Đổi mới và dân chủ hóa công tác cán bộ – công việc gốc của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tổ chức cán bộ được xác định là một trong bốn mặt công tác chính của Ðảng. Vì vậy không thể xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công nếu không đổi mới được công tác cán bộ. Đổi mới và dân chủ hóa công tác cán bộ phải đi đôi với cải cách tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của các cấp chính quyền.

 

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 (https://vietnamnet.vn).

1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ (CTCB) và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định tập thể, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu tổ chức đó trong CTCB. Nguyên tắc này đòi hỏi Đảng quyết định CTCB một cách tập thể, dân chủ, có phân cấp rõ ràng theo một quy trình, quy chế rành mạch, thống nhất, nhằm hạn chế những quyết định độc đoán, chuyên quyền của cá nhân người lãnh đạo.

Tiền đề của việc thực hiện nguyên tắc đó là người đứng đầu có phẩm chất và năng lực, thực sự quy tụ được ý chí và trí tuệ tập thể. Nếu không, có thể rơi vào một trong hai thái cực: (1) Buông lỏng trách nhiệm cá nhân, hoàn toàn dựa dẫm vào tập thể; (2) Lấy tập thể làm bình phong để thực hiện ý chí của cá nhân mình mà không phải chịu trách nhiệm cụ thể gì.

Có thể nhận thấy rõ, những năm qua,  CTCB đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận, các văn bản quy phạm pháp luật… kịp thời đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ CTCB, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan.

Kết quả bước đầu sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” rất khả quan. Về tổ chức hành chính các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương đã giảm 4 cơ quan, đơn vị; giảm 26 cục, vụ; 2.785 phòng và tương đương; giảm 3.866 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã giảm 4.139 tổ chức và 9.893 cán bộ lãnh đạo, quản lý1.

Khu vực các đơn vị sự nghiệp trong các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương giảm 80 đơn vị và 207 cán bộ lãnh đạo, quản lý; đơn vị sự nghiệp các tỉnh, thành phố giảm 4.139 tổ chức và 9.893 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh sắp xếp tổ chức là tinh giản biên chế. Cả nước giảm khoảng 236.000 biên chế, tương ứng giảm khoảng 6,5% so với biên chế 2.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay, CTCB còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm với nhiệm vụ và yêu cầu của công cuộc đổi mới. Không ít cán bộ còn yếu về năng lực, nhiều hạn chế về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu trong các mặt công tác. Nhưng tại sao số cán bộ này vẫn được thăng tiến từ cấp này lên cấp khác, vẫn giữ, đảm nhiệm được cương vị, trách nhiệm ở vị trí đó, không bị áp lực nặng nề về trách nhiệm…? Nếu vậy thì chỉ có thể là yêu cầu công việc, trách nhiệm ở vị trí đó chưa rõ ràng hoặc chưa tương xứng với vị trí, hoặc vị trí đó không có chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức bộ máy; hoặc là không có cơ chế để có thể quy trách nhiệm, loại bỏ, bãi miễn cán bộ không đủ năng lực.

Như vậy, tồn tại vấn đề về tổ chức bộ máy chưa tốt, chưa hợp lý và khách quan. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp… Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, thực hiện chính sách phát triển và trưng dụng nhân tài còn nhiều bất cập, nhất là đối với công việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

2. Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị “Về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã đặt ra yêu cầu: “Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch;…”. Để chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đổi mới và phát huy dân chủ trong CTCB, cụ thể là:

Thứ nhất, chuẩn hóa và ban hành các quy chế, quy định về CTCB thật sự công khai, dân chủ, minh bạch.

Các đơn vị chức năng ban hành văn bản này cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống tiêu chuẩn gắn với từng chức danh cán bộ ở từng cấp, ngành cụ thể, làm căn cứ để thực hiện các khâu của CTCB như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ,…

Hoàn thiện quy trình và hệ thống văn bản hướng dẫn về CTCB gồm có: sơ đồ tổ chức và mô tả hệ thống công việc – chức danh cụ thể; các bản phân tích công việc và tiêu chuẩn hóa công việc; bản hướng dẫn về phương pháp đánh giá và cách cho điểm đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng chức danh cụ thể.

Xây dựng chế độ lương, khen thưởng, kỷ luật mang tính cạnh tranh cho từng chức danh, vị trí cán bộ, tuyệt đối tránh tình trạng cào bằng trong điều kiện kinh tế thị trường. Thực tế, với chế độ lương, thưởng như hiện nay phần lớn cán bộ làm việc chỉ cốt để hoàn thành nhiệm vụ, còn dành sự quan tâm, sức lực, năng lực sáng tạo vào những việc làm thêm khác để tăng thêm thu nhập cá nhân. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách về lương, thưởng để khuyến khích khiến cán bộ hoàn thành tốt công việc, có tinh thần trách nhiệm và sáng kiến trong công việc.

Ðổi mới các cơ quan tổ chức cán bộ của Đảng. Các cơ quan này phải có đầy đủ thẩm quyền và năng lực thực tế để thực hiện những nghiên cứu khoa học, khảo sát, điều tra, đề xuất và thực hiện những nhiệm vụ cụ thể; có vị trí tương đối độc lập bảo đảm tính khách quan trong hoạt động, trách nhiệm rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm CTCB. Đòi hỏi đội ngũ này phải được lựa chọn thật kỹ về năng lực, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là sự trung thực, công tâm.

Thứ hai, cụ thể hóa phương châm “dân chủ hóa, công khai hóa” CTCB.

Công khai, dân chủ trong đánh giá, trong quy hoạch và trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. bảo đảm dân chủ, công khai đối với cán bộ, được đánh giá. Người được đánh giá phải được thông báo về nội dung đánh giá, được phát biểu ý kiến về nội dung đánh giá. Cơ quan có trách nhiệm đánh giá phải nghiên cứu ý kiến của người được đánh giá và trả lời người được đánh giá.

Thực hiện dân chủ trong bầu cử để đào tạo và lựa chọn cán bộ. Ðổi mới công tác bầu cử là khâu trọng tâm của dân chủ hóa CTCB, bởi đây là nơi mà cán bộ thể hiện rõ ràng nhất nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ và kỹ năng của mình trước công việc, trước nhân dân. Dân chủ trong Đảng đặt ra yêu cầu phải đổi mới công tác bầu cử ở mọi cấp từ trung ương đến cơ sở. Cần có nhận thức mới về thể chế bầu cử, coi bầu cử là một trong những thể chế quan trọng nhất, là một phương thức quan trọng nhất để chuẩn bị một đội ngũ cán bộ đủ năng lực cho một đảng cầm quyền. Trong đó, cần đổi mới quy trình giới thiệu người ứng cử bảo đảm được tín nhiệm trong tổ chức Đảng, có khả năng đại diện cho nguyện vọng, ý chí của đảng viên.

Thí điểm và mở rộng các phương thức dân chủ trực tiếp. Bầu cử dân chủ trực tiếp là đại hội Đảng các cấp trực tiếp bầu các chức danh của tổ chức Đảng cấp mình, bỏ dần cách bầu cử gián tiếp. Tuy nhiên, để làm được việc này cần bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao năng lực làm chủ, trách nhiệm làm chủ của đảng viên. Chừng nào năng lực làm chủ, trách nhiệm làm chủ của đảng viên chưa ngang tầm; việc cung cấp thông tin chưa kịp thời, chính xác, minh bạch, dân chủ thì phương thức bầu cử có dân chủ bao nhiêu đi nữa thì kết quả bầu cử chưa hẳn đã khách quan, chính xác, người đắc cử chưa hẳn đã là tinh hoa của tổ chức Đảng, của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ ba, gắn trách nhiệm cá nhân trong CTCB.

Trong CTCB, cho dù có quy trình, phương thức hoạt động tốt thì sự công tâm, sâu sát của người có trách nhiệm vẫn là quan trọng nhất. Do vậy, vấn đề ở đây là phải làm thế nào để khiến cho người có trách nhiệm không thể đi ngược lại lợi ích của tổ chức, tập thể. Cần có những điều kiện ràng buộc, gắn trách nhiệm cá nhân; vừa có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng. Từ xưa, cha ông ta cũng đã áp dụng thưởng, phạt đối với những người tiến cử quan lại: người nào giới thiệu, tiến cử được hiền tài sẽ được khen thưởng, thăng cấp; người nào tiến cử người yếu kém, tha hóa biến chất sẽ bị phạt, giáng chức hoặc cho thôi việc.

Ở bất kỳ một cương vị, vị trí công tác nào cũng phải tính đến khả năng quy trách nhiệm. Sự giám sát có hiệu quả đến đâu cũng không có tác dụng thật sự nếu không thể quy được trách nhiệm. Trách nhiệm cần phải được đưa vào các quy định một cách rõ ràng. Càng có thẩm quyền lớn, trách nhiệm ràng buộc càng cao và mức độ xử phạt nếu không hoàn thành trách nhiệm cũng phải tương ứng. Có như vậy mới đủ sức ngăn chặn, khiến cho cán bộ không dám lơ là, thiếu trách nhiệm.

Thứ tư, có cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Để sự kiểm tra, giám sát có hiệu quả, cần thực hiện có hiệu quả việc kê khai tài sản của đội ngũ cán bộ, công chức. Cần nâng cao tính độc lập và khách quan của việc kiểm tra, giám sát cán bộ.

Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và quần chúng nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra cán bộ, công chức. Qua kiểm tra, cán bộ không thể đảm đương được trách nhiệm thì phải kịp thời điều chỉnh và bố trí người khác thay thế, không cần chờ đến hết nhiệm kỳ bầu cử đối với cán bộ được bầu. Những cán bộ thoái hóa, biến chất phải được phát hiện kịp thời và kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ cán bộ, công chức.

Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời.

Thứ năm, xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng và đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ.

Trong bốn cấp hành chính hiện nay ở nước ta thì ở cấp cơ sở, việc giám sát của nhân dân có những chuyển biến tích cực. Song do nhiều nguyên nhân, càng lên cấp trên, nhân dân càng khó giám sát cán bộ của mình. Một số thủ tục hành chính rườm rà, cộng với sự phân cấp quản lý chồng chéo không rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân nên quần chúng nhân dân dù có nhiệt huyết đến mấy cũng khó đủ kiên nhẫn, thời gian, công sức, tiền của để “theo đến cùng” tố giác, đưa ra ánh sáng một số cán bộ mắc khuyết điểm, tham nhũng, tiêu cực cũng như trù dập người dám đấu tranh cho công bằng và lẽ phải.

Nhân dân có vai trò quan trọng trong việc đánh giá cán bộ. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế và thực hiện thành nền nếp việc quần chúng, nhân dân tham gia giám sát, đánh giá cán bộ trước khi sắp xếp, bổ nhiệm. Bên cạnh cơ chế này, cần có những biện pháp, cơ chế bảo vệ người chống tiêu cực, tố giác sai phạm, những người phát hiện, phản ánh những hành vi sai trái của cán bộ.

Thứ sáu, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Các quy định để xử lý một cán bộ sai phạm đã được ban hành. Vấn đề nằm ở chỗ là thực hiện chúng như thế nào. Việc xử lý phải làm mạnh mẽ và dứt khoát, triệt để thì mới có tác dụng hạn chế, ngăn ngừa. Là cán bộ ở vị trí càng cao, trách nhiệm và thẩm quyền càng lớn thì khi vi phạm mức xử lý càng phải nặng. Có như vậy mới ràng buộc và gắn được trách nhiệm của người có thẩm quyền, hạn chế ở mức thấp nhất sự lạm dụng quyền lực.

Chú thích:
1, 2. Tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động. https://moha.gov.vn, ngày 09/01/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. H. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016.
2. Quy định số 179-QĐ-TW ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.
3. Hướng dẫn 26-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
ThS. Lê Thị Phượng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền