Thực hiện chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên  

(Quanlynhanuoc.vn )- Tây Nguyên là nơi hội tụ của 54/54 dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, hệ thống chính sách phát triển kinh tế nói chung và chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được triển khai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá đồng bộ. Nhờ đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên đáng kể.
Đánh giá kết quả thực hiện một số chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020

Tính đến tháng 4/2019, số lượng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên là 2.199.955 người (chiếm 37,6% dân số toàn vùng, chiếm 15,6% DTTS cả nước)1. Trong những năm qua, hệ thống chính sách phát triển kinh tế nói chung và chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS nói riêng được triển khai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá đồng bộ, nhờ đó, đời sống đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên đáng kể. Có thể kể đến một số chính sách sau:

Chính sách đất đai, chính sách bảo vệ và phát triển rừng

Chính sách đất đai cho đồng bào DTTS được triển khai một cách đồng bộ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên qua nhiều giai đoạn. Để thực hiện chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, như: Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên; Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn (gọi tắt là Chương trình 132, 134); Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn.

Hiện nay, các đối tượng chính sách tiếp tục được thụ hưởng chính sách trên tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020. Đến nay, 5/5 tỉnh Tây Nguyên đã triển khai Đề án 755. Từ năm 2013 đến nay, vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tháo gỡ cho nhiều địa phương các tỉnh Tây Nguyên những khó khăn bức bách về đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Ông Y Krú phát triển mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê (Nguồn: https://baodantoc.vn).

Bên cạnh chính sách đất đai, chính sách bảo vệ và phát triển rừng cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chính sách giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn làng là đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ đã mang lại kết quả khả quan. Về cơ bản, các đối tượng nhận rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được hưởng quyền lợi theo quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp. Việc giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS theo chương trình thí điểm đã giúp đồng bào làm quen với kỹ thuật lâm sinh, người dân có sinh kế gắn với trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Tây Nguyên hiện nay đang là vùng chịu nhiều áp lực do thiếu quỹ đất để giao cho các hộ đồng bào DTTS. Một trong những nguyên nhân tác động gây ra áp lực trên là do làn sóng di dân tự do từ các tỉnh khác đến Tây Nguyên khiến các địa phương lúng túng trong việc sắp xếp dân cư, tìm kiếm quỹ đất. Thêm vào đó, các chính sách giao đất cho các chủ thể quốc doanh, các nông – lâm trường ồ ạt đã dẫn đến nhiều bất cập như: đất của dân tộc tại chỗ chuyển mạnh sang các nhóm người mới đến; các nông trường chiếm dụng ồ ạt, canh tác, kinh doanh không hiệu quả…

Đồng thời, chính sách giao khoán và bảo vệ rừng cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định như: cơ chế, chính sách, khung pháp lý về nguồn lợi thu được từ việc giao khoán chưa được quy định rõ ràng và thực hiện dự án chỉ trong một thời gian nhất định; mức giao khoán còn thấp, chưa bảo đảm đời sống cho người nhận giao khoán; còn mâu thuẫn, khiếu nại, tranh chấp giữa người dân với đơn vị được giao đất, giao rừng ở địa bàn  DTTS.

Chính sách tín dụng

Trong giai đoạn 2011 – 2020, đồng bào các DTTS Tây Nguyên được thụ hưởng nhiều chính sách tín dụng lớn của Nhà nước. Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS.

Theo đó, cùng với các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung, các chính sách mang tính đặc thù riêng với độ bao phủ ngày càng rộng và sâu đã tạo thêm những hiệu ứng đột phá mới cho khu vực miền núi và DTTS – “lõi nghèo” của cả nước, trong đó có Tây Nguyên. Chính phủ tiếp tục kéo dài các chương trình này và mở rộng cho vay đối với hộ DTTS để phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất ở, việc làm trong các Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013. Đặc biệt, Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 là chính sách không chỉ tích hợp và tiếp nối các chính sách tín dụng đặc thù cho trước đó, mà còn khắc phục được những hạn chế, bất cập trước đây.

So với giai đoạn 2001 – 2010, trong giai đoạn 2011 – 2020, các chính sách tín dụng được mở rộng với nhiều đối tượng, loại hình cho vay khác nhau; nguồn vốn, định mức vay đã được tăng lên. Các chính sách tín dụng đã góp phần nâng cao khả năng quản lý tài chính thu chi nông hộ, giúp các hộ biết cách làm ăn, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên thoát nghèo, tạo ra nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, bảo đảm mục tiêu ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Người Mông ở Tây Nguyên dệt thổ cẩm và mang ra chợ bán (Nguồn: https://baodantoc.vn).

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, định mức cho vay đối với các hộ DTTS hiện vẫn còn thấp. Hiệu quả phối hợp giữa hoạt động định hướng của chính quyền địa phương, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ,… với hoạt động tín dụng chính sách chưa cao nên việc sử dụng vốn của một số hộ DTTS  kém hiệu quả, không đúng mục đích, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Mặt khác, các chương trình hỗ trợ tín dụng vùng đồng bào DTTS vẫn đang được lồng ghép triển khai chung với các chương trình hỗ trợ vùng sâu, vùng xa mà chưa có được nguồn lực chủ động cũng như mô hình và phương thức thực hiện đặc thù, phù hợp với đặc trưng văn hóa cũng như điều kiện địa lý vốn rất khác biệt của DTTS các tỉnh Tây Nguyên.

Chính sách xây dựng nông thôn mới

Tại Tây Nguyên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới (NTM) đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, với diện mạo nông thôn đã thay đổi căn bản, khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện ngày càng tăng, người dân được bảo đảm về nước sinh hoạt, việc chăm sóc sức khỏe được cải thiện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất y tế, giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình NTM tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2019 là 322.995.348 triệu đồng, trong đó, ngân sách trung ương bố trí trực tiếp là 5.542.472 triệu đồng, ngân sách địa phương bố trí trực tiếp là 3.334.164 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 32.690.483 triệu. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chiếm tỷ lệ chủ yếu với 258.407.810 triệu đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn huy động; vốn huy động từ cộng đồng dân cư 18.326.583 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 5,6% trong tổng nguồn vốn huy động2.

Để tổ chức thực hiện sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã ban hành và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ thực hiện Chương trình, như: ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, nhất là địa bàn các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống; quy định về cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trong xây dựng NTM; quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình NTM; quy định danh mục các loại công trình và cơ chế thực hiện dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM…

Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn NTM của Tây Nguyên vẫn còn thấp so với một số địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, có những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa bảo đảm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới…

Một số khuyến nghị chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững đối với dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Thứ nhất, đối với chính sách đất đai, phát triển rừng.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt chính sách, pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, nhất là thực hiện quy hoạch dân cư, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, quy hoạch các loại rừng. Chủ động nắm chắc tình hình di dân, biến động dân cư, dân số trên địa bàn. Khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kiểm tra tình hình vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai và có các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng cầm cố, mua bán, sang nhượng đất đai trái pháp luật trong vùng DTTS.

Bên cạnh đó, tích cực thực hiện các giải pháp tạo quỹ đất, giảm áp lực thiếu quỹ đất tại địa phương bằng nhiều cách: tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, xây dựng các công trình trên địa bàn vùng DTTS; đề xuất phương án, giải pháp xử lý thu hồi đất của các nông, lâm, ngư trường, các doanh nghiệp sử dụng chưa hiệu quả, sai mục đích, đất gần khu dân cư để tạo quỹ đất, giao cho các hộ đồng bào DTTS thiếu hoặc không có đất ở và đất sản xuất.

Thứ hai, đối với chính sách tín dụng.

Về cơ bản, các chính sách tín dụng đều phù hợp với điều kiện DTTS Tây Nguyên, vì vậy, cần giữ nguyên nội dung chính sách song có thể tích hợp các chính sách đặc thù về tín dụng, theo đó, Chính phủ nên ban hành một nghị định riêng điều chỉnh toàn bộ các nội dung đó, khuyến khích, tạo điều kiện đối với tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này. Điều chỉnh chính sách theo hướng thúc đẩy hỗ trợ tín dụng sản xuất bằng cách cải tiến thủ tục, điều kiện cho vay và thế chấp cần đơn giản, thuận tiện; nâng mức cho vay bảo đảm đủ yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Chính sách cũng cần phân loại đối tượng vay để có quy định về hỗ trợ vốn, tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù DTTS Tây Nguyên: hộ DTTS nghèo, hộ DTTS cận nghèo, hộ DTTS mới thoát nghèo, hộ gia đình DTTS sản xuất – kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại tại xã, thôn, buôn…

Đổi mới toàn diện các dịch vụ tài chính ngân hàng, hướng đến bảo đảm người DTTS Tây Nguyên được tiếp cận các dịch vụ tín dụng tốt hơn, chi phí thấp hơn dựa trên ứng dụng công nghệ mới.

Thứ ba, đối với chính sách xây dựng NTM. 

Để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính bền vững của chính sách xây dựng NTM, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần xác định các lĩnh vực trọng tâm còn hạn chế của khu vực nông thôn để tập trung xây dựng các chương trình đầu tư hỗ trợ, như về lĩnh vực phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân, môi trường nông thôn và an ninh nông thôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để bảo đảm duy trì ổn định đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao hơn nữa thu nhập và chất lượng sống của người dân nông thôn. Nghiên cứu đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương để đề xuất, xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM kiểu mẫu thể hiện được đặc trưng riêng của từng địa phương.

Để có biện pháp huy động nguồn lực thực hiện chính sách, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần có cơ chế quy định cụ thể về lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng NTM, qua đó, tất cả các chương trình, dự án đầu tư xây dựng tại khu vực nông thôn phải được đầu tư thực hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM, cũng như khi lồng ghép xây dựng NTM thì được áp dụng cơ chế đầu tư theo Chương trình NTM.

Chú trọng xây dựng bộ máy, tổ chức tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình ở các cấp trong giai đoạn sau năm 2020 theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả.

Chú thích:
1. Kết quả điều tra dân số năm 2019. http://tongdieutradanso.vn, ngày 23/8/2019.
2, 3. Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020.

ThS. Thái Thị Minh Phụng
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk