Triển khai mạnh mẽ 5 dịch vụ công trực tuyến theo hướng liên thông điện tử

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo Văn phòng Chính phủ cho biết: sau 5 tháng vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã hỗ trợ hơn 34,1 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; đã cấp hơn 133.000 tài khoản; công khai, minh bạch quá trình giải quyết của hơn 6,3 triệu hồ sơ; xử lý thành công hơn 52.000 hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng; tiếp nhận, xử lý 5.315 phản ánh, kiến nghị và 10.362 cuộc gọi tới tổng đài. Điều này đã cho thấy, sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 

5 dịch vụ công trực tuyến theo hướng liên thông điện tử.
Thực hiện các thủ tục hành chính bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với một số bộ, cơ quan (Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội) và 63 UBND tỉnh, thành phố đã xây dựng, tích hợp cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và có hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.

5 dịch vụ công trực tuyến theo hướng liên thông điện tử.

5 dịch vụ công trực tuyến theo hướng liên thông điện tử

(1) Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp.

(2) Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

(3) Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

(4) Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

(5) Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

5 dịch vụ này đã được triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, xác định đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan như sau:

– Đối với dịch vụ “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ cá nhân, tổ chức, Bộ Tài chính mà cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện trực tiếp là Tổng cục Thuế có nhiệm vụ hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ này theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong quá trình triển khai dịch vụ “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp”, tính đến ngày 05/5/2020, trên hệ thống của cơ quan thuế đã nhận được hơn 78.000 đề nghị của doanh nghiệp, gần 500 cá nhân đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tích cực tuyên truyền để các cá nhân tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, không phải đến nộp trực tiếp tại cơ quan thuế.

– Đối với dịch vụ “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng hệ thống để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, quy trình giải quyết sẽ được liên thông điện tử giữa 3 cơ quan: Bảo hiểm xã hội, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Về phía doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục xin xác nhận của Bảo hiểm xã hội; giảm hồ sơ, giấy tờ do được mẫu hóa thống nhất, đồng thời, rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan.

Dự kiến, cắt giảm ít nhất được 6 ngày làm việc so với việc thực hiện trực tiếp, giúp khoảng 3 triệu đối tượng thuộc trường hợp này được hưởng chính sách nhanh hơn.

– Đối với dịch vụ “Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng hệ thống để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Quy trình giải quyết sẽ được liên thông điện tử giữa 4 cơ quan Bảo hiểm xã hội, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo dịch vụ liên thông này, người sử dụng lao động chỉ cần nộp hồ sơ một lần để được giải quyết theo quy định thay vì phải thực hiện 3 thủ tục hành chính như cách nộp trực tiếp hiện nay (ở các cơ quan: Bảo hiểm xã hội; UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; Ngân hàng Chính sách xã hội); đồng thời, việc thực hiện liên thông điện tử cũng giúp rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan; giảm hồ sơ, giấy tờ do được mẫu hóa thống nhất.

Dự kiến, cắt giảm ít nhất được 10 ngày làm việc so với việc thực hiện trực tiếp, sẽ giúp khoảng 1 triệu đối tượng thuộc trường hợp này được hưởng chính sách nhanh hơn.

– Đối với “Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất”, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hệ thống nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của ngành xử lý đối với hồ sơ của dịch vụ này khi nộp trực tiếp. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

– Đối với “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống phản ánh, kiến nghị của Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Hệ thống này sẽ có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhằm giám sát, đánh giá quá triển khai của các bộ, ngành, địa phương hiện nay. Theo đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiến hành cấp tài khoản cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện việc giám sát, đánh giá thông qua tiếp nhận, xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để thực hiện.

Thông qua dịch vụ này sẽ phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng như vai trò giám sát của người dân. Kết quả cho đến nay, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ quan trọng vừa giúp các bộ, ngành thực thi chính sách vừa giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát, đánh giá quá trình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương một cách công khai, minh bạch và kịp thời nắm bắt tâm tư, dư luận của nhân dân về chính sách hỗ trợ.

Hồng Ngọc