Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới  

(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lực lượng Cảnh sát biển trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cũng là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn được xem là vũ khí sắc bén để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch có ý đồ xâm phạm chủ quyền biển, đảo của đất nước.

 

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Nguồn: https://www.canhsatbien.vn).

Công tác tuyên truyền (CTTT) đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo (BVCQBĐ) là một lĩnh vực quan trọng trong CTTT của lực lượng Cảnh sát biển (LLCSB) Việt Nam. Công tác này, có vai trò to lớn, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, tạo nên sức mạnh tinh thần của toàn lực lượng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. CTTT đối ngoại về BVCQBĐ còn được xem là vũ khí sắc bén để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch có ý đồ xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Nhà nước Việt Nam. Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp, biến đổi khó lường đặt ra những thách thức mới cho LLCSB Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo.

Trước tình hình đó, CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB đã kịp thời định hướng tư tưởng, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) LLCSB, Nhân dân tại các vùng ven biển đảo, ngư dân làm ăn trên biển hiểu rõ hơn về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết những bất đồng, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Mặt khác, làm rõ và bổ sung những chứng cứ lịch sử và pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thì hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB vẫn còn một số hạn chế nhất định, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới cả nội dung, hình thức và cần có những yêu cầu, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB trong tình hình mới.

Những vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lực lượng Cảnh sát biển trong bối cảnh hiện nay

CTTT đối ngoại về BVCQBĐ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước xuất hiện những diễn biến mới, nhanh hơn, phức tạp hơn, nhất là tình hình trên Biển Đông. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh giành vị thế và lợi ích trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, đặt ra những yêu cầu mới trong CTTT chính sách, pháp luật về biển, đảo của LLCSB cần được luận giải trong những nội dung sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng trong tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc trong thời kỳ mới. CTTT đối ngoại về BVCQBĐ phải đạt tới mục đích bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững sự ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế của đất nước. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và nguyên tắc trong tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB. Vì vậy, thực hiện đúng nguyên tắc này là yêu cầu có tính tất yếu khách quan, có vai trò quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn trong toàn lực lượng đối với sự nghiệp BVCQBĐ và thềm lục địa của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, xây dựng bản lĩnh chính trị, tình cảm, niềm tin, thái độ, ý thức trách nhiệm, tạo sức lay động, sự lan tỏa, thống nhất trong nhận thức và hành động đúng đắn ở mọi CBCS trong toàn lực lượng, cũng như các tầng lớp nhân dân ở các địa phương ven biển, đảo đối với sự nghiệp BVCQBĐ của Tổ quốc. Đây được coi là yêu cầu, nhưng cũng là mục đích, tiêu chí quan trọng để nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB trong tình hình mới.

Ba là, đấu tranh không khoan nhượng, luôn chủ động làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực bành trướng nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cần đi sâu nghiên cứu làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực bành trướng, thù địch, kịp thời có những giải pháp đấu tranh phản bác, đập tan những luận điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ những luận điểm khoa học của Đảng, Nhà nước về BVCQBĐ để nhanh chóng cung cấp thông tin trung thực, chính xác nhằm định hướng tư tưởng kịp thời cho CBCS và Nhân dân các vùng ven biển, đảo để tránh mắc mưu của kẻ địch.

Bốn là, phát huy hiệu quả nhất nguồn lực và đầu tư thích đáng cho CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB. Hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB được đánh giá bằng kết quả đạt được so với mức đầu tư nguồn lực trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đề ra. Là hiệu quả xã hội nên phải lấy lợi ích xã hội làm thước đo chủ yếu, nghĩa là nếu cần đạt đến mục tiêu thì tốn kém bao nhiêu nguồn lực cũng cần phải đầu tư trong khả năng có thể. Song, khi đã được đầu tư một nguồn lực nhất định thì CTTT chính sách, pháp luật về biển, đảo của LLCSB phải phát huy tốt nhất giá trị, công năng của nguồn lực đó mới được coi là đạt hiệu quả cao.

Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của cơ quan chính trị các cấp trong toàn LLCSB đối với CTTT đối ngoại về BVCQBĐ trong tình hình mới. Sự lãnh đạo của Đảng là cơ sở, nền tảng bảo đảm tính mục đích, tính hiệu quả của CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB. Cơ quan chính trị các cấp trong hệ thống LLCSB có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho các cấp ủy đảng, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ.

Tính chính xác, trung thực, khoa học, kịp thời và tính định hướng tư tưởng của nội dung tuyên truyền là nhân tố chi phối mạnh mẽ đến hiệu quả CTTT chủ trương, chính sách, pháp luật về biển đảo của LLCSB và nó phụ thuộc vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị các cấp. Đây là giải pháp mang tính nguyên tắc, quyết định hiệu quả CTTT chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo của LLCSB.

Cán bộ, chiến sỹ Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân (Nguồn: http://www.danvan.vn).

Theo đó, cần phát huy vai trò chính trị trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới thực hiện CTTT chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của cơ quan chính trị các cấp trong LLCSB.

Thứ hai, tăng cường giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, bồi dưỡng năng lực tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ cho CBCS và các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ tuyên truyền. Chất lượng chủ thể làm nhiệm vụ tuyên truyền được tạo bởi phẩm chất và năng lực công tác và là nhân tố quy định tính hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ. Do vậy, nâng cao chất lượng các chủ thể thông qua việc nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác cho chủ thể được xem là giải pháp đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTT biển, đảo của LLCSB.

Tăng cường giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ cần phải làm nổi bật nội dung trọng tâm như thống nhất ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho CBCS. Giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam và lòng yêu nước, yêu biển, đảo của Nhân dân ta; chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo của Đảng và Nhà nước, thông qua các hình thức giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật về biển, đảo.

Bồi dưỡng năng lực CTTT đối ngoại về BVCQBĐ cho các lực lượng làm CTTT. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên các cấp của các cơ quan, đơn vị, xây dựng nội dung, kế hoạch bồi dưỡng sát thực tế, phù hợp với từng lực lượng, phát huy tính tích cực, chủ động tự giáo dục, tự bồi dưỡng của CBCS của LLCSB trong thực hiện CTTT chính sách, pháp luật về biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ theo hướng làm cho nội dung được cập nhật kịp thời, trung thực, khoa học, thực tiễn, có tính định hướng tư tưởng cao và hình thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn cho từng đối tượng được tuyên truyền. Đây được xem là một trong những giải pháp có vai trò quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB trong tình hình mới.

Đổi mới nội dung tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, trung thực và phù hợp với từng đối tượng. Nghiên cứu bổ sung, cập nhật những chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Nhà nước Việt Nam. Kịp thời nghiên cứu, cập nhật tình hình quốc tế, khu vực liên quan đến khu vực Biển Đông, âm mưu, thủ đoạn của thế lực xâm phạm chủ quyền biển đảo và các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng, BVCQBĐ của Nhà nước Việt Nam. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ theo từng đối tượng tuyên truyền. Mở rộng hợp tác quốc tế thông qua hình thức tuần tra chung để nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ.

Thứ tư, đầu tư nguồn kinh phí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB. Tỷ lệ giữa nguồn kinh phí đầu tư cho CTTT đối ngoại về BVCQBĐ và kết quả đạt được là cơ sở để tính mức độ hiệu quả của hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo. Muốn đạt được hiệu quả cao thì nguồn lực đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm được sử dụng triệt để nhằm phát huy tác dụng, công năng của nguồn lực đó. Đây là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB.

Cần đầu tư nguồn lực chất lượng cao cho CTTT đối ngoại về BVCQBĐ thông qua việc thu hút các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy vào hoạt động viết bài tuyên truyền về biển, đảo đăng tải trên Tạp chí khoa học Cảnh sát biển, Trang tin điện tử Cảnh sát biển. Đồng thời, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên, mặt khác cần có biện pháp thu hút và phối hợp với các phóng viên, giới văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa vào hoạt động tuyên truyền đối ngoại về BVCQBĐ.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong việc mua sắm các trang, thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho CTTT chủ trương, chính sách, pháp luật về biển đảo và đấu tranh, chống lại các âm mưu, thủ đoạn của địch. Thực hiện đúng các quy trình sử dụng bảo quản, quản lý trang, thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ CTTT chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tình hình mới.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế phối hợp, chính sách khen thưởng, kỷ luật trong CTTT chủ trương, chính sách và pháp luật về biển đảo của LLCSB. CTTT đối ngoại về BVCQBĐ muốn đạt được hiệu quả sâu, rộng phải có sự phối hợp, hiệp đồng giữa LLCSB với các cơ quan ban, ngành trung ương, địa phương ven biển đảo và cần có sự động viên khen thưởng kịp thời cũng như kỷ luật nghiêm những đối tượng vi phạm các quy định về tuyên truyền biển, đảo (như tuyền truyền lệch lạc, sai đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển, đảo).

Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong LLCSB với các cơ quan hữu quan về CTTT, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng tiến hành CTTT đối ngoại về BVCQBĐ đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Theo đó, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị của lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về biển đảo cho ngư dân, nhân dân ven biển, đảo; tránh trùng lặp, phân tán, hoặc để khoảng trống về nội dung và bỏ sót đối tượng cần được tuyên truyền, đồng thời phát huy vai trò hệ thống tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi cho ngư dân làm ăn trên biển thông qua các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của LLCSB trên các vùng biển.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp và thực hiện nghiêm túc chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của LLCSB với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ven biển đảo nhằm nâng cao hiệu quả của CTTT. Hoàn thiện chính sách khen thưởng, kỷ luật trong CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB, trong đó có chính sách đối với sự đóng góp CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của các thành phần.

Nâng cao hiệu quả CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của LLCSB trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cũng là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trong tình hình mới, để nâng cao hiệu quả CTTT chính sách, pháp luật về biển đảo của Đảng và Nhà nước đối với LLCSB, các chủ thể, lực lượng tham gia cần phải được quán triệt, nắm vững và thực hiện đồng bộ các yêu cầu, nội dung, biện pháp của từng giải pháp nêu trên; không tuyệt đối hóa hay xem nhẹ nội dung, biện pháp nào. Trên cơ sở đó chuyển hóa nhận thức thành những hành động cụ thể trong quá trình tiến hành CTTT đối ngoại về BVCQBĐ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp cũng như từng CBCS góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Trung tá TS. Nguyễn Thanh Minh – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
 ThS. Lê Hồng Sơn – Văn phòng Chính phủ