Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh – chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

(Quanlynhanuoc.vn) – Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, có chức năng đào tạo trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế và dịch vụ công phục vụ ngành Nội vụ, nền công vụ và yêu cầu của xã hội. 

 

 Lịch sử hình thành và phát triển

Giai đoạn 2012 – 2015: Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 17/10/2012, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (ĐHNVHN) ký Quyết định số 879/QĐ-ĐHNV thành lập Văn phòng đại diện Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh. Văn phòng Đại diện Trường ĐHNVHN thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo ủy quyền của Hiệu trưởng về đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) ngắn hạn và triển khai các dịch vụ chuyển giao công nghệ tại khu vực miền Nam.

Giai đoạn 2015 – 2018: Cơ sở Trường tại TP. Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nâng cấp từ Văn phòng Đại diện Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1877/QĐ-BNV ngày 18/12/2015 về việc thành lập cơ sở Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ về ĐTBD, triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học và hợp tác quốc tế.

Giai đoạn 2018 đến nay: Phân hiệu Trường tại TP. Hồ Chí Minh.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển và mở rộng ĐTBD nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nội vụ, Trường ĐHNVHN đã xây dựng đề án nâng cấp Cơ sở Trường tại TP. Hồ Chí Minh lên Phân hiệu. Ngày 27/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 5600/QĐ-BGDĐT thành lập Phân hiệu Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh.

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức

Phân hiệu Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh là cơ sở ĐTBD thuộc Trường ĐHNVHN, có chức năng đào tạo trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế và dịch vụ công phục vụ ngành Nội vụ, nền công vụ và yêu cầu của xã hội.

Phân hiệu Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh có các nhiệm vụ chính, như: tổ chức tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực các ngành trình độ đại học, sau đại học; tham gia tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền; nghiên cứu khoa học và công nghệ; ứng dụng, phát triển và chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.

Đồng thời, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của Phân hiệu; tư vấn, dịch vụ về ĐTBD, khoa học và công nghệ, hợp tác công tư; cung cấp các dịch vụ công phục vụ ngành Nội vụ, nền công vụ và yêu cầu của xã hội phù hợp với năng lực của Phân hiệu và quy định của pháp luật; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định…

Tính đến tháng 12/2019, Phân viện có 90 công chức, viên chức và người lao động. Về tổ chức bộ máy gồm: Ban Giám đốc; các hội đồng tư vấn; 5 phòng chức năng; 4 khoa chuyên môn  và 3 trung tâm.

 Ngành học mới mang thương hiệu của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, dù với tên gọi nào (Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh; Cơ sở Trường tại TP. Hồ Chí Minh) hay hiện tại thì Phân hiệu Trường tại TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và không ngừng nỗ lực để thu hút đối tượng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; tự chủ về tài chính, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và dần hình thành thương hiệu vững mạnh. Kết quả tuyển sinh ngày càng cao, chất lượng đào tạo ngày càng được khẳng định, nhất là với những ngành mới mang thương hiệu Trường ĐHNVHN – Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2017, Phân hiệu được phép tuyển sinh và đào tạo chính quy trình độ đại học với 2 ngành: Luật và Quản lý nhà nước (QLNN). Đây là 2 ngành đang thu hút số lượng người quan tâm qua việc số lượng đăng ký đầu vào tăng lên hằng năm.

Ngành Quản lý nhà nước

Đối với ngành QLNN: khóa học 2017 –  2021 (là khóa tuyển sinh đầu tiên) có 16 sinh viên; khóa 2018 – 2022: 210 sinh viên; khóa 2019 – 2023: có 155 sinh viên.

Sinh viên học ngành QLNN khi học tại trường sẽ được trang bị về kiến thức (khối kiến thức giáo dục đại cương; khối kiến thức cơ sở ngành; khối kiến thức ngành); về kỹ năng; về năng lực tự chủ và trách nhiệm…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp tổ chức thực hiện công việc chuyên môn ở các vị trí, như: chuyên viên hành chính trong các cơ quan thuộc khu vực công và khu vực tư; nghiên cứu viên về khoa học hành chính, khoa học quản lý ở các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm công tác giảng dạy về khoa học hành chính, khoa học quản lý tại các cơ sở giáo dục… Sinh viên tốt nghiệp ngành QLNN có thể tiếp tục học lên cao học và nghiên cứu sinh để nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ ngành khoa học quản lý, quản lý công, chính sách công, quản lý khoa học và công nghệ… và các chuyên ngành khác phù hợp.

QLNN là một nghề đặc biệt trong xã hội. Đây là công việc dựa trên sử dụng quyền lực công để điều hành, quản lý các hành vi của tổ chức, cá nhân trong xã hội, vì thế những người làm nghề này có địa vị quan trọng trong xã hội. Học ngành QLNN sẽ có nhiều cơ hội việc làm.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận công việc của chuyên viên trong các cơ quan hành chính hoặc có cơ hội tìm những công việc liên quan tới quản trị trong các tổ chức kinh tế – xã hội cả ở khu vực công và khu vực tư; có cơ hội thành đạt và thăng tiến trong con đường chức nghiệp; có thể đảm nhiệm công việc ở vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên viên hành chính các khu vực công và khu vực tư; nghiên cứu viên về khoa học hành chính, khoa học quản lý ở các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm công tác giảng dạy về khoa học hành chính, khoa học quản lý tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; có cơ hội học tập, nâng cao ở bậc sau đại học chuyên ngành quản lý công trong và ngoài nước…

 Ngành Luật

Song song với việc đào tạo sinh viên ngành QLNN, Phân hiệu TP. Hồ chí Minh cũng tập trung định hướng phát triển chuyên ngành Luật: khóa học 2017 – 2021 (là khóa tuyển sinh đầu tiên) có 19 sinh viên; khóa 2018 – 2022: có 72 sinh viên; khóa 2019 – 2023: có 148 sinh viên.

Sinh viên học ngành Luật khi học tại Trường sẽ được trang bị về kiến thức; về kỹ năng; về năng lực tự chủ và trách nhiệm… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp tổ chức thực hiện công việc chuyên môn ở các vị trí: công tác pháp chế tại các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương (đặc biệt trong các cơ quan, tổ chức của ngành Nội vụ, chính quyền địa phương); chuyên viên của sở tư pháp, phòng tư pháp; công chức tư pháp – hộ tịch ở Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra viên làm việc trong các cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành.

Đồng thời, đảm nhiệm các chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư…); thực hiện công tác trợ giúp pháp lý; tổ chức thi hành pháp luật; chuyên viên pháp lý cho các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ, tổ chức quốc tế; cố vấn pháp lý cho các doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu… Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có thể tiếp tục học lên cao học và nghiên cứu sinh để nhận học vị thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành thuộc ngành Luật và các chuyên ngành khác phù hợp.

Xã hội đang tiến tới xu thế hội nhập kinh tế và phát triển mở rộng đa ngành, đa lĩnh vực trong thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TPP hay cộng đồng kinh tế ASEAN … Việc nắm rõ về luật là điều quan trọng hơn bao giờ hết, đòi hỏi một số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cao trong ngành Luật. Chính vì vậy, có thể nói, trong tương lai sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có vị thế vô cùng lớn trong cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, có mức thu nhập hấp dẫn.

Định hướng tiếp tục phát triển thương hiệu Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội  tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Một là, về công tác phát triển nhân sự .

Xây dựng lực lượng giảng viên cơ hữu đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy, giảm số lượng giảng viên kiêm nhiệm, định kỳ đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; tuyển giảng viên mới, có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với các chuyên gia, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với các ngành đào tạo của nhà trường. Tăng cường cử giảng viên học tập và giao lưu với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Hình thành thái độ trong đội ngũ giảng viên: xây dựng hình ảnh thương hiệu giảng viên của nhà trường nói chung và của Phân hiệu nói riêng. Xây dựng tiêu chí giảng viên giảng dạy cho từng học phần; giao quyền cho Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh lựa chọn giảng viên thỉnh giảng, đáp ứng đúng tiêu chí nhà trường đặt ra và chịu trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng của giảng viên thỉnh giảng.

Tổ chức tập huấn cho các nhân sự thực hiện công tác quản lý đào tạo: quy trình, quy chế đào tạo, chế độ, chính sách sinh viên, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kỹ năng tổ chức các hoạt động cho sinh viên, …Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cho các bộ phận, thành viên khác cùng thực hiện công tác tổ chức đào tạo.

Hai là, chú trọng chất lượng đào tạo cho sinh viên, học viên.

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, học tập thực tế cho sinh viên/người học trong quá trình học tập, tổ chức các chương trình giao lưu sinh viên với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để sinh viên có cơ hội học tập và tiếp thu cái mới, tạo động lực học tập cho sinh viên. Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với người học, tăng cường hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động của sinh viên. Hình thành quỹ khuyến học cho sinh viên, viên chức, người lao động, kết nối với các nhà tuyển dụng để tăng cường nguồn tài trợ cho người học. Xác định rõ đối tượng được nhận học bổng, hỗ trợ ngay từ ban đầu, cụ thể và thông tin rộng rãi trên truyền thông, mức hỗ trợ hợp lý và có tính cạnh tranh với các trường khác, tạo động lực cho sinh viên.

Xây dựng chính sách phối hợp và liên kết lâu dài với các nhà tuyển dụng để tạo môi trường kiến tập, thực tập trong quá trình học của người học; giới thiệu công việc phù hợp cho sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo của nhà trường và cung cấp nhân lực phù hợp với từng yêu cầu của nhà sử dụng lao động.

Ba là, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo.

Chương trình đào tạo chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, các kiến thức văn hóa, xã hội, năng lực tư duy, kỹ năng làm việc thực tế, đáp ứng công việc ngay khi tốt nghiệp. Cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Xây dựng tập bài giảng đối với mỗi học phần theo đề cương, giúp sinh viên cô đọng tinh gọn những kiến thức cơ bản, song song với việc giới thiệu những tài liệu chuyên sâu giúp sinh viên có nhu cầu nghiên cứu mở rộng, rèn luyện kỹ năng cũng như những giá trị bản thân để có được hành trang vững vàng bước vào cuộc sống. Công khai chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, tài liệu học tập của nhà trường lên website để thuận lợi trong quá trình tìm hiểu, theo dõi tiến độ học tập.

Bốn là, cơ sở vật chất và cơ sở trang thiết bị học tập.

Khu liên hợp Cơ sở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP HCM (Ảnh: internet).

Tăng cường đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo như: hội trường lớn; trang bị đầy đủ thiết bị, máy lạnh cho các phòng học; xây dựng phòng đa năng, tạo sân chơi cho sinh viên được rèn luyện và phát triển thể lực cũng như trí lực. Đầu tư thư viện chuẩn; mở rộng diện tích sử dụng của ký túc xá; xây dựng khu dịch vụ sinh viên… đáp ứng tốt nhu cầu học tập, sinh hoạt của sinh viên khi tham gia học tập tại Phân viện.

Phân hiệu Trường ĐHNVHN tại TP. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn đào tạo. Chỉ với thời gian 3 năm ngắn ngủi kể từ khi bắt đầu tuyển sinh đại học, có thể nói Phân hiệu đã khẳng định được vị trí nhất định trong khu vực. Thời gian tới, với nhiều nội dung cần phải hoàn thiện, đổi mới, đòi hỏi tập thể cán bộ, nhân viên, giảng viên, sinh viên cần không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động, từng bước tiến tới đạt chuẩn theo tiêu chí của bộ đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, thể hiện đúng giá trị cốt lõi của Nhà trường “Uy tín – Chất lượng – Hội nhập”.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1877/QĐ-BNV ngày 18/12/2015 của Bộ Nội vụ về việc thành lập cơ sở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Quyết định số 372/QĐ-ĐHNV ngày 26/02/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh.
3. Báo cáo tổng kết các năm 2017, 2018, 2019 và phương hướng nhiệm vụ các năm 2018, 2019, 2020 của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội – Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh.
4. Chiến lược phát triển Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

ThS. Nguyễn Thị Vân – ThS. Bùi Thị Bình
Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh