Hoàn thiện quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

(Quanlynhanuoc.vn) – Bắc Kạn là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Trên cơ sở tài liệu điều tra, thăm dò và lập bản đồ địa chất 1/50.000, xác định có 273 mỏ và điểm quặng, chủ yếu thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm với những chủng loại tương đối phong phú, trong đó có nhiều loại khoáng sản có giá trị cao.
Kết quả công tác quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện quan điểm chỉ đạo, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng quốc gia, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, những năm qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được tăng cường, dần đi vào nề nếp, đạt một số kết quả tích cực.

Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được chấn chỉnh ngày càng chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, tỉnh đã bước đầu quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, đặc biệt là khoáng sản chì kẽm, sắt. Việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS) và thu tiền cấp quyền KTKS năm 2015 – 2018 được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tích cực.

Đã hoàn thành quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản, khoanh định và phê duyệt khu vực không đấu giá quyền KTKS, tạo nền tảng, là cơ sở cho công tác quản lý và lập lại trật tự trong hoạt động KTKS, là cơ sở định hướng để chuyển khai thác ngắn hạn, thủ công, hiệu quả thấp, nguy cơ mất an toàn lao động cao sang khai thác chế biến quy mô công nghiệp, công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao hơn, bảo đảm an toàn lao động và là cơ sở cho khai thác gắn với cơ sở chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng khoáng sản.

Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ QLNN về khai thác, chế biến khoáng sản dần đi vào nề nếp, trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, QLNN và các kỹ năng khác bước đầu được nâng cao, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) dần được chuẩn hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCC trong ngành khai khoáng ngày càng được quan tâm. Việc thực hiện chế độ, chính sách cho công chức thực thi nhiệm vụ được bảo đảm, đã khuyến khích, động viên kịp thời đội ngũ CBCC yên tâm cống hiến, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tỉnh đã quan tâm ban hành một số chính sách, quy định phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, góp phần tạo hành lang pháp lý cơ bản, đồng bộ để thực thi Luật Khoáng sản năm 2010, quy hoạch, kế hoạch KTKS trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Du – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 12, khoá IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 (Ảnh: internet).

Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động KTKS được tăng cường thường xuyên, liên tục và có chất lượng hơn, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm: thông qua công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản, nhiều vi phạm của tổ chức, cá nhân hoạt động KTKS đã bị xử lý. Các sai sót trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được khắc phục đáng kể, hạn chế tình trạng KTKS trái phép; ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên. Nhiều bất cập trong các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã được tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản được đẩy mạnh, thông qua nhiều hình thức nên đã phần nào tác động tới đội ngũ CBCC làm công tác QLNN về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tại các cơ quản QLNN về khoáng sản cấp cơ sở; ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của người dân và doanh nghiệp được cải thiện một bước đáng kể, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác QLNN về tài nguyên khoáng sản.

Những hạn chế và nguyên nhân

Một là, công tác cấp phép khai thác giữa các cơ quan trung ương trong việc cấp phép đối với các mỏ KTKS thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa chặt chẽ nên sau cấp phép có doanh nghiệp chưa tiến hành hoạt động, kéo dài thời gian thực hiện dự án (Mỏ chì, kẽm Lũng Váng).

Mỏ vàng Pác Lạng hiện đang bị khai thác trái phép không thể kiểm soát 9Nguoonf: https://enternews.vn).

Hai là, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản còn ở mức độ thấp. Tình trạng khai thác không theo kế hoạch, không theo thiết kế mỏ vẫn diễn ra, nhất là đối với các mỏ khoáng sản chì kẽm và sắt. Điều này dẫn tới việc tài nguyên khoáng sản nhanh chóng cạn kiệt, tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến còn ở mức cao, chưa kiểm soát được (quặng chì kẽm, quặng sắt, quặng vàng…).

Ba là, đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản chưa được chú trọng; hệ số thu hồi thấp, chưa có công nghệ thu hồi triệt để khoáng sản hữu ích đi kèm với khoáng sản chính; chưa thực sự quan tâm đến lựa chọn công nghệ thân thiện với môi trường khi chế biến sâu khoáng sản.

Một số doanh nghiệp tiến hành xây dựng nhà máy chế biến kéo dài, chậm đưa dự án vào hoạt động; công tác kiểm tra, rà soát các dự án hoạt động chế biến khoáng sản của cơ quan chuyên môn còn thiếu hiệu quả.

Bốn là, công tác phối hợp quản lý về sản lượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản sau cấp phép của các ngành còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thiếu cơ chế kiểm soát sản lượng cụ thể, nhất là hoạt động vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản, việc kê khai thuế của các doanh nghiệp. Công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn về khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến việc yêu cầu các doanh nghiệp lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt chưa kịp thời theo quy định của Thông tư số 02/2013/TT-BTNMT ngày 01/3/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Công tác thẩm định, lựa chọn các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; công tác quản lý sau quyết định chủ trương đầu tư chưa được chú trọng, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư, chế tài xử lý chậm, do đó có một số dự án lớn triển khai chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án đầu tư khác.

Công tác định hướng, quy hoạch nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động chưa được doanh nghiệp chú trọng, dẫn đến các nhà máy hoạt động không bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất.

Việc đấu giá quyền KTKS tại các khu vực chưa thăm dò về cơ bản là không khả thi. Lý do là cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng chưa hiểu rõ “tài sản” mình đem đi bán đấu giá là gì. Trong khi, thông thường, để tổ chức bán đấu giá tài sản, người sở hữu tài sản đấu giá phải hiểu được phần nào về giá trị của tài sản đó. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ, giá khởi điểm trong đấu giá quyền KTKS không thấp hơn tiền cấp quyền KTKS, quy định này thiếu tính thực tiễn. Bởi tiền cấp quyền KTKS được xác định trên cơ sở mỏ đã có dự án đầu tư.

Ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp KTKS hạn chế; mặt khác, đội ngũ cán bộ QLNN về khai thác, chế biến khoáng sản còn mỏng về số lượng và yếu về chất lượng; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đồng thời, còn quá nhiều cơ quan quản lý đòi hỏi doanh nghiệp phải báo cáo, nhưng lại không quy định, hướng dẫn cụ thể và thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn còn khó khăn, thu chi ngân sách còn mất cân đối nên kinh phí đầu tư cho hoạt động quản lý khai thác, chế biến khoáng sản chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc ban hành một số quy định về quản lý khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về khoáng sản chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện tại địa phương (như công tác hoàn trả tiền chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản; công tác tính thu tiền cấp quyền KTKS; các biện pháp xử lý, chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh

Thứ nhất, hoàn thiện việc thực hiện pháp luật, chính sách, quy định của Nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản. UBND tỉnh Bắc Kạn và các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm quy định về cấp phép khai thác. Cấp phép phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt. Thường xuyên rà soát, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thứ hai, nâng cao chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch KTKS trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch từ bước lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đến triển khai thực hiện. Kịp thời công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch.

Cập nhập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở cấp phép KTKS kịp thời và hợp lý. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hạ tầng KTKS phù hợp với các quy hoạch khác và điều kiện thực tế khu vực.

Thứ ba, hoàn thiện cơ cấu bộ máy quản lý KTKS. UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có giải pháp để nâng cao năng lực cả về bộ máy, cán bộ quản lý và điều kiện cơ sở vật chất cơ quan chuyên môn QLNN về khai thác, chế biến khoáng sản để có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp trong Luật Khoáng sản năm 2010.

Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, CBCC vi phạm trong công tác QLNN về khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là người đứng đầu cấp huyện, xã để xảy ra tình trạng KTKS trái phép công khai, kéo dài.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các hành vi khai thác trái phép, không có thiết kế mỏ; khai thác gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường; gây bức xúc đối với dư luận, xã hội.

Ngoài các giải pháp nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác QLNN về khoáng sản cũng như hoạt động công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, bảo đảm khoáng sản được khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trước mắt cũng như lâu dài, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy như sau:

– Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu khoáng sản tại mỏ có điều kiện địa chất – khai thác mỏ khó khăn; khai thác các khu vực mỏ quặng nghèo; áp dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm trong khai thác, chế biến.

Các ngành, địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thuê đất, sử dụng đất đai; sử dụng tài nguyên nước, sử dụng hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản.

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng và giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu phí, lệ phí; liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đối với đất đai.

Hằng năm, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp KTKS ít nhất 01 lần nhằm đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh ổn định, phát triển.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Khoáng sản năm 2010.
2. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
3. Quyết định số 1415/QĐ-UBND ngày 04/9/2013 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 – 2020.
4. Quyết định số 50/2017/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
5. Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 – 2020.
7. Quyết định số 867/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý Quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 – 2020.

Trần Văn Cường
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn