Ý kiến tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện sự trách nhiệm, tâm huyết với Đại hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 18/6/2020, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đại diện cho các lĩnh vực công tác đã có nhiều ý kiến tham luận thể hiện sự trách nhiệm, tâm huyết với Đại hội.
Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đối với công tác phát triển đội ngũ giảng viên trẻ
Đồng chí Huỳnh Văn Thới – Phó Bí thư Đảng bộ Bộ phận Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh tham luận tại Đại hội

Trong chặng đường đã qua, gắn với yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, Học viện có nhiều tên gọi, thuộc nhiều cơ quan quản lý, trong đó có hơn 25 năm trực thuộc Chính phủ. Tên gọi và cơ quan trực thuộc từng lúc khác nhau, nhưng từ nội dung hoạt động và những thành tựu mà tập thể Học viện thuộc nhiều thế hệ đã nỗ lực đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống cơ quan hành pháp, cho nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn chính sách của đất nước 61 năm qua, thể hiện vị trí xuyên suốt và nhất quán. Học viện luôn xứng đáng là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ; luôn giữ vững là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng có tính chất Quốc gia.

Ở chặng đường tiếp theo, nhiệm kỳ 2020-2025, cần “phát huy cao nhất các kết quả đạt được, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nhân sự và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quyết tâm giữ vững, khẳng định và phát triển vị thế là Trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách về hành chính và quản lý nhà nước, phấn đấu đến năm 2025, Học viện Hành chính Quốc gia trở thành Trung tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực”.

Để giữ vững, khẳng định và phát triển vị thế trung tâm, Học viện Hành chính Quốc gia phải đầu tư các nguồn lực, quan trọng nhất là nhân lực, mà trước hết là nhân lực giảng dạy, nghiên cứu, trong đó ưu tiên là đội ngũ giảng viên trẻ.

Với vai trò và ý nghĩa trên, trong thời gian tới, Đảng bộ Học viện, các cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ: hoạch định, xây dựng chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển giảng viên trẻ của Học viện; hình thành, quán triệt đến từng cấp ủy nhận thức, tầm nhìn về công tác phát triển giảng viên trẻ; tạo ra khung thể chế của Học viện cho công tác phát triển giảng viên trẻ; tận dụng mọi cơ hội, khả năng, phương thức có thể để phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên trẻ; tổ chức thường xuyên đối thoại của Lãnh đạo Học viện với giảng viên trẻ để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất; chia sẻ tầm nhìn, giá trị, cam kết; phổ biến chủ trương bồi dưỡng, sử dụng và chế đãi ngộ đội ngũ cán bộ trẻ; cùng thảo luận tìm kiếm giải pháp thực hiện.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thuỷ – Chi bộ Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự tham luận tại Đại hội

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, là ưu thế của Học viện trong 5 năm qua, nhiệm vụ trọng tâm của Học viện là phải bảo đảm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tăng tính cạnh tranh và khả năng thu hút người học tham gia vào các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo các khoa, bộ môn ngoài việc thực hiện tốt các nhiệm vụ giảng dạy theo kế hoạch chuyên môn hằng năm, tập trung rà soát nội dung, chương trình đào tạo, đặc biệt chú trọng việc xây dựng các chuyên ngành đào tạo cao học của Học viện, nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc theo hướng chuyên sâu của xã hội đối với người học; tập trung nghiên cứu chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống hành chính nhà nước. Đồng thời, Đảng ủy chỉ đạo các đơn vị tham mưu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác kiểm định chất lượng đầu vào công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Những thách thức đang đặt ra đối với Học viện hiện nay, đó là sự chuyển đổi đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn đối với giảng viên, trong khi Học viện đang thiếu hụt những giảng viên có kinh nghiệm; mặt khác, những vấn đề mới của bối cảnh trong nước và quốc tế đòi hỏi có những nghiên cứu mới đóng góp vào phát triển khoa học hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Những thách thức này, đòi hỏi Đảng uỷ Học viện trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa tới công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; phải khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của giảng viên, tạo nên văn hóa học tập trong toàn Học viện; chỉ đạo thúc đẩy sinh hoạt chuyên môn trong các khoa; phát huy vai trò tích cực của từng Đảng ủy viên, đặc biệt là các Đảng ủy viên từ các khoa chuyên môn…

Tạp chí Quản lý nhà nước làm tốt vai trò phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện
Đồng chí Nguyễn Quang Vinh – Bí thư Chi bộ Tạp chí Quản lý nhà nước tham luận tại Đại hội

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Học viện Hành chính Quốc gia có nhiều thay đổi, do cả điều kiện khách quan và chủ quan, nhất là thời điểm từ đầu năm 2018 đến nay, khi chính thức đi vào thực hiện Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Với nỗ lực của cả hệ thống và việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, cùng với trí tuệ của các đồng chí Lãnh đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức nên các mặt hoạt động của Đảng bộ cũng như của chuyên môn đều có nhiều thành tích rất đáng tự hào, đi lên theo xu hướng phát triển.

Tạp chí QLNN là cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện, với tôn chỉ, mục đích: thông tin, tuyên truyền và phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hành chính, tuyên truyền và phổ biến về lý luận cũng như thực tiễn quản lý nhà nước và cải cách hành chính của cả nước; phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia.

Hiện nay, Tạp chí có thêm ấn phẩm mới là Tạp chí điện tử quản lý nhà nước, đã và đang là kênh thông tin đối ngoại quan trọng của Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế. Trong chiến lược phát triển, Tạp chí Quản lý nhà nước đang trình Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép xuất bản phiên bản tiếng Anh; phấn đấu trong năm 2020 đủ điều kiện đề nghị Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước nâng điểm khoa học bài báo từ 0,5 lên 1,0 điểm. Đồng thời, Tạp chí Quản lý nhà nước đang triển khai xây dựng Đề án tự chủ tài chính theo tinh thần Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện tự chủ một phần kinh phí từ năm 2021.

Với ý thức vai trò, nhiệm vụ chính trị được giao, tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Quản lý nhà nước luôn quyết tâm đoàn kết, đồng lòng xây dựng tập thể vững mạnh toàn diện, luôn xứng đáng là cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia, chấp hành và thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng trau dồi học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, vươn lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần trực tiếp vào công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của Học viện được lan tỏa rộng khắp, tạo hình ảnh và thương hiệu Học viện rộng rãi trong nước và trên thế giới.

Cần có định hướng phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học một cách toàn diện
Đồng chí Lê Thị Thu Thuỷ – Chi bộ Ban Quản lý Đào tạo Sau đại học tham luận tại Đại hội

Trong bối cảnh Học viện triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi 2019) theo hướng đẩy mạnh tự chủ đại học, thực hiện Chiến lược phát triển Học viện đến 2030 cùng sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh ngày càng nhiều cơ sở đào tạo có ngành đào tạo tương đồng với Học viện, Ban Quản lý đào tạo sau đại học có một số đề xuất đối với Đảng uỷ Học viện Hành chính Quốc gia nhiệm kỳ 2020-2025 như sau:

(1) Chỉ đạo quyết liệt đúng phương hướng và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo chính trị. Trong nhiệm kỳ tới, đề nghị Đảng uỷ xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo sau đại học để đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế để từ đó có định hướng phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học một cách toàn diện.

(2) Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng theo hướng nâng cao chất lượng và tạo điều kiện để thu hút đông đảo giảng viên đủ điều kiện về trình độ, năng lực tham gia đào tạo sau đại học.

(3) Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, phát triển chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng sẽ giúp học viên ứng dụng tốt kiến thức được học vào thực tiễn công việc. Phát triển hệ thống tài liệu, học liệu số đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0.

(4) Đa dạng hoá các ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với thế mạnh của Học viện và đáp ứng nhu cầu của xã hội; đồng thời, bảo đảm hiệu quả kinh tế.

(5) Hiện đại hoá và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp quản lý, hình thức đào tạo hiện đại trong quản lý đào tạo sau đại học.

Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên trong công tác chuyên môn Phân viện tại TP. Huế
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiển – Bí thư Chi bộ Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Huế tham luận tại Đại hội

Trong 5 năm, từ 2015-2020, chi bộ Phân viện Huế được đánh giá là chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó, có 3 năm được đánh giá xuất sắc, tiêu biểu. Đạt được những thành công đó là nhờ tinh thần đoàn kết, đồng thuận và sự năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu, có ý thức trách nhiệm của từng đồng chí cán bộ, đảng viên trong Chi bộ. Đây cũng là mục đích hướng đến của Chi ủy Chi bộ Phân viện Huế trong việc phát huy tối đa vai trò tiên phong, gương mẫu của từng đồng chí đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Học viện Hành chính Quốc gia nói chung cũng như Phân viện tại thành phố Huế nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, nhân sự của Học viện…

Trong nhiệm kỳ tiếp theo của Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia, Chi bộ Phân viện tại TP. Huế tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đồng chí đảng viên, song cũng kỳ vọng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng uỷ Học viện Hành chính Quốc gia nhiệm kỳ mới với những nội dung, như: đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong công tác Đảng, tăng cường các hình thức nêu gương trong sinh hoạt chi bộ, có chế độ khen thưởng kịp thời cho những đảng viên có thành tích đột xuất (ví dụ như giảng viên có bài báo trên tạp chí quốc tế ISI hoặc Scopus…) nhằm lan tỏa phong trào thi đua trong hoạt động chuyên môn; đổi mới các mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Học viện. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, tạo môi trường cho đảng viên rèn luyện, bày tỏ suy nghĩ, chính kiến và giúp đảng viên hoàn thiện mình.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần thống nhất, đổi mới, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu xã hội
Đồng chí Lê Phương Thuý – Chi bộ Ban Quản lý bồi dưỡng tham luận tại Đại hội

Đây là nhiệm kỳ công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới ở nhiều mặt, song cũng là nhiệm kỳ gặp rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần nỗ lực, chủ động, sáng tạo của tập thể lãnh đạo chi ủy, lãnh đạo Ban và toàn thể viên chức, người lao động đã đạt được kết quả rất đáng tự hào.

Trong thời gian tới, định hướng hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện hội nhập; thống nhất trong tham mưu về công tác bồi dưỡng để tổ chức, quản lý hiệu quả. Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động tổ chức bồi dưỡng trên các phương diện: chương trình, tài liệu, giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất…

Những định hướng trên cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó chú trọng đến đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm thực tiễn tham gia thỉnh giảng. Tập trung hoàn chỉnh thể chế và quy định thống nhất quản lý hoạt động bồi dưỡng chung toàn Học viện và các Phân viện; kiện toàn, sắp xếp lại, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác quản lý lớp đủ kinh nghiệm, năng lực và uy tín; khuyến khích đa dạng hóa nguồn thu từ ngân sách cấp và các nguồn thu khác từ hoạt động tổ chức lớp, sử dụng các nguồn kinh phí hợp lý để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Sửa đổi quy trình cấp phôi chứng chỉ vì hiện tại thủ tục còn rườm rà, không đáp ứng kịp thời gian, tiến độ của một khóa học theo quy định.

Phân viện Khu vực Tây Nguyên phát huy tinh thần đoàn kết để phát triển vững mạnh, toàn diện
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hải – Chi bộ Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên tham luận tại Đại hội

Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết trong Đảng, trong quá trình xây dựng và phát triển của Phân viện, Chi bộ, Chi ủy Phân viện Tây Nguyên đã lãnh đạo, chung tay cùng toàn thể viên chức, người lao động nỗ lực giữ gìn, phát huy khối đại đoàn kết, toàn tâm, toàn ý với công việc, tạo thành một khối thống nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Phân viện, góp phần vào sự phát triển chung của Học viện.

Trong nhiệm kỳ 2017 – 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn về đội ngũ, về cơ sở vật chất, về vị trí địa lý cũng như những khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, song nhờ phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong Chi bộ, trong tập thể, Phân viện đã khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu nhất định trên tất cả các mặt. Để đạt được những thành công bước đầu ấy, Chi bộ, Chi ủy Phân viện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong tập thể Phân viện, như: chú trọng và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Chi bộ luôn tôn trọng quyền của đảng viên nhất là quyền được thảo luận thẳng thắn các vấn đề về chiến lược, thực trạng phát triển Phân viện; quyền được phê bình, chất vấn trong phạm vi tổ chức của đảng viên; quyền được thông tin như Điều lệ Đảng quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát của Chi ủy, Chi bộ đối với cán bộ, đảng viên luôn được quan tâm, quán triệt thực hiện đã giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện mất đoàn kết trong Chi bộ cũng như trong tập thể viên chức, người lao động. Chú trọng chăm lo xây dựng Chi ủy trong sạch, vững mạnh, bảo đảm hạt nhân trung tâm của khối đoàn kết Chi bộ. Chi ủy đã thực hiện tốt vai trò nêu gương, là người mẫu mực về đoàn kết, biết kết hợp, xử lý hài hòa giữa các lợi ích, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, có khả năng quy tụ tinh thần đoàn kết trong Chi bộ. Tích cực giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Ngoài ra, để giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, Chi ủy, Chi bộ Phân viện luôn quán triệt thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thực hành nói đi đôi với làm. Trong nhiệm kỳ tiếp theo và trong thời gian tới, Chi ủy, Chi bộ Phân viện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy khối đoàn kết, thống nhất của tập thể Phân viện, hướng tới xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện góp phần đưa Học viện Hành chính Quốc gia đạt được những thành công mới.

Công tác tổ chức cán bộ góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của Học viện Hành chính Quốc gia
Đồng chí Đỗ Văn Phong – Chi bộ Ban Tổ chức Cán bộ tham luận tại Đại hội

Xác định được tầm quan trọng của công tác cán bộ là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Học viện, do vậy, Đảng ủy Học viện đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và đến nay, đội ngũ cán bộ của Học viện đã phát triển khá toàn diện, tăng thêm về số lượng, nâng lên về chất lượng với cơ cấu hợp lý hơn.

Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia trong công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, về công tác nhân sự, phải thực hiện đúng các quy chế, quy định, quy trình; chú ý phát hiện nhân tố có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự, chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương hoặc thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nghiêm cấm các biểu hiện bè phái, cơ hội; không đưa vào cấp ủy và cấp lãnh đạo những cán bộ, đảng viên thực hiện không đúng quy định về những điều đảng viên không được làm. Gắn việc đổi mới công tác tổ chức, cán bộ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Hai là, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm công tác tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định tập thể về cán bộ. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa thực hiện công khai trong công tác cán bộ, nhất là khi đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bảo đảm ngày càng lựa chọn đúng người có đủ đức tài để bố trí và các cương vị lãnh đạo, quản lý.

Ba là, đánh giá cán bộ phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và cả chiều hướng phát triển của cán bộ, bảo đảm khách quan, khoa học, toàn diện dựa trên cơ sở tự phê bình và phê bình, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai đối với cán bộ được đánh giá. Đồng thời, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính trong đánh giá cán bộ.

Bốn là, đổi mới công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ; chú ý phát hiện, bồi dưỡng cán bộ có triển vọng, các tài năng trẻ để đưa vào quy hoạch, dự nguồn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy hoạch cán bộ phải vừa để tạo nguồn cho việc đào tạo, bồi dưỡng; vừa tạo động lực thúc đẩy, phát huy nhân tố chủ quan, tinh thần nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên của cán bộ. Do đó, cần bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ để lựa chọn, bố trí cán bộ, không được tách rời chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; đồng thời, đưa ra khỏi quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện.

Năm là, gắn kết chặt chẽ giữa việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy với nâng cao chất lượng cán bộ. Đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, cần có chính sách hợp lý để giải quyết, vấn đề này, phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, từ yêu cầu thực tiễn để hình thành tổ chức bộ máy thích hợp với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục phát hiện, để xuất để bổ sung cán bộ có chất lượng đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Chống tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, định kiến và các biểu hiện tiêu cực khác trong công tác tổ chức, cán bộ.

Sáu là, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Xây dựng cơ chế phối hợp, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp ủy các bộ phận của các phòng, ban; xây dựng môi trường làm việc tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công cũng như nhiệm vụ chung của Học viện.

Bảy là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh của các cá nhân trong tập thể. Giữ vững nguyên tắc đổi mới của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ luôn là nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết, lâu dài của Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia.

Học viện Hành chính Quốc gia trong tương lai cần kịp thời bắt nhịp, không bỏ lỡ những cơ hội phát triển
Đồng chí Nguyễn Văn Hậu – Bí thư Chi bộ Trung tâm Ngoại ngữ – tin học – Thông tin – Thư viện tham luận tại Đại hội

Nhìn lại 61 năm lịch sử của Học viện Hành chính Quốc gia, cán bộ và đảng viên, người lao động của Học viện nói chung, tập thể Trung tâm nói riêng nhận thức được rằng, sức mạnh và tầm vóc của Học viện không chỉ gắn với vị thế, địa vị hành chính theo điều kiện khách quan tại mỗi thời kỳ mà còn đặc biệt phụ thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết của tập thể, niềm tin và sự phấn đấu, cố gắng của mỗi cá nhân cán bộ, giảng viên, người lao động ngày hôm nay.

Sứ mệnh của Học viện Hành chính Quốc gia trong tương lai là cần kịp thời bắt nhịp, không bỏ lỡ những cơ hội, những đổi thay to lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, xu thế cạnh tranh của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và ngay cả từ yêu cầu khách quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để trở thành “Học viện điện tử” cho một nền Hành chính điện tử; là đầu mối trong triển khai và thực hiện thống nhất đánh giá đầu vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho nền công vụ; thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Chính phủ điện tử; đào tạo, bồi dưỡng từ xa, trực tuyến (online, offline)… ngoài sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo Chính phủ, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Nội vụ, cá nhân Bộ trưởng và các thứ trưởng, lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia cần phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo, ban hành kế hoạch hành động cụ thể trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

Từ thực tiễn công tác, trên cơ sở nghiên cứu các văn kiện của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của các bộ, ngành trung ương, tập thể đảng viên Trung tâm Ngoại ngữ – tin học – Thông tin – Thư viện xin kiến nghị: (1) Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đẩy nhanh việc xây dựng mô hình Học viện điện tử. (2) Mở rộng phương thức đào tạo, bồi dưỡng từ xa, trực tuyến trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tạo cơ hội học tập tại chỗ và tiếp cận nguồn học liệu điện tử thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. (3) Tích cực xây dựng, đa dạng hóa cả về số lượng, nội dung, loại hình của hệ thống bài giảng điện tử, học liệu điện tử, xây dựng thư viện điện tử. (4) Đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ để bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; cung cấp các loại hình dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí cá nhân, chi phí xã hội đồng thời, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá của nền Hành chính điện tử.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục là động lực chủ yếu nâng cao chất lượng bồi dưỡng của Học viện
Đồng chí Nguyễn Minh Sản – Chi bộ Viện Nghiên cứu khoa học hành chính tham luận tại Đại hội

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành chính và quản lý nhà nước cùng với nghiên cứu khoa học là hoạt động không thể tách rời. Những năm qua lãnh đạo Học viện luôn quan tâm gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng. Điều này được thể hiện trước hết trong chiến lược phát triển Học viện nói chung, chiến lược phát triển hoạt động khoa học và công nghệ Học viện nói riêng, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và đây được xem là định hướng đặc biệt quan trọng.

Trong 5 năm qua, từ năm 2015 đến 2020, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Chi bộ Viện Nghiên cứu khoa học hành chính đã tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ động tham mưu cho Đảng ủy Học viện, Ban Giám đốc Học viện triển khai và trực tiếp quản lý thực hiện: 04 đề tài khoa học cấp quốc gia, 25 đề tài khoa học cấp Bộ, 238 đề tài, đề án khoa học cấp cơ sở. Tham mưu giúp Giám đốc Học viện tổ chức thành công 153 hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, quốc gia và cấp Học viện và phối hợp thực hiện biên soạn 238 giáo trình, tài liệu phục vụ các lớp đào tạo, bồi dưỡng các loại.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương thí điểm của Đảng ủy Học viện, Ban Giám đốc Học viện tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng xã hội hóa gắn với việc mở lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội, phát triển thị trường để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, góp phần tăng nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị. Đây là hướng đi đúng để có môi trường cho các giảng viên Học viện có cơ hội tham gia thực tiễn, nắm bắt kịp thời các nhu cầu nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho các địa phương.

Kết quả, có khoảng 60 lớp/năm, nguồn thu khoảng trên 12 tỷ đồng năm giai đoạn 2017 -2019, bình quân khoảng 600 triệu đồng doanh thu/cán bộ của Viện, giải quyết gần 33.000 giờ giảng cho giảng viên của Học viện. Trong nhiệm kỳ tới, cấp uỷ, chi bộ và toàn thể các đảng viên, quần chúng trong Viện xác định, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Đảng ủy Học viện, Ban Giám đốc Học viện, Nghị quyết của Chi bộ Viện phát huy và đẩy mạnh hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động triển khai nhiệm vụ.

Nâng cao vị thế của Viện trong các hoạt động quản lý, nghiên cứu và nhất là tư vấn khoa học để Viện sẽ là địa chỉ tin cậy về tư vấn chính sách, hoạt động hành chính để các đơn vị, tổ chức từ Trung ương và địa phương tìm đến. Viện cũng là đối tác tin cậy, thuyết phục trong mối quan hệ hợp tác khoa học giữa Học viện Hành chính Quốc gia với các tổ chức quốc tế liên quan đến khoa học quản lý và hành chính công. Viện sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện ISO 9001:2015 trong tổ chức, điều hành và triển khai công việc.

Quán triệt tinh thần “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” và để Học viện Hành chính Quốc gia sớm trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học ở tầm khu vực, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính kính đề nghị Đại hội, Đảng ủy Học viện, Ban Giám đốc Học viện quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:

Thứ nhấthoạt động nghiên cứu khoa học cần được đổi mới theo hướng tư duy thực chất, có nhiều ý tưởng, công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng bồi dưỡng của Học viện. Đề tài, đề án khoa học các cấp cần được triển khai, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Cần xây dựng các tiêu chí về hoạt đông khoa học để khẳng định vị thế của Học viện Hành chính Quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách và định mức nghiên cứu khoa học của các giảng viên, nhà khoa học của Học viện theo hướng hoạt động nghiên cứu khoa học độc lập, bổ trợ cho chất lượng giảng dạy, nghĩa vụ của giảng viên theo quy định, đặc biệt các nhà khoa học có kinh nghiệm tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các giảng viên trẻ. Các công trình nghiên cứu khoa học phải được đăng trên các tạp chí hoặc kỷ yếu hội thảo đủ điều kiện tính điểm theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và tiến tới phải có những công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI, SCOPUS.

Thứ ba, Đảng ủy Học viện, Ban Giám đốc Học viện, các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế chính sách thu hút các nhà khoa học về làm việc tại Viện, hỗ trợ Viện nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực triển khai các hoạt động khoa học gắn với thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công đoàn Học viện tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng
Đồng chí Tống Đăng Hưng – Phó Chủ tịch Công đoàn Học viện tham luận tại Đại hội

Trong những năm qua, hoạt động Công đoàn Học viện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Đảng bộ Học viện trên mọi lĩnh vực công tác. Thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ Học viện lần thứ X với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Chấp hành Công đoàn Học viện chủ động xây dựng chương trình hoạt động, đặt ra kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sát với thực tiễn phong trào, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đại đa số công đoàn viên.

Một số mặt công tác trọng yếu của Công đoàn Học viện đã đạt được những kết quả như:

(1) Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp với chính quyền không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, vận động cán bộ, đoàn viên đi tiên phong trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, liên tục, sôi nổi, rộng khắp… nhằm nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nghề, yêu công việc, ý thức trách nhiệm với Học viện và xã hội của các công đoàn viên trong Học viện.

(2) Công tác chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi người lao động được Công đoàn đặc biệt quan tâm, chăm lo chu đáo nên tư tưởng của công đoàn viên Học viện đều có sự phấn khởi, yên tâm công tác, tâm huyết với công việc, luôn phấn đấu vì sự ổn định và phát triển của Học viện.

(3) Công tác xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên, nội dung phong phú và được duy trì đều đặn đã tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người lao động.

(4) Công tác Nữ công với phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà được chăm lo với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: sinh hoạt truyền thống, nghe nói chuyện chuyên đề, tổ chức tham quan du lịch, khám sức khỏe định kỳ, tham gia các buổi tập huấn…

(5) Công tác xã hội luôn quan tâm đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức đa dạng; đồng thời chủ động kết hợp với chính quyền, đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các đợt vận động quyên góp từ thiện ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách tại vùng sâu, vùng xa… Các hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo được những hiệu ứng tích cực, dần dần “thấm” vào suy nghĩ, hành động của nhiều công đoàn viên, góp phần thay đổi nhận thức và xây dựng được nhiều hành vi đẹp trong cuộc sống.

(6) Công đoàn Học viện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát triển Đảng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng công đoàn viên ưu tú nhằm không ngừng bổ sung cho tổ chức Đảng những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên trưởng thành từ phong trào hoạt động công đoàn.

(7) Công đoàn Học viện đã thể hiện rõ vai trò và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, như: đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước của cơ quan; giáo dục,động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ trong hoạt động chuyên môn, đóng góp ý kiến cho Đảng, tự phê bình và phê bình, tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Để thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của chính quyền, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống Học viện, Công đoàn Học viện kiến nghị Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung sau:

Thứ nhất, quan tâm lãnh đạo để có những quyết sách mạnh nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tổ chức, hoạt động công đoàn, nhất là về cơ chế tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện và sự chủ động trong tuyển chọn, sử dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ phong trào để Công đoàn hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Đảng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, cần quan tâm hơn nữa và đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn. Tập trung xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, hỗ trợ, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo động lực cho Công đoàn Học viện phát huy tốt vai trò của mình.

Thứ ba, các cấp ủy đảng cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc, lắng nghe, đối thoại và giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Thứ tư, các đơn vị, khoa, ban cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng… để tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện khi ban hành các quyết định, quy chế và các văn bản phải phù hợp thực tiễn với điều kiện của Học viện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hộ lao động, các chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng uỷ Học viện, Công đoàn Học viện quyết tâm cùng Đảng ủy Học viện xây dựng khối đoàn kết, tạo sức mạnh về tinh thần và nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tạp chí điện tử