Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở tỉnh Phú Yên

(QLNN) – Khiếu nại, tố cáo là vấn đề đang tồn tại ở các địa phương trong cả nước. Tùy vào số lượng và nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo sẽ chỉ ra những hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Theo đó, làm thế nào để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đồng thời, giảm dần số vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân là mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

 

1. Phú Yên là tỉnh ven biển ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có dân số khoảng hơn 900.000 người, với tổng thu ngân sách thực hiện năm 2018 đạt 4.500 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 52% tổng chi ngân sách1. Với các lợi thế về lực lượng lao động, truyền thống văn hóa, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và giao thông thuận lợi thì sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Yên hiện nay được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng hiện có.

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư, hợp tác để khai thác các lợi thế của địa phương với nhiều dự án, như: hầm đường bộ đèo Cả, đèo Cù Mông, khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa, dự án Nhà máy điện mặt trời, dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghệ cao… nên ảnh hưởng đến việc làm ăn, sinh sống của một bộ phận dân cư. Theo đó, cũng ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) địa phương trên các lĩnh vực khác nhau, dẫn đến số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) vẫn còn nhiều.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các cấp, các ngành cần thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của dân…(http://dangcongsan.vn/)

Tổng số đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh các đơn vị, địa phương tiếp nhận năm 2018 là 2.481 đơn (tăng 16,16% so với năm 2017) qua phân loại có 1.560 đơn đủ điều kiện xử lý (gồm 1.383 đơn có nội dung khiếu nại, 177 đơn có nội dung tố cáo) và 921 đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn trùng lặp, đơn không rõ địa chỉ, không ký tên, đơn mạo danh, nặc danh…)2. Trong 9 tháng năm 2019, địa phương tiếp nhận 1.809 đơn (giảm 18% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 1.022 đơn KNTC đủ điều kiện xử lý (gồm 915 đơn có nội dung khiếu nại và 107 đơn có nội dung tố cáo) và 787 đơn không đủ điều kiện xử lý3.

Tình hình KNTC ở tỉnh Phú Yên trong thời gian qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích xây dựng các dự án phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng các tuyến đường giao thông. Ngoài ra, còn một số nội dung KNTC liên quan đến chính sách an sinh xã hội, lĩnh vực dân sự…

Mặc dù các vụ việc KNTC không có tính chất gay gắt, phức tạp theo tiêu chí của Thanh tra Chính phủ quy định nhưng vẫn xảy ra những vụ việc khiếu nại đông người và kéo dài. Năm 2018, có 7 đoàn khiếu nại đông người/7 vụ việc (cấp tỉnh 04 đoàn/04 vụ việc, cấp huyện 3 đoàn/3 vụ việc)4. Và chỉ trong 9 tháng năm 2019, số đoàn khiếu nại đông người ở tỉnh là 14 đoàn/9 vụ việc5. Việc khiếu nại đông người về cùng một vụ việc và khiếu nại nhiều lần đã gây áp lực đến công tác giải quyết KNTC ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân của các vụ việc KNTC ở tỉnh trong thời gian qua có thể nhìn nhận từ hai chiều: cơ quan nhà nước và người dân. Xét từ hoạt động quản lý của Nhà nước, đó là những bất cập trong chính sách, pháp luật, đặc biệt có một số quy định về đất đai chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Sự thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật của những cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất – kinh doanh, bảo vệ môi trường…

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ, thiếu quan tâm giải quyết vụ việc khiếu nại phát sinh từ cơ sở. Phương pháp giải quyết vụ việc thiếu thuyết phục nên người KNTC không đồng tình, tiếp tục KNTC. Cá biệt có một số vụ việc giải quyết KNTC còn vi phạm trình tự, thủ tục, như không tổ chức đối thoại trực tiếp với người khiếu nại khi giải quyết khiếu nại lần hai, vi phạm thời hạn giải quyết KNTC…

Xét về phía người dân, phần lớn là khiếu nại sai. Báo cáo về kết quả giải quyết KNTC năm 2018 cho thấy, trong các vụ việc được giải quyết bằng quyết định hành chính thì số vụ việc người dân khiếu nại đúng chiếm tỷ lệ 16,6%, khiếu nại sai chiếm tỷ lệ 64%, khiếu nại đúng một phần chiếm tỷ lệ 19,4%; đối với lĩnh vực tố cáo, vụ việc người dân tố cáo đúng và đúng một phần chiếm tỷ lệ 58,63%, tố cáo sai chiếm tỷ lệ 41,37%6. Trong 9 tháng đầu năm 2019, số vụ việc người dân khiếu nại đúng chiếm tỷ lệ 16%, khiếu nại sai chiếm tỷ lệ 56%, khiếu nại đúng một phần chiếm tỷ lệ 28%; lĩnh vực tố cáo, vụ việc người dân tố cáo đúng và đúng một phần chiếm tỷ lệ 29%, tố cáo sai chiếm tỷ lệ 71% 7.

Người dân có KNTC sai nhiều là do sự thiếu thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước nên chưa xác định được rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, có những người hiểu biết pháp luật nhưng vì lợi ích cá nhân hoặc bị lợi dụng kích động, cố tình khiếu nại với cơ quan nhà nước đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Đây là vấn đề đòi hỏi chính quyền địa phương phải có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để hậu quả kéo dài.

Dự báo tình hình KNTC của tỉnh Phú Yên trong thời gian tới có thể phát sinh tăng và chủ yếu vẫn là trên lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư do các địa phương trong tỉnh đang và sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án lớn cần phải giải phóng mặt bằng, thi công công trình, vì vậy sẽ tác động đến đời sống của một bộ phận dân cư.

2. Muốn giảm thiểu số vụ việc KNTC đòi hỏi phải có sự kết hợp của các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị, do đó, đối với Phú Yên cần quan tâm đến một số nội dung sau:

Thứ nhất, bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong hoạt động QLNN của chính quyền địa phương.

Từ nguyên nhân KNTC và kết quả giải quyết KNTC ở tỉnh Phú Yên cho thấy, có sự vi phạm nguyên tắc pháp chế trong hoạt động QLNN ở lĩnh vực đất đai như: sai phạm trong lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho cá nhân, tổ chức sử dụng không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… gây bức xúc trong dư luận xã hội, dẫn đến việc KNTC kéo dài, vượt cấp.

Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại nhà dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của dân để giải quyết kịp thời vướng mắc ( Ảnh: T.THẢO).

Vì vậy, chính quyền các cấp của tỉnh Phú Yên cần linh hoạt trong công tác điều hành để phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó làm tốt công tác tham mưu, ban hành các quyết định hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đến chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, sớm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn cố tình làm trái các quy định của nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.

Thứ hai, công khai, minh bạch các chính sách của trung ương và địa phương trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm để người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác.

Cần tiếp tục công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan QLNN trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nhất là các chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Một số nội dung cần bảo đảm công khai theo Điều 10 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Công khai, minh bạch trong QLNN ở địa phương hiện nay được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Với nghị quyết này, Phú Yên phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: hoàn thành và xây dựng, cập nhật, triển khai kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, chia sẻ với hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và sự hợp tác của các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật của người dân, hạn chế việc người dân đi KNTC.

Thứ ba, cần phải coi biện pháp hòa giải ở cơ sở, tiếp xúc, đối thoại là ưu tiên hàng đầu trong giải quyết những mâu thuẫn với người dân.

Hòa giải là phương thức giải quyết mâu thuẫn được Nhà nước khuyến khích (quy định rõ tại Điều 5 Luật Khiếu nại năm 2011). Đối thoại, hòa giải giúp các bên đạt được thỏa thuận dựa trên sự phù hợp về quyền và lợi ích của các bên tranh chấp nhằm tránh giải quyết vụ việc bằng thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp. Hòa giải cơ sở để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.

Những vụ việc KNTC có liên quan đến cơ quan nhà nước thì cần phải có kế hoạch tổ chức hòa giải, tiếp xúc, đối thoại với người dân. Giải pháp này ngoài mục đích giải quyết vụ việc KNTC còn thể hiện sự coi trọng tính dân chủ trong nhà nước pháp quyền và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Ngược lại, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân lại là xúc tác làm nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Do đó, đòi hỏi chính quyền các cấp tỉnh Phú Yên phải coi trọng hoạt động tiếp xúc, đối thoại và chú trọng tổ chức tốt công tác hòa giải ở cơ sở trong giải quyết mâu thuẫn với người dân.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cần nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động tiếp công dân để có sự đổi mới hoạt động này. Theo quy định tại Điều 12, 13, 15 của Luật Tiếp công dân năm 2013 thì chủ tịch UBND các cấp ngoài việc tiếp công dân đột xuất thì chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 01 ngày/tuần. Điều này sẽ góp phần tăng số lượt tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND các cấp.

Với tình hình KNTC xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên như hiện nay, đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp phải tiếp tục có sự đổi mới để khắc phục những bất cập trong hoạt động quản lý và điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Chú thích:
1. Báo cáo số 236/BC-UBND ngày 03/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2, 4, 6. Báo cáo số 212/BC-UBND ngày 09/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.
3, 5, 7. Báo cáo số 159/BC-UBND ngày 30/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về kết quả công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng quý III và 9 tháng năm 2019.

Đinh Thị Quỳnh
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên