiệp và 15,3 tỷ đơn vị hiểu tiếng Hàn. Mỗi năm cung cấp hỗ trợ siêu máy tính cho 400 tổ chức.

Giai đoạn 3 (đến năm 2025). Công nghệ lõi: tiếp tục học suy luận chức năng diễn giải. Thương mại hóa chíp mạng nơ-ron nhân tạo. Công nghệ mở rộng: hệ thống hỏi – đáp bằng hình ảnh. Phát triển thuốc mới tương thích với từng cá thể. Công nghệ nền: trao đổi thông tin nhận thức giữa mạng thần kinh não bộ và mạng thần kinh AI; giao diện tích hợp an toàn não bộ và máy móc. Phát triển nhân tài có năng lực lãnh đạo AI tầm thế giới (kéo dài đến năm 2030). Tăng cường củng cố cơ sở hạ tầng nghiên cứu với hình thức hợp tác mở rộng (kéo dài đến năm 2030).

Giai đoạn 4 (đến năm 2030). Công nghệ lõi: hợp tác tự chủ giữa AI với con người thông qua công nghệ học không giám sát. Công nghệ mở rộng: cung cấp chế phẩm thực phẩm –  y tế phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Công nghệ nền: củng cố, cải thiện khả năng nhận thức của con người thông qua ứng dụng AI. Phát triển nhân tài có năng lực lãnh đạo AI tầm thế giới. Tăng cường củng cố cơ sở hạ tầng nghiên cứu với hình thức hợp tác mở rộng.

Phương án đầu tư là tập trung vào các công nghệ mới, khu vực công khó thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ tạo thị trường sơ khai về các lĩnh vực có sức cạnh tranh tư nhân. Phương châm thực hiện là bảo đảm năng lực kỹ thuật phát triển AI theo tiêu chuẩn quốc tế trong khoa học cơ bản (AI thế hệ mới dựa trên nền tảng khoa học nhận thức, tính toán mạng nơ-ron), về công nghệ hạ tầng chíp AI, tính toán hiệu năng cao AI, về các lĩnh vực ứng dụng theo công thức AI+ X (thuốc mới, nguyên liệu tương lai, ứng dụng vào công nghiệp).

Thành lập Viện đào tạo sau và trên đại học về phát triển AI, tăng cường hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu phát triển AI tại các trường đại học – viện nghiên cứu. Xây dựng phòng thí nghiệm não bộ AI, Hub AI và các nền tảng hạ tầng AI công và tư. Công ty dẫn đầu về AI của Hàn Quốc là Saltlux đã nhận được vốn đầu tư 32 tỷ won cho sản phẩm AI8.

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng chính sách phát triển AI
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2018 (AI4VN – 2018). Trong ảnh: Bàn Chủ tọa Hội thảo Phiên thao luận mở. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Ở nước ta hiện nay, các thuật ngữ như “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “Thời đại số”, “Cuộc sống số” và “Trí tuệ nhân tạo” xuất hiện khá thường xuyên trong nhiều bài phát biểu, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hầu hết hướng tới công nghiệp phát triển AI, tập trung vào chủ đề người máy và một số chủ đề công nghiệp AI khác.

Để phát triển AI, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn tri thức, cộng đồng thế giới… Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính, đó là, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới. Phát triển AI được xác định là một công nghệ cho mục đích tổng thể (general purpose technologies), vì vậy, AI được coi là công nghệ “người cầm lái” dẫn dắt năng suất quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam cần “sớm lên đoàn tàu 4.0”9 và điều đó có nghĩa là cần thiết xây dựng một chiến lược  AI quốc gia “Trí tuệ nhân tạo cùng con người vì nhân loại” phù hợp nhất cho Việt Nam.

Thứ nhất, cần xác định đúng quy mô thị trường AI Việt Nam hiện thời và theo kỳ vọng chiến lược của một quốc gia xếp hạng 29 vào năm 2030, xếp hạng 20 vào năm 2050 tính theo GDP ngang giá sức mua trên thế giới. Tránh kỳ vọng chiến lược bị phóng đại hoặc bị hạ thấp quá mức.

Thứ hai, xác định được cơ hội và thách thức đối với sự phát triển AI. Nếu không dựa trên góc nhìn khoa học và trung thực, việc đánh giá cơ hội và thách thức đối với sự phát triển AI Việt Nam dễ rơi vào trạng thái cực đoan theo một phía lạc quan hoặc bi quan.

Thứ ba, cần khảo sát, phân tích khoa học nội dung chiến lược AI quốc gia của các nước trên thế giới để vận dụng cho Việt Nam. Chiến lược phát triển AI quốc gia của Việt Nam cần nghiên cứu phát triển theo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển đất nước.

Thứ tư, cần quan tâm tới năng lực hội nhập toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về mặt quản lý, doanh nghiệp cần quan tâm tới ba thách thức (1) Hiểu biết trực tiếp về AI; (2) Cấu trúc tổ chức phù hợp với AI; (3) Đổi mới tư duy về bối cảnh cạnh tranh của AI.

Thứ năm, nguồn nhân lực phát triển AI  là một nhân tố cốt lõi, bảo đảm sự thành công AI và nền kinh tế số Việt Nam. Đầu tư ưu tiên cho phát triển tài năng AI cần được coi là thành phần quan trọng nhất trong đầu tư chiến lược tăng cường quy mô thị trường AI của Nhà nước. Xây dựng chương trình đào tạo chuyên AI và các chương trình đào tạo liên ngành có liên quan tới AI.

Chương trình đào tạo cần quan tâm tới các khối kiến thức toán học, khoa học máy tính, điều khiển học cùng một số kiến thức khoa học cơ bản khác để cung cấp một nền tảng khoa học cốt lõi phát triển các mô hình và thuật toán AI độc đáo. Phân tích toán học để hiểu sâu hơn cơ chế nền tảng của mạng nơ-ron học sâu là rất quan trọng, không chỉ để cải thiện hiệu năng của mạng mà quan trọng hơn là để bảo đảm triển khai một cách có trách nhiệm các ứng dụng ảnh hưởng tới xã hội, điều đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của kiến thức khoa học cơ bản trong việc phát triển nhân lực AI tài năng.

Chú thích:
1. Định hướng chính sách phát triển công nghệ AI trên thế giới. https://mic.gov.vn, ngày 17/5/2018.
2. Ấn Độ trong “Bộ tam AI”. https://nhipcaudautu.vn, ngày 26/12/2018.
3. Ấn Độ: Trí tuệ nhân tạo ghi dấu trong giáo dục. https://giaoducthoidai.vn, ngày 25/01/2019.
4.Kế hoạch 1,5 tỷ Euro của Tổng thống Macron để đưa Pháp tiến tới thời đại AI. https://thoidaiai.net, ngày 21/9/2018.
5. The world economy PPP 2018 – The World Bank. https://howmuch.net, ngày 12/11/2019.
6, 7, 8. Trí tuệ nhân tạo trong thời đại số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn, ngày 21/8/2018.
9. Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0. https://bnews.vn, ngày 17/01/2019.

   ThS.  Nguyễn Thị Thu Hương
   Học viện Hành chính Quốc gia