Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay là chủ đề chính của toạ đàm khoa học do Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội tổ chức ngày 14/7/2020 tại Học viện Hành chính Quốc gia.

 

PGS.TS. Lương Thanh Cường khẳng định vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Tham dự tọa đàm, có PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó giám đốc Học viện, Ông Phạm Đại Đồng – Trưởng phòng chính sách, Cục Bảo Trợ xã hội, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, bà Lê Thị Phương Thúy – Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) – VWU, đại diện lãnh đạo các khoa, ban cùng toàn thể các giảng viên Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội, các sinh viên, nghiên cứu sinh và học viên tại Học viện.

Tại Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay và mong muốn Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội thúc đẩy nghiên cứu, lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng cho lãnh đạo, quản lý các cấp ở các bộ, ngành, địa phương.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Học viện, đồng thời khẳng định mục đích, ý nghĩa của Tọa đàm là trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Đại Đồng trình bày thực trạng hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội và công tác quản lý nhà nước.

Đại diện Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Đại Đồng đã trình bày thực trạng hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội và công tác quản lý nhà nước. Những khó khăn, tồn tại về mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn; đội ngũ cán bộ y tế các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Bà Lê Thị Phương Thúy trình bày về mô hình “Ngôi nhà bình yên”.

Bà Lê Thị Phương Thúy trình bày về mô hình “Ngôi nhà bình yên” – mô hình trợ giúp xã hội ngoài công lập nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới, giới thiệu những gói hỗ trợ toàn diện tối thiểu theo nhu cầu của người tạm trú và nguồn lực cho mô hình này.

PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết nêu những vấn đề đặt ra còn “khoảng trống” trong quản lý nhà nước cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi.

PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết, dưới góc độ nghiên cứu quản lý nhà nước đối với cơ sở trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay, đã trình bày một cách hệ thống các thuật ngữ liên quan, các nội dung quản lý nhà nước đối với trợ giúp xã hội và những vấn đề đặt ra còn “khoảng trống” trong quản lý nhà nước cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi.

Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh đã tổng kết những nội dung đã trao đổi tại tọa đàm khoa học, hy vọng tiếp tục có được sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các tổ chức xã hội trong thời gian tới để nghiên cứu tổng quan thực trạng về lĩnh vực trợ giúp xã hội nói riêng, an sinh xã hội nói chung.

Các đại biểu dự Toạ đàm chụp ảnh lưu niệm.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Bình
Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội