Yếu tố công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của đào tạo trực tuyến

(Quanlynhanuoc.vn) – Gần đây, các ứng dụng học trực tuyến được xem như là giải pháp hiệu quảbảo đảm chương trình học tập của các cấp học trong bối cảnh phòngchống dịch Covid-19. Các công nghệ mới ra đời và trở nên hoàn thiện, dễ dàng triển khai sử dụng hơn. Nghiên cứu này đánh giá lại về sự chuyển dịch của các công nghệ trong đào tạo trực tuyến trên thế giớiđồng thờichứng minh tính hiệu quả của các thay đổi về nội dung số nhằm phù hợp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Học viện Hành chính Quốc gia.

 

Giải pháp mô hình đào tạo trực tuyến
Một số nghiên cứu ứng dụng trong đào tạo trực tuyến

Theo thống kê của UNESCO, tháng 5/2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến 1,2 tỷ người học ở 156 quốc gia. Chính sách giãn cách xã hội làm bùng nổ giáo dục trực tuyến trên thế giới với các hình thức học khác nhau. Các công nghệ hỗ trợ học online như các phần mềm học trực tuyến, các lớp học ảo, các ứng dụng di động, các công cụ họp trực tuyến được ứng dụng mạnh mẽ1.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn cách ly xã hội vì dịch Covid -19, các trường học triển khai nhiều hình thức học khác nhau như: ghi bài giảng bằng video và phát sóng lại trên các kênh truyền hình hay trên các website của sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng các công cụ họp và học trực tuyến như: Zoom, MS Teams, sử dụng các kênh giao tiếp như Zalo; các ứng dụng lưu trữ tệp dữ liệu như Google Docs và các ứng dụng ra bài tập để giao bài tập về nhà cho học sinh và sinh viên. Sự đổi mới này ghi nhận nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc bảo đảm kế hoạch năm học 2019-2020. Trong bối cảnh đó, Học viện Hành chính Quốc gia đã triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến, bồi dưỡng từ xa (E-NAPA) và đang chứng tỏ được lợi thế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một số nghiên cứu cho thấy, hình thức học truyền thống, sinh viên chỉ sử dụng 10% học liệu, song đối với học trực tuyến, tỷ lệ sử dụng tăng 2 – 6 lần và thời gian học giảm 40-60%. Hiệu quả của hình thức học trực tuyến được thể hiện ở con số các trường đại học và số lượng sinh viên tham gia học trực tuyến ngày càng tăng.

Năm 2014, có 18.650.000 sinh viên ở Mỹ đã tham gia ít nhất 1 khóa học online2. Để tăng tính cạnh tranh với các hình thức học từ xa cũng như các trường học trực tuyến, các trường đại học truyền thống đưa ra các khóa học online như là một chiến lược để thu hút sinh viên. Thống kê các khóa học mở của hai trường Harvard và MIT cho thấy, khi triển khai 290 khóa trong 4 năm (2012-2016), có gần 4,5 triệu sinh viên đăng ký, có hơn 15% tham gia học một nửa khóa học và gần 5%, tức là hơn 200 ngàn sinh viên hoàn thành chứng chỉ miễn phí hoặc trả tiền3.

Ưu điểm của E-Learning/E-Training.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mà sinh viên có thể truy cập vào các bài giảng mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, các hoạt động học trở nên linh hoạt hơn không chỉ giới hạn ở bên trong không gian khuôn viên nhà trường hay trong khung thời gian giờ hành chính. Bên cạnh đó, các công cụ giao tiếp trong hệ thống quản trị lớp học như diễn đàn, wiki và messenger hỗ trợ các hình thức hợp tác, tương hỗ giữa các sinh viên, giáo viên và cộng đồng, nhóm sinh viên trở nên hiệu quả. Giảng viên có thêm nhiều lựa chọn để truyền tải các nội dung học trực tiếp hoặc ghi lại. Vì vậy, thời gian của giảng viên trong giảng dạy giảm đi.

Ngoài ra, ELearning/ETraining có thể tiết kiệm các chi phí đi lại và đặc biệt hiệu quả trong những tình huống phải giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-9 như vừa qua. Bên cạnh đó, quá trình tham gia học tập theo phương thức từ xa/qua mạng còn gián tiếp giúp cho người học nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, đây cũng là một trong những kỹ năng căn bản đòi hỏi mỗi CBCCVC cần có trong công việc hiện nay. Đó là cơ sở thực tiễn để giảng viên, nhà trường có thể đánh giá và điều chỉnh quá trình dạy học một cách khoa học. Những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo còn hỗ trợ tích cực cho giảng viên xây dựng các lộ trình học được cá nhân hóa cho từng sinh viên. Điều mà phương pháp giảng dạy truyền thống khó có thể thực hiện được.

Sự dịch chuyển từ lớp học truyền thống sang lớp học trực tuyến chưa có sự chuẩn bị tốt các kỹ năng cho hình thức dạy và học mới là một trong những khó khăn hiện nay.

Khó khăn của ELearning/ETraining.

Khó khăn lớn nhất trong triển khai học trực tuyến là tỷ lệ sinh viên kết nối truy cập internet. Ví dụ, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới, 95% sinh viên các nước như: Thụy Điển, Na Uy, Áo có máy tính để học ở nhà, ở In-đô-nê-xi-a chỉ có 34%. Ở Việt Nam không có tỷ lệ chính xác nhưng các thống kê cho thấy, tỷ lệ 66% người dân có internet thể hiện một phần nào khó khăn này4. Khó khăn thứ hai là, các tài liệu số hóa chưa phù hợp với các phương pháp giảng dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, tính sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin cho việc truy cập các nội dung này chưa cao. Khó khăn thứ ba là, sự thay đổi văn hóa trong việc dịch chuyển từ lớp học truyền thống sang lớp học trực tuyến. Cuối cùng là, sinh viên và giảng viên chưa có sự chuẩn bị tốt các kỹ năng cho hình thức dạy và học mới này.

Quá trình dịch chuyển đào tạo, bồi dưỡng từ xa/qua mạng

Trong nền tảng học trực tuyến, có 10 thành phần căn bản để thực hiện chuyển dịch thành công trong đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến5. 1) Xác định thực trạng, tầm nhìn và mục tiêu chuyển dịch, các hoạt động đổi mới. 2) Các yếu tố sẵn sàng cho việc chuyển dịch. 3) Các yếu tố liên quan đến cách thức quản lý và tổ chức việc học trực tuyến. 4) Các yếu tố cấu thành nghiệp vụ sư phạm bao gồm, các phương thức dạy học, các hình thức tương tác thầy trò, môi trường học trực tuyến, tính linh hoạt của thời gian và địa điểm học tập. 5) Thành phần công nghệ. 6) Các dịch vụ hỗ trợ học. 7) Các yếu tố về khoa/bộ môn. 8) Quản lý. 9) Các giao diện, dịch vụ hỗ trợ, các tiêu chuẩn đánh giá. 10) Các yếu tố về đạo đức.

Trong quá trình dịch chuyển đào tạo, bồi dưỡng từ xa/qua mạng, đã có một số nghiên cứu từ góc nhìn nền tảng với 5 thành phần chính như: phương pháp sư phạm, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ, khoa và bộ môn6. Các yếu tố thực hiện thành công được phân nhóm thành 4 loại, theo: đặc trưng của sinh viên, đặc trưng của giảng viên, hạ tầng công nghệ và sự hỗ trợ giảng dạy7. Các yếu tố trọng tâm được nghiên cứu, đó là việc thiết kế chương trình học, nhận thức về công nghệ và động lực của người học8. Theo đó, để các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ xa/qua mạng mang lại hiệu quả cao thì người học cần có 2 yếu tố: năng lực tự định hướng, duy trì động lực và khả năng tự học trực tuyến9.

Công nghệ là nền tảng của việc học trực tuyến ở Mỹ, nền tảng này được xây dựng dựa trên 8 trong 10 thành phần chính như: công nghệ, sư phạm, khoa/viện, quản lý, các giao diện, dịch vụ hỗ trợ, đánh giá và đạo đức. Trong đó, công nghệ được xem là thành phần nền tảng cơ sở để phát triển các thành phần còn lại. Khảo sát trên 205 sinh viên Mỹ về nhu cầu với các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ học trực tuyến, có 80% sinh viên trả lời cần dịch vụ thư viện online; 82% sinh viên cần cơ sở dữ liệu về bài giảng; 62% sinh viên cần hệ thống thông tin quản lý sinh viên; 42% sinh viên cần góc Blog/Chat; 30% sinh viên cần bài kiểm tra điện tử và 52% sinh viên cho rằng, hệ thống hỗ trợ sinh viên là cần thiết10.

Có 3 hình thái dạy học dựa trên công nghệ giảng dạy từ xa/qua mạng. Đó là: 1) Học trực tuyến mở từ xa – MOOCs. Đặc điểm của hình thái này là mở cho tất cả sinh viên học không giới hạn về khoảng cách, kinh tế hay nhân thân. 2) Hình thái lai giữa học trực tuyến và học trên giảng đường (Blended Learning). Với hình thức này, các thảo luận sâu giữa sinh viên, giảng viên về các bài học được thực hiện linh hoạt ngoài giờ học trên lớp, ví dụ như sử dụng diễn đàn, email, nhóm cộng đồng… Đây là hình thức được các trường đại học trên thế giới sử dụng. Ưu điểm của hình thức này là hiệu quả và ít rủi ro vì có thể sử dụng linh hoạt các công nghệ khác nhau trong quá trình chuyển đổi. 3) Hình thái lớp học đảo ngược (flipping the classroom). Trong hình thái này, sinh viên xem trước các video giảng dạy và thời gian. Khi đến lớp, các hoạt động chính là thảo luận, giải quyết các vấn đề chính của bài học và làm việc nhóm. Hình thái này giúp môi trường học năng động hơn và nhiều tương tác hơn giữa sinh viên và các giảng viên. Vai trò các giảng viên lúc này chuyển dịch gần hơn với vai trò của huấn luyện viên hướng dẫn sinh viên đạt được mục tiêu học tập của mình.

Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) được nghiên cứu mạnh trong thời gian từ năm 2013 – 201711. Các hệ thống này cho phép người học tương tác với bạn học trên các nền tảng web. Trong các khóa học ngoại ngữ, các hệ thống này được triển khai hiệu quả với hình thái học blended learning. Để triển khai tốt hệ thống này, giảng viên cần được nâng cao các kiến thức và kỹ năng sử dụng hệ thống. Bên cạnh đó, sinh viên cần có kỹ năng cao trong quản lý thời gian và tự tạo động lực cho bản thân.

Hệ thống trợ giảng thông minh, là hệ thống sử dụng máy tính hay điện thoại di động mô phỏng các trợ giảng để hỗ trợ sinh viên. Hệ thống sẽ cá nhân hóa cho từng học sinh bằng cách điều chỉnh các bài tập, bước giải cho sinh viên theo đặc trưng, nhu cầu và lộ trình học.

Khi phân tích, so sánh 22 loại hệ thống trợ giảng thông minh, các hệ thống này được so sánh với 6 hình thức học truyền thống khác nhau: hướng dẫn trên lớp; đọc sách giáo khoa, đọc sách điện tử; học với máy tính hỗ trợ không có trí tuệ nhân tạo; tự học; học với gia sư. Đánh giá đưa ra kết luận: các hệ thống trợ giảng thông minh không tốt hơn so với gia sư trợ giảng ở hình thức một – một, nhưng vượt trội so với các hình thức học còn lại12. Trong một nghiên cứu tương tự13 kết quả cho thấy, các hệ thống trợ giảng thông minh có hiệu quả vượt trội so với các hình thức học đại trà, học từ sách giáo khoa, học từ các hệ thống không có trí tuệ nhân tạo; tuy nhiên, không hiệu quả hơn việc học gia sư cá nhân hay gia sư nhóm nhỏ.

Công nghệ thực tế ảo trong tương lai sẽ cho phép các ứng dụng trên máy tính hay điện thoại thông minh chèn thêm các đối tượng 3D, các văn bản vào môi trường thật để có thể tương tác. Tuy nhiên, các ứng dụng của công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai nhưng các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy có nhiều tiềm năng. Nhờ việc trực quan hóa và liên kết các thông tin, công nghệ được đánh giá tăng hiệu quả giảng dạy, đơn giản hóa việc học, giúp học sinh thích học hơn, bảo đảm việc nhớ lâu, tăng các kỹ năng không gian. Công nghệ được ứng dụng phù hợp trong giai đoạn đầu tiên chủ yếu ở các ngành khoa học, kỹ sư và y khoa14.

Bảo đảm tính hiệu quả của đào tạo, bồi dưỡng từ xa/qua mạng

Bài giảng video được sử dụng nhằm giảm chi phí giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của người học với những mục tiêu khác nhau, bên cạnh đó, qua khảo sát mục đích của người học trên nền tảng MOOC, có 55,4% học để lấy kỹ năng và kiến thức, 25,5% để thử thách bản thân và 8,8% để nâng cao cơ hội nghề nghiệp, vì vậy hành vi học của các nhóm sinh viên này cũng khác nhau15. Do đó việc thiết kế, xây dựng các nội dung đào tạo, bồi dưỡng tương thích cho từng cá nhân người học theo định hướng phát triển năng lực là rất cần thiết. Bởi nó gắn với nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với quá trình đổi mới, phát triển nền công vụ quốc gia.

Trong hệ thống trí tuệ nhân tạo, có 7 nguyên tắc thiết kế video bài giảng dựa trên 3 góc nhìn: phương pháp giảng dạy, thứ tự bài giảng và cách trình bày16; có 4 phương pháp giảng dạy được nghiên cứu: học theo bài mẫu, học bằng cách thực hành, học bằng thử sai, học bằng ôn bài; theo thứ tự bài giảng, nguyên lý giảng dạy 4 bước: khởi động, minh họa kỹ năng, ứng dụng kỹ năng và vận dụng kỹ năng vào thực tiễn.

Theo thống kê, hiện có các loại định dạng nội dung bài giảng video phổ biến hiện nay như17: 1) Video trình chiếu các slide PowerPoint với thuyết minh. 2) Các dòng lệnh với thuyết minh. 3) Định dạng viết tay với thuyết minh. 4) Ghi hình của lớp học. 5) Ghi hình thầy giảng phòng thu. 6) Ghi hình cận cảnh thầy giảng bài. Với loại định dạng video có hình giảng viên và sử dụng kỹ thuật viết tay giúp truyền tải nội dung tốt hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả truyền tải, các video chỉ nên có nội dung truyền tải với thời lượng tối đa 6 phút. Với độ dài video như vậy các nền tảng có thể dễ dàng tích hợp các dịch vụ trí tuệ nhân tạo nhằm tăng trải nghiệm cá nhân hóa, trải nghiệm học cho từng học viên.

Thông thường, mỗi bài giảng có cấu trúc dài 45-60 phút. Các bài giảng này nên được chia nhỏ thành các clip video ngắn. Cuối mỗi video nên có các bài kiểm tra tương tác gắn với các hệ thống trí tuệ nhân tạo được các phản hồi, gợi ý phù hợp sau khi học viên hoàn thành bài tập.

Có 5 yếu tố chính trong chất lượng nội dung bao gồm: video có tương tác, các bài tập và phản hồi có tính thích nghi, nội dung của các video và giáo trình, cấu trúc hướng dẫn rõ ràng và giảng dạy dưới dạng hội thoại18. Người học thông qua các nội dung chuyên đề bài giảng đánh giá quá trình học tập (trắc nghiệm, tự luận) gắn với thực tiễn quản lý tại địa phương, cơ quan, đơn vị, môi trường công tác và phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh của QLNN một cách có chủ động.

Tác giả đã khảo sát các nhóm ứng dụng công nghệ khác nhau cho thấy, sự gia tăng của các công nghệ mới trong ứng dụng dạy và học; vai trò của giảng viên cũng có xu hướng chuyển dịch dần; các hệ thống hỗ trợ học ngày càng thông minh hơn và chuyển dịch sang hướng phát triển năng lực cá nhân. Các clip video giảng dạy có xu hướng được cắt nhỏ nhằm thích nghi với nhu cầu của người học. Với các công nghệ tiên tiến như thực tại ảo tăng cường, các bài giảng trở nên trực quan và hấp dẫn hơn với từng người học, đồng thời đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện Hành chính Quốc gia (E-NAPA).

Chú thích:
1, 4. Số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Ngày Internet 2019 được tổ chức tại Hà Nội, ngày 11/12/2019.
2. Gedera, Dilani S.P. “Students’ Experiences of Learning in a Virtual Classroom.” International journal of education and development using information and communication technology (2014): 93-101.
3. Chuang, Isaac and Ho, Andrew, HarvardX and MITx: Four Years of Open Online Courses – Fall 2012-Summer 2016 (December 23, 2016).
4. Al-Fraihat, Dimah & Joy, Mike & Sinclair, Jane. (2017). Identifying Success Factors for e-Learning in Higher Education.
5. AbuSneineh, W. and Zairi, M. (2010) “An evaluation framework for E-learning effectiveness in the Arab World”. International Encyclopedia of Education, pp 521-535.
6. Fresen, J. (2007) “A taxonomy of factors to promote quality web-supported learning”. International Journal on ELearning, p.351.
7. Bhuasiri, W. Xaymoungkhoun, O. Zo, H. Rho, J.J. and Ciganek, A.P. (2012) “Critical success factors for e-learning in developing countries: A comparative analysis between ICT experts and faculty”. Computers and Education, pp 843-855.
8. Knowles, M. (1984). Andragogy in Action. San Francisco: Jossey-Bass.
9. Khan, K.U. and Badii, A. (2012) “Impact of E-learning on higher education: Development of an e-learning framework”. Life Science Journal, pp 4073-4082.
10. Terzioglu, Y. & Kurt, M. (2019). A Meta-Analysis Study: Barriers to Learning Management Systems in EFL Classrooms. Journal of ELT Research: The Academic Journal of Studies in English Language Teaching and Learning, 189-204.
11. Kulik, James & Fletcher, J. D.(2015). Effectiveness of Intelligent Tutoring Systems: A Meta-Analytic Review. Review of Educational Research,10.3102/0034654315581420.
12. Ma, W. Adesope, O. O. Nesbit, J. C. & Liu, Q. (2014). Intelligent tutoring systems and learning outcomes: A meta-analysis. Journal of Educational Psychology, 901-918.
13. Sırakaya, Mustafa & Alsancak Sırakaya, Didem. (2018). Trends in Educational Augmented Reality Studies: A Systematic Review. Malaysian Online Journal of Educational Technology. 60-74. 10.17220/mojet.2018.02.005.
14. Breslow, Lori & Pritchard, David & DeBoer, Jennifer & Stump, Glenda & Ho, Andrew & Seaton, Daniel. (2013). Studying Learning in the Worldwide Classroom: Research into edX’s First MOOC. Research in Practice and Assessment.
15. Ou, C. Joyner, D.A. & Goel, A.K. (2019). Designing and developing video lessons for online learning: A seven-principle model. Online Learning, 82-104. doi:10.24059/olj.V23i2.1449.
16. Guo, Philip & Kim, Juho & Rubin, Rob. (2014). How video production affects student engagement: An empirical study of MOOC videos. 41-50. 10.1145/2556325.2566239.
17. Goel, A. & Joyner, D. (2016). An experiment in teaching artificial intelligence online. International Journal for Scholarship of Technology-Enhanced Learning.
*TS. Nguyễn Việt Hùng – Học viện Hành chính Quốc gia
**TS. Nguyễn Việt Hùng – Công ty cổ phần Study Now