Sự tham gia của người dân trong xây dựng đô thị thông minh ở thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh với vai trò là đô thị đặc biệt, có quy mô lớn và đang trên đà phát triển nhanh, đã khẳng định vị thế là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật của cả nước, là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý xã hội nói chung, trong xây dựng đô thị tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số bất cập.

 

Ảnh minh họa
Thực trạng về sự tham gia của người dân trong xây dựng đô thị thông minh ở TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đô thị đặc biệt, có quy mô lớn và đang trên đà phát triển nhanh, đã khẳng định vị thế là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật của cả nước, là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng. TP. Hồ Chí Minh cũng đã quan tâm đến việc tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội (QLXH). Đặc biệt, Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành Đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2025 xác định đặt “người dân làm trung tâm của đô thị” được hiểu là người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố1; đồng thời, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân trở thành một trong 4 mục tiêu của Đề án2. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân trong hoạt động QLXH nói chung, trong xây dựng đô thị tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số bất cập.

Thứ nhất, về sự chủ động tham gia và hình thức tham gia của người dân.

Thực tế hiện nay cho thấy, còn không ít người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ và sâu sắc về quyền và lợi ích của mình khi tham gia vào hoạt động QLXH và xây dựng ĐTTM. Người dân vẫn còn tâm lý “ngại” tham gia vào các lĩnh vực xã hội của địa phương mà chủ yếu chỉ tham gia khi được hỏi ý kiến.  Như vậy, để người dân chủ động hơn nữa tham gia QLXH, trước hết cần cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước, QLXH của người dân được quy định trong Hiến pháp năm 20133.

Thứ hai, về sự tham gia của người dân vào bầu cử người đứng đầu khu dân cư.

Trưởng ấp, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu phố do người dân trực tiếp bầu và được hình thành, hoạt động trên sự tín nhiệm của người dân. Những người do dân trực tiếp bầu thì tổ trưởng và trưởng ban điều hành khu phố là người tiếp xúc trực tiếp với người dân nhiều nhất nên mức độ gắn bó giữa họ với người dân là tương đối lớn. Người dân được tự do đề xuất, lựa chọn những người hoạt động có hiệu quả trong các đơn vị tự quản để đại diện cho tiếng nói của mình.

Mặc dù Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định phải có ít nhất hai ứng cử viên để người dân lựa chọn, song giai đoạn 2015 – 2017, kết quả khảo sát của PAPI đã từng chỉ ra, trên thực tế người dân cho biết có rất ít địa bàn của TP. Hồ Chí Minh có hai ứng cử viên trở lên4. Điều này ảnh hưởng đến quyền quyết định của người dân trong lựa chọn người đại diện cho tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư của mình, TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi có số cử tri được mời tới tham gia bỏ phiếu bầu người đứng đầu khu dân cư5.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, các thông tin về bầu cử đã được công khai, minh bạch hơn để người dân nắm bắt kịp thời. Các thông tin về ứng cử viên, quy trình, cách thức bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri cũng được ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố thông tin một cách kịp thời, công khai, đầy đủ và chính xác. Do đó, hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bầu cử người đứng đầu khu dân cư đã cao hơn. Điều này đóng góp vào việc nâng cao chỉ số thành phần “sự tham gia của người dân cơ sở”  trong chỉ số PAPI năm 2018 của TP. Hồ Chí Minh đạt 4.84, cao hơn so với năm 2017 (năm 2017 là 4.7)6, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động của CQĐP.

Thứ ba, sự tham gia các mô hình tự quản của người dân.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các mô hình tự quản đã hình thành và bước đầu đã thu hút sự tham gia và tạo lòng tin của nhiều tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thực tế có nhiều mô hình tự phát, không được hướng dẫn, quy định rõ về chức năng, quyền hạn dẫn đến người dân không có cơ chế tham gia các mô hình tự quản này trong QLXH, xây dựng Thành phố. Điển hình trong số các mô hình tự quản tại TP. Hồ Chí Minh là mô hình các “hiệp sĩ” trong phòng, chống tội phạm. Mô hình các nhóm “hiệp sĩ” đường phố tại TP. Hồ Chí Minh thành lập tự phát và hoạt động được một thời gian, dù mang lại những hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ lực lượng công an phòng, chống tội phạm và được chính quyền ghi nhận nhưng chưa được chính quyền Thành phố quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Thứ tư, sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân.

Đóng góp tự nguyện để đầu tư xây mới hoặc tu sửa các công trình công cộng, dân sinh ở địa bàn dân cư như nhà văn hóa, đường, trường, trạm…, là một hình thức biểu hiện sự tham gia tự nguyện, chủ động của người dân, thay vì bị ép buộc. Khi người dân chủ động tham gia, họ sẽ đóng góp tích cực vào các quy trình dự án, từ khâu khởi động đến khâu giám sát công trình. Tại TP. Hồ Chí Minh, sự đóng góp của người dân có xu hướng ngày càng tăng lên, các đóng góp của người dân thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như đóng góp vốn trực tiếp, công sức, đất đai…

Như vậy, đối với các công trình do người dân đóng góp thì mức độ tham gia của người dân rất cao. Tuy nhiên, các công trình công cộng do Nhà nước đầu tư 100% vốn thì mức độ tham gia của người dân bị hạn chế nhiều. Tỷ lệ người trả lời cho biết đóng góp của họ được cộng đồng giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân cao hơn những năm trước. Mặc dù vậy, vai trò của hai ban này còn rất hạn chế trong thực hiện giám sát tại cơ sở.

Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện các khoản đóng góp của người dân cũng còn hạn chế. Người dân chưa được thông tin rõ việc sử dụng các khoản đóng góp của họ như thế nào. Các số liệu cụ thể của việc sử dụng các khoản đóng góp chưa thực sự công khai. Điều này gây khó khăn cho người dân trong quá trình giám sát việc sử dụng các khoản đóng góp.

Thứ năm, sự tham gia của người dân trong xây dựng cộng đồng dân cư thông minh.

Hiện nay, một trong những bước đột phá của TP. Hồ Chí Minh là triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục, hồ sơ. Mặc dù hầu hết các quận, huyện của thành phố đã triển khai DVCTT, tuy nhiên, thực tế người dân chưa “mặn mà” với DVCTT mà vẫn trực tiếp đến cơ quan công quyền để thực hiện các thủ tục hành chính, “họ hầu như không quan tâm đến những tiện ích công qua mạng mà nếu có cũng chỉ là tham khảo”7.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc tăng cường cung ứng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 người để tạo thuận lợi hơn cho người dân và tránh tập trung đông người, góp phần phòng, chống dịch. Như vậy, giải quyết hồ sơ qua DVCTT không chỉ trở thành xu hướng tất yếu trong cấu trúc ĐTTM thành phố mà còn là giải pháp hạn chế tối đa tiếp xúc đông người trong lúc dịch Covid-19 còn phức tạp8. Do đó, người dân cũng đã từng bước tích cực và chủ động hơn trong việc tham gia sử dụng DVCTT.

Giải pháp tăng cường thu hút sự tham gia của người dân trong xây dựng đô thị thông minh

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chủ động tham gia xây dựng ĐTTM.

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tham gia hoạt động quản lý nhà nước, QLXH nói chung trong xây dựng ĐTTM. Những người lớn tuổi thường không được tiếp cận nhiều với internet nên các cơ quan nhà nước của thành phố cần tập trung vào tuyên truyền thông qua báo, đài truyền hình thành phố… Đối với những đối tượng có thể tiếp cận tốt internet như những người có trình độ học vấn cao, trẻ tuổi.., thì chính quyền địa phương (CQĐP) cần sử dụng phương thức tuyên truyền thông qua internet, mạng xã hội.

Có thể nói, sự tham gia của người dân nhằm giúp chính quyền thành phố quản lý công dân theo hướng quản lý công dân điện tử, đây là một trong những ứng dụng trong xây dựng ĐTTM được đánh giá cao vì tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, để bản thân mỗi công dân đều có thể đóng góp dữ liệu cho hệ thống thông tin của một đô thị được quản lý trên nền hạ tầng công nghệ thông tin.

Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức huy động sự tham gia của người dân.

Để thu hút sự tham gia của người dân trong xây dựng ĐTTM, đòi hỏi người dân hiểu rõ được vị trí, quyền hạn của mình để tích cực tham gia vào kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Vì vậy, cần chú ý tới tổ chức các hình thức, phương thức tham gia của người dân. Khi người dân tin bộ máy CQĐP thì lãnh đạo địa phương cần sẵn sàng cung cấp thông tin, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương, từ đó, người dân sẽ tích cực tham gia vào công việc của địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền của thành phố cần có những giải pháp triển khai hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 để phát huy hiệu quả dân chủ trực tiếp, góp phần thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, QLXH của người dân trên địa bàn Thành phố.

Ba là, tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm quyền của người dân trong thực hiện các mô hình tự quản.

UBND Thành phố cần chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 của UBND thành phố về quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố, đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của phòng nội vụ các quận, huyện.

Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, quy định chức năng, quyền hạn các nhóm “hiệp sĩ” đường phố là tổ chức xã hội tự quản của quần chúng tại xã, phường. Qua đó sẽ tạo cơ sở để các nhóm này hoạt động nhằm động viên và tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tâm huyết trong việc bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới; cùng nhau vận động, giáo dục, cảm hóa những người có hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Bốn là, xây dựng kênh kết nối để người dân tham gia giám sát quá trình xây dựng ĐTTM.

Chính quyền các cấp của Thành phố cần xây dựng các kênh thông tin kết nối phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân giám sát và nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, thực hiện vai trò giám sát của mình về các vấn đề trong xây dựng ĐTTM. Người dân tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ của ĐTTM theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Đặc biệt, chính quyền các cấp của Thành phố cần nghiên cứu xây dựng các phương thức tương tác thông tin phù hợp và thông qua việc cung cấp dữ liệu mở rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, thực hiện vai trò giám sát của mình để cung cấp thông tin cho thành phố về các vấn đề, như: y tế, an toàn thực phẩm, môi trường…, đối thoại với chính quyền và tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ xây dựng thành phố trên cổng thông tin điện tử để người dân, doanh nghiệp có kênh chủ động kết nối và góp ý cho chính quyền Thành phố.

Năm là, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thu hút người dân và tăng cường trách nhiệm giải trình của CQĐP trong xây dựng ĐTTM.

Kiểm tra, thanh tra việc các cơ quan, tổ chức thực hiện thu hút người dân trong triển khai xây dựng ĐTTM để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp. Bảo đảm việc thu hút sự tham gia của người dân có sự cam kết và ủng hộ cao nhất của CQĐP, được thực hiện một cách thực chất, tránh hình thức.

Mặt khác, chính quyền các cấp của Thành phố, trong thu hút sự tham gia của người dân phải gắn với việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình của CQĐP. CQĐP phải duy trì và thực hiện một cách thực chất việc công bố, cung cấp thông tin chính thức đối với hoạt động xây dựng ĐTTM, thường xuyên tổ chức việc giải trình những hoạt động của mình trước nhân dân địa phương.  Đặc biệt, Thành phố phải có cơ chế công khai, minh bạch tất cả các khoản đóng góp của nhân dân để nhân dân biết và giám sát.

Chú thích:
1. Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2025 được phê duyệt kèm theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
2. Bốn mục tiêu gồm: bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
3. Điều 28, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
4. PAPI (2016) Việt Nam cho biết: “bầu cử đại diện thôn/tổ dân phố ít cạnh tranh nhất ở TP. Hồ Chí Minh, nơi chỉ có 20% số trả lời cho biết có từ hai ứng cử viên trở lên để họ lựa chọn”.
5. PAPI (2017) Việt Nam cho biết: “tỷ lệ người trả lời cho biết gia đình được mời đi bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố (%) ở TP. Hồ Chí Minh là 26,92% (thấp nhất cả nước), trung bình cả nước là 56.18%, cao nhất là Bắc Giang 93.95%”.
6. Hiện nay chỉ số PAPI 2019 của TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố chưa được công bố vì chỉ số này của năm thường công bố vào tháng 4 của năm sau, do đó chỉ số năm 2019 thường được công bố vào tháng 4/2020. www.papi.org.vn.
7. Chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến. http://www.sggp.org.vn, ngày 07/3/2017.
8. Thành phố Hồ Chí Minh tăng giải quyết công việc qua mạng. https://bnews.vn, ngày 26/3/2020.

ThS. Đặng Kim Quyên
Trường Cao đẳng kinh tế TP. Hồ Chí Minh