Vai trò của cách mạng công nghiệp 4.0 trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội và thách thức mới cho việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam thời gian qua. Những tác động tích cực từ cuộc cách mạng này cũng đã giúp cho các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, online điện tử, kỹ thuật số trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp thông tin, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật, cung cấp thông tin kết quả về giải quyết các thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 

Những tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc xây dựng chính phủ điện tử

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là sự kéo dài của cách mạng công nghiệp 3.0 (xét cả về tốc độ, phạm vi và hệ thống). Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, với sự hội tụ mang tính đột phá của nhiều công nghệ hiện đại mới, có tác động sâu sắc đến các hệ thống chính trị, kinh tế – xã hội trên toàn cầu, bao gồm 15 lĩnh vực chủ đạo, đó là: (1) Dữ liệu lớn (Big data); (2) Đô thị thông minh; (3) Tiền ảo; (4) Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI); (5) Năng lượng tái tạo; (6) Công nghệ màng mỏng (Fintech); (7) Thương mại điện tử; (8) Người máy (Robot); (9) Công nghệ in 3D; (10) Công nghệ nano; (11) Công nghệ sinh học; (12) Internet kết nối vạn vật (Internet of things- IoT); (13) Kết nối thực ảo; (14) Các nền kinh tế chia sẻ; (15) Khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn. Theo đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến nhiều cơ hội xong cũng tiềm ẩn không ít thách thức đối với toàn nhân loại, mà đặc trưng là sự hợp nhất về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể.

Thời gian qua, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, cụm từ “cách mạng 4.0” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân. Để không bị lỡ “chuyến tàu 4.0”, bị tụt lùi lại phía sau, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận công nghiệp 4.0 để nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách, giúp nước ta tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam. Tiếp đến, ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Đây được coi là những “bước đi” thận trọng, chắc chắn, thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam nhằm tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đó là:

(1) Nhờ ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin mang lại người dân có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, giám sát và phản biện đối với các cơ quan công quyền, trong đó có Chính phủ.

Các hoạt động nổi bật của Chính phủ và cá nhân có thẩm quyền đều có thể được đăng tải một cách nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Thông qua các sự kiện này người dân có nhiều cơ hội tham gia góp ý kiến với Chính phủ để bày tỏ mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của mình, tăng cường giám sát và phản biện đối với Chính phủ và các cơ quan công quyền. Mỗi cán bộ, công chức sẽ chịu sự giám sát của Nhân dân từ nhiều phía, với nhiều kênh giám sát khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các chủ thể.

Kết hợp cùng với các ứng dụng công nghệ hiện đại mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: AI, IoT, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử… có thể khiến người dân tìm kiếm thông tin dễ dàng, thuận tiện; mức độ tin cậy, độ phong phú của thông tin gia tăng; tiết kiệm được thời gian và công sức. Quyền tiếp cận thông tin được mở rộng cũng tạo điều kiện cho các quyền con người, quyền công dân khác phát triển như: quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp…

Việc Chính phủ tiếp cận được những thông tin phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp cũng sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, từ đó có dự báo, chủ động điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.

(2) Tạo ra cơ hội để nguồn nhân lực của bộ máy nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng có điều kiện giao lưu với thế giới thông qua việc trao đổi chuyên gia, hợp tác khoa học và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, có thể “giữ chân” các chuyên gia, cán bộ có trình độ cao làm việc tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong xây dựng CPKT.

(3)  Có thể nhận được nhiều thông tin quý do ứng dụng Big Data mang lại kết hợp với AI… Từ đó, Chính phủ dự đoán được tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai để có điều chỉnh phù hợp, ưu tiên tập trung đầu tư cho một số hạng mục hoặc cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, nâng cao chất lượng các dịch vụ công.

Một số đề xuất giải pháp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số

AI sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và phát triển nền kinh tế số, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Điều này đang đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách hợp lý để phát triển AI ở Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi về vấn đề kinh phí còn đang bị hạn hẹp. Bên cạnh hợp tác, sự cạnh tranh trong cuộc chạy đua giữa các quốc gia sẽ ngày càng khốc liệt, tốc độ hơn đòi hỏi chính phủ điện tử phải chủ động đối phó với những xu thế chung về sự thay đổi của thế giới để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Trong đó, cần phải tập trung vào một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần thiết phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về Chính phủ điện tử, trong đó cần nhận thức đúng, tư duy đúng và cách làm đúng, chẳng hạn ưu tiên và tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường thuậnlợi cho đầu tư kinh doanh phát triển, nhằm giảm mức độ rủi ro và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, công khai, minh bạch và một cơ chế giải trình khách quan, rõ ràng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch trong xây dựng, thực hiện chính sách công, đồng thời thu hút sự tham gia rộng rãi các thành phần xã hội vào cải thiện dịch vụ công của Chính phủ.

Thứ ba, cần đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực. Xây dựng đội ngũ công chức chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Ngoài ra, hằng năm Chính phủ cần xây dựng, ban hành nghị định về phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Thứ tư, chú trọng thiết lập thành công nền tảng công nghệ mới (IoT, AI, Big Data, điện toán đám mây…).Trong đó, AI là giải pháp đột phá cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Công việc trước tiên là cần phải cải cách hệ thống thể chế tương thích, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý. Chính phủ cần tập trung đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao về AI, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học với nguồn trí thức. Thời gian tới, cần thiết phải nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình đào tạo đại học, đặc biệt trong các ngành đào tạo phục vụ CMCN 4.0.

Thứ năm, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ trước Chính phủ, chính quyền, trước Nhân dân và dân tộc.

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cùng cam kết và nghiêm túc, khẩn trương thực hiện đổi mới thể chế chính trị, đổi mới thể chế kinh tế, trong đó hoạt động cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần phải được chú trọng hơn. Tiếp tục tăng cường chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả, từ đó có sự vận dụng chọn lọc, sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn của đất nước ta và yêu cầu của thời đại

Tài liệu tham khảo:
1. Hội thảo “Thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/5/2019.
2. Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương (đồng chủ biên). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam (sách chuyên khảo). H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2018.
3. Nguyễn Văn Thuật. Trí tuệ nhân tạo – động lực mới phát triển kinh tế – xã hội. Tạp chí Thông tin và truyền thông, kỳ 1 (6/2018).
ThS. Trần Cao Tùng
Học viện Hành chính Quốc gia