Thành phố Hải phòng – Điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội nhờ cải cách hành chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; công tác cải cách hành chính của thành phố đến nay đã có những chuyển biến rõ rệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt được mục tiêu đề ra. Công tác cải cách hành chính đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. 
Hải Phòng công bố danh mục 900 thủ tục hành chính thực hiện qua bưu điện.
Những kết quả tích cực đã đạt được 

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, thành phố Hải Phòng luôn được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với những kết quả nổi bật: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 14,94%/năm, gấp 1,42 lần mục tiêu (10,5%/năm) và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm); quy mô GRDP tiếp tục được mở rộng, GRDP (theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 292.657 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,72 tỷ USD), gấp 2,23 lần so với năm 2015 (131.314 tỷ đồng); tỷ trọng GRDP thành phố năm 2018 (theo giá so sánh) chiếm 12,4% trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và chiếm 4,2% trong cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.196 USD, gấp 2,04 lần so với năm 2015 (3.042 USD), gấp 2 lần bình quân chung cả nước (3.000 USD).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 10,12%/năm, đặc biệt thu nội địa tăng đột phá, bình quân 20,7%/năm (gấp 1,3 lần giai đoạn 2011-2015). Ngay từ năm 2017, thu nội địa đã đạt 21.777 tỷ đồng, vượt trước 03 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV. 

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, tổng vốn FDI đặng ký giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,66 tỷ USD, bằng 44,5% tổng vốn FDI thu hút từ trước đến nay, gấp 1,38 lần giai đoạn 2011-2015 (đạt 6,99 tỷ USD). Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thành phố đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước, với tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FLC đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thành phố như công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả lĩnh vực hàng không, cảng biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố năm 2019 tăng 35 bậc so với năm 2011, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố năm 2019 đạt 92,22%, đứng thứ 2/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (ngay từ năm 2017 – năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện đo lường sự hài lòng quốc gia, Chỉ số này của thành phố đã đạt 88,92%, vượt xa rất nhiều mục tiêu đặt ra đến năm 2020 theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính là đạt trên 80%). 

Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, nhân dân có tiến bộ rõ rệt, người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc giám sát những hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và cơ bản đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Ví dụ rõ nét nhất là, việc triển khai giải phóng mặt bằng của thành phố, trong giai đoạn 2016-2019 đã giải phóng 5.879,9 ha đất của 556 tổ chức và 53.009 hộ gia đình, cá nhân để phục vụ 370 dự án, trong đó có 10.127 hộ phải bố trí tái định cư; thành công lớn nhất trong quá trình thực hiện đó là cơ bản không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, được nhân dân đồng thuận. 

Thành phố Hải phòng luôn được Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá là địa phương có nhiều ý tưởng, sáng kiến tốt, được ghi nhận và các địa phương khác đến chia sẻ, học tập; thể hiện qua các cơ chế, chính sách, nội dung cụ thể: thành phố đi đầu trong việc thực hiện một số chủ trương đổi mới về quản lý cán bộ, công chức, viên chức (thi tuyển để bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; tuyển dụng công chức theo hình thức thi trực tuyến, trắc nghiệm trên máy tính, phỏng vấn. ..).

Việc thực hiện các chủ trương thí điểm của Trung ương trong hoạt động xây dựng chính quyền, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước (thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất “Một cấp“; hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề quận, huyện …); thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố – mô hình “Một cửa” về đầu tư công cấp thành phố; hoàn thành sớm việc áp dụng ISO 9001:2008, ISO 9001:2015 gắn với giải quyết thủ tục hành chính tại 100% các cơ quan nhà nước.

Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm tới việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính còn chưa nghiêm túc. Trong khi đó, cũng như bối cảnh chung của cả nước nên việc bố trí kinh phí, nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế; việc kiểm tra cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên. 

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá để tạo môi trường đầu tư kinh doanh song còn nhiều lĩnh vực, công việc chưa thực sự được quan tâm rà soát để đơn giản hóa, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch. Ngoài ra, chưa thực sự thực hiện được mục tiêu 03 giảm trong giải quyết thủ tục hành chính: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí; vẫn còn nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư, hình ảnh của thành phố. 

Việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, nhất là “Một cửa liên thông” còn thiếu đồng bộ, thủ tục giải quyết một số loại hồ sơ còn cắt khúc theo phân cấp hành chính. Chỉ số Năng lực cạnh tranh của thành phố mặc dù đã có sự cải thiện so với đầu giai đoạn (năm 2019 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành), tuy nhiên chưa tương xứng với xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của thành phố. 

Sự phối kết hợp giữa chức năng quản lý nhà nước của sở, ngành và nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương của một số nơi còn hạn chế. Kiến thức pháp luật, chuyên môn, kỹ năng hành chính, ý thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ ứng xử, văn hóa công sở của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng tham mưu, đề xuất và giải quyết công việc còn yếu. Ở một số lĩnh vực còn biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, vô cảm, gây cản trở trong giải quyết thủ tục hành chính.

Một số mục tiêu về hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2011-2020 chưa đạt hoặc chưa được triển khai (tính đến hết 30/5/2020); cụ thể: 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được xác thực định danh thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cơ quan (chưa triển khai).

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của huyện, quận đạt từ 20% trở lên (được 8,4%). Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia (được 1,1%). 100% hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện qua Hệ thống thông tin “Một cửa điện tử” (được 40,5%). Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4 (được 24%). 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính (chưa triển khai). 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến (chưa triển khai). 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký đoanh nghiệp (chưa triển khai).

Những bài học kinh nghiệm trong triển khai cải cách hành chính

Việc triển khai công tác cải cách hành chính phải luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, cần được cả hệ thống chính trị quan tâm, ưu tiên tập trung chỉ đạo. Phải thống nhất cao từ nhận thức tới hành động, kiên trì và thực hiện thường xuyên.

Cần xác định các mục tiêu, nhiệm vụ với mức độ phù hợp và định lượng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể, tránh dàn trải, làm hình thức. Lựa chọn đúng, trúng một số lĩnh vực làm khâu đột phá, làm thí điểm, thường xuyên chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng nếu thấy việc triển khai thực hiện đúng.

Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và chỉ đạo, điều hành việc thực hiện cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ hoạt động chuyên môn tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua kết quả thực hiện cho thấy, việc thường xuyên kiểm tra, giám sát có ý nghĩa hết sức quan trọng, hiệu quả mạnh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn phải gắn chặt với công tác cải cách hành chính với quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu. Phải coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về cải cách hành chính đối với các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân; xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của cơ quan chuyên môn, bộ phận, đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, thực hiện cải cách hành chính.

Tiếp tục đổi mới, thực hiện đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả Chỉ số này. Tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp để nhân dân, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp tích cực phối hợp, tham gia giám sát, kiểm tra công tác cải cách hành chính.

Một số nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030

Về thể chế, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau khi Luật có hiệu lực). Chủ động ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật phát hiện sau kiểm tra.

Thường xuyên thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính kịp thời, phù hợp, tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội. Tăng cường hoạt động điều tra, khảo sát việc tổ chức thực hiện pháp luật.

Về thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thành lập Trung tâm Hành chính công của thành phố đồng bộ, liên thông, hiện đại, đủ năng lực tạo chuyển biến, đổi mới căn bản về thủ tục hành chính. Vận hành hiệu quả, thông suốt Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công các tỉnh, thành phố.

Kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện hiệu quả, thực chất việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (giảm thời gian, giảm chi phí, giảm hồ sơ); đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 

Về tổ chức bộ máy hành chính, tiếp tục triển khai sắp xếp cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Tiếp tục triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thôn, tổ dân phố theo lộ trình. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền, bảo đảm đồng bộ với các điều kiện, tiêu chí thực hiện và gắn với thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn; nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền các cấp. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế.

Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực. Đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm mục tiêu tinh giản đến năm 2021; đưa ra khỏi hệ thống những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân tài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. 

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp liêm chính, có năng lực, uy tín và tính chuyên nghiệp cao hơn mức quy định chung. Tập trung phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù theo quy định của pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ các cấp, làm cơ sở để đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đánh giá cán bộ. 

Về tài chính công, tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách. Hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính, điều hành dự toán ngân sách nhằm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và cung ứng dịch vụ công; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, hoàn thiện thể chế và tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư theo hình thức công – tư (PPP) đối với việc cung cấp dịch vụ công trong y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình, dự án cơ sở hạ tầng. 

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng. 

Về hiện đại hóa nền hành chính, cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố/đô thị thông minh. Hoàn thành tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Tiếp tục xây dựng Trung tâm Hành chính chính trị thành phố tại khu vực Bắc sông Cẩm nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa về trụ sở hành chính của thành phố đô thị loại I, trung tâm phát triển của phía Bắc. Tiếp tục đầu tư xây dựng, hiện đại hóa trụ sở cơ quan hành chính, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn. 

Tiếp tục áp dụng, triển khai hiệu quả, thực chất Hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, ưu tiên triển khai ISO điện tử.

ThS. Vũ Thị Thuỳ Dung
Học viện Hành chính Quốc gia