Hà Giang thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập     

(Quanlynhanuoc.vn) – Hà Giang là vùng miền núi nên dân số ít, mật độ dân số thấp, người Mông chiếm đa số, còn lại là các sắc dân (gồm: Thổ, La Chí, Tày, Dao, Mán, Nùng, Giáy và Lô Lô…). Do địa thế toàn rừng núi nên kinh tế Hà Giang còn hạn chế và tương đối kém phát triển. Việc cung cấp dịch vụ công ở Hà Giang cũng vì thế mà có tính đặc thù riêng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước1
Người dân xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: PHI ANH
Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Đảng trong Nghị quyết số 19-NQ/TW

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, thời gian qua Hà Giang đã tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 19-NQ/TW được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, trong đó Đảng ta xác định:

– Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.

– Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các ĐVSNCL.

– Đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hóa. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các ĐVSNCL và ngoài công lập.

– Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đồng thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

– Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của ĐVSNCL, phát huy vai trò giám sát của người dân trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

 Mục tiêu tổng quát: Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; TGBC gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

 Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2021: Cơ bản hoàn thành việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL. Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% ĐVSNCL. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các ĐVSNCL (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011 – 2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025 và 2030: Hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động ĐVSNCL.

Đến năm 2025: Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các ĐVSNCL (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính). Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 – 2020.

Đến năm 2030: Tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 – 2025.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn đọc sách tại thư viện xanh.
Một số kết quả đạt được của tỉnh Hà Giang trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW

a. Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông: đã thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Trong năm 2019 đã giảm được tổng số 08 trường học, trong đó: huyện Yên Minh giảm 01 đơn vị trường học, lần lượt là huyện Mèo Vạc: 02 đơn vị trường học, huyện Quản Bạ: 02 đơn vị trường học, Bắc Mê: 01 đơn vị trường học, Yên Minh: 01 đơn vị trường học; Vị Xuyên: 01 đơn vị trường học2

– Đối với các lĩnh vực khác: Đã thực hiện chuyển đổi Trung tâm hành chính công tỉnh (trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh) từ đơn vị sự nghiệp sang cơ quan hành chính đặc thù; sáp nhập Trung tâm Thông tin và Trung tâm Công báo – Tin học thành Trung tâm Thông tin – Công báo (trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh); giải thể Trung tâm Giáo dục cộng đồng (trực thuộc UBND thành phố).

Từ kết quả sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trong năm 2019, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm 11 đơn vị sự nghiệp, trong đó: 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành và 09 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện3

b. Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Về quản lý biên chế: Thực hiện tinh giản biên chế (TGBC) trong khối sự nghiệp: năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt 113 viên chức, lao động hợp đồng 68 khối sự nghiệp đủ điều kiện nghỉ thôi việc ngay theo Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu; phê duyệt cho 124 trường hợp nghỉ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngảy 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế (trong đó: 120 người nghỉ hưu trước tuổi, 04 người nghỉ thôi việc ngay).

Việc phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp: Việc quản lý chỉ tiêu số lượng người làm việc và hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước và phân cấp của tỉnh hiện hành. Đặc biệt là theo chủ trương tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 2218/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với chỉ tiêu số lượng người làm việc trong ĐVSNCL thực hiện theo quy định tại Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong ĐVSNCL và thực hiện giao chỉ tiêu theo văn bản thẩm định của Bộ Nội vụ. Đối với chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Thông tư số 15/201/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, trong 5 năm (2015 – 2019) cho thấy, năm 2015: UBND tỉnh giao 26.390 chỉ tiêu số lượng người làm việc; thì năm 2019: UBND tỉnh giao 25.027 chỉ tiêu số lượng người làm việc (giảm 1.373 chỉ tiêu so với năm 2015)4.

– Việc giải quyết chế độ, chính sách và bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ lãnh đạo và người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện công bằng, khách quan, đúng quy định. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đã triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2019 nhằm nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc và tiêu chuẩn theo khung năng lực vị trí việc làm.

c. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐVSNCL theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Đồng thời,tập trung thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 về việc chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần. Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục và phương án chuyển đổi ĐVSNCL đủ điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần.

d. Nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL. 

Đối với việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL: Cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Hà Giang luôn chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả trong việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với TGBC, cương quyết không thành lập tổ chức mới, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn, sáp nhập các tổ chức có chức năng tương đồng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của trung ương và của tỉnh đã đề ra. Công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận khi tổ chức thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2019 và có định hướng những năm tiếp theo. Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy đã gắn với giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó của cơ quan, đơn vị; giảm sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ; giảm đầu tư trụ sở, trang thiết bị, sửa chữa; tăng cường vai trò tự chủ của các ĐVSNCL.

Đối với công tác TGBC: Các văn bản của Trung ương và của tỉnh triển khai thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện tực tế; 100% các cơ quan, đơn vị đã xây dựng đề án, kế hoạch TGBC theo đúng chủ trương Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chủ trương TGBC trên phạm vi toàn tỉnh.

Những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình thực hiện

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tỉnh Hà Giang hiện còn có nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện cụ thể như sau:

– Đối với việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL: một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết tâm cao trong việc tinh gọn bộ máy, nhất là các bộ phận bên trong; chế độ thông tin, báo cáo còn chậm, chưa cập nhập thường xuyên, kịp thời; các văn bản pháp luật và hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức sau khi tổ chức lại chưa được ban hành đồng bộ nên các địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.

– Đối với công tác TGBC: một số lĩnh vực có quy định về định biên như giáo dục và đào tạo, y tế, kiểm lâm (ngoài ra, lĩnh vực giáo dục, y tế còn phụ thuộc vào tỷ lệ tăng dân số…), nhưng không có ngoại lệ trong việc thực hiện TGBC tối thiểu 10% (theo Nghị quyết số 39-NQ/TW) và chỉ được tuyển mới không quá 50% số người đã tinh giản, nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP là không phù hợp, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, y tế. Việc thực hiện TGBC ở một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng nể nang, ngại va chạm trong nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức do việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay vẫn còn là khâu yếu, là một công việc khó, bất cập nhất trong các khâu về công tác cán bộ; việc thực hiện TGBC mới chủ yếu giảm ở đối tượng nghỉ hưu trước tuổi.

Các giải pháp trọng tâm của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW trong năm 2020 và các năm tiếp theo

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Hai là, cần khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt triển khai các Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL.

Ba là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức, đơn vị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Thực hiện chế độ tự chủ trong ĐVSNCL.

Bốn là, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Năm là, triển khai rà soát lại toàn bộ biên chế thuộc sự nghiệp giáo dục, giáo dục nghề nghiệp để bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp.

Sáu là, tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp; tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm các mô hình.

Chú thích:
1. Bách khoa toàn thư. Địa lý, lịch sử, hành chính tỉnh Hà Giang. https://vi.wikipedia.org, ngày 18/2/2020.
2,3,4. Báo cáo số 511/BC-UBND ngày 29/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
TS. Phạm Thị Hồng Thắm
Học viện Hành chính Quốc gia