Một số biện pháp phòng, chống rửa tiền trên quy mô quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm rửa tiền trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại đến nền kinh tế nhiều quốc gia. Bài viết đề cập những nỗ lực của các cơ quan quốc tế trong phòng, chống rửa tiền, trong đó tập trung vào lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính, cơ quan chuyên trách có nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền.

 

1. Việc xác định chính xác tình hình tội phạm rửa tiền là rất khó khăn, tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có khoảng từ 300 – 500 tỷ đô la Mỹ thu được từ hoạt động tội phạm (không bao gồm tội phạm trốn thuế) được tẩy rửa mỗi năm. Các thị trường tài chính lớn đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện và xử lý tội phạm rửa tiền. Điều này đã dẫn đến việc các đối tượng dần chuyển hướng sang các thị trường kém phát triển hơn. Nếu không được kiểm soát, hoạt động rửa tiền có thể lũng đoạn hệ thống tài chính và làm suy yếu nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển.

Trong quá trình tẩy rửa, “tiền bẩn” được đưa vào hệ thống tài chính để ngụy trang nguồn gốc và biến thành những khoản tiền có vỏ bọc hợp pháp. Rửa tiền liên quan đến nhiều loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, như: buôn lậu vũ khí, mua bán trái phép chất ma túy, khủng bố… Mặc dù liên quan đến nhiều giao dịch phức tạp, nhưng rửa tiền thường được chia làm ba giai đoạn cơ bản:

Giai đoạn sắp xếp: Giai đoạn này có thể được thực hiện bằng cách gửi tiền mặt vào ngân hàng trong nước hoặc các loại hình, tổ chức tài chính chính thức hoặc phi chính thức khác. Tiền mặt cũng có thể được chuyển qua biên giới để gửi vào các tổ chức tài chính nước ngoài hoặc được sử dụng để mua các loại hàng hóa có giá trị cao như: các tác phẩm nghệ thuật, máy bay, kim khí quý, sau đó được bán lại để thanh toán bằng séc hoặc chuyển khoản ngân hàng.

Giai đoạn phân tán: Bao gồm các hoạt động tài chính phức tạp để tách số tiền thu được bất hợp pháp ra khỏi nguồn. Giai đoạn này có thể bao gồm các giao dịch như: chuyển khoản tiền gửi, chuyển đổi tiền gửi thành trái phiếu, cổ phiếu, séc du lịch, bán lại hàng hóa có giá trị cao hoặc đầu tư vào bất động sản, kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là đầu tư vào các ngành công nghiệp giải trí và du lịch. Hoạt động thành lập các công ty bình phong ở nước ngoài cũng là một thủ đoạn phổ biến trong giai đoạn này.

Giai đoạn làm cho số tiền có được từ hoạt động phạm tội xuất hiện hợp pháp: Trong giai đoạn quy tụ, đối tượng thường sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau, chẳng hạn như sử dụng các công ty bình phong để cho chủ sở hữu vay hoặc sử dụng tiền ký gửi tại các tổ chức tài chính nước ngoài để bảo đảm cho các khoản vay trong nước… Một thủ đoạn phổ biến khác là khai tăng giá trị của tài sản hoặc xuất hóa đơn giả cho hàng hóa đã hoặc sẽ được bán ra nước ngoài.

Ảnh minh họa

Hiện nay, rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính lớn mà bất kỳ quốc gia nào tham gia hệ thống tài chính quốc tế đều có nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng. Khi mở rộng các hoạt động kinh tế và lĩnh vực tài chính, các nước này sẽ trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Nhiều tài liệu chứng minh rằng, tiền mặt được vận chuyển qua biên giới đến những nước có hệ thống quản lý tài chính kém, sau đó được các tổ chức tội phạm đầu tư vào lĩnh vực buôn bán bất động sản hoặc hoạt động kinh doanh tại các quốc gia đó.

2. Chính phủ các nước hiện đã có nhiều nỗ lực để đấu tranh phòng, chống rửa tiền (PCRT) trong những năm qua. Các điều ước quốc tế chính liên quan đến rửa tiền là Công ước của Liên hiệp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần (Công ước Viên) và Công ước của Hội đồng châu Âu năm 1990 về rửa tiền, khám xét, phong tỏa và tịch thu tài sản có nguồn gốc tội phạm đã được nhiều quốc gia hưởng ứng và gia nhập. Ủy ban Giám sát Ngân hàng, Liên minh châu Âu và Tổ chức Ủy ban Chứng khoán quốc tế cũng có các văn bản xác định rõ vai trò của các tổ chức tài chính trong việc ngăn chặn và phát hiện hoạt động rửa tiền.

Công ước Viên được thông qua vào tháng 12/1988, đặt nền tảng cho hoạt động PCRT bằng cách tạo ra các nghĩa vụ cho quốc gia tham gia ký kết phải tội phạm hóa hoạt động rửa tiền từ buôn bán ma túy. Công ước cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động điều tra và dẫn độ giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, Công ước thiết lập nguyên tắc hoạt động điều tra tội phạm quốc tế không bị bó buộc bởi những quy định của các tổ chức tài chính.

Công ước của Hội đồng châu Âu được thông qua vào tháng 11/1990 đã thiết lập một chính sách hình sự chung đối với tội phạm rửa tiền. Công ước cũng đưa ra một định nghĩa chung về rửa tiền và các biện pháp phổ biến để đấu tranh với tội phạm này, trong đó tập trung vào các nguyên tắc hợp tác quốc tế giữa các bên tham gia ký kết, có thể áp dụng với các quốc gia bên ngoài Hội đồng châu Âu và áp dụng không giới hạn với tiền, tài sản có nguồn gốc từ tội phạm ma túy.

Vào tháng 12/1988, Ủy ban Giám sát ngân hàng của G10 đã ban hành một tuyên bố về các nguyên tắc mà ngân hàng quốc tế của mỗi quốc gia thành viên phải tuân thủ. Nguyên tắc này bao gồm việc nhận biết khách hàng, báo cáo các giao dịch đáng ngờ và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.

Vào tháng 6/1991, Hội đồng châu Âu đã thông qua một chỉ thị về ngăn chặn sử dụng hệ thống tài chính vì mục đích rửa tiền. Chỉ thị này được ban hành nhằm giải quyết vấn đề rửa tiền do sự tác động từ chính sách tự do hóa thương mại trong Cộng đồng châu Âu, trong đó bắt buộc các quốc gia thành viên phải thông qua Luật PCRT. Ngoài ra, còn yêu cầu các tổ chức tài chính thiết lập, duy trì các hệ thống nội bộ nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền, để có thể nhận biết khách hàng thực hiện các giao dịch hơn 15.000 ECU và phải lưu giữ hồ sơ trong ít nhất 5 năm. Quốc gia thành viên cũng  yêu cầu các tổ chức tài chính phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ và quán triệt tổ chức thành viên hoặc nhân viên của mình không được tham gia vào các hoạt động rửa tiền.

Tháng 10/1992 Tổ chức Ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSCO) đã thông qua báo cáo và nghị quyết khuyến khích các thành viên thực hiện các bước cần thiết để chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán. Một nhóm công tác của Ủy ban tư vấn IOSCO đã được thành lập để thu thập thông tin từ các thành viên và khuyến khích các thành viên của mình chống rửa tiền.

3. Trên thế giới, cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm chính trong việc xác định chính sách và thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp PCRT là Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF).

FATF được thành lập bởi Chính phủ của các nước G7 tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế năm 1989, có đại diện từ 24 quốc gia OECD, Hồng Kông (Trung Quốc), Xinh-ga-po, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và Ủy ban châu Âu. Thành phần tham gia bao gồm đại diện từ các thành viên cơ quan quản lý tài chính, cơ quan thực thi pháp luật, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao. Đại diện của các tổ chức quốc tế và các khu vực liên quan đến PCRT cũng tham dự các cuộc họp của FATF với tư cách là quan sát viên. FATF có 3 nhiệm vụ chính là: giám sát sự tiến bộ các thành viên trong việc áp dụng các biện pháp PCRT; đánh giá các thủ đoạn rửa tiền và đề ra biện pháp đối phó; thúc đẩy việc áp dụng và thực hiện các biện pháp phù hợp của các quốc gia không phải là thành viên.

Các biện pháp PCRT được đưa ra trong “40 khuyến nghị” được soạn thảo và thông qua năm 1990. Các khuyến nghị này gồm 4 chủ đề chính:

(1) Về nội dung tổng thể, các khuyến nghị hối thúc các nước tham gia Công ước Viên, để bảo đảm rằng các luật bảo mật của tổ chức tài chính không ngăn cản việc thực thi các khuyến nghị, thúc đẩy hợp tác đa phương và tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố và dẫn độ.

(2) Về mặt pháp lý, các khuyến nghị yêu cầu tội phạm hóa hoạt động rửa tiền từ các tội phạm liên quan đến ma túy, khuyến khích áp dụng với tất cả các tội phạm nghiêm trọng hoặc tất cả các tội phạm tạo ra lợi nhuận lớn, thúc đẩy các điều khoản cho phép phong tỏa và tịch thu tài sản liên quan đến rửa tiền.

(3) Các khuyến nghị xác định vai trò của hệ thống tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, cũng như các cơ quan quản lý tài chính khác cần nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, duy trì hồ sơ đủ để cho phép tái thiết các giao dịch và cung cấp các hồ sơ này cho các cơ quan có thẩm quyền để điều tra, truy tố, xét xử. Các tổ chức tài chính không nên giữ tài khoản ẩn danh, xác định, báo cáo các hoạt động đáng ngờ và áp dụng các chính sách, thủ tục để kiểm soát nội bộ tốt. Bên cạnh đó, khuyến khích quốc gia áp dụng các quy định pháp lý bảo vệ các tổ chức và nhân viên của họ khỏi trách nhiệm pháp lý khi báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp pháp lý hoặc quy định để ngăn chặn tội phạm kiểm soát các tổ chức tài chính.

(4) Các khuyến nghị cơ quan chức năng tăng cường hợp tác quốc tế như trao đổi thông tin về dòng tiền, thủ đoạn rửa tiền và các giao dịch đáng ngờ. Hợp tác quốc tế cần được tiến hành trên cơ sở các hiệp định song phương và đa phương, dựa trên các khái niệm pháp lý chung, trong đó tập trung vào việc lập hồ sơ các tổ chức tài chính, nhận diện khách hàng, phong tỏa, tịch thu tiền, tài sản, dẫn độ và truy tố.

FATF có hai cơ chế để thúc đẩy các quốc gia thành viên hành động hiệu quả. Đầu tiên là, sự tự đánh giá của mỗi quốc gia để xem xét tiến bộ của mình trong việc thực hiện 40 khuyến nghị. Thứ hai là, cơ chế đánh giá đa phương. Cả hai cơ chế đều đem lại hiệu quả trong việc làm nổi bật các điểm yếu về mặt pháp lý và thủ tục cũng như biện pháp giúp đỡ các quốc gia để cải thiện khi cần thiết.

Việc tự đánh giá dựa trên bảng hỏi chi tiết được soạn thảo bởi FATF vào năm 1991 và định kỳ sửa đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bảng hỏi được thiết kế để đưa ra các chỉ số khách quan về việc liệu các khuyến nghị đã được thực hiện hay chưa và được thực hiện như thế nào. Các quốc gia thành viên hoàn thành bảng câu hỏi mỗi năm một lần.

Trong đánh giá đa phương, một nhóm đại diện của ít nhất ba quốc gia thành viên đánh giá hiệu quả hoạt động PCRT của một chính phủ thành viên khác. Nhóm đánh giá xem xét thông tin do chính phủ cung cấp, xác minh và bổ sung thông tin thông qua các chuyến thăm và phỏng vấn tại chỗ. Theo hướng dẫn của nhóm đánh giá, Ban Thư ký của FATF sẽ viết một bản thảo báo cáo bí mật, trên cơ sở kết quả thảo luận trong các cuộc họp giữa quốc gia bị đánh giá với các thành viên khác của FATF. Báo cáo cuối cùng đưa ra đánh giá về mức độ tuân thủ các khuyến nghị của quốc gia thành viên và xác định các hoạt động cần tiến hành tiếp theo.

Mục tiêu đầu tiên của FATF là, thuyết phục tất cả các quốc gia có trung tâm tài chính quan trọng tán thành và thực hiện các khuyến nghị của mình; thứ hai là, để hỗ trợ các quốc gia đó trong nỗ lực PCRT. FATF tổ chức các hội thảo quốc tế về chống rửa tiền, gửi yêu cầu đến các quốc gia để khuyến khích việc áp dụng các khuyến nghị. FATF cũng hỗ trợ các quốc gia không phải là thành viên trong đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Với sự giúp đỡ của FATF, một nhóm đặc nhiệm riêng biệt đã được thành lập cho các chính phủ khu vực Caribbean. FATF gần đây cũng đã thành lập một Ban Thư ký châu Á để làm việc với các chính phủ trong khu vực này.

4. Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam hiện đang ngày càng trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động rửa tiền quy mô lớn. Nếu không được kiểm soát, hoạt động này sẽ làm giảm uy tín của khu vực tài chính chính thức. Trong hoạt động của ngành Tài chính, WB có thể thúc đẩy các biện pháp chống lại dòng tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính của các quốc gia và tiến hành các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài. Trong quá trình đó, các ngân hàng cần nhận thức rằng các biện pháp ngăn chặn và phát hiện hoạt động rửa tiền không thể chỉ tập trung vào bản thân các ngân hàng mà còn phải được áp dụng với lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm và các dịch vụ đổi tiền chính thức khác.

Việt Nam xác định PCRT là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động PCRT. Nhờ nhận thức được những rủi ro, nguy hại to lớn mà vấn nạn rửa tiền tác động đến hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng như: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… đã vào cuộc mạnh mẽ và thu được những kết quả tích cực. Theo đó, Việt Nam đã từng bước kiện toàn các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác PCRT như: kiện toàn Ban Chỉ đạo PCRT; kiện toàn cơ cấu tổ chức đơn vị chuyên trách là Cục PCRT; thiết lập đầu mối các bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác PCRT, tài trợ khủng bố; tăng cường thực hiện Luật PCRT năm 2012…

Việt Nam cũng tích cực trong việc tham gia các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực PCRT. Trong đó, Việt Nam đã là thành viên của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont)…

Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt, khi tiền ảo được sử dụng phổ biến và cũng là kênh rửa tiền được các đối tượng hướng đến, đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện quy định pháp luật nhằm chống rửa tiền bằng tiền ảo.

Trong thời gian tới, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cần phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong hoạt động rửa tiền để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật mang tính ngăn ngừa, răn đe.

Tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến hoạt động PCRT, nhằm nhận diện những tồn tại, kẽ hở hiện nay, từ đó bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong hoạt động này. Đây là việc làm thường xuyên và tất yếu bởi hoạt động rửa tiền ngày càng tinh vi, tồn tại dưới nhiều hình thức, mang tính xuyên biên giới, được tiếp tay, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân.

Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan, như: Luật Quản lý thuế, xây dựng và ban hành Luật Thuế tài sản, các quy định pháp luật về đăng ký giao dịch… nhằm kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất thường nhưng không được kiểm soát.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
2. Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
3. Financial Action Task Force (FATF). Combating the Abuse of Non-Profit Organisations (Recommendation 8), 2013.
4. Internal Revenue Service (IRS). Examples of Money Laundering Investigations – Fiscal Year 2013. http://www.irs.gov, date 23/12/2013.
5. Othman, R, and N. Ali. NPO. Internal Controls and Supervision Mechanisms in a Developing Country. VOLUNTAS: International Journal of Voluntary and Nonprofit Organizations, 2012.
6. Sullivan, K. (2008). Virtual Money Laundering and Fraud: Second Life and Other Online Sites Targeted by Criminals. http://www.bankinfosecurity, date 24/12/2013.
7. Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền. www.baochinhphu.vn, ngày 05/3/2020.

Bùi Bảo Trung
Học viện Cảnh sát nhân dân