Hội thảo khoa học: Đánh giá chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp

(Quanlynhanuoc.vn) – Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp (theo Quyết định số 1107/QĐ-BNV ngày 08/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụđược đánh giá là khoa học, phù hợp với nhu cầu người học thời gian qua, song đến nay, căn cứ vào nhiệm vụ của chuyên viên cao cấp được quy định trong Thông tư số 11/2014/TT-BNV và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2017/TT-BNV đặt ra yêu cầu cần phải rà soát, đánh giá và cập nhật nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho phù hợp. Trước yêu cầu đó, ngày 06/8/2020, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đánh giá chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp”.

 

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu, khách mời có, lãnh đạo một số vụ, viện thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; về phía Học viện Hành chính Quốc gia có, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc: TS. Vũ Thanh Xuân, TS. Nguyễn Đăng Quế; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, giảng viên, thành viên Ban Biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng của Học viện. Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Học viện tại Huế và Phân viện Học viện tại Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đều cho rằng, chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên viên cao cấp (CVCC) ban hành và thực hiện theo Quyết định số 1107/QĐ-BNV ngày 08/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần được rà soát, biên soạn lại để đáp ứng yêu cầu mới. Theo đó, các ý kiến đã tập trung thảo luận, phân tích rõ về mục tiêu, sự phù hợp, tính khoa học, sự cân đối, tính ứng dụng,… của các bản Dự thảo Đề cương Chương trình bồi dưỡng CVCC và có đề xuất cụ thể những nội dung cần cập nhật cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu.

Đã có 14 ý kiến tham luận trực tiếp tại Hội thảo và 51 ý kiến bằng văn bản gửi về Ban Tổ chức Hội thảo, Ban Biên soạn chương trình, tài liệu của Học viện đối với 9 chuyên đề kiến thức, 5 chuyên đề kỹ năng trong chương trình, tài liệu bồi dưỡng CVCC. Các ý kiến đánh giá đều rất chi tiết và có những đề xuất cụ thể.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh đề nghị xác định rõ về nguyên tắc, mục tiêu, đối tượng của chương trình, tài liệu bồi dưỡng.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội nêu nguyên tắc trong đánh giá, điều chỉnh chương trình, tài liệu phải bám sát vào chức năng, nhiệm vụ và khung năng lực của CVCC – là công chức chuyên môn nghiệp vụ ngạch cao nhất, không xác định là công chức lãnh đạo, do đó, không nên tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo do các kỹ năng này đã được triển khai trong các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp vụ, sở, huyện.

TS. Nguyễn Xuân Thu quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng năng lực cho học viên theo yêu cầu mới.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Xuân Thu – Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công đề xuất chương trình, tài liệu nên căn cứ vào nhiệm vụ của CVCC được quy định trong Thông tư 11/2014/TT-BNV và đã khái quát năng lực của CVCC gồm các nhóm: năng lực xây dựng thể chế, chính sách; năng lực hướng dẫn, kiểm tra; năng lực tổng kết, đánh giá và năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học,…

TS. Bùi Huy Tùng – Trưởng Ban Quản lý Bồi dưỡng đề xuất các nội dung, chuyên đề cần bổ sung mới vào chương trình, tài liệu như: Chính phủ điện tử; quản lý nhà nước về các vấn đề an ninh phi truyền thống; cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp trong quản lý nhà nước.

TS. Tạ Ngọc Hải quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính, tổng kết thực tiễn,…

Cùng mối quan tâm đến các nội dung của chương trình, tài liệu bồi dưỡng, TS. Đỗ Kim Tiên – Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công và TS. Tạ Ngọc Hải – Viện Khoa học Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ đề xuất nên đưa vào chương trình các nội dung chuyên đề như: cải cách hành chính, kinh tế quốc tế, vấn đề chính sách nhân tài,…

TS. Đỗ Kim Tiên đề xuất đưa nội dung kinh tế quốc tế, chính phủ điện tử vào chương trình bồi dưỡng.

Về kết cấu nội dung, thời lượng của chương trình, đa số các ý kiến tham luận đều có đề xuất cụ thể, chi tiết, TS. Nguyễn Thị Hường – Viện Nghiên cứu khoa học hành chính nêu quan điểm nên tăng thời gian học tập thực tế, tăng tình huống thực tiễn để học viên có kỹ năng giải quyết và quyết định các vấn đề ở tầm vĩ mô…

Đánh giá kết luận và tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường đã tổng hợp ý kiến góp ý, đề xuất; đồng thời, yêu cầu các khoa, ban, cá nhân các nhà khoa học là thành viên Ban Biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng CVCC được phân công, có trách nhiệm trong đánh giá, rà soát chương trình, tài liệu bồi dưỡng CVCC tập trung vào các nội dung:

(1) Phải bảo đảm nguyên tắc chung trong quá trình rà soát, đánh giá, biên soạn lại chương trình, tài liệu cần xác định rõ là: đáp ứng đúng đối tượng là CVCC ngạch hành chính mà không phải CVCC của ngành, lĩnh vực chuyên biệt; phải căn cứ vào chức trách, tiêu chuẩn của CVCC theo văn bản, chính sách hiện hành (theo Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 05/2017/TT-BNV); rà soát, đánh giá các nội dung kiến thức, kỹ năng để bảo đảm chương trình, tài liệu phải cung cấp những kiến thức, kỹ năng cao nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho CVCC; không trùng lặp với các chương trình ngạch đã ban hành; chương trình, tài liệu phải có tính dự báo tình hình kinh tế, chính trị-xã hội của đất nước; phải kế thừa tinh hoa của chương trình CVCC năm 2013.

(2) Đối với các dự thảo chuyên đề có nội dung tương đối trùng nhau cần được xem xét để kết cấu lại, vấn đề thời lượng, thời gian của chương trình bồi dưỡng cũng cần được nghiên cứu, đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với đối tượng cần bồi dưỡng,…

(3) Chú ý đến các kiến nghị về nội dung kiến thức, kỹ năng mới cần bổ sung được các khoa, ban tập trung đề xuất, như: chính phủ điện tử, kinh tế quốc tế, quản lý nhà nước về vấn đề an ninh phi truyền thống, đạo đức công vụ, cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp trong quản lý nhà nước. Đặc biệt, các nội dung quan trọng như: cải cách hành chính giai đoạn 3 (2021-2030), chính sách nhân tài…do các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất sẽ đưa vào chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với CVCC, bởi đây là đối tượng phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược về các nội dung này.

(4) Kết cấu đối với các chuyên đề nâng cao kiến thức chỉ nên tập trung nâng cao, cập nhật kiến thức; các chuyên đề bồi dưỡng về kỹ năng cần tập trung vào các kỹ năng tư duy dự báo, tổng kết thực tiễn, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hoạt động giải trình, kiểm tra,… Cần lược bớt những phần kỹ năng mang tính chuyên ngành vì đây là chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo chuyên chuẩn ngạch CVCC hành chính.
PV