Bắc Ninh thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 – 2020

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới xây dựng nền an sinh xã hội bảo đảm phục vụ tốt nhất đối với người dân.

 

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng quà cho các hộ nghèo của xã Mộ Đạo -Quế Võ (Nguồn: http://bacninh.gov.vn).

Với mục tiêu đem lại an sinh xã hội (ASXH) và phúc lợi xã hội cho người dân, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đầy đủ các chính sách ASXH và ban hành nhiều chính sách, chế độ đặc thù của tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới ASXH. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới xây dựng nền ASXH bảo đảm phục vụ tốt nhất đối với người dân.

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành văn bản để chỉ đạo triển khai.

Cụ thể: Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 07/10/2015 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định số 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội; Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 29/7/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020…

Mục tiêu chung là tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công (NCC), bảo đảm gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân trên địa bàn. Bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức sống tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Những kết quả đạt được trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW và Nghị quyết 70/NQ-CP, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi NCC và ASXH đạt được những kết quả quan trọng.

Chính sách ưu đãi NCC. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ quy định tại Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng. 100% người đủ điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC được hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng. Bên cạnh đó, áp dụng các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với NCC và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, học nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của NCC và gia đình NCC được cải thiện: hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với NCC là 3.325 nhà, nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở NCC từ 48 triệu đồng/hộ lên 72 triệu đồng/ hộ;  bảo đảm NCC và gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Về việc làm, thu nhập và giảm nghèo. Tỉnh luôn quan tâm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là người nghèo có việc làm tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống; đồng thời góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thực hiện có hiệu quả đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Kết quả: 50.669 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề (trong đó có người nghèo, người cận nghèo, người bị thu hồi đất, người khuyết tật). Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giá điện, hỗ trợ nhà ở, trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo. Nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo tăng từ 45 triệu đồng/hộ lên 65 triệu đồng/hộ.

Công tác bảo hiểm xã hội. Tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 7.323 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Số người thụ hưởng chính sách ngày càng tăng, đến nay (năm 2018), toàn tỉnh có trên 45,3 nghìn người hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH hằng tháng, có 221 ngàn lượt người hưởng chế độ ốm đau thai sản; có trên 11,4 nghìn lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp; có trên 2.119 ngàn lượt người được thanh toán chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng cao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 380.511 lượt người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (trong đó có đối tượng hưởng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và theo chính sách đặc thù của tỉnh). Công tác chăm sóc đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội cũng được triển khai tích cực. Toàn tỉnh có khoảng hơn 2.000 lượt đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh đó, công tác cứu trợ đột xuất luôn được tỉnh quan tâm hỗ trợ kịp thời đối với các đối tượng gặp thiên tai hỏa hoạn, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, từ năm 2015 – 2018, tỉnh đã hỗ trợ đột xuất với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Hiện tại, địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có hộ bị thiếu đói về lương thực, thực phẩm.

Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19 (http://bacninh.gov.vn).

Bảo đảm giáo dục tổi thiểu. Quy mô giáo dục được giữ vững, chất lượng đào tạo được nâng lên đã góp phần nâng cao dân trí, tay nghề và trình độ cho người lao động. Phát triển giáo dục theo đúng định hướng quy hoạch. Tập trung trọng tâm là việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng chất lượng, thiết thực, hiệu quả và vững chắc.

Cơ sở vật chất ngành giáo dục được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học và trường chuẩn quốc gia các cấp học cao nhất cả nước (toàn tỉnh hiện có 496 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông với 319.960 học sinh; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 95,76%…); hàng năm được rà soát làm cơ sở đề xuất những giải pháp phát triển bảo đảm luôn giữ được tốp đầu cả nước; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 98,5%, cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố; là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, đạt chuẩn giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Bảo đảm y tế tối thiểu. Hệ thống y tế được kiện toàn từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Cụ thể: y tế dự phòng được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại; y tế cơ sở được củng cố từng bước nâng cao chất lượng hoạt động; công tác khám chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu; chủ động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, khoanh vùng xử lý kịp thời không để dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trên địa bàn.

Công tác cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em được chú trọng và đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện rõ rệt; theo số liệu của viện dinh dưỡng công bố tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân của tỉnh Bắc Ninh năm 2012 là 12,9% đến năm 2017 giảm xuống còn 10,2%. Ước đến năm 2020 đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; 100% trạm y tế các xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các chính sách ASXH đầy đủ, kịp thời góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Năm 2012, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 63,5% đến năm 2018 tăng lên 95,26%.

Bảo đảm nhà tối thiểu. UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ bảo đảm nhà ở tối thiểu cho mọi đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó: (1) Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở bằng nguồn vốn của cả Trung ương và địa phương (trên toàn tỉnh có 3.139 hộ với tổng số tiền đã giải ngân đến thời điểm hiện tại khoảng 122,488 tỷ đồng). (2) Hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở (kết quả hỗ trợ năm 2018 và 2019 là 408 hộ với tổng số tiền hỗ trợ là 18,46 tỷ đồng. (3) Phát triển nhà ở xã hội bao gồm nhà ở công nhân và nhà ở thu nhập thấp (nhà ở công nhân: có 27 dự án nhà ở công nhân đáp ứng chỗ ở cho khoảng 151.000 công nhân; nhà ở thu nhập thấp tại đô thị: 20 dự án, đáp ứng cho khoảng 47.500 người).

Bảo đảm nước sạch. Đến nay, 99,8% số hộ ở nông thôn có đủ các công trình vệ sinh; toàn tỉnh có 96,9% số xã, 99,8% số thôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải tập trung. Các công trình cung cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn đang hoạt động với công suất 73.400m³/ngày, đêm; cung cấp nước sạch cho 54.479 hộ theo thiết kế trên tổng số 269.088 hộ dân nông thôn toàn tỉnh, đạt 20% và 53.507 hộ đang dùng nước sạch trên tổng số 54.479 hộ theo thiết kế, đạt 98%.

Công tác điều tra bộ chỉ số năm 2018 về nước sạch và vệ sinh môi trường, cho thấy: số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 99,52%, trong đó 67,49% được sử dụng nước sinh hoạt đạt QCVN: 02/2009/BYT của bộ Y tế; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn QCVN: 01/2011/BYT của bộ Y tế đạt tỷ lệ 88,5%, tỷ lệ trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 99,8%.

Bảo đảm thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh, triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, mở rộng đa dạng các loại hình dịch vụ với hệ thống tổng đài kỹ thuật số hiện đại, tuyến truyền dẫn giữa các huyện, thành phố trong tỉnh đã được cáp quang hóa, sử dụng công nghệ tiên tiến và đấu vòng riêng. Mạng ngoại vi đã từng bước được quy hoạch xây dựng ngầm hóa trên phạm vi toàn tỉnh. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng đến tất cả các xã… Đến hết năm 2018, tổng số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh là 1.545.725 thuê bao; tổng số thuê bao internet là 627.403 thuê bao.

Giải pháp triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Trong năm 2018, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành sáng tạo, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục giữ vững sự phát triển toàn diện về mọi mặt và sớm đạt mục tiêu “Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022” theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII, kỳ họp thứ mười về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong việc truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu đãi NCC và ASXH; xây dựng và ban hành luật pháp, chính sách về ASXH kịp thời, tránh chồng chéo, phân tán. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, ban hành  quy định để bảo đảm quyền lợi mà người tham gia BHXH, BHYT được thụ hưởng, có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vi phạm chế độ thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN.

Hai là, đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài; có cơ chế hướng dẫn khai thác dữ liệu kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành và dự báo thông tin lao động việc làm của địa phương.

Ba là, với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Bắc Ninh.

– Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu trong các lĩnh vực: ưu đãi NCC, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, việc làm, giảm nghèo, giáo dục, xây dựng và truyền thông…

– Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về Pháp lệnh NCC, và các Luật có liên quan theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận nhằm giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao tầm hiểu biết và thực hiện tốt được quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức.

– Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giảm nghèo, trợ giúp xã hội đối với NCC, người cao tuổi, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn…

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị trong phạm vi, chức năng thực hiện các nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời đối với người dân được thụ hưởng chính sách: NCC, BHXH, giảm nghèo, trợ giúp xã hội…

– Tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức nâng cao trình độ nghiệp vụ, bảo đảm đủ điều kiện về năng lực, trình độ và phẩm chất để thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII, kỳ họp thứ mười về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.
2. Báo cáo số 01-BC/BCS ngày 11/3/2019 của Ban cán sự UBND tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
3. Văn bản số 454/SLĐTBXH-BTXH ngày 18/3/2019 của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội; gửi các sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị báo cáo nội dung đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội thuộc ngành quản lý.

ThS. Hoàng Văn Thái
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh