Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong việc tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp nhà nước  

(Quanlynhanuoc.vn) – Để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước thì việc xây dựng, củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng (TCĐ) đối với DNNN đã được khẳng định và có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng TCĐ trong sạch, vững mạnh, xây dựng và phát triển doanh nghiệp (DN) bền vững.

Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII)

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ các DNNN luôn giữ vững vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ứng phó với những biến động thị trường, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đi đầu trong công tác an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Những thành tích này được thể hiện rõ và cụ thể trong các DNNN thuộc Đảng bộ Khối DN Trung ương (sau đây gọi tắt là Đảng bộ Khối). Hiện nay, Đảng bộ Khối có 35 đảng bộ trực thuộc (32 đảng bộ cấp trên cơ sở, 3 đảng bộ cơ sở), trong đó có 33 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính, 2 đảng bộ cơ quan với 1.094 tổ chức cơ sở đảng (675 đảng bộ cơ sở, 419 chi bộ cơ sở), 128 đảng bộ bộ phận, 5.197 chi bộ trực thuộc và trên 80.000 đảng viên1.

Thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, Đảng ủy Khối đã chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu của Đảng ủy Khối. Các cấp ủy trực thuộc đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của DN, đơn vị, trong đó tập trung vào chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm, nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DN và các nhiệm vụ, chủ trương lớn của DN, đơn vị; lãnh đạo việc xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động của DN báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Quá trình sắp xếp lại DN đã được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo sâu sát, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động dôi dư; hạn chế thất thoát tài sản của Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội, cụ thể như sau:

Một là, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, Đảng ủy Khối đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung, tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Hằng năm, Đảng ủy Khối đều đưa vào Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của đề án tái cơ cấu DN đã được phê duyệt; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chuyên đề quan trọng theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 17/7/2017 của Đảng ủy Khối  về nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối DN Trung ương đến năm 2020 và Chương trình hành động số 13-CTr/ĐUK ngày 17/7/2017 về thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện; khảo sát, nắm bắt vướng mắc trong thực hiện đề án tái cơ cấu tại các DN, chỉ đạo tháo gỡ, tổng hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Các cấp ủy đảng cũng đặc biệt coi trọng chỉ đạo công tác cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, tạo sự chuyển biến rõ về nhận thức và quyết tâm hành động xây dựng, triển khai đề án cơ cấu lại bảo đảm lộ trình. Trong 30 đơn vị thuộc diện xây dựng đề án tái cơ cấu đã nghiêm túc triển khai, nghiên cứu, xây dựng đề án và tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong bối cảnh thị trường vận tải biển nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp vận tải biển là yêu cầu bức thiết (Ảnh internet).

Sau cổ phần hóa, công tác quản trị DN được cải thiện, công khai, minh bạch hơn. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các DN, ngân hàng được nâng lên, đồng thời hoạt động sản xuất – kinh doanh (SXKD) có lãi. Trong thời gian qua, các ngân hàng trong Khối đã có nhiều cố gắng trong xử lý, khắc phục nợ xấu, tăng trưởng mạnh về tổng tài sản, năng lực tài chính, chất lượng tín dụng; tham gia tích cực và có hiệu quả việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong nước, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, công tác đầu tư xây dựng luôn được các DN thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đã hoàn thành nhiều công trình, dự án để đưa vào vận hành, sản xuất bảo đảm kế hoạch, giảm chi phí tài chính, phát huy công suất và có hiệu quả, như: dự án nhà máy chế biến khí GPP Cà Mau (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Tổng công ty Sông Đà hoàn thành và bàn giao các công trình thủy điện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành 785 công trình lưới điện 500 – 220KV; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hoàn thành nhà máy alumin Nhân Cơ, Nhà máy gang thép Cao Bằng, nhà máy Nitrat Amon Thái Bình. Tổng công ty Lương thực miền Nam đầu tư thiết bị gắn với xây dựng cánh đồng lớn; Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tiếp nhận và đưa vào khai thác ổn định, có hiệu quả 25 tàu bay thân rộng, hiện đại, thế hệ mới; dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tiên phong trong việc tham gia đầu tư vốn tín dụng cho các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cấp tín dụng cho những dự án lớn, trọng điểm quốc gia…2.

Một số DN tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư ra nước ngoài với các dự án thuộc các lĩnh vực thủy điện, hóa chất, trồng cao su, ngân hàng… Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc; khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng; biến động giá cả thị trường; thủ tục phê duyệt quy hoạch, giải phóng mặt bằng; năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát còn hạn chế.

Ba là, năng lực, hiệu quả quản trị DN được nâng lên, công nghệ hiện đại được ứng dụng, vốn nhà nước tại DN được bảo toàn và phát triển. Hầu hết các đơn vị kinh doanh đều có lợi nhuận cao, có 16/30 DN và ngân hàng có lợi nhuận trên 1 nghìn tỷ đồng, 08/30 đơn vị đã nộp ngân sách nhà nước trên 5 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước3. Các DN được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng và có tăng trưởng ổn định, phát triển; quản trị DN được cải thiện, công khai, minh bạch hơn…

Công tác quản trị DN tiếp tục được đổi mới, phân cấp rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp quản lý trong DN. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra được tăng cường, phục vụ tốt SXKD, đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại, tạo sự chuyển biến rõ rệt về hiệu quả hoạt động sau tái cơ cấu. Các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách quản trị ngân hàng, tuân thủ cơ cấu tổ chức, bộ máy điều hành theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao trình độ quản trị DN trong ngân hàng, thực hiện quản trị rủi ro trong toàn hệ thống cũng như trong nghiệp vụ ngân hàng…

Bốn là, các đảng bộ trực thuộc đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang làm tốt công tác phát triển kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh khi triển khai các dự án đầu tư phát triển SXKD; các công trình phục vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các vùng trọng điểm, như: Biển Đông, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Một số công trình, dự án phục vụ quốc phòng – an ninh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được nghiên cứu, triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Cụ thể như: đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu; thực hiện trách nhiệm của DN đối với cộng đồng; thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ đối với khu vực biên giới, hải đảo, gia đình cán bộ, chiến sĩ, ngư dân bám biển; thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Năm là, nhiều văn bản, quy định hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa công sở, văn hóa DN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, là tiền đề để các đảng ủy trực thuộc xây dựng các quy chế, quy định về văn hóa công sở. Trên cơ sở các nội dung chỉ đạo đó, các đảng ủy trực thuộc đã chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung quy chế, quy định về xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ gắn với xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động. Các nội dung văn bản này đều tập trung làm rõ những nội dung cụ thể về định hướng và những giá trị chung của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị (tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược, phương châm hành động, các giá trị cốt lõi…), đồng thời xác định rõ các chuẩn mực hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên lao động.

Đây là những công cụ thống nhất trong tập thể lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công nhân viên về nhận thức, ý thức và cách thức hành động trong quá trình tạo dựng và phát triển thương hiệu, bản sắc riêng của từng DN, ngân hàng. Đến nay, các DN, cơ quan, đơn vị đã ban hành quy định về xây dựng văn hóa DN, văn hóa công sở, nhiều DN xây dựng được nội dung, thiết chế văn hóa tại DN, cơ quan, đơn vị với nhiều mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện theo ngành, lĩnh vực trong hoạt động SXKD, góp phần hình thành nét văn hóa riêng của mỗi đơn vị.

 Những hạn chế trong hoạt động của tổ chức đảng về đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp

Bên cạnh những thành tích đạt được, hoạt động của TCĐ và tổ chức chính trị – xã hội trong DNNN vẫn còn có mặt hạn chế, đó là chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại DN. Một số cấp ủy, TCĐ trong DNNN chưa kịp thời báo cáo cấp trên về tình hình, diễn biến một số vụ án, vụ việc, những vấn đề nổi cộm để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tại DNNN còn có mặt hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí xảy ra tại DN chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Một số tổ chức chính trị – xã hội trong DNNN hoạt động chưa hiệu quả, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong quá trình đổi mới và cơ cấu lại DNNN.

Do đặc thù của DN mà một số đảng bộ thực hiện mô hình đảng bộ toàn DN, nhưng việc triển khai khó khăn vì chưa được sự ủng hộ, thống nhất của cấp ủy địa phương. Chất lượng tuyên truyền về nội dung, kết quả thực hiện các nghị quyết của Đảng ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao. Một số cấp ủy, TCĐ chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính tại DN.

Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tuy đã có nhiều đổi mới nhưng chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tiễn phát triển DN; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, TCĐ còn thấp, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, dự báo thị trường còn có mặt hạn chế.

Giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của TCĐ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; chủ động hội nhập quốc tế; phát huy vai trò nòng cốt của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng suất, hiệu quả SXKD, sức cạnh tranh của DN… đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện tốt điều này, cần hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch trong giai đoạn 2017 – 2020; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tái cơ cấu DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến năm 2020 và các năm tiếp theo, kế hoạch triển khai 5 năm và hằng năm cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, phát huy vai trò nòng cốt của các DNNN trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Các cấp ủy, TCĐ lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động SXKD theo cơ chế thị trường; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, phát triển các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động trong các DN. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển và lựa chọn các công trình khoa học để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển phục vụ SXKD của DN, góp phần tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả thiết thực.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời của DN. Tăng cường quản lý, xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và đầu tư của DN; giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay, nhất là vay nợ nước ngoài.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện văn hóa DN, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trung tâm, 4 nhiệm vụ then chốt và 1 nhiệm vụ xây dựng văn hóa DN gắn với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối về xây dựng văn hóa DN. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ trí thức và nhân lực trẻ; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với người lao động nhằm tạo sự cởi mở, chân thành, động viên người lao động tích cực lao động, học tập, cống hiến cho DN, cơ quan, đơn vị. Các đảng ủy trực thuộc tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đảng cho cán bộ đảng chuyên trách, đảng viên mới, đối tượng kết nạp đảng.

Các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình về tổ chức thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra. Đẩy mạnh tuyên truyền toàn diện về hoạt động xây dựng văn hóa DN; biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc của các thế lực thù địch lợi dụng kích động. Tiếp tục tận dụng ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội, hệ thống báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác xây dựng đảng, kết quả thực hiện nhiệm vụ SXKD gắn với xây dựng văn hóa DN.

Thứ tư, tăng cường quản lý, bảo đảm hiệu quả các dự án đầu tư. Các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng cần tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư ngay từ khâu phê duyệt dự án, lựa chọn công nghệ, thiết bị. Chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an ninh kinh tế trong DN gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh quốc gia. Khắc phục các tác động tiêu cực của các thông tin trên mạng internet, đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, chính trị và quốc phòng – an ninh quốc gia. Tăng cường công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí tại DN.

Các cấp ủy, TCĐ tiếp tục lãnh đạo DN, đơn vị thống nhất triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài; cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, trong các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy, kịp thời lãnh đạo DN, đơn vị vận động, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các địa phương.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhất là trong phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương báo cáo Trung ương, Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo thực sự có ý nghĩa, đúng mục đích và phát huy tác dụng, hiệu quả.

Thứ năm, nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, TCĐ tại DN. Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại DN.

Tăng cường phối hợp công tác đảng với các ban đảng trung ương, ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan, ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, phối hợp công tác giữa các đảng ủy trực thuộc với các cấp ủy địa phương trong thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Cụ thể hóa, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, chế độ đánh giá cán bộ quản trị trong DN. Xây dựng các quy chế, quy định cụ thể chế độ thưởng, phạt, chế tài đối với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu TCĐ và người đứng đầu quản lý DN trong thực hiện đề án tái cơ cấu.

Xây dựng và ban hành quy định về trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, TCĐ, đứng đầu DN khi không nghiêm túc lãnh đạo, triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại DN, không hoàn thành các chỉ tiêu chính của đề án tái cơ cấu hoặc để xảy ra các vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, cần phải xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để phối hợp giải quyết hoặc tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Chú thích:
1. Báo cáo số 245-BC/ĐUK ngày 30/12/2019 của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về tổng kết 14 năm thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW ngày 13/4/2005 của Ban Bí thư.
2, 3. Báo cáo số 164-BC/ĐUK ngày 31/10/2018 của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
4. Báo cáo số 258-BC/ĐUK ngày 06/02/2020 của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

TS. Hoàng Giang
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương