Thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công tại thành phố Đà Nẵng

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác phát triển nguồn lực khu vực công nói chung và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt coi trọng và quan tâm chỉ đạo từ đầu năm 1998 – ngay sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong khu vực công của Đà Nẵng

Công tác phát triển nguồn lực khu vực công nói chung và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt coi trọng và quan tâm chỉ đạo từ đầu năm 1998 – ngay sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó đến nay, theo từng giai đoạn, thành phố đã có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội (đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, ngành nghề thu hút); nhu cầu nhân lực của thành phố và có những điều chỉnh về chính sách cho từng đối tượng thu hút (ĐTTH).

Định kỳ hằng năm, các cơ quan, đơn vị sử dụng đăng ký nhu cầu về số lượng, ngành nghề tiếp nhận; Sở Nội vụ tham mưu thành phố ban hành danh mục ngành nghề tiếp nhận trên cơ sở tổng hợp và đối chiếu với nhu cầu, định hướng phát triển của từng ngành và của thành phố.

Để tránh trường hợp tiếp nhận một cách máy móc, chỉ dựa vào bằng cấp, từ năm 2012, thành phố đã đổi mới cách thức tuyển chọn ĐTTH – tuyển chọn theo vị trí việc làm và cạnh tranh công khai. Bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định và có ngành đào tạo phù hợp với danh mục ngành nghề thu hút, các đối tượng sẽ được phỏng vấn trực tiếp, đánh giá thêm về khả năng giao tiếp, ứng xử, sự nhạy bén trong xử lý tình huống…

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công” tổ chức tháng 7/ 2019 với tham luận”Thực tiễn chính sách và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công tại Thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Huy Đoàn).

Tính đến nay, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên (trong đó, tiến sỹ: 25 người; thạc sỹ, bác sỹ nội trú: 283 người, đại học: 961 người). Đã bố trí tại cơ quan hành chính 591 người (trong đó, khối quận, huyện 76 người; khối phường, xã 128 người) và đơn vị sự nghiệp 678 người1.

Về cơ cấu ngành nghề của người được tiếp nhận: (1) Nhóm ngành xã hội: 329 (25,9%), y tế: 220 (17,3%), giáo dục: 201 (15,8%). (2) Nhóm ngành khoa học – công nghệ và xây dựng: 130 (10,2%). (3) Ngành luật – hành chính và quản lý: 95 (7,5%), ngành kế toán – tài chính: 117 (9,2%). (4) Nhóm ngành công nghệ thông tin và viễn thông: 30 (2,4%). (5) Các ngành còn lại: 147 (11,82%)2.

Thành phố đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách bảo đảm có tính vượt trội so với đối tượng khác trong cùng cơ quan như: chế độ đãi ngộ ban đầu, hỗ trợ hằng tháng, bố trí nhà ở cho một số đối tượng từ các địa phương khác đến công tác tại Đà Nẵng (kinh phí thực hiện ước tính hơn 56 tỷ đồng). Đồng thời, các đối tượng này còn được ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức.

Trong quá trình công tác, ĐTTH này thông qua đào tạo được đa số lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá cao về năng lực làm việc, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Sau khi được bố trí công tác đều tiếp nhận công việc nhanh, sáng tạo, chịu khó, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, có ý thức kỷ luật tốt, hoàn thành mọi công việc được giao, luôn nêu cao trách nhiệm công vụ, đạo đức công vụ, nghề nghiệp.

Trong đó, một số ĐTTH đã có những đóng góp tích cực, có cống hiến bằng sản phẩm cụ thể như: chủ trì và ứng dụng các đề tài nghiên cứu như: (công trình về phông tư liệu Hoàng Sa; xây dựng các mô hình trồng thương phẩm các loài hoa, quy trình nhân giống và sản xuất lan, hoa cúc theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng năng lực chuyển giao (TCAP) của hệ thống báo hiệu số 7 trong việc xây dựng và phát triển mạng thông minh (IN) Việt Nam, mạng không dây tùy biến…

Bồi dưỡng học sinh đạt giải nhì Toán Olympic Quốc tế; các công trình đạt các giải thưởng quốc gia, của các ngành như: giải nhất báo cáo tại Hội nghị Da liễu Đông Nam Á; giải nhất trong cuộc thi giáo viên dạy nghề giỏi toàn quốc; giải nhất cuộc thi ý tưởng bảo vệ môi trường; huy chương Bạc liên hoan truyền hình toàn quốc; giải ba báo chí toàn quốc…3.

Nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau thời gian công tác tại Đà Nẵng. Hiện nay, số người được bố trí, đảm đương các chức vụ lãnh đạo quản lý, trong đó có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên (chiếm 11,42% tổng số ĐTTH); trong đó, lãnh đạo phường, xã: 16 người; lãnh đạo cấp phòng và tương đương: 114 người (cấp thành phố: 97; quận, huyện 17 người); 15 người giữ chức lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý4.

Bác sĩ Lê Hữu Thành được đào tạo theo Đề án 922 của TP. Đà Nẵng (Ảnh: PV/VOV – Miền Trung).
Một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng

Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm trong việc tiếp nhận, sử dụng, bố trí việc làm, tính chủ động trong việc tiếp nhận, sử dụng các ĐTTH của các đơn vị chưa cao, còn tình trạng đăng ký nhu cầu nhưng không đồng ý tiếp nhận ĐTTH khi cơ quan có thẩm quyền phân bổ công tác về đơn vị. Một trong những hạn chế của chính sách còn xuất phát từ bản thân ĐTTH. Một số trường hợp sau khi tiếp nhận, bố trí công tác lại ngại khó, chưa thật sự gắn bó với công việc, có tâm lý thăm dò, thử việc, đôi lúc còn so sánh mức lương và chưa thực sự an tâm công tác nên xin thôi việc hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác có cơ hội thăng tiến hơn.

Về phía thành phố, điều kiện và môi trường làm việc đối với một số ngành còn khó khăn; chưa đáp ứng được yêu cầu nên một số sinh viên chưa phát huy được kiến thức chuyên môn đã được đào tạo (các Trung tâm thí nghiệm, phòng nghiên cứu đặc thù). Việc phối hợp quản lý và thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng được thu hút chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ như: việc sử dụng, bố trí công việc một số trường hợp chưa thật sự phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo; phần lớn các ĐTTH có nhu cầu thực tế về nhà ở nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết với nhiều lý do; việc đánh giá và quản lý còn lúng túng, chế độ báo cáo của cơ quan sử dụng đôi lúc không kịp thời nên ảnh hưởng đến công tác quản lý số lượng ĐTTH.

Chính sách, chế độ đãi ngộ tuy đã được điều chỉnh theo từng giai đoạn, nhưng so với mức lương của ngành khác còn thấp, chưa đủ “lực hút”, thiếu tính quyết liệt, chưa đáp ứng kịp thời theo quy định đã đề ra; nhiều trường hợp xa gia đình, chưa được bố trí chỗ ở, tự thuê nhà ở nên gặp nhiều khó khăn trong công tác cũng như trong cuộc sống. Bên cạnh đó là khó khăn về biên chế trong tuyển dụng, tạo điều kiện để ĐTTH yên tâm công tác.

 Định hướng và giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian tới

Thứ nhất, cần mở rộng hình thức, ĐTTH. Bên cạnh việc thu hút đối tượng, chuyên gia có uy tín, Đà Nẵng cần tạo cơ chế cho các cơ quan, đơn vi chủ động trong việc đăng ký tiếp nhận ĐTTH làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian phục vụ các chương trình, dự án nghiên cứu cụ thể của thành phố.

Thứ hai, đổi mới chế độ đãi ngộ. Mức hỗ trợ 1 lần đối với nhóm ĐTTH nên phân nhóm theo đối tượng, theo từng trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo. Riêng đối với ĐTTH là chuyên gia về làm việc bán thời gian hoặc ngắn hạn thì chế độ ưu đãi được quy định linh hoạt tùy theo lĩnh vực công việc để thỏa thuận mức hợp đồng thuê chuyên gia (bao gồm lương, nhà ở, đi lại…); được thể hiện thông qua hợp đồng thuê khoán chuyên gia.

Thứ ba, chú trọng làm tốt công tác sử dụng và giữ chân người tài. Theo đó, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường đối với nguồn nhân lực từ thu hút, đào tạo và cả những cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố; mạnh dạn rà soát, điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp với ngành nghề đào tạo và năng lực sở trường. (2) Tăng cường kênh thông tin giữa thành phố và ĐTTH.

Thường xuyên có những hình thức để ĐTTH được nêu quan điểm, trình bày nguyện vọng của mình như: hình thức tọa đàm, hội nghị hoặc khảo sát trực tuyến. (3) Tạo điều kiện để những đối tượng này tham gia vào các chương trình, dự án lớn của ngành, địa phương, đơn vị, qua đó tiến cử, lựa chọn để bồi dưỡng và hướng phát triển, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố theo Đề án xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ. (4) Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức có nhiều thành tích, đóng góp cho thành phố. Việc đãi ngộ và vinh danh dựa trên công trạng theo đối tượng cụ thể và tương xứng với những đóng góp, tránh chủ nghĩa bình quân.

Về phía thành phố, sau khi tiếp nhận ĐTTH, thành phố cần có cơ chế đánh giá riêng, bổ sung các quy định về việc định kỳ đánh giá hiệu quả công tác, đóng góp của ĐTTH. Nội dung đánh giá cần đi sâu về các cam kết công việc mà ĐTTH đăng ký theo vị trí việc làm; kết quả công việc; phẩm chất đạo đức… để từ đó có những chính sách đãi ngộ, động viên kịp thời và cũng sẽ mạnh dạn “chia tay” đối với những trường hợp có kết quả công tác chưa đạt yêu cầu.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Sở Nội vụ Đà Nẵng. Thực tiễn thực hiện chính sách thu hút trọng dụng nhân tài trong khu vực công tại thành phố Đà Nẵng. Tham luận tại Hội thảo “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”, Hà Nội, tháng 7/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
2. Bộ Nội vụ. Tài liệu Hội thảo “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”, Hà Nội, tháng 7/2019.

TS. Hà Văn Hòa
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội