Phát triển kinh tế báo chí trong xu thế hội nhập

(Quanlynhanuoc.vn) – Báo chí Việt Nam đang trong lộ trình triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Việc phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn báo với thương hiệu riêng của mình là nhiệm vụ quan trọng của mỗi tòa soạn hiện nay.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. (Ảnh:vtv.vn)
Thực trạng kinh tế báo chí hiện nay

Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí (CQBC), trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 CQBC điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh – truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các CQBC (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo1.

Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng, báo chí phải xác định các loại hình báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động (dưới hình thức đặt hàng), còn lại hầu hết các tòa soạn sẽ phải tự chủ về tài chính.

Hiện có 300/860 CQBC tự chủ về tài chính2, trong khi cơ quan báo Đảng hầu như được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì báo, tạp của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trong các năm 2018, 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều CQBC có doanh thu cao trước đây tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo điện tử  tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn. Đối với những CQBC đã sớm tự chủ hoàn toàn về tài chính đã phải điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Song, đối với 2 hình thức tòa soạn còn lại sẽ phải đối mặt với bài toán “lấy nguồn kinh phí ở đâu để đầu tư?”.

Hoạt động theo cơ chế tự chủ đồng nghĩa với việc cơ quan báo chí sẽ quản trị theo mô hình doanh nghiệp (DN), làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy, như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm… Một điều khó hơn so với DN và cũng là khó nhất của báo chí khi tự chủ tài chính, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân, bởi vậy, không thể vì tăng doanh thu mà để bị “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều độc giả là một bài toán luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bảnký báo, tạp chí.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí (KTBC), với sự phối hợp của các nhà nghiên cứu về KTBC, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan, tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán khó. Đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh Covid-19 như hiện nay kéo theo hàng loạt DN lâm vào khủng hoảng, phá sản dẫn tới nguồn tuyên truyền, quảng cáo báo chí cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng là xu hướng chủ đạo, thì nhiều CQBC nước ta không chỉ tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn hơn.

Báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu. Do vậy, các cơ quan quản lý và các nhà lãnh đạo, quản lý CQBC phải xác định việc chủ động đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách về KTBC một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại, đây là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán KTBC vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.

Một số giải pháp được các tòa soạn áp dụng tạo ra nguồn thu như xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu… Vì thế, việc tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay DN nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin ngày càng trở nên phổ biến theo đúng quy luật phát triển. Theo đó, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin và DN đồng hành, hỗ trợ các CQBC sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã yêu cầu: “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, để thật sự là địa chỉ tin cậy trong hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. Điều này khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong xã hội và đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của các CQBC và nhà báo.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực thì hiện nay, có tình trạng báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân dẫn đến hậu quả đã có DN thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu, có DN phá sản, có người thì mất đi danh dự, gia đình tan vỡ do các bài báo thông tin lệch lạc, không đúng thực tế. Thực trạng này cho thấy, chỉ cần một bài báo “vô trách nhiệm” sẽ ảnh hưởng đến số phận của một tổ chức, một con người cụ thể. Chính vì vậy, người đứng đầu các CQBC phải thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, xây dựng chuẩn mực phóng viên, xây dựng văn hóa người làm báo cho đội ngũ này.

Ngoài ra, xuất hiện sự lẫn lộn giữa hoạt động kinh tế với tác nghiệp báo chí, trục lợi từ ngòi bút; hay như tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”; tình trạng “đánh hội đồng” đối với các thương hiệu lớn, các tập đoàn lớn và cả đối với các địa phương, các bộ, ngành, cán bộ lãnh đạo, quản lý; có hiện tượng coi CQBC như là một cơ quan quyền lực, còn phóng viên tự cho mình cái quyền “đại diện cho chân lý, cho lẽ phải”, cho số đông, làm xuất hiện xu hướng “suy đoán có tội”, “phán xử” ngay trên các trang báo; hoặc như xu hướng coi mạng xã hội là nguồn tin chính; thảm họa giật tít, quy chụp vô căn cứ, vô đạo đức.

Năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 CQBC với tổng số tiền trên 675 triệu đồng3. Các hành vi bị phạt chủ yếu là thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân của những hiện tượng sai phạm, lệch lạc nói trên một phần do sự thiếu chuẩn mực của đội ngũ phóng viên, sự thiếu đạo đức người làm báo, sự thờ ơ vô trách nhiệm của cá nhân nhà báo; tòa soạn… Mặt khác, vấn đề KTBC có tác động mạnh đến việc tác nghiệp báo chí, trục lợi từ ngòi bút. Chính vì vậy, việc đi tìm lời giải cho KTBC là việc làm cần thiết, cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Đề xuất giải pháp

Việc đi tìm lời giải cho vấn đề tự chủ đã tác động lớn đến xu hướng phát triển của từng tòa soạn, tờ báo. Đó là cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, từ đó phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu xưa nay vẫn được bao cấp. Bởi lẽ, báo chí không giống hẳn một DN và tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, vì thế yêu cầu thông tin đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến vấn đề kinh tế.

Tuy nhiên, đã phát triển theo quy luật kinh tế thị trường, phải chịu sự chi phối của thị trường, nghĩa là các CQBC, mỗi nhà báo phải thừa nhận và chấp nhận tham gia quy luật đó. Nhìn ở góc độ tích cực, khi CQBC hoạt động hoàn toàn tự chủ cũng đồng nghĩa với việc các tòa soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của tòa soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.

Vì lý do đó, các nhà báo có động lực để biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí nhân văn, có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu báo chí vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.

Chính phủ, bộ, ngành và các cơ quan chủ quản cần có chính sách thông thoáng hơn để giúp các CQBC có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Cần có sự ưu tiên, hỗ trợ đối với những CQBC làm nhiệm vụ chính trị, với quan điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của CQBC, tinh gọn báo chí và không làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước. Điều này, cần có những giải pháp mạnh mẽ từ các cơ quan chủ quản. Cụ thể:

Một là, hệ thống các CQBC cần phải được quy hoạch lại để tinh gọn hơn và hiện nay các CQBC đang trong tiến trình đó. Về quy hoạch báo chí, cần nhìn nhận tích cực là làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững hơn, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển, tức là làm cho người làm báo phải sống được với nghề và như thế mới có tinh thần để phụng sự Tổ quốc. Song, không nên và không thể làm một cách quá máy móc, cứng nhắc. Quy hoạch và phát triển báo chí cần có lộ trình và phải được rà soát, đánh giá hoạt động của các CQBC một cách xác thực về những mặt ưu, nhược để đề xuất giải pháp quy hoạch hay phát triển,…

Cơ quan chủ quản cần tăng cường dành nguồn kinh phí đặt hàng báo chí, vừa là bảo đảm tính định hướng của Đảng và Nhà nước, vừa là để giúp các CQBC có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, từng cơ quan chủ quản, từng CQBC phải tự mình đổi mới, sáng tạo để phát triển. Khi thực hiện quy hoạch, sắp xếp phát triển báo chí cần phải xem xét năng lực từng CQBC, từng người làm báo.

Hai là, các cơ quan chủ quản nên tạo điều kiện cho CQBC có nguồn thu ổn định. Điều này tránh cho các nhà báo phải bươn trải trên thị trường, bị cơ chế thị trường chi phối dẫn đến thực hiện các hành vi sai phạm, vi phạm đạo đức người làm báo, thậm chí vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, các CQBC nên có bộ phận làm thêm các dịch vụ, làm theo đơn đặt hàng của các cơ quan, DN như: tư vấn truyền thông, tổ chức sự kiện, đánh giá dư luận xã hội về DN, về sản phẩm của DN.

Ba là, đối với các CQBC, muốn phát triển thì phải tạo được thương hiệu trong xã hội. Hội nhà báo các cấp và các CQBC phải chung tay giữ gìn thương hiệu nhà báo, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Không có được thương hiệu của mình thì đồng nghĩa CQBC đó sẽ tự đào thải ra khỏi dòng chảy.

Báo chí về cơ bản sẽ phải tự chủ về tài chính, vì vậy, mô hình quản trị DN là phù hợp để quản lý tài chính. Quản trị DN cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn đã được nghiên cứu và phát triển rất khoa học. Các CQBC cũng nên có kinh nghiệm về quản trị DN.

Bốn là, với hàng nghìn tờ báo, tạp chí, trang tin thì không một tờ báo nào có thể phủ hết cả thị trường. Mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo. KTBC cũng từ đó giúp cho các nhà báo có thể sống được với nghề và tự hào với nghề của mình.

Trong dòng chảy thông tin hiện nay, báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất mà cần đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì Fake News, tự mạng xã hội đã và đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và, đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Các CQBC phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình.

Năm là, báo chí cần phải đáp ứng tốt yêu cầu về công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào nghiệp vụ báo chí. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo chí và cho độc giả. Chẳng hạn như: công nghệ sẽ giúp chúng ta đọc và tổng hợp tin bài theo chủ đề; giúp chúng ta viết các tin chuẩn mực theo đơn đặt hàng… Và do vậy, chúng ta có nhiều thời gian hơn cho các bài viết có giá trị.

Công nghệ Big Data giúp chúng ta phân tích hàng triệu trang tin trong quá khứ, tìm ra xu thế của hàng chục năm qua, để dự đoán tương lai. Công nghệ giúp chúng ta sửa ngữ pháp, chính tả để không gặp những lỗi thông thường. Công nghệ giúp Tổng Biên tập duyệt hàng trăm bài mỗi ngày, tránh được những “tai nạn” không đáng có. Tóm lại, công nghệ sẽ giải phóng chúng ta khỏi những việc lặp lại, cho chúng ta nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Tuy nhiên, công nghệ cũng sẽ lấy mất công việc của những người trung bình và kém, vì vậy, bắt buộc mỗi chúng ta phải tự đào tạo lại để thích ứng.

Sáu là, một bài báo là một tác phẩm do lao động của nhà báo, của CQBC tạo ra, tốn nhiều chi phí. Bất kỳ ai dùng cũng phải trả bản quyền. Nếu không làm tốt việc này, báo chí sẽ mất nguồn thu, sẽ không có các bài báo hay. Thực tế hiện nay nhiều tin tức báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền. Trong tương lai, Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Báo chí cần phải điều chỉnh các quy định hiện hành về bản quyền báo chí.

Bảy là, quản lý và phát triển báo chí là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển. Với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để báo chí phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, cần đổi mới cách quản lý, sự phát triển các quan điểm mới của Đảng, của Nhà nước về quản lý báo chí, theo kịp sự phát triển của xã hội, theo kịp sự phát triển của công nghệ. Báo chí cần chủ động là người đầu tiên đưa thông tin ra mạng. Song, cần phân biệt rõ tai nạn nghề nghiệp và hành vi chống phá Đảng và Nhà nước để xử lý nghiêm khắc.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Trung tâm Lưu chiểu quốc gia về truyền thông số, gồm báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản. Nhờ đó, chúng ta có thể phân tích, đánh giá, nhìn thấy xu thế, kể cả số liệu thống kê về bài viết tích cực, tiêu cực, từ đó nhìn thấy dòng chảy chính của báo chí đang là gì, tiêu cực hay tích cực. Đồng thời, có thể biết được phóng viên nào viết nhiều, viết ít, chủ đề, chất lượng, ảnh hưởng bài viết của họ ra sao. Những nỗ lực này nhằm giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí nhìn thấy được những khía cạnh ưu, nhược điểm của từng CQBC, từng cá nhân nhà báo. Bộ Thông tin và Truyền thông rất cần có sự hợp tác chặt chẽ của các CQBC để xây dựng Trung tâm quốc gia này, dữ liệu có được sẽ được chia sẻ với các CQBC.

Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính các CQBC và các nhà báo.

Chú thích:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Số liệu báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, tại thành phố Hải Phòng, ngày 28/12/2019.
2. Báo chí trước bài toán tự chủ. http://hoinhabaovietnam.vn, ngày 15/02/2019.
3. Năm 2019: Cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí. https://hcmcpv.org.vn, ngày 28/12/2019.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia