Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vai trò đó được thể hiện trước hết ở hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước – lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

 

 Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế

Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong nền kinh tế này, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”1.

Trong nền KTTT định hướng XHCN, Đảng ta không coi nhẹ kinh tế tư nhân, thậm chí khẳng định “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế” song cần nhấn mạnh “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Vai trò chủ đạo của KTNN được thể hiện tập trung ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) – lực lượng nòng cốt của KTNN và được thể hiện trên hai phương diện: chính trị và kinh tế.

Trên phương diện chính trị, DNNN có nhiệm vụ quan trọng trong nền KTTT định hướng XHCN, trở thành “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước hướng dẫn điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”2. Với quan điểm này, DNNN phải bảo đảm ổn đinh về mặt xã hội; tạo ra một xã hội công bằng, bình đẳng, tạo môi trường, cho các thành phần kinh tế khác phát triển, thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, ổn định xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… phát triển nhằm mục tiêu đưa nền kinh tế đi theo định hướng XHCN.

Trên phương diện kinh tế, DNNN phải thực hiện mục tiêu sản xuất – kinh doanh (SXKD) giống như các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. Đảng khẳng định “DNNN giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; đi đầu trong ứng dụng về khoa học – công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật”3. Ở phương diện này, DNNN giống như các TPKT khác trong nền kinh tế phải tiến hành SXKD, tính toán thu, chi, lỗ, lãi và nộp thuế cho Nhà nước. Ngoài ra, DNNN còn phải dẫn dắt, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển, phải đi đầu trong việc ứng dụng về khoa học – công nghệ, phải làm gương cho các thành phần kinh tế  khác noi theo.

Như vậy, Đảng và Nhà nước luôn coi DNNN (lực lượng nòng cốt của KTNN) đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước

Hiệu quả của DNNN có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Hiệu quả đó được thể hiện trong việc thực hiện các mục tiêu mà chủ sở hữu giao cho các DNNN, cũng như đóng góp của DNNN trong nền kinh tế. Ở nước ta, do tính đặc thù DNNN, luôn có hai vai trò, nhiệm vụ cơ bản là chính trị và SXKD.

Trên phương diện chính trị, các DNNN là lực lượng vật chất để Nhà nước hướng dẫn, điều tiết vĩ mô nền kinh tế nhằm mục tiêu đi lên XHCN. Với nhiệm vụ này, các DNNN đã có vai trò tích cực trong việc thực hiện mục tiêu của mình. DNNN đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện vai trò quan trọng trong ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định trật tự xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia…; bảo toàn và phát triển các nguồn lực vật chất trong nền kinh tế; là lực lượng chủ yếu hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới, đầu tư vào những lĩnh vực, các công trình trọng điểm quốc gia cần vốn lớn, có thời gian thu hồi vốn chậm hoặc các công trình công ích phi lợi nhuận mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng hoặc không muốn đầu tư vào nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước; hỗ trợ xây dựng và phát triển kinh tế ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước thực hiện các mục tiêu cao đẹp của chế độ XHCN…

Tất cả những thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước trong những năm qua đều có đóng góp to lớn của  DNNN.

Ảnh minh họa

Trên phương diện SXKD, các DNNN có nhiệm vụ nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Với vai trò là đội quân chủ lực trong nền kinh tế, các DNNN có những đóng góp tích cực trong nền kinh tế. Cụ thể: “Năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty đem về lợi nhuận cao như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trên 43.800 tỷ đồng, Vietcombank trên 23.000 tỷ đồng, Vietinbank cũng vượt con số 11.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp cao su, dù khó khăn nhưng vẫn vượt 4.300 tỷ đồng… Có nhiều DN đóng góp lớn cho ngân sách, trong đó PVN trên 20.000 tỷ đồng, EVN hơn 26.000 tỷ đồng, Petrolimex gần 42.000 tỷ đồng, Vinataba cũng đóng góp 11.400 tỷ đồng”4.

Tuy nhiên, trong SXKD của DNNN còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập làm ảnh hưởng tới vai trò của DNNN. Cụ thể:

Một là, hiệu quả sử dụng vốn thấp. DNNN tuy nắm giữ một lượng vốn khổng lồ trong nền kinh tế nhưng khi so sánh hiệu quả hoạt động với các thành phần kinh tế khác thì hiệu quả còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng: “Hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) của khu vực DNNN năm 2017 là 2,2%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 2,9% toàn bộ khu vực DN, thua xa so với mức 7% của khu vực FDI. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khu vực DNNN năm này là 11,4%, tuy cao hơn mức 10% ROE bình quân các DN, song thấp hơn so với mức 18,1% của khu vực FDI”5. Điều này chứng tỏ DNNN sử dụng vốn hiệu quả còn thấp. Đây là vấn đề quan trọng mà các DN cần cải thiện trong những năm tới.

Hai là, nhiều DN, tập đoàn kinh tế kinh doanh thua lỗ, gây lãng phí, thất thoát vốn cho Nhà nước và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các DNNN. Nhiều cán bộ cấp cao đã phải đưa ra xử lý trước pháp luật, điển hình là: dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên; xơ sợi Đình Vũ; đạm Ninh Bình; đầu tư  góp vốn vào ngân hàng của Tập đoàn Dầu khí…6. Báo cáo mới về việc giám sát các DNNN chỉ ra, bên cạnh những DN làm ăn có lãi vẫn còn có DN thua lỗ: “ Sau 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của 136 DN 100% vốn nhà nước là 344.944 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 29.869 tỷ đồng, nộp ngân sách 37.377 tỷ đồng. Trong đó, có 124 đơn vị kinh doanh có lãi; 12 đơn vị kinh doanh lỗ với tổng số lỗ hơn 720 tỷ đồng”7.

Ba là, DNNN còn sử dụng lãng phí, làm thất thoát tài sản của nhân dân. Quản lý trong các DNNN chưa tốt dẫn đến tình trạng tham ô, tham nhũng của một bộ phận lãnh đạo trong các DNNN làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Điển hình là tình trạng sử dụng vốn của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Cán bộ lãnh đạo tham ô, đầu tư dàn trải, mua máy móc, thiết bị cũ nát về không sử dụng được đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước8.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước

Thứ nhất, cần tách bạch chức năng SXKD và chức năng chính trị – xã hội trong các DNNN. DNNN có nhiệm vụ kép trong nền kinh tế, một mặt, phải tiến hành SXKD làm ra của cải vật chất cho xã hội, dẫn dắt tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Với nhiệm vụ này, các DNNN chịu sự chi phối của các quy luật khách quan trên thị trường, như: cung, cầu, cạnh tranh, giá cả, giá trị… và phải lấy hiệu hiệu quả SXKD làm thước đo.

Mặt khác, các DNNN còn có nhiệm vụ chính trị – xã hội, tức là tạo ra một xã hội công bằng, văn minh vì mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, như: thực hiện an sinh xã hội, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… Với nhiệm vụ này, không thể lấy thước đo là lợi nhuận mà phải lấy hiệu quả phục vụ xã hội, đóng góp cho sự phát triển của xã hội làm thước đo. Do vậy, để DNNN hoạt động có hiệu quả cũng như đánh giá, đo lường được hiệu quả của các DNNN, cần phải tách bạch hai chức năng này trong DNNN. Có như vậy, DNNN mới trở thành lực lượng vật chất để Nhà nước hướng dẫn, điều tiết vĩ mô nền kinh tế cũng như đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Thứ hai, xác định những lĩnh vực, ngành nghề nào DNNN phải tham gia hoạt động, những lĩnh vực, ngành nghề nào DNNN không nhất thiết phải tham gia. Cần duy trì các DNNN trong lĩnh vực, ngành nghề cung cấp các dịch vụ công ích phục vụ an sinh xã hội, cung cấp các hàng hóa cơ bản cho nền kinh tế, lĩnh vực nghiên cứu và triển khai các tiến bộ khoa học – công nghệ mới mang tính chất lan tỏa. Các DNNN nên dần rút khỏi các lĩnh vực, ngành nghề mà các DN ngoài Nhà nước có khả năng tham gia và đang hoạt động tốt, nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho thị trường. Đồng thời, Nhà nước cũng thu hồi lại được một phần vốn dành cho đầu tư phát triển.

Thứ ba, đẩy mạnh việc tái cấu trúc các DNNN. Để tái cấu trúc các DNNN, phải đẩy nhanh việc thoái vốn, việc đầu tư ra ngoài ngành của các DNNN để các DN, tập đoàn kinh tế tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình nhằm tăng cường cạnh tranh, tạo thương hiệu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong DNNN để dẫn dắt, lan tỏa cho nền kinh tế, còn các lĩnh vực khác để tư nhân, các TPKT khác làm.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa các DNNN. Để thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, DNNN chỉ giữ vai trò cung cấp những hàng hóa và dịch vụ mà các DN của các TPKT khác không muốn hoặc không có khả năng cung cấp để bảo đảm sự vận hành một cách bình thường cho nền kinh tế. Trong thời gian trước mắt, Nhà nước cần phải kiên quyết đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, cho dù có phải thu hồi vốn đầu tư với mức thấp nhất nhưng sẽ mang lại hiệu quả thị trường cao nhất.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ quản trị giỏi trong DNNN. Bên cạnh những DNNN làm ăn thua lỗ, vẫn có nhiều DNNN kinh doanh có lãi vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nhờ đội ngũ quản trị có năng lực đưa DN đi đúng hướng (như: Tổng công ty sữa (Vinamilk), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)…).

DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền KTTT định hướng XHCN. Vai trò đó được thể hiện ở việc DNNN  thực hiện hai nhiệm vụ là SXKD và chính trị – xã hội trong nền kinh tế. Do vậy, khi đánh giá về hiệu quả, chúng ta phải đánh giá toàn diện, bao quát về DNNN trên cả hai phương diện. Để DNNN phát triển lành mạnh, làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ. Đồng thời, bản thân các DNNN cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy nội lực, đủ sức dẫn dắt, chi phối các TPKT khác theo định hướng XHCN.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 102 – 103, tr. 255.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 101.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. H. NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 96.
4. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận trên 1000 tỷ đồng. https://www.msn.com, ngày 08/02/2020.
5. Định vị lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. https://tinnhanhchungkhoan.vn, ngày 05/02/2020.
6. Mười hai đại dự án thua lỗ nợ 20.000 tỷ đồng. https://dantri.com.vn, ngày 10/2/2020.
7. Báo cáo giám sát doanh nghiệp nhà nước: 12 trường hợp lỗ 720 tỷ đồng, 16 trường hợp cảnh báo về an toàn tài chính. http://cafef.vn, ngày 12/02/2020.
8. Những đại án nghìn tỷ khó thu lại được tiền thiệt hại. https://vnexpress.net, ngày 10/02/2020.

TS. Nguyễn Văn Sơn
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội