PCI 2019: Hà Nội tăng 3 điểm là địa phương trong nhóm có chất lượng điều hành tốt

Lễ Công bố PCI – 2019 được tổ chức sáng nay (5/5) tại Hà Nội.

Báo cáo PCI được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát và công bố định kỳ hàng năm trong 15 năm qua. Sản phẩm quan trọng nhất của PCI, theo ông Vũ Tiến Lộc, không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân.

Từ các báo cáo PCI, câu chuyện cải cách được chia sẻ giữa các địa phương. Mô hình “cà phê Doanh nhân” “sự chụm đầu” thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp tại 40 tỉnh, thành phố. Các mô hình cải cách khác như trung tâm dịch vụ hành chính công, trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), bác sĩ doanh nghiệp… cũng lan tỏa giữa các địa phương.

Báo cáo PCI là khảo sát cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về mức độ cải cách của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cả nước hiện có gần 800 ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang chiếm tới 97-98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Với 73,40 điểm trong PCI 2019, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, Quảng Ninh lần thứ 3 giữ ngôi quán quân Bảng xếp hạng PCI, còn á quân Đồng Tháp đạt 72,10 điểm. PCI 2019 ghi nhận bước tiến của Vĩnh Long khi thăng hạng từ vị trí thứ 8 (với 65,53 điểm) năm 2018 lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm. Bắc Ninh tăng trở lại vị trí thứ 4 với 70,79 điểm, Đà Nẵng vẫn ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 70,15 điểm, Hà Nội ở vị trí thứ 9 với 68,80 điểm.

Năm 2019, Hà Nội tăng hơn 3 điểm, tiếp tục trụ vững vị trí thứ trong bảng xếp hạng ở vị trí số 9, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt. Từ năm 2015 đến nay, điểm số của Hà Nội đã tăng liên tiếp. Năm 2018, Hà Nội đứng vị trí thứ 9, được 65,40 điểm. Trong khi đó, năm 2019, Hà Nội đã nỗ lực cải thiện, được 68,80 điểm.

Trong các chỉ số thành phần, Hà Nội được đánh giá cao nhất về gia nhập thị trường, đạt 7,98 điểm. Thực tế cho thấy, Hà Nội có nhiều cải cách trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp; Tiếp đến là đào tạo lao động 7,91 điểm; chi phí thời gian được 7,18 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được 7,06 điểm. Năm 2019, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để giảm chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch cũng như tính năng động của chính quyền. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn dư địa để cải cách các yếu tố này.

Trong top 10 bảng xếp hạng còn có Đà Nẵng, Quảng Nam, Long An, Hải Phòng. Trong khi TP. Hồ Chí Minh “tuột” khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 14. Nhóm cuối bảng là Lai Châu, Đắc Nông, Bắc Cạn.

Đáng chú ý về chỉ số minh bạch của báo cáo PCI 2019, An Giang là tỉnh có điểm số cao nhất trong nhóm chỉ số thành phần này (7,44 điểm). Trong khi đó, Hưng Yên lại là tỉnh có điểm số tính minh bạch thấp nhất. Dù đã có sự cố gắng cải thiện trong 5 năm gần đây từ 4,88 điểm năm 2015 lên 5,98 năm 2019. Song, vị trí của Hưng Yên trong nhóm chỉ số này chưa được cải thiện nhiều.

Chỉ số PCI với 10 chỉ số thành phần, 128 bộ chỉ tiêu. Có thể xem là đánh giá mọi mặt môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố của Việt Nam. PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt tại các địa phương.

Theo trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, đã có 12.429 doanh nghiệp từ 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia điều tra PCI 2019, trong đó, 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua 15 năm thực hiện điều tra PCI (2005-2019), hơn 141.000 lượt doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI, gồm 125.160 doanh nghiệp dân doanh và gần 15.850 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cứ 5 doanh nghiệp hoạt động 1 doanh nghiệp tham gia điều tra PCI.

Năm 2019 có sự cải thiện trong chỉ số PCI đó là, điểm số bình quân 63,25 điểm. Điểm số giữa các tỉnh không còn khoảng cách khá xa. Tỉnh thấp nhấp trong bảng xếp hạng xấp xỉ 60/100 điểm, so với trước kia chỉ ở 39-40 điểm. Môi trường kinh doanh có xu hướng bình đẳng hơn tại các tỉnh, thành phố. Tính minh bạch có dấu hiệu được cải thiện, chất lượng trang web của chính quyền, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận được.

Báo cáo đã cho thấy, một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Điểm sáng nữa trong báo cáo PCI 2019 là việc, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI cũng cho biết, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế… Các doanh nghiệp FDI cũng mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

Tuy nhiên, không gian cải cách còn lớn, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đó là tiếp cận về mua sắm chi tiêu công còn khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp còn khó khăn về thủ tục hành chính về đất đai xây dựng cao hơn rất nhiều như giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư… Điểm sáng chi phí không chính thức trước kia là 68% bây giờ có xu hướng giảm còn 53% nhưng vẫn còn trên 50%.

10 lợi ích chính của PCI

1. Tạo động lực thay đổi:

Tác động lớn nhất của PCI là thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố Việt Nam nâng cao chất lượng điều hành kinh tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc công bố báo cáo PCI hàng năm đã tạo nhu cầu tự thân cho chính quyền cấp tỉnh phải thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá các vấn đề tồn tại trong công tác điều hành kinh tế địa phương, từ đó có kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh của mình.

2. Chuyển đổi tư duy:

Là chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành, PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy của các tỉnh, thành phố: Đó là cần tập trung vào cải cách chất lượng điều hành, như là một hoạt động quan trọng, cần ưu tiên triển khai thường xuyên, liên tục.

3. Cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng:

Điều tra của PCI hàng năm cung cấp nhiều thông tin về môi trường kinh doanh tại địa phương, đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư sử dụng trong quyết định đầu tư, kinh doanh.

4. Thúc đẩy đối thoại:

PCI là tiếng nói của doanh nghiệp về những vấn đề của họ tại địa phương. Thông tin từ PCI sẽ thúc đẩy các hoạt động đối thoại giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp.

5. Trao quyền cho doanh nghiệp:

Từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, rất ít và rất khó phản ánh những khó khăn của mình lên chính quyền, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm. PCI chính là tập hợp tiếng nói mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân về những vấn đề quan trọng trong môi trường kinh doanh mà chính quyền cần thay đổi.

6. Kênh hiệu quả giúp giảm nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp:

Qua phản ánh của các doanh nghiệp, PCI giúp nhận diện vấn đề nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương, trong từng các lĩnh vực cụ thể, với nhiều chỉ tiêu có thể theo dõi theo thời gian từ đó có thông tin để đề xuất chính quyền các tỉnh, thành phố lựa chọn các giải pháp xử lý. PCI được nhiều chuyên gia đánh giá là công cụ quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay để các doanh nghiệp thẳng thắn tiếp cận về chủ đề nhạy cảm này

7. Thúc đẩy tính minh bạch:

Báo cáo và các dữ liệu PCI được đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên trang web của Dự án PCI, giúp nhà đầu tư và các bên quan tâm có thể tiếp cận để tìm hiểu, đánh giá về môi trường kinh doanh tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.

8. Chuyển tải các ý tưởng cải cách:

PCI cổ vũ và làm lan toả các mô hình cải cách tại Việt Nam từ tỉnh thành công sang nhiều tỉnh thành phố khác. Các mô hình nhân rộng thời gian qua như mô hình một cửa liên thông trong thủ tục đầu tư tại cấp tỉnh, nghiên cứu đánh giá các sở ngành huyện thị (DDCI), cafe doanh nhân…

9. Thúc đẩy sử dụng bằng chứng thực chứng trong xây dựng và thực thi chính sách:

Qua PCI, các tỉnh, thành phố Việt Nam đã và đang làm quen với cách xây dựng, giám sát thực hiện và đánh giá hiệu quả chính sách cần có các số liệu làm căn cứ. Dữ liệu từ điều tra PCI đã được sử dụng rộng rãi trong các báo cáo, văn bản chính sách cấp tỉnh.

10. Định hướng đầu tư công:

Từ kết quả công bố PCI, đặc biệt là các thông tin về chất lượng thủ tục hành chính, nhiều địa phương có thêm động lực và định hướng đầu tư công phù hợp như triệt để áp dụng công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng website hay xây dựng phần mềm trong giao dịch với doanh nghiệp.

Thuý Vân