Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Phước

(Quanlynhanuoc.vn) – Để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các ngành chức năng của tỉnh cần xây dựng và cung cấp các gói thông tin cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài về các vấn đề: thực trạng nguồn nhân lực, phương thức đào tạo và tuyển dụng nhân lực, thực trạng về hạ tầng hệ thống đường giao thông, quy hoạch các KCN, các yêu cầu bắt buộc khi tham gia các dự án đầu tư… Các nhà đầu tư nước ngoài nắm rõ thế mạnh của địa phương không ngại ngần khi rót vốn đầu tư.

 

Thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước là đô thị loại III (Ảnh: internet).
 Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Bình Phước

Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, là một trong 8 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh được tái lập vào ngày 01/01/1997, tách ra từ các huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé. Khi mới tái lập, cơ sở  vật chất, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, giá nông sản không ổn định, sản xuất và đời sống của nhân dân còn lạc hậu.

Trong bối cảnh đó, nhờ có sự quan tâm của Chính phủ và sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, sự hỗ trợ của tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực phía Nam, cùng với sự phấn đấu của toàn tỉnh, Bình Phước đã vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ Quan trung ương, địa phương và các nhà đầu tư tại Hội nghị. (Ảnh: internet).

Đến nay, kết cấu hạ tầng về giao thông đã được đầu tư hoàn chỉnh. Hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, các dịch vụ về tín dụng ngân hàng đã đáp ứng được yêu cầu phát triển; lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao với gần 60% dân số trong độ tuổi lao động. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp (DN) trong nước cũng như nước ngoài đầu tư kinh doanh vào địa bàn tỉnh.

Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển đầu tư, tỉnh đã “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư, thu hút mạnh nguồn lực trong và ngoài nước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.194 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có giao thông thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan, với tổng diện tích 28.364 ha (trong đó 3.580 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động).

Tỉnh cũng đang xây dựng hạ tầng KCN Sikico tại huyện Hớn Quản với diện tích 655 ha, vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng; KCN và dân cư Becamex Bình Phước với tổng diện tích 4.633 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng. Đồng thời, đang triển khai lập quy hoạch Khu đô thị – dịch vụ – công nghiệp Đồng Phú với quy mô 6.137 ha, 3 KCN ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300 ha và một số khu thương mại – dịch vụ tại Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Long…1.

Hầu hết các KCN của tỉnh Bình Phước đều được quy hoạch nằm ven trục Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và tuyến ĐT 741, các tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng từ 4 – 6 làn xe, rất thuận tiện cho lưu thông liên kết giữa Bình Phước với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước với khu vực Tây Nguyên và các nước bạn Cam-pu-chia, Lào…

Năm đầu tái lập, tỉnh có 1 dự án FDI đầu tiên với số vốn đăng ký 20,5 triệu USD (Nhà máy Chế biến tinh bột mì Vedan). Đến nay, Bình Phước đã có 191 dự án của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,985 tỷ USD. Trong đó, Đài Loan đứng đầu cả về dự án và vốn đăng ký, tiếp theo là Hàn Quốc và các nhà đầu tư đến từ Xinh-ga-po, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư chính là chế biến gỗ, may mặc, da giày, dệt, nhuộm, chế biến thực phẩm, cơ khí điện máy và điện năng lượng mặt trời, tập trung tại các địa bàn trọng điểm, như: Đồng Phú, Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài. Đồng thời, tỉnh cũng thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biển sản phẩm từ cao su, điều, tiêu, cây ăn trái; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm; các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư tại tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Riêng năm 2019, đã thu hút được 43 dự án với tổng vốn đăng ký là 304,7 triệu USD. Trong đó, có 4 dự án đến từ Xinh-ga-po với tổng số vốn 53,2 triệu USD; 1 dự án đến từ Hà Lan với tổng số vốn 75,6 triệu USD; 2 dự án đầu tư đến từ Xây-sen với tổng số vốn 11,5 triệu USD…2.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các KCN gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Bình Phước kém lợi thế so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do vị trí xa trung tâm TP. Hồ Chí Minh, xa sân bay, cảng biển, chưa có tuyến đường sắt.

Thứ hai, năng lực tài chính và khả năng thu hút đầu tư, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng của các nhà đầu tư còn hạn chế.

Thứ ba, công tác giải tỏa đền bù, giao mặt bằng cho nhà đầu tư còn chậm; sự đồng thuận của người dân chưa cao, nhiều dự án kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Thứ tư, Bình Phước hiện đang thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật, lao động có tay nghề cao, thiếu tác phong công nghiệp.

Một số giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Để hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư FDI đạt hiệu quả, từng bước nâng cao vị thế của Bình Phước trong khu vực cũng như cả nước, chính quyền và nhân dân tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng và ban hành các chính sách, cơ chế thích hợp để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ trung ương, địa phương và xã hội hóa nhằm từng bước nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư. Trong đó, đặc biệt coi trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống cấp thoát nước, các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng và các khu vui chơi giải trí…

Hai là, tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã trong công tác thu hút đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ba là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách vận dụng tốt các chính sách thu hút nhân lực, chế độ đãi ngộ, đào tạo để có những cán bộ có chất lượng thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.

Bốn là, tiếp tục cải cách hành chính nhằm xử lý kịp thời vướng mắc trong vấn đề cấp phép, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Tập trung triển khai ứng dụng có hiệu quả phần mềm cung cấp dịch vụ công, trong đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, DN rút ngắn thời gian và thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng trong việc thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.

Bình Phước cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều địa phương, trong đó có kinh nghiệm tập trung vào chất lượng FDI theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các DN FDI, tránh tình trạng chỉ lo tập trung chạy theo số lượng mà chọn các DN, công nghệ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, từ đó ảnh hưởng chung đến môi trường đầu tư kinh doanh bền vững.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, một số tổ chức xúc tiến thương mại – đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, như: JETRO và JICA (Nhật Bản), KOTRA (Hàn Quốc) để tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh và các thị trường nước ngoài trọng điểm.

Các ngành chức năng của tỉnh cần xây dựng và cung cấp các gói thông tin cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài về các vấn đề: thực trạng nguồn nhân lực, phương thức đào tạo và tuyển dụng nhân lực, thực trạng về hạ tầng hệ thống đường giao thông, quy hoạch các KCN, điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông, quyền sở hữu trí tuệ, các yêu cầu bắt buộc khi tham gia các dự án đầu tư… để các nhà đầu tư nước ngoài nắm rõ thế mạnh của địa phương.

Bảy là, tăng cường hiệu lực và hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các dự án FDI tại các KCN. Cụ thể, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Phước cần tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đối với các dự án đã triển khai; giám sát việc xây dựng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng và công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án đang trong quá trình thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan thuế các cấp trên địa bàn tỉnh nhằm duy trì và thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tình trạng chuyển giá, các vi phạm về chính sách thuế đối với các DN FDI tại các KCN

Tám là, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giúp nhà đầu tư an tâm khi đầu tư sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Chú thích:
1. Bình Phước điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. www.thanhnien.vn, ngày 27/4/2020.

2. Năm 2019 thu hút được 43 dự án FDI. www.binhphuoc.gov.vn, ngày 18/01/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước. Báo cáo tình hình phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tình hình phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngày 27/4/2018.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước. Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Phước, 2018.

ThS. Vương Đức Tặng
UBND thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước