Mức độ sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam đã có sự nâng cấp vượt trội về các chỉ số ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Từ năm 1996 – 2005, Việt Nam là nước có công nghệ ICT phát triển nhanh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực đường dây điện thoại chính và điện thoại di động. 

 

Ảnh minh họa
Mức độ tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam hiện nay

Sách trắng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019 cho thấy, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Tính đến cuối năm 2018, tổng số doanh nghiệp (DN) CNTT đạt khoảng 40.000 DN (tăng 36,7% so với năm 2017). Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 103 tỷ USD (tăng 12,43% so với năm 2017), trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 91,5 tỷ USD, phần mềm đạt 4,45 tỷ USD, dịch vụ CNTT đạt 6,18 tỷ USD và nội dung số đạt 825 triệu USD, xuất khẩu trên 89 tỷ USD, đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Một số sản phẩm công nghiệp như điện thoại di động xuất khẩu 49,08 tỷ USD đứng thứ 2 thế giới1.

Về hạ tầng ICT.

Năm 2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 159.796 dịch vụ (tăng 28,17% so với năm 2017), trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 26.734 dịch vụ (tăng 28,47% so với năm 2017), dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 5.792 dịch vụ (tăng 74,93% so với năm 2017). Sự tăng trưởng của các dịch vụ công trực tuyến cho thấy sự tích cực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, góp phần vào mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội2.

Tuy nhiên, hạ tầng kết nối số của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, khả năng bứt phá chưa cao. Mặc dù tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam là cao hơn so với khu vực và trên thế giới, nhưng tốc độ internet ngang bằng với các quốc gia chậm phát triển ở Đông Nam Á. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 121/139 về hạ tầng cần thiết.

Về nguồn nhân lực và đào tạo.

Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số là yếu tố then chốt trong hội nhập với nền kinh tế số và phân công lao động quốc tế. Trong năm 2018, tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT là 973.692 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng, điện tử khoảng 717.955 người (chiếm 73,73%), lao động thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT chiếm 26,27%. Đặc biệt, lao động ngành CNTT Việt Nam được đánh giá cao và tiềm năng như lập trình viên xếp thứ 23 trên thế giới, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC3. Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, khả năng tiếp cận CNTT tốt, cùng với việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và ứng dụng thành công các công nghệ mới.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, số lượng các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về ICT, điện tử, viễn thông, an toàn thông tin năm 2018 là 236 trường, với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh là 51.114 sinh viên. Về đào tạo nghề, tổng số trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề có đào tạo ICT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin là 909 trường, với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh là 540.000 học viên4. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại.

Về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam xác định Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cuộc cách mạng về chính sách, thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ thông thường. Trong những năm gần đây, đã có nhiều quy định được ban hành, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về CNTT. Một số văn bản như: Luật An toàn thông tin mạng; Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0… Với phương châm CMCN 4.0 tại Việt Nam phải được bắt đầu từ cải cách thể chế, đổi mới về tư duy từ trong cách nghĩ đến cách làm sẽ là nền tảng cho cơ hội bứt phá của Việt Nam sau này.

Mặc dù vậy, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam vẫn còn thấp. Khung thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Mặt khác, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Đặc biệt, thiếu quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.

Sự tham gia của các DN.

Hầu hết các ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở cuộc CMCN 2.0, mặc dù đã có những sản phẩm điện tử và CNTT nhưng vẫn còn yếu về cả chất lượng và số lượng. Phần lớn các DN Việt Nam đều cho rằng CMCN 4.0 chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến họ, tuy nhiên, đa số các DN vẫn đang đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương năm 2018, có tới 82% các DN đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị.

Vị trí của Việt Nam trong tiến trình CMCN 4.0 .

Trong biểu đồ phân loại Digital Economy Heat Map thể hiện tiến độ chuyển đổi sang nền kinh tế số hóa của các quốc gia, có thể thấy Việt Nam hiện đang ở nhóm “Sơ khởi” (STARTERS) và xếp thứ 41/50 quốc gia được khảo sát với các chỉ số đều dưới mức trung bình. Vị trí của Việt Nam thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan (xếp thứ 33/50), Ma-lai-xi-a (24/50). Bên cạnh đó, các thông số về mức độ chuyển đổi ICT, áp dụng công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 và số hóa nền kinh tế của Việt Nam đều thấp hơn dưới mức trung bình.

Tóm lại, mức độ sẵn sàng của Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0 còn ở mức thấp. Việc tích hợp các công nghệ kỹ thuật số sẽ tạo áp lực lên các DN và Chính phủ để điều chỉnh các mô hình kinh doanh và khung pháp lý. Những thách thức khác cần phải đối mặt bao gồm thiếu dữ liệu, kỹ năng kém, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ thuật số và kết nối hạn chế. Điều này đặc biệt đúng với những quốc gia đang phát triển và nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam.

Chiến lược và chính sách của các nước đối với cách mạng công nghiệp 4.0

CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay, đã có ít nhất trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các văn bản có tính chiến lược và định hướng nhằm thích ứng với tiến độ phát triển của CMCN 4.0, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng số và cách thức chuyển đổi số. Đây là vấn đề rất lớn và khó, buộc các quốc gia phải tính toán yếu tố nguồn lực, tiến hành từng bước và tập trung vào những ngành, lĩnh vực chính. Có nhiều cách làm khác nhau trong các chương trình quốc gia về công nghệ 4.0 để hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất hay phát triển hạ tầng số, Việt Nam cần tiếp thu có chọn lọc, đặc biệt từ các  quốc gia có xuất phát điểm tương đồng với Việt Nam trong khu vực.

Kinh nghiệm của Xinh-ga-po: “Kế hoạch nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp 2020”

Xinh-ga-po quan điểm rằng, Chính phủ trong cuộc CMCN 4.0 phải là Chính phủ Thông minh (Smart Goverment). Smart là mô hình viết tắt của chiến lược (strategy), giám sát (mornitoring), trách nhiệm giải trình (accountability), tư duy lại (rethinking) và niềm tin (trust). Trong đó quan trọng nhất là đề cao trách nhiệm giải trình và tư duy lại.

Để thực hiện được điều này, Xinh-ga-po áp dụng các chính sách hỗ trợ hoạt động thương mại, thuế cạnh tranh, một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh và lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng tốt. Xinh-ga-po đã định vị mình như địa điểm để đổi mới, phát triển, thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp mới. Do đó, Xinh-ga-po luôn ở tư thế sẵn sàng đón đầu và tận dụng thành tựu của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, điện toán đám mây, công nghệ phân tích tiên tiến (advanced analytics), công nghệ in 3D nhằm tăng cường tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp, củng cố vị thế là sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất5.

Đối với khu vực tư nhân, Xinh-ga-po đã xây dựng bộ chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh để đánh giá tiến trình tham gia CMCN 4.0 và giúp các DN công nghiệp khai thác tiềm năng của CMCN 4.0 một cách có hệ thống và toàn diện. Tháng 11/2017, Ủy ban Phát triển kinh tế Xinh-ga-po (EDB) đưa ra công cụ đầu tiên trên thế giới gọi là Chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh của Xinh-ga-po (Singapore Smart Industry Readiness Index – SSIRI). Khung chỉ số SSIRI giúp các công ty đưa ra quyết định và ưu tiên loại công nghệ cần phải đầu tư.

Chỉ số SSIRI là công cụ giúp các DN đánh giá tốt hơn thực trạng của mình, đồng thời gợi ý các bước tiếp theo cần phải tiến hành để DN có sức cạnh tranh và lợi nhuận cao hơn. Chỉ số SSIRI bao gồm nội dung về tổ chức, công nghệ và quy trình. Đặt nền móng cho 3 nội dung này là 8 tiêu chí. Những tiêu chí này bao gồm 16 khía cạnh đánh giá – đây là những thành phần chính mà bất kỳ tổ chức nào cũng phải cân nhắc. Đối với từng khía cạnh, chỉ số SSIRI cung cấp bảng ma trận mà các công ty có thể sử dụng để đánh giá quy trình sản xuất, hệ thống hiện tại trong vòng một đến hai ngày6.

Với mục đích là xây dựng năng lực và hỗ trợ việc áp dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp, Xinh-ga-po đồng thời thực hiện kế hoạch nghiên cứu, đổi mới và DN cung cấp hỗ trợ tài chính công cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các viện nghiên cứu.

 Kinh nghiệm của Trung Quốc: “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”

“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) là sáng kiến để nâng cấp toàn diện nền công nghiệp Trung Quốc được đưa ra bởi Bộ Công nghiệp và CNTT và Viện hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc với mục tiêu là tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025.

9 nhiệm vụ ưu tiên được xác định để phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2015 – 2025 bao gồm: cải thiện hoạt động đổi mới sáng tạo công nghiệp; kết hợp công nghệ thông tin với công nghiệp; tăng cường nền tảng công nghiệp, khuyến khích phát triển các thương hiệu của riêng Trung Quốc; phát triển công nghiệp xanh; tạo ra các bước đột phá trong 10 ngành trọng điểm, thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp định hướng dịch vụ và các ngành dịch vụ liên quan tới công nghiệp; quốc tế hóa sản xuất. Trọng tâm là tạo ra một cuộc cách mạng sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ thông minh, tự động hóa, rô bốt, trí tuệ nhân tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhân công giá rẻ để đưa Trung Quốc thành cường cuốc sản xuất chế tạo với các ngành: chế tạo quốc gia, công nghiệp cơ bản, chế tạo thông minh, chế tạo xanh và kỹ thuật cao7.

Kinh nghiệm của Thái Lan: “Thái Lan 4.0”

Nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bấ́t bình đẳng và mất cân bằng, trở thành quốc gia đi đầu trên thế giới vào năm 2032, mô hình kinh tế “Thái Lan 4.0” đã được đưa ra gồm ba bước. Bước thứ nhất, thay vì dựa vào nhân công giá rẻ, lao động phổ thông, Thái Lan sẽ tập trung vào “nền kinh tế dựa trên giá trị” trong bối cảnh đất nước phải đối phó với sự bất bình đẳng, mất cân bằng giữa môi trường và xã hội. Theo đó, Thái Lan tập trung phát triển khoa học – công nghệ, tư duy sáng tạo và đổi mới để nâng cao vị thế nền kinh tế quốc gia. Bước thứ hai sẽ tiến đến một “xã hội toàn diện” với sự tiếp cận công bằng cùng những thành quả của sự thịnh vượng và phát triển. Bước cuối cùng là chú trọng vào “tăng trưởng và phát triển bền vững”.  Mô hình “Thái Lan 4.0” sẽ có sự tham gia của khu vực nhà nước, doanh nghiệp và khối nghiên cứu.

Các biện pháp được thực hiện trong “Thái Lan 4.0” bao gồm: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển cụm công nghệ và 10 ngành công nghiệp mũi nhọn; phát triển doanh nhân và mạng lưới doanh nghiệp sáng tạo; tăng cường kinh tế trong nước thông qua cơ chế phát triển vùng và địa phương; hội nhập ASEAN và kết nối Thái Lan với toàn cầu.

Đặc biệt, Thái Lan đã đạt được bước tiến tích cực trong việc hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác PPP. Tháng 2/2017, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Chương trình Nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Thái Lan 4.0, miễn thuế thu nhập trong vòng 15 năm và tung ra gói trợ cấp trị giá 10 tỷ bạt Thái để hỗ trợ chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và đổi mới. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Thái Lan đã thiết lập chương trình “Talent Mobility” thúc đẩy hợp tác giữa khu vực tư nhân, các chương trình nghiên cứu đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu công ở Thái Lan. Mục đích của chương trình là khuyến khích phát triển các ứng dụng đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và khả năng nghiên cứu và phát triển8.

Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Theo đánh giá, Việt Nam vẫn chưa thể thuộc nhóm các nước ứng dụng rộng rãi công nghệ cao và khó có thể “nhảy cóc” để bắt kịp được xu hướng CMCN 4.0. Do đó, cần chú trọng đến việc từng bước rút ngắn khoảng cách về phát triển và tốc độ hiện đại hóa nền kinh tế để tránh bị tụt hậu so với các quốc gia đi trước trong cuộc CMCN 4.0. Thông qua phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia, rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:.

Thứ nhất, tiếp cận chủ động, xác định các mục tiêu và lựa chọn hướng đi nhằm phát huy lợi thế quốc gia trong CMCN 4.0. Trước hết, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực khác. Tập trung vào một số chương trình 4.0 trọng điểm, lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên phù hợp với nguồn lực, thế mạnh quốc gia để thực hiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu triển khai và thí điểm công nghệ 4.0 vào các ngành sản xuất chủ lực, tạo động lực trực tiếp cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, tập trung đầu tư phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ trong các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ. Hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp công nghệ 4.0 trở thành giải pháp cối lõi trong việc chủ động tham gia CMCN 4.0. Các DN ban đầu thường phải vật lộn với khái niệm CMCN 4.0, không biết chắc chắn phải bắt đầu từ đâu trong một mảng rộng của các liên kết công nghiệp 4.0 và những bước cần thực hiện nhằm tối đa hoá lợi ích tiềm năng. Do đó, Chính phủ cần kịp thời định hướng và thực hiện các bước hướng dẫn cụ thể cho DN. Kinh nghiệm mốt số quốc gia cho thấy họ đã tận dụng tốt các xu hướng thay đổi công nghệ và phương thức kinh doanh mới để có thể đi tắt đón đầu chiếm lĩnh công nghệ và tiêu chuẩn mới nhất, bỏ qua các giai đoạn trung gian với chi phí thấp.

Thứ ba, xây dựng thể chế tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia CMCN 4.0. Bộ máy hành chính nhà nước cần phải cải tổ theo hướng minh bạch và hiệu quả, tạo điều kiện cho các DN tham gia các hoạt động đổi mới, khuyến khích sự ra đời và phát triển của các Startups trong lĩnh vực có liên quan thông qua tăng cường quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh các sáng kiến hợp tác công tư (PPP) để thúc đẩy đầu tư nghiên cứu và phát triển ở khu vực tư nhân và giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ mới hoạt động trong môi trường số, cải thiện môi trường kinh doanh và từng bước đổi mới khung pháp lý khuyến khích liên kết các chủ thể tham gia để cùng nhau hưởng lợi, chia sẽ rủi ro, gánh nặng tài chính, thúc đẩy các DN trong nước, xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển mạnh.

Thứ tư, hợp tác quốc tế để tăng cường học hỏi trong CMCN 4.0. Mô hình hợp tác PPP trong lĩnh vực CNTT và truyền thông giữa các quốc gia ASEAN – tích hợp trong ASEAN ICT Masterplan (AIM) 2015 có thể được coi là một ví dụ tham khảo. Các sáng kiến trước đó, chẳng hạn như AIM, được xây dựng để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước ASEAN và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trong toàn khu vực bằng cách xác định các nguyên tắc chung. AIM 2020 tập trung vào các vấn đề như hệ thống ICT bền vững, thân thiện với môi trường, sự phát triển của các thành phố thông minh, tạo thuận lợi cho đầu tư ICT, các hệ thống dữ liệu mở, nền tảng bảo mật mạng và điện toán đám mây. Đặc biệt, Xinh-ga-po là quốc gia châu Á hàng đầu về số hóa nền kinh tế được coi là đối tác tiềm năng lớn của Việt Nam.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Bộ Thông tin và Truyền thông. Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2019.
5. Thủ tướng nghiên cứu cách mạng công nghiệp 4.0 của Singapore. http://vtv.vn, ngày 26/4/2018.
6. Chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh của Singapore. http://khoahocphattrien.vn, ngày 02/3/2018.
7. “Made in China 2025”: Kế hoạch tham vọng của Trung Quốc. http://kinhtevadubao.vn, ngày 15/6/2017.
8. Will Baxter. Thailand 4.0 and the Future of Work in the Kingdom. http://www.ilo.org, ngày 29/3/2017.

PGS. Đặng Hoàng Linh
Học viện Ngoại giao