Bộ Nội vụ – 75 năm xây dựng và phát triển

(Quanlynhanuoc.vn) –  75 năm qua (1945 – 2020) là chặng đường dài trong lịch sử hình thành và phát triển của Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ Nội vụ là một trong 13 bộ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được thành lập ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

 

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước.
Bộ Nội vụ – Chặng đường lịch sử 75 năm (1945 – 2020)

Trong chặng đường lịch sử 75 năm (1945 – 2020), Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu, giúp Đảng và Nhà nước xây dựng và tổ chức thi hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, góp phần thực hiện thành công việc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước hiểm họa “thù trong, giặc ngoài” (1945 – 1946); kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954); kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) và khi đất nước thống nhất, xây dựng chính quyền các cấp; đặc biệt là thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế từ năm 1986 đến nay.

Trong từng giai đoạn lịch sử, Bộ Nội vụ luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn để chủ động, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống thể chế trong lĩnh vực nội vụ; là nền tảng, tiền đề rất quan trọng để Bộ Nội vụ đạt được những thành tựu to lớn trong thời gian qua. Đó là:

(1) Xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện, đầy đủ và cụ thể, sát thực tiễn trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến nay, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật rất quan trọng, đó là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (ban hành mới), Luật Tổ chức Chính phủLuật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Cán bộ, công chứcLuật Viên chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Thanh niên năm 2020 (sửa đổi, bổ sung). Bộ Nội vụ cũng đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng; hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở Luật về hội; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định và ban hành các thông tư theo thẩm quyền.

(2) Bộ máy hành chính nhà nước, các đơn vị hành chính ở địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt được sự đồng thuận xã hội rất cao, kể cả những vấn đề kéo dài qua nhiều năm, như giải quyết vướng mắc về địa giới hành chính; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức…, bởi thể chế hiện hành đã bảo đảm thực hiện liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, giảm được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phấn khởi, yên tâm công tác.

(3) Thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là việc khó, đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện được. Song, với quyết tâm rất cao, đến nay, về cơ bản chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị:  “Đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với năm 2015”.

(4) Cải cách hành chính nhà nước được thực hiện thường xuyên, liên tục qua từng thời kỳ, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2020 đến nay đã đạt được những kết quả to lớn trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước.

(5) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của trung ương cho địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 để bảo đảm thực hiện phân cấp hợp lý hơn về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ. Đồng thời, góp phần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế.

(6) Xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương mới với nhiều nội dung đổi mới quan trọng: khu vực hành chính nhà nước sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo. Tập trung xây dựng và phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo tương đương; thiết kế 5 bảng lương, gồm: bảng lương theo chức vụ, bảng lương theo vị trí việc làm (không phải là chức vụ) và 3 bảng lương dành cho lực lượng vũ trang. Đổi mới chính sách tiền lương theo hướng này sẽ góp phần bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.

(7) Xây dựng và tổ chức thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó sẽ chấm dứt tình trạng không rõ ràng, minh bạch thông tin, số liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tồn tại rất nhiều năm; đồng thời, bảo đảm từ năm 2020 thông tin cơ bản về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế được quản lý tập trung, thống nhất trên toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nêu trên, chúng ta cũng thấy còn có những việc chưa thực sự đạt kết quả, mục tiêu đề ra. Đó là việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XII) vẫn còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu, nhất là việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 19-NQ/TW đã quy định rõ có 4 loại đơn vị sự nghiệp công lập cần sắp xếp, điều chỉnh, nhưng văn bản hướng dẫn Nghị quyết lại chưa quy định rõ:

– Đó là kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, bởi điều chúng ta cần không phải giảm thuần túy về số lượng, mà phải giảm số người làm việc yếu kém gắn với các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa XII).

– Đó là trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về xây dựng chính phủ điện tử, về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

– Đó là cải cách hành chính vẫn triển khai theo chiều ngang, theo bề rộng chứ chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự bảo đảm chất lượng dù đã trải qua 2 giai đoạn của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (2001 – 2010 và 2010 – 2020).

– Đó là trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, thể hiện qua kết quả kiểm tra công vụ ở địa phương, bộ, ngành nào cũng còn vấn đề cần nhắc nhở, chấn chỉnh; và nếu không thực sự tự nguyện, tự giác, gương mẫu chấp hành của cả hệ thống thì việc thanh tra, kiểm tra công vụ dù có duy trì thường xuyên, liên tục cũng không thể ngăn ngừa, phát hiện và đẩy lùi hết được…

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại lễ Gặp mặt truyền thống 75 năm ngày Thành lập Bộ Nội vụ.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống vẻ vang của Bộ Nội vụ

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ (28/8/1945 – 28/8/2020) không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ mà còn là cơ hội để chúng ta cùng suy ngẫm lại những thành công cũng như hạn chế, thiếu sót, thậm chí sai lầm để tìm ra những hướng đi, những giải pháp vừa phát huy được nền tảng, sức mạnh thành công 75 năm qua; vừa hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót có thể xảy ra trong quá trình tham mưu và tổ chức thi hành thể chế về công tác tổ chức và cán bộ nhà nước của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ trong thời gian tới.

Cần thấy rõ rằng, chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn chuyển đổi của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cho nên từ thể chế cho đến tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng chỉ là sự phản ánh của giai đoạn chuyển đổi đó. Quá trình đó đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng đắn và tôn trọng các quy luật khách quan, trước hết là quy luật tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; quy luật cơ sở hạ tầng quy định kiến trúc thượng tầng; quy luật tiến trình tư tưởng phụ thuộc tiến trình vật chất. Vì vậy, chưa thể và cũng không thể đặt ra yêu cầu, đòi hỏi sự hoàn thiện quá cao về thể chế, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chúng ta cũng cần xử lý tốt các mối quan hệ lớn: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật của thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Những năm sắp tới, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ dự báo sẽ rất lớn, khối lượng công việc nhiều, mức độ khó khăn và phức tạp cao mới có thể đáp ứng yêu cầu cấp bách kịp thời theo diễn biến tình hình mới. Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Công tác xây dựng thể chế của Bộ Nội vụ. Cần bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục rà soát thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ cũng như những vấn đề phát sinh trong thời kỳ hội nhập để tập trung xây dựng thể chế mới về bộ máy hành chính nhà nước, nền hành chính quốc gia tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán là phải tập trung ưu tiên hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bảo đảm thống nhất, liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy có hiệu quả nhất về phẩm chất, uy tín, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ và yêu cầu đổi mới về tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Cần nghiên cứu, tổng kết quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để cải cách hành chính thời gian tới không theo hướng ban hành chương trình tổng thể mà phải đi vào chiều sâu, chi tiết, cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, gắn với hiện đại hóa nền hành chính, chính phủ điện tử, chính phủ số, chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, số hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Về tổ chức bộ máy và biên chế hành chính, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII), Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW để có bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hợp lý và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền trong từng cơ quan hành chính, tổ chức kinh tế để các cơ quan, tổ chức năng động, sáng tạo trong huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc thực hiện phân cấp, phân quyền phải đúng quy định của pháp luật.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phải kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XII) và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phải kiên quyết giảm những người làm việc yếu kém; đồng thời, nâng cao chất lượng thông qua đổi mới chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm và yêu cầu “bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng”. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Quy định cụ thể cơ chế để cán bộ, công chức, viên chức tự phê bình, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của Nhân dân, sửa chữa những khuyết điểm được Nhân dân góp ý, phát hiện, phê bình trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể.

Kiên quyết thực hiện cho được Đề án cải cách chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gắn bó với công việc, có tinh thần, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn, thu hút tốt hơn người có tài năng vào làm việc, cống hiến trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 2823/QĐ-BNV ngày 01/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để kịp thời điều chỉnh và bổ sung các định hướng lớn phù hợp với chủ trương của Đảng và quá trình hội nhập quốc tế.

Thực hiện một cách kiên trì, nhất quán và có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm trên sẽ bảo đảm cho thể chế quản lý nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ thực sự là động lực pháp lý của sự phát triển bền vững đất nước; đội ngũ công chức hành chính nhà nước thực sự là chủ thể trung tâm của sự kiến tạo phát triển, là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội và quản trị quốc gia.

Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng và niềm tin mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ đã bền bỉ, nhất tâm, chung tay, chung sức, đồng lòng thực hiện suốt 75 năm qua và mãi mãi về sau.

Kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Nội vụ, chúng ta cùng thành kính tưởng nhớ công lao của các thế hệ đi trước và nguyện tiếp bước, kế tục xứng đáng công lao, cống hiến, đóng góp mà các thế hệ tiền bối của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ đã gây dựng.

Lê Vĩnh Tân
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ