Quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh  thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực: chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài hoạt động tôn giáo thuần túy; tuân thủ pháp luật… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục để hoạt động của đạo Cao Đài luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

  

Khái quát về đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh là một trong 6 tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ, cách TP. Hồ Chí Minh 99 km theo đường Quốc lộ 22, dân số 1.133.400 người 1. Toàn tỉnh có 5 tôn giáo chính gồm: Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Hồi giáo Islam, trong đó đạo Cao Đài có số lượng tín đồ đông nhất (563.225 tín đồ, 7.938 chức việc, 2.340 chức sắc, 133 cơ sở thờ tự, chiếm trên 50% dân số toàn tỉnh)2.

Hiện nay, đạo Cao Đài đã phân hóa thành 10 hệ phái và 01 pháp môn, cùng với đó là nhiều tổ chức Cao Đài độc lập được công nhận pháp nhân tôn giáo. Tính riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 3 hệ phái Cao Đài là Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh, Cao Đài Ban chỉnh đạo và Cao Đài Chiếu minh Tam thanh vô vi. Nhìn chung, các hệ phái Cao Đài trên địa bàn đều xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và thực hiện phương châm hành đạo “nước vinh, đạo sáng”. Phần lớn chức sắc, chức việc và tín đồ Cao Đài ngày càng tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Nhiều cơ sở thờ tự đã được chính quyền cấp phép xây dựng và sửa chữa ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Hoạt động giao lưu quốc tế, đối ngoại với các tổ chức tôn giáo nước ngoài được hội thánh đặc biệt quan tâm và ngày càng được mở rộng trong những năm gần đây.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, đạo Cao Đài vẫn còn một số hạn chế như: sau khi được công nhận tư cách pháp nhân, một bộ phận chức sắc, tín đồ lạc hậu, bảo thủ tiến hành hoạt động ly khai, tách rời khỏi Hội thánh dưới sự tác động của của các đối tượng thù địch từ bên ngoài, đòi phục hồi mô hình hội thánh như cũ (với 5 cấp)3, lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước; một số họ đạo còn xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; một số hoạt động tôn giáo còn vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…

Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao Đài tại tỉnh Tây Ninh thời gian qua
Lễ kỷ niệm 95 năm hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/ TTXVN).

Hiện nay, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo cấp tỉnh là Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ Tây Ninh, gồm 2 lãnh đạo Ban (trưởng ban và 01 phó ban); 3 phòng chuyên môn gồm: phòng Tổ chức Hành chính, Nghiệp vụ Cao Đài và Nghiệp vụ các tôn giáo khác. Trong đó, Phòng Nghiệp vụ Cao Đài  là đơn vị tham mưu chính cho lãnh đạo Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ các vấn đề liên quan đến QLNN đối với  hoạt động của đạo Cao Đài tại tỉnh Tây Ninh. Trong những năm qua đã đạt được một số kết quả như sau:

Về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo đối với đạo Cao Đài

Năm 2018, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh đã tham mưu Giám đốc sở Nội vụ trình UBND tỉnh chấp thuận cho Hội thánh tách 2 họ đạo Liên xã Suối Ngô – Tân Hòa và Liên xã Tân Hiệp để thành lập mới 2 họ đạo Tân Hòa và Thạnh Đông trên địa bàn huyện Tân Châu, nâng tổng số lên đến 77 họ đạo.

Công tác QLNN đối với hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển và bãi nhiệm chức sắc: qua các kỳ đại hội, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã gửi hồ sơ đề nghị phong phẩm, thăng phẩm cho hàng ngàn chức sắc, chức việc và được giải quyết đúng quy định của pháp luật về tôn giáo. Tại Đại hội nhiệm kỳ 2017 – 2022, Hội thánh đã gửi hồ sơ đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố công nhận phong phẩm, thăng phẩm cho 1.558 chức sắc, chức việc, trong đó có 23 người ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Cam-pu-chia, Ca-na-đa). Ban Tôn giáo đã tham mưu Giám đốc sở Nội vụ trình UBND tỉnh chấp thuận phong phẩm, thăng phẩm cho 763 chức sắc, chức việc có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh4.

Hướng dẫn hoạt động giáo dục – đào tạo, mở lớp bồi dưỡng giáo lý, hạnh đường: theo nhu cầu của Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh, Ban Tôn giáo đã tham mưu Sở Nội vụ trình UBND tỉnh chấp thuận việc Hội thánh đăng ký mở 8 lớp Hạnh đường, mỗi khóa 45 ngày, cho 821 chức sắc từ phẩm Lễ sanh và tương đương trở lên của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành trong cả nước về tham dự (giai đoạn 2014 – 2019). Tính đến nay, Hội thánh đã mở được 15 khóa Hạnh đường bồi dưỡng cho 2.261 chức sắc đang hành đạo trong cả nước và Ban Đại diện Hội thánh tỉnh mở 25 lớp tập huấn đạo sự ngắn ngày (mỗi lớp 7 ngày) cho 9.697 chức việc đang hành đạo tại các họ đạo cơ sở trong tỉnh5.

– Công tác hướng dẫn hoạt động hành chính đạo: Ban Tôn giáo đã tham mưu Sở Nội vụ trình UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn giúp đỡ Hội thánh Tây Ninh tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2017 – 2022; trước đó đã giúp đỡ 75 họ đạo tổ chức thành công Đại hội Nhơn Sanh cấp cơ sở để thông qua danh sách cầu phong cầu thăng và đề đạt nguyện vọng lên Hội thánh. Riêng trong năm 2018, Ban Tôn giáo đã hướng dẫn Hội thánh và các họ đạo thực hiện việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm theo đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tiếp nhận 16 thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung (như tổ chức lễ khởi công, an vị, khánh thành) của các họ đạo trên địa bàn tỉnh.

– Công tác hướng dẫn hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế: từ năm 2014 đến nay, Ban Tôn giáo đã tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận cho Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh tổ chức 9 chuyến giao lưu, đối ngoại tôn giáo theo thư mời của một số tổ chức tôn giáo tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Hoa Kỳ, Pháp, I-ta-li-a, Áo để mở rộng quan hệ ngoại giao, góp phần để các tôn giáo trên thế giới biết đến Cao Đài Tây Ninh, góp phần phản bác các phần tử cực đoan, lợi dụng, mạo danh Cao Đài Tây Ninh để xuyên tạc, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

– Quản lý hoạt động y tế, từ thiện xã hội: Hội thánh và Ban Đại diện Hội thánh tỉnh Tây Ninh đã vận động tín đồ, chức việc, chức sắc tích cực đóng góp làm công tác từ thiện, xã hội vào các phong trào, hoạt động từ thiện xã hội và ủng hộ các công trình phúc lợi.

Để ghi nhận các thành tích nêu trên, Ban Tôn giáo đã phối hợp với các ngành chức năng cho ý kiến thống nhất đề nghị Trung ương tặng thưởng Bằng khen, Huân chương Lao động hạng Ba cho chức sắc Cao Đài và Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đạo Cao Đài.

– Quản lý đất đai và cơ sở thờ tự: tính đến hết năm 2018, các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tôn giáo Cao Đài cho khoảng 228,2/331,6 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 69% để sử dụng ổn định vào mục đích tôn giáo. Hiện có 86 công trình tôn giáo của đạo Cao Đài tại Tây Ninh. Ngoài ra, còn phối hợp với sở xây dựng xem xét, cấp giấy phép xây dựng mới tổng cộng 37 trường hợp (xây dựng cơ sở thờ tự và công trình phụ trợ tôn giáo) và Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo 40 trường hợp.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Những năm qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo Sở Nội vụ chủ động xây dựng kế hoạch, hằng năm tổ chức 9 lớp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 1.000 chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đạt 100% kế hoạch đề ra và phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tuyên truyền kiến thức về quốc phòng – an ninh, an toàn giao thông cho chức sắc, chức việc đạo Cao Đài tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo.

– Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo: tính riêng năm 2018, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với phòng Nội vụ các huyện, thành phố tổ chức 9 lớp (mỗi lớp 3 ngày) bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan đến tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo cấp huyện, xã trên địa bàn theo kế hoạch của Sở Nội vụ. Đồng thời, phối hợp với Trường Nghiệp vụ tôn giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ và Trường Chính trị tỉnh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng công tác tôn giáo, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho 94 cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo thuộc các sở, ngành của tỉnh và phòng, ban của huyện.

– Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: từ năm 2014 – 2019, có khoảng 60 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đạo Cao Đài. Đơn thư chủ yếu là vấn đề mâu thuẫn nội bộ, nhân sự trong đạo. Ban Tôn giáo xác định đây là việc thuộc nội bộ tôn giáo nên đã chuyển cho các tổ chức tôn giáo xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, có đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc tôn giáo, Ban Tôn giáo đã phối hợp với các ngành chức năng họp xem xét tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết theo nhu cầu chính đáng theo quy định pháp luật, nhất là Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo và phù hợp tình hình tôn giáo tại địa phương6.

Nhìn chung, công tác QLNN đối với hoạt động của đạo Cao Đài thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài hoạt động tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật, mối quan hệ giữa chính quyền với chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo đã thật sự gần gũi hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục như: sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ; chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời, nhiều địa phương chưa chú trọng công tác phổ biến pháp luật có liên quan tín ngưỡng, tôn giáo; cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở cấp xã còn yếu, mỏng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu công tác, chưa được tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành về tôn giáo…

Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Cao Đài

Một là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo nói chung, đồng bào theo đạo Cao Đài nói riêng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền tỉnh Tây Ninh phát động. Nghiên cứu tuyên tuyền sâu, rộng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến chức sắc, tín đồ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hoạt động.

Hai là, tiếp tục hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện các văn bản pháp luật, chính sách về tôn giáo. Chính quyền các cấp cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Cao Đài hoạt động theo đúng Hiến chương, quy chế hành đạo và quy định của pháp luật về các hoạt động tôn giáo, hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho các cơ sở họ đạo trong việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung và việc sửa chữa, xây dựng, giao đất mở rộng khuôn viên cơ sở thờ tự và các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo khác. Tiếp tục thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan tôn giáo, tiếp tục xem xét giải quyết cấp lại 1 số cơ sở liên quan nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo theo nhu cầu chính đáng của Hội thánh.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, nhất là ở cấp huyện, xã. Trong thời gian tới, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ cần tham mưu UBND tỉnh mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, trong đó có chuyên đề về đạo Cao Đài. Các tài liệu nghiên cứu về chính sách, pháp luật về tôn giáo cũng cần được cung cấp đầy đủ cho đội ngũ làm công tác tôn giáo.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp kiểm tra các hoạt động tôn giáo, qua đó phát hiện những vi phạm pháp luật của của tôn giáo để kịp thời xử lý. Sở Nội vụ tỉnh cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra các địa điểm sinh hoạt tôn giáo, các công trình xây dựng. Hoạt động kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo cần được duy trì thường xuyên, tránh việc chỉ làm hình thức, có như vậy hoạt động tôn giáo mới đi vào nề nếp, qua đó góp phần ổn định, nâng cao đời sống tôn giáo tại địa phương.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
2, 4, 5. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Báo cáo tổng kết 25 năm công tác quản lý nhà nước đối với đạo Cao Đài, năm 2019.
3. Công an tỉnh Tây Ninh. Báo cáo tình hình hoạt động của các đối tượng chống đối trong đạo Cao Đài Tây Ninh, năm 2014.
6. Bộ Nội vụ. Thông báo kết luận Hội nghị “Tổng kết 15 năm công tác quản lý nhà nước đối với đạo Cao Đài, giai đoạn 1995 – 2010”, Hà Nội, 2010.

ThS. Trần Ngọc Mai
Trường Đại học An ninh nhân dân