Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân quận tại Thành phố Đà Nẵng  

(Quanlynhanuoc,vn)- Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng số người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các quận của thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi chung là trưởng phòng) là 72 người. Trong giai đoạn 2015 – 2020, thành phố đã cử 188 lượt người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

 

Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận tại thành phố Đà Nẵng

Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng số người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) các quận của thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi chung là trưởng phòng) là 72 người. Trong giai đoạn 2015 – 2020, thành phố đã cử 188 lượt người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD)1.

Lớp Bồi dưỡng lãnh đạo cấp Phòng năm 2019 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Lãnh đạo, đại biểu, giảng viên cùng các học viên chụp ảnh lưu niệm (Nguồn: https://www1.napa.vn).

Các sở, ngành, UBND quận đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ trưởng phòng, như: bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa, thể thao, du lịch; quản lý, sử dụng cán bộ, công chức (CBCC) và đánh giá kết quả làm việc; quản lý đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý công việc cá nhân; quản lý địa giới hành chính; kiểm tra và thanh tra công vụ; nghiệp vụ tổ chức nhà nước; cải cách hành chính; tôn giáo, thi đua, khen thưởng. Việc bồi dưỡng các kỹ năng mềm như: soạn thảo văn bản; lập hồ sơ công việc; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kiểm tra, giám sát; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch; quản lý và phát triển nhân sự, xử lý xung đột… cũng được triển khai, giúp đội ngũ trưởng phòng vận dụng vào giải quyết công việc, bước đầu tạo được niềm tin của công dân và tổ chức.

Qua thống kê cho thấy, về trình độ chuyên môn, 100% người có trình độ đại học trở lên, trong đó 11 trưởng phòng có 2 bằng đại học (15,3%); 38 người có trình độ sau đại học (52,78%), trong đó có 2 người là tiến sỹ (2,78%). 100% trưởng phòng có bằng trung cấp lý luận chính trị – hành chính trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (QLNN) ngạch chuyên viên chính và chuyên viên; chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Như vậy, về cơ bản, các trưởng phòng đều có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực được phân công phụ trách, có kiến thức pháp luật, chính trị, kiến thức về QLNN, quốc phòng – an ninh…

Qua kết quả tổng hợp phiếu tự đánh giá của trưởng phòng, ý kiến đánh giá của chủ tịch UBND quận và phó trưởng phòng theo 5 cấp độ (khảo sát vào tháng 3/2020) thì cấp độ chuẩn để đánh giá năng lực trưởng phòng là cấp độ 4 và thực trạng năng lực của đội ngũ trưởng phòng như sau:

Về kiến thức quản lý chuyên ngành, các trưởng phòng thuộc khối quản lý đô thị, khối nội chính – tổng hợp, kinh tế có mức độ đáp ứng năng lực từ cấp độ 4 là 6/38 năng lực, tỷ lệ 15,7%. Về kiến thức thực tiễn chung và thực tiễn đặc thù, mức độ đáp ứng năng lực ở cấp độ 3. Về nhóm kỹ năng: trong 22 năng lực của 6 nhóm kỹ năng, qua ý kiến khảo sát đánh giá đạt ở cấp độ 3 (tỷ lệ 100%). Về nhóm thái độ: có 7/11 năng lực đạt cấp độ chuẩn là cấp độ 4 (tỷ lệ 63,6%); 4/11 năng lực đạt cấp độ 3 (tỷ lệ 36,4%).

Từ kết quả khảo sát về từng năng lực của chức danh trưởng phòng cho thấy, tại thời điểm khảo sát, trong 128 năng lực cần có của trưởng phòng mới có 15 năng lực đạt đến cấp độ chuẩn là cấp độ 4, còn lại 113 năng lực mới đạt cấp độ 3.

Thực tiễn cho thấy, công tác ĐTBD chức danh trưởng phòng thời gian qua đã cung cấp những kiến thức, trang bị kỹ năng cơ bản trong thực thi công việc cho đội ngũ này. Chương trình, tài liệu ĐTBD bước đầu được bổ sung, cập nhật phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở ĐTBD đã chú trọng mời báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan để nội dung truyền đạt sát với thực tế của địa phương, qua đó, giúp người học có thể vận dụng ngay kiến thức, kỹ năng đã học vào tổ chức thực hiện tốt các công việc đang đảm nhận tại nơi công tác. Đồng thời, địa phương dành nhiều nguồn từ ngân sách cho công tác này và có chế độ khuyến khích các trưởng phòng tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng công tác ĐTBD đối với chức danh trưởng phòng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa thật sự gắn với yêu cầu phát triển năng lực. Việc cử người đi học trong một số trường hợp không hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu công việc và hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng mà chủ yếu đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến chứng chỉ, bằng cấp.

Việc phân tầng, phân loại kiến thức, kỹ năng cho từng nhóm đối tượng trưởng phòng chưa được chú ý đúng mức và còn dàn trải về nội dung, làm giảm hiệu quả ĐTBD. Chương trình, nội dung ĐTBD vẫn nặng về lý thuyết, xem nhẹ kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng; còn trùng lặp nhiều nội dung giữa các chương trình. Công tác đánh giá chất lượng ĐTBD CBCC chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến khảo sát của người học sau khi kết thúc khóa ĐTBD, chưa thật sự giúp trả lời được câu hỏi: ĐTBD cần thay đổi cái gì? Thay đổi như thế nào để thực sự giúp CBCC nâng cao được năng lực?.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập trên, như: (1) Việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm (VTVL) chủ yếu dựa trên các tiêu chí ngạch công chức, về văn bằng chứng chỉ, thâm niên nghề nghiệp chứ chưa đi sâu mô tả về năng lực lãnh đạo, quản lý. (2) Chưa ban hành khung năng lực riêng cho từng nhóm trưởng phòng; chưa ban hành khung tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng. Hiện nay, khung tiêu chuẩn chức danh của UBND thành phố Đà Nẵng về đối tượng này dùng chung cho 12 nhóm trưởng phòng,  chưa phản ánh cụ thể năng lực lãnh đạo theo các yếu tố cấu thành. (3) Thiếu các tiêu chí cụ thể đánh giá năng lực trưởng phòng để cử đi ĐTBD. (4) Chưa xây dựng và ban hành khung bồi dưỡng trưởng phòng phù hợp với thực tế. (5) Việc xây dựng kế hoạch ĐTBD chưa thật sự cụ thể, chưa bồi dưỡng kỹ năng theo khung tiêu chuẩn chức danh.

 Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh trưởng phòng 

Thứ nhất, xác định rõ nhu cầu ĐTBD. Xác định đúng nhu cầu ĐTBD là cơ sở quan trọng cho việc thiết kế các nội dung, chương trình gắn với năng lực, từ đó lựa chọn giảng viên và phương pháp ĐTBD phù hợp. Để làm được điều này, căn cứ vào thực trạng năng lực đã phân tích, UBND các quận của thành phố Đà Nẵng cần phân tích nhu cầu ĐTBD của đối tượng ở cả 3 cấp độ: UBND các quận, nhiệm vụ theo vị trí, chức năng và người có nhu cầu bồi dưỡng.

Phân tích ở cấp độ của UBND quận sẽ giúp trả lời cho câu hỏi chủ tịch UBND quận cần những năng lực gì ở các trưởng phòng, tổ chức đáp ứng đến đâu các điều kiện để công tác ĐTBD được thực hiện một cách hiệu quả nhất… Phân tích ở cấp độ nhiệm vụ theo vị trí, chức năng trả lời cho câu hỏi ở VTVL nhất định, với những nhiệm vụ được giao, cán bộ ở các vị trí công tác đó cần những năng lực gì để thực hiện tốt nhiệm vụ. Phân tích nhu cầu ĐTBD của trưởng phòng nhằm trả lời câu hỏi: người ở VTVL cụ thể như vậy đã đáp ứng được yêu cầu về năng lực ở mức độ nào.

Thứ hai, xây dựng khung kế hoạch và chương trình bồi dưỡng. Ngày 25/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án ĐTBD CBCC, viên chức giai đoạn 2016 – 2025, trên cơ sở đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5053/QĐ-UBND ngày 30/7/2016 phê duyệt Kế hoạch ĐTBD CBCC hành chính, viên chức sự nghiệp và CBCC phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2025.

Mục tiêu đặt ra là: 100% công chức được ĐTBD đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 95% CBCC, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được ĐTBD theo nội dung, chương trình quy định; phấn đấu trên 80% CBCC được đào tạo đủ 40 giờ/năm theo quy định tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng phương pháp thực thi công vụ, 90% CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được ĐTBD kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc. Theo đó, các quận căn cứ thực trạng hiện có để xây dựng khung kế hoạch ĐTBD cho trưởng phòng.

Như đã phân tích ở trên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc xây dựng khung kế hoạch ĐTBD dành cho đối tượng trưởng phòng ở các nội dung còn thiếu so với khung năng lực hoặc các nội dung yêu cầu có sự cập nhật thường xuyên. Theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ, nội dung bồi dưỡng dành cho đối tượng này bao gồm: lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng QLNN; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc; tin học; ngoại ngữ.

Theo đó, cần xây dựng chương trình bồi dưỡng và kế hoạch bồi dưỡng phù hợp. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình cần gắn với trách nhiệm của chủ tịch UBND quận và chính bản thân mỗi trưởng phòng trong bồi dưỡng theo nhu cầu công việc. Vai trò, trách nhiệm của họ thể hiện trên hai góc độ: xác định chính xác nhu cầu cần được bồi dưỡng và tham gia đánh giá hiệu quả các khóa học.

Khi xây dựng khung chương trình bồi dưỡng gắn với VTVL đối với trưởng phòng, cần lưu ý tới các yếu tố sau:

(1) Xác định tên chương trình bồi dưỡng phải thể hiện được nội dung bồi dưỡng (kiến thức – kỹ năng), thời lượng khóa bồi dưỡng cần tính toán cho phù hợp theo điều kiện thực tế của nhu cầu bồi dưỡng.

(2) Mục tiêu chung của chương trình cần ngắn, gọn và nêu tổng hợp yêu cầu kiến thức, kỹ năng và thái độ cần truyền đạt cho học viên.

(3) Nội dung chương trình xây dựng trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng của chính trưởng phòng và chủ tịch UBND quận, có nội dung phù hợp với từng nhóm chuyên ngành của các trưởng phòng.

(4) Giảng viên có phương pháp giảng dạy phù hợp.

(5) Phương pháp kiểm tra, đánh giá học viên phù hợp nhu cầu ĐTBD, điều kiện cơ sở vật chất của nơi tổ chức bồi dưỡng và nội dung của chương trình.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức ĐTBD gắn với việc nâng cao chất lượng giảng viên. Việc đổi mới các chương trình, nội dung ĐTBD theo hướng gắn với năng lực nhằm nâng cao năng lực của trưởng phòng. Khác với nhiều chương trình, nội dung học chỉ mang tính “phổ biến kiến thức”, chương trình, nội dung bồi dưỡng cho đối tượng đặc thù này gắn với năng lực được xây dựng căn cứ vào nhu cầu ĐTBD của trưởng phòng – là nhu cầu được bổ sung và hoàn thiện về kiến thức và kỹ năng cũng như hành vi cần thiết để họ thực hiện tốt công việc được giao.

Các cơ sở ĐTBD nên rà soát lại toàn bộ các chương trình, nội dung ĐTBD hiện có nhằm cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại cho phù hợp với yêu cầu công việc của trưởng phòng. Muốn vậy, một mặt, cần tăng cường mối quan hệ giữa UBND các quận, Sở Nội vụ và cơ quan ĐTBD trong việc khảo sát nhu cầu ĐTBD; mặt khác, cần trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở ĐTBD trong việc quyết định các nội dung ĐTBD gắn với nhu cầu năng lực của đối tượng này.

Thứ tư, đánh giá kết quả sau ĐTBD. Đánh giá chất lượng và hiệu quả công tác ĐTBD cần tập trung vào đánh giá “đầu ra”, nhất là kết quả cuối cùng của hoạt động ĐTBD. Đánh giá “đầu ra” của hoạt động ĐTBD là đánh giá học viên ngay sau khi kết thúc khóa học, dựa trên các chỉ số về năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hành. Việc đánh giá này có thể được thực hiện thông qua các phiếu khảo sát trước và sau quá trình ĐTBD.

Phiếu khảo sát cần được xây dựng, thiết kế thực sự công phu, bên cạnh các nội dung cơ bản được quy định của Bộ Nội vụ2 như tính phù hợp của chương trình, tính khoa học của chương trình, tính ứng dụng của chương trình, hình thức của chương trình… thì phiếu khảo sát cần nghiên cứu bổ sung các câu hỏi về kiến thức và các bài tập thực hành để đánh giá hiện trạng của học viên trước và sau khi tham gia khóa học. Đánh giá đối với công tác ĐTBD cần được thực hiện thường xuyên và bởi nhiều chủ thể như cơ quan sử dụng CBCC; các cơ sở ĐTBD; đồng thời, phải có ngân sách dành cho hoạt động này một cách thỏa đáng.

Thứ năm, tổ chức học tập, thảo luận trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa trưởng phòng theo từng lĩnh vực để từ đó họ nhân rộng những mô hình hay để áp dụng trong đơn vị mình.

Chú thích:
1. Theo đó, cử 4 người học sau đại học; 22 người tham gia các lớp cao cấp và trung cấp lý luận chính trị; 44 người tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và 13 người tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính; 95 lượt người tham gia bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành; 49 người tham gia bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; 37 người tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh.
2. Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

NCS. Võ Công Chánh
Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng