Thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới

Bài 2: Nhận thức về thể chế chính trị

(Quanlynhanuoc.vn) – Tìm kiếm câu trả lời về thể chế chính trị thực sự là không đơn giản. Trước hết, cần phải từ thực tiễn Việt Nam, trong lịch sử và hiện tại, trong đổi mới và hội nhập hiện nay để tìm hiểu một loạt các khái niệm có liên quan. Chỉ khi nào nhận biết rõ những khái niệm này mới có cơ sở nhận biết khái niệm “thể chế chính trị” theo quan điểm tổng hợp và hệ thống.

 

Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn

Tư duy theo các lớp quan hệ – nét đặc sắc, độc đáo trong tư duy triết học, chính trị học và xã hội học Hồ Chí Minh là điểm tựa lý thuyết và phương pháp rất quan trọng cho chúng ta nghiên cứu vấn đề thể chế chính trị Việt Nam. Do đó, cần phải khai thác và vận dụng triệt để tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị với đặc trưng dân chủ – pháp quyền – nhân văn để tìm đúng câu trả lời cho vấn đề đang đặt ra.

Chính trị và chính thể

– Chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, xét về mặt hoạt động của con người trong xã hội có Nhà nước, có kết cấu giai cấp, tầng lớp, các lực lượng (tập đoàn, nhóm, giới…) cùng tham gia vào đời sống chính trị (tham chính), cùng có quan hệ với chủ thể chấp chính, tức là lãnh đạo và cầm quyền, quản lý và quản trị xã hội (thống quản).

Các lĩnh vực của đời sống xã hội, như Hồ Chí Minh xác định là có bốn mặt ngang nhau, không được xem nhẹ một mặt nào, cũng không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Mỗi lĩnh vực có vai trò, vị trí riêng của nó trong cấu trúc xã hội tổng thể. Nòng cốt của cấu trúc này là kinh tế và chính trị.

– Chính trị còn được nhìn nhận là một quan hệ đặc trưng bởi quyền lực, đó là quyền lực nhà nước do một giai cấp nắm quyền, thực thi quyền lực gắn với bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền (lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị, lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, nổi bật ở tư tưởng, ý thức hệ) nhưng phải đáp ứng được lợi ích chung của xã hội, biểu đạt được lợi ích, ý chí chung của xã hội. Đó là đòi hỏi và ràng buộc tất yếu để tồn tại. Do đó, trong chính trị phải thường xuyên giải quyết mối quan hệ lợi ích và quan hệ quyền lực giữa các giai cấp, giữa giai cấp với dân tộc, giữa Nhà nước với công dân, giữa công chức, quan chức trong các tổ chức công quyềnvới công dân. Trong những xã hội chính trị có nhiều đảng còn là quan hệ giữa các đảng phái, chính trị cũng đồng thời có chính trị đối nội (nội trị) và chính trị đối ngoại (ngoại giao) được thể hiện qua đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền, của nhà nước quản lý.

Hoạt động chính trị là sự kết hợp giữa hoạt động tham chính của số đông trong xã hội, đông đảo nhất là toàn thể các công dân, các thành viên trong cộng đồng (cả dân tộc đa số, thiểu số, cả tôn giáo) với hoạt động chấp chính, tiêu biểu là các thủ lĩnh, các tổ chức đại biểu cho giới tinh hoa.

Giải quyết các mối quan hệ trong chính trị vừa có mặt thống nhất vừa có mặt mâu thuẫn, khác biệt, kể cả xung đột mà sâu xa là xung đột lợi ích. Cho nên trong đời sống chính trị với những không gian và thời gian nhất định, vừa có ổn định mà cũng vừa có bất định, có cả khủng hoảng. Để giữ vững ổn định mà phải là ổn định tích cực chứ không tiêu cực thì điều quan trọng nhất là phải phát triển được kinh tế, giữ được đồng thuận xã hội trên nền tảng dân chủ và đoàn kết, đó là một nền chính trị hợp lòng dân, được lòng dân, được dân ủng hộ.

Chỉ dẫn quan trọng cho vấn đề này, Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Không được làm gì trái ý dân”, “phải làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, đó chính là dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ. “Bao nhiêu lợi ích đều thuộc về dân, bao nhiều quyền cũng là của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2.

– Chính trị, theo Lênin, có lôgic khách quan mà cũng có lôgic nội tại của nó nữa. Lôgic khách quan nói lên vai trò quyết định của kinh tế đối với chính trị. Kinh tế, xét đến cùng là nhân tố quyết định chính trị cũng như quyết định sự phát triển của xã hội nói chung, nhưng chính trị không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Nó có thể tác động trở lại với kinh tế và xã hội theo hai chiều hướng, hoặc tích cực, nếu chính trị tác động đúng và phù hợp, hoặc tiêu cực, nếu tác động sai (trái quy luật), không phù hợp (chủ quan, duy ý chí, trái với dân chủ).

Chính trị có thể là lực đẩy mà cũng có thể trở thành lực cản đối với phát triển kinh tế – xã hội. Biểu hiện rõ nhất của lực đẩy, là động lực phát triển đó là chính trị dân chủ, hợp hiến, hợp pháp, hợp đạo lý là lòng dân, quyền lực được kiểm soát bằng sức mạnh của luật pháp, kỷ cương, có sự tham gia thực chất của Nhân dân. Biểu hiện rõ nhất của lực cản mà chính trị gây ra là quan liêu, tham nhũng, quyền lực do dân ủy thác bị biến dạng, tha hóa, đối lập lại với Nhân dân, gây tổn hại tới lợi ích của người dân và cộng đồng. Tham nhũng, từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị (chính sách) là cái phản cảm xã hội lớn nhất trong sự nhìn nhận, đánh giá của Nhân dân. Giảm thiểu tới mức thấp nhất những tổn hại do tham nhũng gây ra là dấu hiệu, thước đo quan trọng nhất về năng lực, hiệu quả điều hành chính sự, là bằng chứng về “sức khỏe” của nhà nước, của môi trường xã hội lành mạnh mà thể chế chính trị vận hành. Nó cũng nói lên tác dụng thực của kiểm soát quyền lực, của dân chủ, sự trong sạch của bộ máy và phẩm chất liêm chính của đội ngũ công chức, nhất là các quan chức cao cấp, có trọng trách vạch ra và thực thi chính sách.

Cũng theo Lê Nin, “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”, “chính trị là kinh tế cô đọng lại”. Trong chính thể Cộng hòa Xô Viết (tức XHCN), chính trị phải đóng vai trò quyết định phương hướng phát triển kinh tế. Dù xét đến cùng thì kinh tế quyết định chính trị nhưng chính trị phải đóng được vai trò định hướng phát triển kinh tế, thông qua quan điểm, mục tiêu, phương hướng và giải pháp chính trị đối với kinh tế. Bởi thế, với Đảng cầm quyền, trong những thời điểm phát triển bước ngoặt mà mất phương hướng chính trị (tròng trành, dao động) thì coi như đưa chính trị tới chỗ tự sát. Bài học phải trả giá đau đớn về sự đổ vỡ thể chế XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng tự đánh mất vai trò cầm quyền, hệ thống XHCN thế giới sụp đổ, cách mạng thoái trào… là một trong những minh chứng điển hình nhất cuối thế kỷ XX.

Chính trị, nghĩa trực tiếp của nó là biểu đạt quyền lực nhưng để thực thi quyền lực đúng đắn thì chính trị phải vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.

– Chính trị phải trở thành văn hóa chính trị. Đó là tác động tổng hợp từ văn hóa công dân, văn hóa lãnh đạo, quản lý (cầm quyền), văn hóa pháp luật, văn hóa đạo đức… Nói một cách khái quát, đó là văn hóa dân chủ.

– Chính trị không chỉ là Cương lĩnh (Tuyên ngôn), đường lối, nghị quyết ở tầm chiến lược mà còn là chính sách, các quyết sách hành động thực tiễn. Theo đó, trong nền chính trị Việt Nam, từ truyền thống lịch sử đến hiện đại, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh, đoàn kết, đại đoàn kết là một chính sách chính trị lớn nhất, bao trùm, phổ quát.

Nó cũng là động lực chính trị nổi bật nhất, quyết định hưng vong, thành bại của một sự nghiệp, một chế độ. Đảng cầm quyền thì đoàn kết trong Đảng là điều hệ trọng, là xung lực mạnh mẽ để thúc đẩy đoàn kết dân tộc, đoàn kết xã hội.

Nhân cách chính trị lớn phải là nhân cách quy tụ được sức mạnh đoàn kết trong toàn Đảng toàn dân. Đó là sinh khí, là hiện thực của chính trị nhân nghĩa hợp lòng dân và vì dân.

Trong Di chúc để lại, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước hết nói về Đảng, mà trong Đảng trước hết là giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình3. Chỉ như vậy mới tập trung nỗ lực, tinh lực cho sự quan tâm tới con người, “đầu tiên là công việc với con người4.

– Để thực hiện được những yêu cầu như đã nêu trên của chính trị thì trong chính trị phải đặc biệt chú ý tới con người chính trị, từ phẩm cách lãnh tụ đến các công dân. Thiết kế bộ máy đúng, có hệ thống thể chế rõ ràng, minh bạch vẫn chưa đủ. Còn phải có những con người chính trị ngay thẳng, trung thực, liêm chính, có tín nhiệm trong dân, được xã hội thừa nhận. Con người chính trị phải lấy đức làm gốc, tài năng là quan trọng, kinh nghiệm, vốn sống, bản lĩnh chính trị là cần thiết, là vốn quý để trong hành xử chính trị tránh vấp phải khiếm khuyết, sai lầm.

Trong “Đường Cách mệnh”, từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu “Tư cách của người cách mệnh” với 23 tiêu chí phản ánh các mối quan hệ cơ bản: “tự mình phải, đối người phải, đối với công việc, tổ chức và đoàn thể phải”… Bằng một sự mẫn cảm đặc biệt, từ hồi đó, Nguyễn Ái Quốc đã hình dung rõ và nhấn mạnh vào hai điểm cốt yếu: “Phải giữ chủ nghĩa cho vững”, lại “phải ít lòng tham muốn về vật chất” để “cách mạng đến nơi” (triệt để)5.

Nội dung chính trị rất phong phú nhưng ít nhất cũng có sáu hàm nghĩa nêu trên, trả lời cho câu hỏi “Chính trị là gì?”. Từ đó mà hiểu thế nào là thể chế chính trị, trước hết đó là vấn đề chính thể. Chính thể được hiểu như thế nào?

Các bản Hiến pháp ở nước ta, từ Hiến pháp đầu tiên, năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 trong lịch sử lập hiến nước ta, ngoài Lời nói đầu như một tuyên bố pháp lý chính trị tổng quát, đều có hẳn một chương về Chính thể, được hiểu là “Chế độ chính trị” tương ứng với “chế độ kinh tế”.

– Chế độ chính trị, xét về mặt chính trị là kiểu, mô hình chính trị, là mô hình tổ chức bộ máy nhà nước để thực thi quyền lực – quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước.

– Còn xét theo góc độ pháp lý thì chính thể tức là thể chế chính trị. Khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và có Hiến pháp đầu tiên, được Quốc hội khóa đầu tiên thông qua, năm 1946 thì thể chế chính trị nước ta là thể chế “Cộng hòa dân chủ”. Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh cũng có khi Người nói gọn là “Cộng hòa Việt Nam”, thực chất là “Cộng hòa dân chủ”. Thực hiện tổng quyển cử bầu Quốc hội (Nghị viện nhân dân, mô hình một Viện, không phải mô hình lưỡng viện, gồm Thượng viện và Hạ viện như nhiều nước tư bản chủ nghĩa phương Tây), thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu.

Vào năm 1976, khi Tổ quốc đã thống nhất, sau hơn hai thập kỷ chống đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, phá hoại hủy diệt miền Bắc, cả nước cùng làm một nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ thì chính thể cộng hòa dân chủ được chuyển thành chính thể Cộng hòa XHCN.

Hai khái niệm “chính thể” và “thể chế chính trị” rất gần nhau, có thể gọi là thống nhất, đồng nhất, cho dù không đồng nhất hoàn toàn.

Thể chế chính trị phản ánh đầy đủ nội dung chính thể nhưng nhấn mạnh vào yếu tố pháp lý, nổi bật ở hệ thống pháp luật, trước hết là Hiến pháp, luật cơ bản, luật gốc, chi phối tất cả các luật phái sinh của luật, pháp luật, sắc lệnh… nhất thiết phải đúng với tinh thần pháp luật, phải phù hợp với Hiến pháp. Các chủ thể hoạt động trong khuôn khổ thể chế chính trị, kể cả hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải hợp hiến, hợp pháp, không được vi hiến, bởi trong nhà nước pháp quyền pháp luật là tối thượng, phải chấp pháp theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Để đề phòng và ngăn chặn các biểu hiện vi hiến thì phải có “cơ chế bảo hiến” (bảo vệ Hiến pháp) kèm theo là thiết chế và chế tài thực hiện, tiêu biểu nhất là phải xác lập “Tòa án Hiến pháp”, ban hành “luật hoạt động chính trị” (một hình thái cụ thể là luật về Đảng, kể cả Đảng cầm quyền). Một bước tiến lớn của Hiến pháp năm 2013 là đã cụ thể hóa Điều 4 về địa vị và trách nhiệm pháp lý của Đảng cầm quyền trong Nhà nước và xã hội6. Đó là các chế định pháp lý minh định rõ cả quyền hạn lẫn trách nhiệm mà trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm với Nhân dân, với xã hội về mọi quyết định mà Đảng đưa ra. Như vậy, chính thể được hiểu theo hai nghĩa.

Nghĩa rộng và chung nhất là chế độ chính trị quy định kiểu, mô hình chế độ của một xã hội, trong đó bao hàm mục tiêu, lý tưởng chính trị, nền tảng ý thức hệ, tổ chức Nhà nước, địa vị chính trị – pháp lý của Đảng, bảo đảm tính chính danh được ghi vào Hiến pháp về việc lãnh đạo, cầm quyền. Nghĩa hẹp và cụ thể, chính thể là thể chế chính trị. Thể chế chính trị hình thành và được quy định bởi chế độ chính trị. Chế độ chính trị như thế nào thì thể chế chính trị như thế ấy. Đó là một hệ thống các quy tắc, quy định, luật lệ bảo đảm cho chính trị vận hành phù hợp với mục tiêu phát triển xã hội mà chế độ chính trị đã xác định, đã lựa chọn, phù hợp với chuẩn mực dân chủ của xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền. Trong điều kiện của cải cách và đổi mới, theo nghĩa lành mạnh, đổi mới thể chế chính trị là làm cho chế độ chính trị trở nên vững mạnh, có hiệu quả hơn trong tổ chức và hoạt động vì lợi ích chung của quốc gia – dân tộc và cộng đồng xã hội chứ không với nghĩa là thay đổi chế độ chính trị, là dẫn tới những đảo lộn có tác dụng xấu, tới độc lập chủ quyền, tới sự an nguy của chế độ.

Thực tiễn đổi mới thể chế chính trị ở Việt Nam hơn 30 năm qua làm rõ ràng quan niệm này. Các Văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội đều có những khẳng định nhất quán, tập trung tiêu biểu nhất là qua hai bản Cương lĩnh 1991 “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và Cương lĩnh 2011 (gọi là Cương lĩnh bổ sung và phát triển, năm 2011, được Đại hội XI thông qua), qua Văn kiện Đại hội XII và tổng kết lý luận – thực tiễn 30 năm đổi mới7. Trong những Văn kiện này đều nhấn mạnh:

+ Kiên định lựa chọn con đường phát triển XHCN, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (đó là mục tiêu, bản chất của chế độ chính trị XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo).

+ Đổi mới, kể cả đổi mới thể chế chính trị, thông qua dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực để xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện và phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân.

+ Giữ vững định hướng XHCN của đổi mới và phát triển. Phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường nhưng vẫn phải là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong đổi mới, trong đó có quan hệ giữa bảo đảm tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường với định hướng XHCN (quan hệ giữa kinh tế và chính trị)8.

Làm rõ ràng, minh bạch những luận điểm nêu trên là một bước tiến của đổi mới tư duy, trước hết trong tư duy lãnh đạo, quản lý, không đồng nhất thể chế chính trị với chế độ chính trị. Sự đồng nhất giản đơn này tự tạo ra lực cản, níu kéo sự trì trệ, kìm hãm sự phát triển bởi nỗi ám ảnh “sợ” đổi mới thể chế chính trị, dường như dẫn tới thay đổi chế độ chính trị.

Dĩ nhiên, mặt khác cũng phải phòng ngừa khuynh hướng nóng vội, chủ quan, duy ý chí, đổi mới thể chế chính trị thoát ly các điều kiện lịch sử – cụ thể, dễ sao chép máy móc, giáo điều các lý thuyết, mô hình phương Tây không phù hợp với đặc điểm chế độ chính trị Việt Nam. Khuynh hướng này cũng rất dễ xảy ra, chẳng những không đem lại tác dụng, kết quả tích cực mà còn tiêu cực nên phải phòng tránh, dù trong đổi mới, hội nhập, Đảng và Nhà nước ta trù tính có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế hữu ích cho Việt Nam trong cải cách, đổi mới một cách có chọn lọc, trên tinh thần phê phán…

Trong đổi mới thể chế chính trị Việt Nam hiện nay, nổi bật yêu cầu bức xúc là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý của Nhà nước, đổi mới hoạt động của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể quần chúng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tác dụng, hiệu quả hoạt động tham chính của Nhân dân để Nhân dân kiểm soát quyền lực thực sự có kết quả.

Hệ thống chính trị và dân chủ xã hội chủ nghĩa

Trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam, cùng với đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta đã có những nhận thức mới về dân chủ và HTCT.

Trước đổi mới, chúng ta thường nhấn mạnh “làm chủ tập thể”, “xây dựng chế độ làm chủ tập thể”, coi “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là “cơ chế làm chủ tập thể”. Cũng như vậy, Nhà nước được xác định là “Nhà nước chuyên chính vô sản”.

Trong đổi mới, Văn kiện Đại hội VI (12/1986) nhấn mạnh “đẩy mạnh dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội để xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta”9.

Đến Hội nghị Trung ương 6, khóa VI, 1989, lần đầu tiên, Đảng ta sử dụng khái niệm “Dân chủ XHCN” thay cho khái niệm “chế độ làm chủ tập thể” trước đây. Cũng như vậy, lần đầu tiên, “HTCT” như một thuật ngữ khoa học được sử dụng trong chính trị học Việt Nam với tư cách một khoa học10.

Cần lưu ý rằng, chính trị học và khoa học chính trị ở Việt Nam là những khoa học rất non trẻ, chỉ đến đổi mới mới được chú trọng nghiên cứu, dù trong lịch sử, dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống chính trị, rất nhạy cảm với chính trị trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, đường lối “thân dân”, “an dân”, “trị quốc”, “quốc thái dân an”, “trọng dụng nhân tài, hiền tài”… là những dòng tư tưởng chính trị rất đặc sắc của ông cha ta qua các triều đại, đến nay vẫn có thể kế thừa khi đổi mới chính trị, HTCT và thể chế chính trị.

Vậy, HTCT được hiểu như thế nào?

Nhận thức chung, phổ biến thường hiểu HTCT là hệ thống tổ chức bộ máy (các thiết chế) cùng hoạt động trong đời sống chính trị với những chức năng, nhiệm vụ khác nhau, do đó, cũng có những thẩm quyền, trách nhiệm khác nhau.

Bằng phương pháp mô tả, chúng ta thường cấu hình hóa HTCT Việt Nam gồm các tổ chức sau đây:

– Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) có vai trò lãnh đạo, có địa vị cầm quyền.

– Nhà nước (Quốc hội lập pháp, Chính phủ hành pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm chức năng tư pháp): Nhà nước làm chức năng quản lý, điều hành, trước hết là ban hành luật, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành luật pháp, chính sách.

– Mặt trận và các đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị – xã hội rộng lớn nhất, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý (đã có luật về Mặt trận và một số đoàn thể), bằng phương pháp Hiệp thương dân chủ để liên kết các tổ chức chính trị – xã hội thành viên, cùng tập hợp vận động quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị (xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN), thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng và quản lý nhà nước.

Đáng lưu ý là hai điểm sau đây:

Thứ nhất, Mặt trận chỉ có các thành viên là các tổ chức, về căn bản không có cá nhân, chỉ có một số đại biểu nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ ngoài Đảng, các chức sắc tôn giáo, các đại biểu cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vì mục đích nêu cao đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Do đó, về nguyên tắc, quan hệ giữa Mặt trận và các thành viên là quan hệ hiệp thương chứ không phải tập trung dân chủ như trong Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị khác.

Thứ hai, nhiều tổ chức, đoàn thể vừa là thành viên Mặt trận lại vừa là thành viên tham gia vào HTCT, bởi họ có hệ thống tổ chức ở các cấp (4 cấp: trung ương – địa phương trực thuộc trung ương: quận, huyện trực thuộc tỉnh thành và cơ sở: xã – phường – thị trấn), hoạt động độc lập, không phụ thuộc Mặt trận.

Nhà nước là giường cột của HTCT nhưng Nhà nước không tham gia vào Mặt trận. Nhà nước phải đứng ngoài Mặt trận để phân biệt rõ hệ thống quyền lực nhà nước (quyền lực công, công quyền) với hệ thống quyền lực ngoài nhà nước (quyền lực xã hội mà Mặt trận là đại diện).

Đảng khác Nhà nước. Đảng vừa có vai trò lãnh đạo Mặt trận vừa là một thành viên của Mặt trận, một thành viên đặc biệt là lãnh đạo nhưng có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng Mặt trận. Phương diện “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” này trên thực tế làm chưa tốt, có hạn chế từ Mặt trận mà cũng có khuyết điểm từ phía Đảng cầm quyền, dù Đảng luôn luôn có đại diện của mình bên cạnh Mặt trận11.

Trên thực tế, các tổ chức trong HTCT Việt Nam hiện nay gồm:

+ Đảng

+ Nhà nước

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

+ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Công đoàn)

+ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (tổ chức chính trị – xã hội của tuổi trẻ, có cả Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên tiền phong, Đội Nhi đồng với thiết chế Hội đồng Đội Trung ương).

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

+ Hội Nông dân Việt Nam

+ Hội Cựu chiến binh (đặc thù của Việt Nam vì trải qua chiến tranh, quân đội, quân nhân, cựu chiến binh có vai trò quan trọng…).

Tóm lại gồm tổ chức, nếu nói gọn là có 3: Đảng – Nhà nước – Mặt trận (các tổ chức đoàn thể đều nằm trong Mặt trận).

Có một tình huống đặt ra:

Cho đến nay, ta vẫn chưa phân biệt phân định thật rõ ràng giữa tổ chức chính trị với tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội – nghề nghiệp (thường gắn với các hoạt động xã hội từ thiện, thiện nguyện). Vì thế, tổ chức nào cũng muốn được công nhận là thành viên của HTCT. Cơ cấu tổ chức trong HTCT là có hạn, không thể tổ chức nào cũng nhất thiết phải tham gia vào HTCT. Nhiều và rất nhiều tổ chức (hội, hiệp hội, liên hiệp hội) chỉ thuộc về hệ thống xã hội có tính dân sự, hoạt động tự nguyện, tự quản, tự trang trải, cơ động linh hoạt về mô hình, không nhất thiết phải có đủ cả 4 cấp từ trung ương tới cơ sở theo mô hình quản lý hành chính. Nhà nước chỉ tạo môi trường và khung khổ pháp lý cho phép hoạt động công khai, hợp pháp mà thôi. Nhà nước không thể gánh hết trách nhiệm và lo trang trải kinh phí cho tất cả mọi tổ chức được bởi nền kinh tế không cho phép thỏa mãn điều đó. Hơn nữa, tình trạng mọi tổ chức đều muốn gắn vào HTCT còn là hệ quả di tồn của chế độ bao cấp đã bị thực tiễn đổi mới trong nền kinh tế thị trường vượt qua từ lâu, vẫn còn bám vào thể chế một cách dai dẳng. Đó còn là tâm lý hiếu danh và háo danh một cách rất hình thức.

Xu hướng dân chủ đòi hỏi phải xã hội hóa, đề cao tính xã hội thì một xu hướng khác trì kéo lại, đó là chính trị hóa. Xử lý tình huống này cũng không nằm ngoài nội dung đổi mới thể chế chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của HTCT. Chú trọng hiệu quả của dân chủ đại diện nhưng phải chủ động mở rộng dân chủ trực tiếp, phải trở thành một đường hướng tổng quát để xây dựng thể chế dân chủ, thực hành dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở, tăng cường vai trò, vị thế HTCT từ cơ sở.

– Vậy phải xác định một quan niệm khoa học về HTCT như thế nào cho đúng? Nó có quan hệ với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện nhà nước pháp quyền thông qua đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội.

HTCT không chỉ là hệ thống tổ chức, thiết chế bộ máy trong đời sống chính trị mà còn là hệ thống các mối quan hệ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm tương thích với từng tổ chức. Đồng thời, HTCT ở nước ta còn là hệ thống các cấp độ, phù hợp với hệ thống tổ chức quản lý 4 cấp hành chính như hiện nay. Đó là các quan hệ dọc từ trên xuống trong từng tổ chức đan xen các quan hệ ngang giữa các tổ chức trong cùng hệ thống. Rõ nhất là, quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Mặt trận – các đoàn thể. Cả nước chỉ có một HTCT. Trong hệ thống đó sẽ có các cấp độ chứ không phải mỗi cấp độ là một HTCT độc lập như có người từng hiểu.

Cơ sở cũng vậy, phải phân biệt cấp cơ sở là cấp thấp nhất, nền tảng, là vi mô hợp thành cấu trúc vĩ mô của xã hội, với cơ sở (từng đơn vị tổ chức như công sở, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan…). Cơ sở là những tế bào của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, cấp cơ sở được gọi chung là cấp xã (bao gồm xã, phường, thị trấn) bởi xã chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số các đơn vị hành chính của một nước nông nghiệp12.

Xây dựng HTCT để xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện quyền làm chủ của người dân. Nhân dân là chủ thể gốc của mọi quyền lực. Nhân dân đồng thời là chủ thể của HTCT. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, dân nên hệ thống chính trị cũng phải là hệ thống chính trị của dân. Trong tiến trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, cấp xã đang có những biến đổi nhanh chóng cả về cơ cấu kinh tế lẫn cơ cấu xã hội, trong đó có chuyển dịch cơ cấu lao động, dân cư. Cấp xã và các xã trên địa bàn nông thôn đang chịu tác động đồng thời các quá trình: dân chủ hóa, công nghiệp hóa đô thị hóa. Những tác động này dẫn tới những biến đổi mạnh mẽ và phức tạp về mặt xã hội, các quan hệ xã hội, tâm lý lối sống, văn hóa và môi trường ở nông thôn và cộng đồng cư dân nông thôn từ người nông dân, hộ gia đình nông dân đến giai cấp nông dân nói chung. Trong bối cảnh đó, HTCT cơ sở ở nông thôn, trong đó có chính quyền cấp xã (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân) đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải đổi mới. Quan hệ giữa xã và thôn, giữa quản lý và tự quản, giữa hộ nông dân cá thể với các hợp tác xã kiểu mới được tổ chức lại, khác hẳn với hợp tác xã kiểu cũ trước đây từ những năm 60 thế kỷ XX của thời bao cấp… đã và đang đặt ra rất nhiều tình huống phải nghiên cứu, tổng kết và giải quyết13.

Quy chế thực hiện đân chủ ở cơ sở, sau đó là pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cấp xã ra đời từ năm 1998 (quy chế) và năm 2007 (pháp lệnh) đã thể chế hóa về quyền làm chủ của người dân ở cơ sở (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra). Những vấn đề về quyền của dân được quyết trực tiếp, những quy định về lợi ích mà người dân được thụ hưởng, tức là dân quyết và dân hưởng bảo đảm cho quy chế và pháp lệnh thu hút được sự quan tâm, chú ý của người dân, đi vào cuộc sống, tạo nên sinh khí của dân chủ ở cơ sở, tạo động lực chính trị – tinh thần để xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới thể chế chính trị và HTCT ở Việt Nam phải đặc biệt chú ý tới HTCT ở cơ sở nông thôn và dân chủ ở cơ sở đối với nông dân. Đây là một mắt xích xung yếu, nhất là tổ chức Đảng và chính quyền xã cần chú trọng đồng bộ cả xây dựng lẫn chỉnh đốn và đổi mới để tạo lập ổn định chính trị – xã hội tích cực, hướng tới phát triển bền vững./.

Chú thích:
1. “Công quyền” được hiểu là quyền lực công, trong đó có quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội mà dân, công dân là chủ thể. Các cơ quan công quyền là chỉ hệ thống thiết chế, tổ chức bộ máy nhà nước.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 6. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.232.
3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.622 (Di chúc).
5. Hồ Chí Minh. Đường cách mệnh, Tập 2. 1927, tr.280, 292.
6. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Điều 4 gồm 3 khoản 1, 2, 3, chế định những ràng buộc pháp lý với Đảng và khẳng định trách nhiệm của Đảng trước xã hội.
7,8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh 1991 và 2011 (bổ sung, phát triển). Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới 1986-2016. H.NXB Chính trị Quốc gia, 2015, tr.176,177,178.
9,10,12,13. Hoàng Chí Bảo. HTCT ở cơ sở nông thôn trong tiến trình đổi mới, NXB. Chính trị quốc gia, H.2005.
11. Trong các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, Trung ương thường phân công Bí thư Trung ương, phụ trách dân vận, đoàn thể là đại diện của Đảng bên cạnh Mặt trận.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Bài 3: Thể chế Việt Nam trước yêu cầu mới – Những vấn đề đặt ra cần bổ sung, phát triển