Chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số của Ca-na-đa và tham chiếu cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong chương trình hành động của Chính phủ Ca-na-đa, chính sách tôn trọng các quyền của thổ dân như: dành ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ đối với thổ dân được coi trọng đặc biệt, có nội dung rất đa dạng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Du học sinh sẽ trở thành lực lượng lao động chính tại Canada trong vài năm tới (Ảnh minh họa).

Thổ dân Ca-na-đa bao gồm người Ăng điêng – còn gọi là người các dân tộc đầu tiên, người Métis và người Inuit. Theo số liệu điều tra dân số năm 2016, Ca-na-đa có hơn 630 cộng đồng thổ dân, đại diện cho hơn 50 dân tộc, với khoảng 1,67 triệu thổ dân, chiếm 4,9% tổng dân số Ca-na-đa. Dự báo trong hai thập kỷ tới, thổ dân Ca-na-đa có thể vượt quá 2,5 triệu người. Đến năm 2016, có tới 400.000 thổ dân Ca-na-đa đủ tuổi gia nhập vào thị trường lao động, giúp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn của nền kinh tế Ca-na-đa1.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số của Ca-na-đa

Trong chương trình hành động của Chính phủ Ca-na-đa, chính sách tôn trọng các quyền của thổ dân như, dành ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ đối với thổ dân được coi trọng đặc biệt, có nội dung rất đa dạng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó một số chính sách quan trọng nhất bao gồm:

(1) Ưu tiên chính sách. Từ năm 2009, Chính phủ Ca-na-đa đã ban hành Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) các vùng lãnh thổ thổ dân (Canadian Aboriginal Economic Development Strategy – CAEDS). CAEDS là công cụ cơ bản để Chính phủ định hướng xây dựng các chương trình phát triển KTXH thổ dân; tạo cơ hội để hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển sản xuất – kinh doanh và phát triển KTXH cho cộng đồng thổ dân. Kết quả thực hiện chiến lược này đã thay đổi đáng kể các điều kiện, nhu cầu, cơ hội, trình độ phát triển KTXH và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ với thổ dân Ca-na-đa.

(2) Chiến lược khuyến khích phát triển KTXH đối với các vùng lãnh thổ của thổ dân Ca-na-đa. Nội dung xác định những ưu tiên trọng tâm bao gồm:

Thứ nhất, tập trung điều chỉnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp nhằm mục tiêu mang lại lợi ích KTXH tối đa cho thổ dân Ca-na-đa. Vai trò của Chính phủ liên bang cần tập trung vào duy trì, định hướng rõ ràng, phối hợp rộng lớn, liên kết nhiều hơn và cộng tác tốt hơn trong khuyến khích phát triển KTXH các khu vực thổ dân. Xác định một nhu cầu cấp thiết là tháo gỡ các rào cản trong Đạo luật người Ăng điêng và thay thế các quy định lạc hậu, cản trở phát triển KTXH và đầu tư, đặc biệt về các khu vực bảo tồn thổ dân. Các quy trình, quy định của Chính phủ cần phải thay đổi thích ứng với yêu cầu thay đổi trong kinh doanh ở các khu vực thổ dân. Thúc đẩy, khuyến khích các mối quan hệ đối tác mới, hiệu quả giữa Chính phủ liên bang với chính quyền các tỉnh, các vùng lãnh thổ và thành phần KTXH tư nhân để bảo đảm sự phát triển KTXH bền vững, dài hạn ở các khu vực thổ dân.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực (NNL) người thổ dân, xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng, tay nghề và giải quyết việc làm cho thổ dân Ca-na-đa. Chính phủ Ca-na-đa ưu tiên khuyến khích phát triển KTXH và tạo công ăn việc làm trong các cộng đồng thổ dân. Đầu tư của Chính phủ liên bang vào phát triển NNL (giáo dục, trợ giúp xã hội và phát triển thị trường lao động) được kết nối, liên thông thuận lợi. Chính phủ Ca-na-đa ưu tiên:

– Hỗ trợ lập các chương trình phát triển thị trường lao động, tăng cường phát triển kỹ năng và khả năng làm việc để giúp người dân thổ dân có việc làm lâu dài.

– Tạo mối liên kết giữa các sáng kiến và hỗ trợ tham gia thị trường lao động, phát triển kỹ năng, học nghề và đào tạo cũng như hỗ trợ giáo dục và tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho thổ dân.

– Hợp tác với các ngành công nghiệp, nhà giáo dục và các lĩnh vực khác nhằm tạo mối gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với cơ hội việc làm trong thị trường lao động.

– Chú trọng đào tạo tay nghề, sự sẵn sàng tham gia công việc của người dân, cộng đồng thổ dân là một vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm, đặc biệt là nhu cầu cải thiện trình độ văn hóa, đào tạo nghề theo từng ngành công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của khu vực tư nhân.

Thứ ba, xây dựng chiến lược việc làm dành riêng cho thanh niên người thổ dân. Chiến lược này là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Ca-na-đa thúc đẩy phát triển giáo dục kỹ năng, tay nghề đối với thổ dân, khuyến khích lực lượng lao động tham gia thị trường lao động. Đồng thời cũng là một phần của Chiến lược việc làm thanh niên của Chính phủ Ca-na-đa do Cơ quan Việc làm và phát triển xã hội Ca-na-đa chủ trì thực hiện. Chương trình có ngân sách hằng năm khoảng 24 triệu USD, cung cấp cơ hội việc làm cho gần 150.000 thổ dân tại 600 khu vực thổ dân được hưởng các lợi ích dự án mỗi năm2.

Chương trình này cung cấp các dịch vụ trợ giúp thanh niên thổ dân, trong độ tuổi từ 15 – 30 cư trú tại các cộng đồng thổ dân, trong đó tập trung vào các dịch vụ chủ yếu: phát triển và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản; tiếp cận các cơ hội lựa chọn nghề nghiệp đa dạng; hiểu và tiếp cận các lợi ích giáo dục như là chìa khóa để tham gia thị trường lao động, việc làm; thụ hưởng các cơ hội giáo dục nghề nghiệp và học tập nâng cao.

Thứ tư, chương trình hỗ trợ tuyển dụng người lao động tay nghề cao, lao động quản lý đối với chủ doanh nghiệp là người thổ dân. Chương trình này tài trợ cho các nhà tuyển dụng là thổ dân để hỗ trợ phần đóng góp của chủ doanh nghiệp cho lương hưu của nhân viên. Các khoản này có thể bao gồm chi phí của các chương trình hưu bổng do nhà tuyển dụng tài trợ, kế hoạch lương hưu và quyền lợi bổ sung khác của nhân viên.

Chương trình trợ cấp lao động hỗ trợ các nhà tuyển dụng là người thổ dân trong việc thu hút và giữ chân người lao động có trình độ cao. Cho phép các nhà tuyển dụng thổ dân thiết lập các gói phúc lợi nhân viên cạnh tranh so sánh với các nhà tuyển dụng khác không phải là thổ dân, chẳng hạn như các chính quyền liên bang, tỉnh và thành phố, các hội đồng nhà trường. Hỗ trợ mục tiêu chuyển giao chương trình, quản lý chương trình và phân phối chương trình cho các cộng đồng bộ tộc thổ dân.

Thứ năm, ưu tiên thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để tạo ra tăng trưởng bền vững cho các khu vực thổ dân. Chính phủ Ca-na-đa đã dành hơn 315 tỷ đô la thu được từ nguồn tài nguyên chính đầu tư trong hoặc gần các cộng đồng thổ dân3.

Thứ sáu, tăng cường năng lực kinh doanh của thổ dân Ca-na-đa, ưu tiên tạo lập môi trường kinh doanh tự do và khuyến khích sáng tạo, loại bỏ các rào cản đối với doanh nghiệp và khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại. Các thế hệ lãnh đạo thổ dân mới đều có thiên hướng kinh doanh và ngày càng coi trọng việc phát triển KTXH như là một phương tiện khẳng định vị thế, thực hiện quyền tự chủ, tự trị lớn hơn đối với cộng đồng thổ dân. Các doanh nghiệp thổ dân, cả sở hữu tư nhân và sở hữu cộng đồng, đều có vai trò ngày càng nổi bật trong các lĩnh vực tài nguyên tái tạo và không tái tạo. Ưu tiên dỡ bỏ các hạn chế tiếp cận vốn thương mại, đặc biệt là từ các đối tác tài chính vốn cản trở sự sáng tạo và tăng trưởng của các doanh nghiệp thổ dân.

(3) Chính sách đất đai, kết cấu hạ tầng và nhà ở.

Mục đích nhằm cải thiện cơ sở vật chất thiết yếu, bao gồm cả chính sách cải thiện nhà ở cho người dân bản địa; các khu vực đất đai do thổ dân quản lý ngày càng được mở rộng, góp phần giải quyết toàn diện và triệt để các yêu sách về đất đai của thổ dân. Người Ăng điêng đã sở hữu hoặc kiểm soát hơn 15 triệu ha đất, người Inuit sở hữu hoặc kiểm soát 45 triệu ha đất4. Chính phủ Ca-na-đa xác định thiếu cơ sở hạ tầng là rào cản lớn đối với phát triển KTXH và đầu tư, đặc biệt ở các khu bảo tồn thổ dân ở miền Bắc, các cộng đồng hẻo lánh. Tập trung cải thiện thông tin liên lạc và giao thông vận tải là quan trọng để tận dụng lợi thế tạo cơ hội phát triển KTXH.

(4) Chính sách giáo dục cho thổ dân Ca-na-đa.

Chính phủ Ca-na-đa có chính sách đầu tư rất lớn vào hệ thống giáo dục đối với người thổ dân để bảo đảm cho trẻ em thổ dân được quyền hưởng một nền giáo dục chất lượng cao, đồng thời vẫn tôn trọng nguyên tắc thổ dân quản lý hệ thống giáo dục của họ và quyền của thổ dân tham gia đóng góp vào việc biên soạn nội dung chương trình giáo dục cho chính họ.

(5) Chính sách thu hút học sinh quốc tế để phát triển NNL đến vùng khó khăn của Ca-na-đa.

Một trong những bang có chính sách hấp dẫn nhất là bang Manitoba. Có thể kể đến một số chính sách, như:

Chính sách hoàn trả 60% học phí dành cho sinh viên quốc tế: nếu sinh viên quốc tế làm việc tại Manitoba, chính quyền bang sẽ hoàn trả lại 60% học phí cho sinh viên thông qua chương trình thuế thu nhập. Thời gian hoàn trả kéo dài tối thiểu 6 năm, tổng số tiền được hoàn trả lên tới 25.000 CAD (gần 500 triệu VNĐ). Đây là một chính sách hết sức đặc biệt mà chỉ duy nhất tại bang Manitoba có. Ngoài ra, với chính sách hỗ trợ học phí tối đa, học phí của các trường tại bang này cũng rất thấp: học phí của một số trường đại học tại Manitoba chỉ bằng 50% học phí của các trường đại học khác.

Chính sách định cư: chính sách định cư 6 tháng sau tốt nghiệp, chỉ duy nhất sinh viên quốc tế học tập tại Manitoba được chính quyền bang đưa ra chương trình nhập cư đặc biệt ưu tiên, không cần dựa vào hệ thống tính điểm, không cần người bảo lãnh, chỉ xét hồ sơ. Sau khi tốt nghiệp và làm việc tối thiểu 6 tháng tại đây, sinh viên quốc tế có quyền nộp hồ sơ xin thường trú, trong khi với các tỉnh bang khác là 1 năm.

Chính sách việc làm: khi tham gia các chương trình học, ngoài chương trình học tiếng và từ 18 tuổi trở lên, sinh viên được làm việc tối đa 20h/tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong thời gian nghỉ. Sinh viên được phép đi làm thêm để hỗ trợ tiền học phí và ăn ở.

Như vậy, có thể thấy Ca-na-đa đã có nhiều chính sách tốt, từ giáo dục cho đến đầu tư để thúc đẩy vùng DTTS phát triển, đặc biệt các chính sách dành cho người dân ở các vùng khó khăn chưa có điều kiện phát triển và đã có tác dụng hữu ích trong thực tế.

Tham chiếu đối với Việt Nam trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số

Từ các kinh nghiệm của Ca-na-đa, giúp các nhà xây dựng chính sách của Việt Nam tham khảo khi thiết kế chính sách về NNL cho các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) như sau:

Thứ nhất, bố trí ngân sách cho các hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề và năng lực lãnh đạo cho người yếu thế, người DTTS.

Thứ hai, thiết kế các khóa học ngắn hạn và linh hoạt gắn liền với chủ chương phát triển của từng vùng và từng đối tượng cụ thể; coi trọng việc học tập suốt đời đối với người DTTS.

Thứ ba, tích cực tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người DTTS đối với việc học tập nâng cao dân trí. Người DTTS cần tham gia vào các tổ chức đoàn thể, đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch và tham gia vào quá trình ra quyết định cho sự phát triển của cộng đồng địa phương.

Thứ tư, ưu tiên cho các chương trình bồi dưỡng và sử dụng NNL tại chỗ. Sử dụng người địa phương để giải quyết các vấn đề của địa phương đó. Cán bộ nguồn phải được phát hiện và bồi dưỡng từ sớm, có hệ thống, bài bản.

Thứ năm, xây dựng các chính sách đặc thù thu hút đội ngũ cán bộ về làm việc tại các vùng sâu, vùng xa hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng cần quan tâm đến các vấn đề phúc lợi khác như thường xuyên chăm sóc miễn phí về y tế, cung cấp nhà ở hoặc đất ở cho đội ngũ cán bộ này và gia đình của họ.

Thứ sáu, cải thiện hạ tầng và điều kiện sống cơ bản tại các vùng đặc biệt khó khăn thông qua việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng góp sức để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trên cả nước. Đặc biệt, quan tâm thiết kế chính sách thu hút tiềm lực bên ngoài (các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương) để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phục vụ chính các doanh nghiệp đó và người dân địa phương. Cần có các cơ chế khuyến khích đặc biệt về giảm thuế phí, nếu các tổ chức có sự đóng góp tích cực cho cộng đồng xung quanh và cho xã hội.

Thứ bảy, đào tạo cần phải gắn với nhu cầu lao động thực tế. Sinh viên cần phải có môi trường để thực hành và vận dụng các kiến thức vào thực tế ngay trong quá trình học tập. Phải có sự liên kết chặt chẽ giữa ngành nghề, số lượng đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động thực tế của doanh nghiệp địa phương và nhu cầu về nguồn lực của từng vùng.

Thứ tám, điện tử hóa, minh bạch hóa các loại hình quỹ hỗ trợ cho người DTTS. Việc xin hỗ trợ cho các dự án phát triển cộng đồng và các chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo cần đơn giản, gọn nhẹ thông qua trang thông tin điện tử chính thống.

Thứ chín, tập trung đầu tư các nguồn lực để vùng DTTS có điều kiện, cơ hội phát triển cũng như tạo sức hút cho NNL tại chỗ quay trở lại đóng góp cho địa phương vùng DTTS phát triển.

Thứ mười, phải có thái độ khách quan trong nhìn nhận và đánh giá về NNL vùng DTTS, đặc biệt xóa bỏ tư tưởng coi thường hoặc đánh giá thấp năng lực, trình độ, chuyên môn người DTTS.

Chú thích:
1. https://www 150.statcan.gc.ca
2, 3, 4. https://www.aadnc.gc.ca
Tài liệu tham khảo:
1. Aboriginal people living off-reserve and the labour market: Estimates from the Labour Force Survey, 2007 – 2015; Canadian Aboriginal Economic Development Strategy – CAEDS 2009.
2. Nguyễn Thị Giáng Hương. Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, đến năm 2030”. H. 2020.

TS. Nguyễn Thị Giáng Hương – ThS. Đào Thị Kim Lân
Trường Đại học Lao động – Xã hội