Giải pháp thúc đẩy hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

(Quanlynhanuoc. vn) – Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một trong ba nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc thù bên cạnh nhóm doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh và nhóm doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Với vai trò là các doanh nghiệp có thể tạo ra động lực cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế trong kỷ nguyên kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã nhận được sự hỗ trợ thúc đẩy phát triển từ phía Nhà nước cũng như xã hội, từ đó góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (Ảnh minh họa).
Vai trò của doanh nghiệp  khởi nghiệp đối với nền kinh tế

Năm 2016, Chính phủ đã chính thức ấn định là năm quốc gia khởi nghiệp và giai đoạn 2017 – 2025 được xem là thời kỳ vàng cho khởi nghiệp với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) cùng với các điều kiện thuận lợi chủ quan và khách quan đã khẳng định rõ hơn vai trò của các DNKN. Trong đó:

(1) DNKN đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động: những công việc mới ứng dụng khoa học – công nghệ, không những giúp tăng thu nhập mà còn góp phần vào việc nâng cao trình độ và tăng khả năng thích ứng trong quá trình làm việc cho người lao động, chẳng hạn như sự phát triển của dịch vụ lái xe taxi thông qua ứng dụng công nghệ, thay vì sử dụng dịch vụ truyền thống; sự phát triển của thương mại điện tử mang lại thu nhập cho một số cá nhân, doanh nghiệp (DN) kinh doanh trực tuyến và các công ty chuyên dịch vụ vận chuyển… Đây cũng là cơ hội để đào tạo, rèn luyện các chủ DN lớn trong tương lai, là cơ sở kinh tế ban đầu để phát triển các DN lớn.

(2) DNKN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: các DNKN khi tham gia vào nền kinh tế sẽ tạo ra những yếu tố mới và nâng cao giá trị cho đất nước. Những ứng dụng công nghệ trong sản xuất, như trí tuệ nhân tạo, sử dụng vật liệu mới, dây chuyền sản xuất tự động dùng rô-bốt… là những bước tiến dài giúp nâng cao hiệu suất và giảm chi phí cũng như các tác động tiêu cực đến môi trường và con người. Các sáng kiến này giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, giúp tối đa hóa hiệu quả từ các nguồn lực sản xuất. Nhờ có khởi nghiệp sáng tạo (KNST), thị trường sẽ có những sản phẩm mới với tiện ích tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và kích thích tăng trưởng kinh tế.

(3) DNKN góp phần hình thành nền kinh tế thị trường: đối với Việt Nam, KNST góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Trong quá trình đó, Chính phủ sẽ huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Các cơ chế, chính sách kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho người dân tham gia và nhận được thành quả từ quá trình phát triển kinh tế. Quá trình KNST sẽ mang lại những tác động tích cực đối với việc quốc tế hóa hệ thống luật pháp của Việt Nam. Chức năng của Nhà nước từng bước được đổi mới, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

(4) DNKN thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế: do đặc tính của KNST là hướng đến những yếu tố “mới” về sản phẩm, dịch vụ, thị trường, vật liệu sản xuất… nên sẽ giúp cho vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển nhanh các ngành sản xuất và dịch vụ, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền. Chính sự phát triển của kinh doanh KNST là nhân tố góp phần quan trọng trong việc tạo lập sự cân đối trong phát triển giữa các vùng. Cơ cấu kinh tế sẽ được chuyển dịch dần sang hướng công nghiệp và tri thức.

Thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Những kết quả đạt được

Phát huy tinh thần quốc gia khởi nghiệp, những năm qua, nhiều tổ chức, vườn ươm khởi nghiệp đã được thành lập để hỗ trợ khởi nghiệp. Sản phẩm của các vườn ươm cũng ngày càng đa dạng, với nhiều sản phẩm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi trên thực tế, đóng góp cho phát triển công nghệ, kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu như trước năm 2003, Việt Nam chưa có vườn ươm và DN được ươm tạo nào thì đến nay, số lượng DN đang được ươm tạo đã tăng lên đáng kể (khoảng trên dưới 30 DN), với số DN được ươm tạo ở mỗi vườn ươm dao động từ 3 – 7 DN1.

Trong bối cảnh tự do hóa và toàn cầu hóa, hoạt động của các vườn ươm đã tạo  được những chuyển biến về chất trong cách thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN, tăng cường mạng lưới liên kết giữa các DN nhỏ và vừa với nhau và với các đối tác trong và ngoài nước, góp phần tăng năng lực hoạt động, cạnh tranh cho các DN.

Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Xinh-ga-po), tính đến năm 2018, Việt Nam có khoảng 3.000 DNKN đổi mới sáng tạo (ĐMST). Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính vào năm 2015 (khoảng 1.800 DN)2. Bên cạnh đó, có gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như các Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner…

Đặc biệt, chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư cho các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018, trong 92 thương vụ đầu tư nhận tổng số vốn 889 triệu USD, chỉ riêng 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, tăng gấp 3 lần so với năm 20173. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho KNST tăng mạnh, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các DN KNST ở thế hệ sau.

Các chỉ số ĐMST của Việt Nam cũng được cải thiện thứ hạng. Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2019 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, chỉ số GII năm 2019 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc, lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a. Việt Nam có sự tiến bộ ở cả nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc so với năm 2018) và đầu ra (tăng 4 bậc so với năm 2018), cũng như có điểm số cao trong cả 7 trụ cột, đều cao hơn mức trung bình4.

Kết quả chỉ số GII năm 2019 là minh chứng quan trọng cho kết quả chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia.

Một số hạn chế

Thứ nhất, khả năng tiếp cận thông tin và vốn của các DNKN còn thấp. Các nhà đầu tư thường có rất ít thông tin về DN, triển vọng thị trường, sản phẩm, năng lực nhà sáng lập và các vấn đề có liên quan đến DNKN. Chính vì thiếu thông tin dẫn tới rủi ro không lường trước trong quá trình đầu tư. Về phía sartup cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, từ gọi vốn cộng đồng, nhà đầu tư mạo hiểm hay cả tín dụng từ ngân hàng. Các yếu tố hành lang pháp lý, chính sách cũng là các rào cản của quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thứ hai, yếu tố công nghệ chưa được đề cao. Thực chất, thành công trong khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam chỉ mới dừng lại ở ứng dụng điện thoại và các kỹ thuật trên nền tảng internet, còn các sản phẩm công nghệ cao thật sự chưa có. Các sản phẩm công nghệ trên thị trường vấp phải sự cạnh tranh trong thị trường nội địa và đặt biệt khi cạnh tranh với các nước hiện đại, tiên tiến trên thế giới, chẳng hạn như sản phẩm công nghệ, mang tính phức tạp, dễ bị tấn công bởi chính công nghệ, có thể dẫn tới hiện tượng ăn cắp thông tin mạng, tấn công bởi hacker, làm sập hệ thống… Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà khởi nghiệp e ngại.

Ngoài ra, cũng do chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ còn hạn chế. Những sinh viên giỏi chỉ mới bộc lộ tài năng được trong môi trường trường học, còn để đưa thành các sáng kiến thực tế thì không có nhiều. Đội ngũ trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ về chuyên môn công nghệ được đánh giá cao nhưng họ chủ yếu là các kỹ sư công nghệ nên nền tảng kiến thức, tính sáng tạo và tư duy linh hoạt trong kinh doanh còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, DNKN sợ thất bại. Theo Báo cáo của GEM 2017/2018 Global report công bố, chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức cao, nhất là so với mặt bằng chung của các nước cùng trình độ phát triển và cao hơn mức trung bình của các nước phát triển ở giai đoạn III, con số này năm 2017 là 46,6%. Đặc biệt, tâm lý chấp nhận thực tại, thỏa mãn với những gì mình có có thể là rào cản cho việc các doanh nhân ngừng phấn đấu trong sự nghiệp. Điều này có thể thấy rõ trong nền tảng kinh doanh bán lẻ, kinh doanh hộ gia đình, cũng là nguyên nhân từ thực trạng kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ tại Việt Nam.

Chỉ số về mức độ đổi mới đối với sản phẩm và thị trường của Việt Nam cũng ở mức thấp. Năm 2017 đạt 13,9%, xếp vị trí 48/54 nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các nước cùng trình độ phát triển. So với các nước trong ASEAN, tính sáng tạo của các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thấp hơn Ma-lai-xi-a và Thái Lan (cùng đạt 29,3%, xếp hạng 15/54)5. Bên cạnh đó, theo thống kê, có tới 80% sartup đứng trước nguy cơ giải thể ngay trong 2 năm hoạt động đầu tiên6 do thiếu vốn và thiếu đội ngũ điều hành DN, khả năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý nhân sự…

Đây cũng chính là thách thức trong đội ngũ nhân lực tại Việt Nam. Với mỗi startup, đặc biệt là các startup công nghệ, nhân sự thường chiếm từ 70 – 80% chi phí ở giai đoạn đầu, khi phát triển sản phẩm. Giảm dần và duy trì ở mức 40 – 50% trong các giai đoạn tiếp theo. Quy trình tuyển dụng không đơn giản là nộp đơn – phỏng vấn – đi làm, mà cần nhiều thời gian trò chuyện, đề cao sự hòa hợp với startup7. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ và giữ chân người tài của các chủ DN cũng còn nhiều hạn chế.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Một là, cần xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm.      

Hoạt động đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới công nghệ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công ở mức thấp. Chính vì vậy, Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các sartup sáng tạo để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển hình thức đầu tư vốn mạo hiểm (phát triển thị trường dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực tài chính, quản lý, công nghệ, luật pháp…); thành lập hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán, tạo nên khả năng thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ; thực hiện các chính sách minh bạch về tài chính nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Để xây dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm, trước mắt, Chính phủ cần có những quy định cụ thể hướng dẫn hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm như: phạm vi đầu tư mạo hiểm, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, cơ cấu tài sản đầu tư của các quỹ, quy chế thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Tiếp tục khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư vốn mạo hiểm thông qua các chính sách ưu đãi về thuế (cụ thể là cần có chính sách miễn giảm thuế đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc doanh vụ, kể cả các lợi tức phát sinh trong quá trình hoạt động). Theo đó, tất cả các chính sách ưu đãi thuế phải dựa vào luật đầu tư mạo hiểm hoặc dựa vào danh mục các ngành nghề mà Nhà nước khuyến khích đầu tư mạo hiểm trong các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên đầu tư.

Hai là, có chính sách thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhà nước có thể thực hiện các chính sách để thu hút nhân tài trong và ngoài nước, trước hết là những nhân tài Việt Nam đang học tập và sinh sống tại nước ngoài – những người đã được hưởng nền tinh hoa văn hóa thế giới, tiếp cận các nguồn kiến thức hiện đại, quay về Việt Nam làm việc. Trong đó, có thể tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt tại nước ngoài. Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ở nước ngoài dành cho người Việt và các hoạt động kết nối DN này với DN trong nước, để họ thấy được thị trường tiềm năng tại Việt Nam.

Ba là, xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia chú trọng đặc biệt thế hệ trẻ.

Sự sáng tạo sẽ là chìa khóa căn bản để giúp Việt Nam có thể vững bước phát triển, từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành một đất nước giàu có. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong các hoạt động thúc đẩy đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển; cũng như tập trung xây dựng các trường đại học mà trong đó, hệ thống các trường đại học phải đóng vai trò quan trọng vào việc khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần học hỏi và khả năng phản biện của các sinh viên. Cần đưa nội dung khởi nghiệp vào hệ thống giáo dục ngay từ chương trình phổ thông cho giới trẻ có thể sớm hình thành tinh thần khởi nghiệp để bước chân vào môi trường kinh doanh sắp tới.

Bốn là, phát huy vai trò của các hiệp hội, cầu nối giữa Nhà nước với các DN KNST.

Các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề cần tăng cường uy tín năng lực và ảnh hưởng của các tổ chức để phát huy vai trò như là cầu nối giữa Nhà nước với các sartup. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò là kênh phản biện quan trọng đối với các chính sách về DN, cho phép cộng đồng DN có thể tham gia giám sát và đánh giá các cơ quan nhà nước để làm cơ sở đưa ra những kiến nghị, đề xuất cải thiện các chất lượng dịch vụ cũng như làm cơ sở cho việc cất nhắc, bổ nhiệm nhân sự.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy khởi nghiệp trong nước cũng như thực tiễn kinh nghiệm khu vực kinh tế khởi nghiệp của các nước phát triển, Việt Nam cần phải thành lập một hiệp hội riêng về lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Đây sẽ là cầu nối giữa những nhà đầu tư tư nhân với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, giúp cho việc lựa chọn đơn vị quản lý danh mục đầu tư được chuẩn xác hơn. Đồng thời, các hiệp hội cần có những biện pháp tổ chức các chương trình, sự kiện có ý nghĩa, thiết thực để cùng với Nhà nước và các cấp chính quyền hỗ trợ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong người dân, nhất là giới trẻ.

Tóm lại, các sartup không chỉ là thành phần hình thành nên thị trường và nền kinh tế, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền cơ cấu kinh tế chuyển dịch để phát triển trong tương lai. Cùng với vai trò giúp giải quyết vấn đề việc làm đối với xã hội, công ty khởi nghiệp cũng chính là hình mẫu lý tưởng để nghiên cứu và áp dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới, gia tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế, phân phối lại nguồn vốn và của cải trong xã hội, mang lại tư tưởng mới phù hợp hơn dựa trên kiến thức và ĐMST không chỉ đối với thế hệ lao động trẻ mà còn là toàn xã hội. Việt Nam cần chủ động hơn trong việc phối hợp các DN, đặt DN làm trung tâm trong xây dựng các chính sách hướng tới hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và tăng cường hợp tác với các nước khác trên thế giới để nắm bắt được các xu hướng, cơ hội và thách thức. Chỉ khi làm được điều đó, Việt Nam sẽ có khả năng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả khởi nghiệp ĐMST.

Chú thích:
1. Ươm tạo doanh nghiệp – Hiện trạng và một số giải pháp. http://ahtp.hochiminhcity.gov.vn, truy cập ngày 12/12/2019.

2. Việt Nam hiện có 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Báo điện tử VTV, ngày 12/9/2018.
3. Năm 2018, tổng số vốn đầu tư vào startup Việt là 889 triệu USD. https://tuoitre.vn, ngày 16/01/2019.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ. Việt Nam tiếp tục tăng hạng trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. https://www.most.gov.vn, ngày 24/7/2019.
5. Global Entrepreneurship Monitor. GEM 2017/18 Global Report. https://www.gemconsortium.org
6. Khởi nghiệp và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Công thương điện tử, ngày 06/7/2018.
7. Trung tâm Tin tức VTV24. Nhân sự – Bài toán khó cho các Startup Việt. https://vtv.vn, ngày 08/6/2017.

ThS. Ngô Thị Thơm
Trường Đại học Điện lực