Nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế phối hợp trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là một trong những khâu quan trọng của quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động thẩm định chịu sự chi phối trực tiếp của các yếu tố cấu thành nên cơ chế phối hợp thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, do vậy, trên cơ sở phân tích và chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập, bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế phối hợp trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh hiện nay.

 

(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
 Cơ chế phối hợp trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh

Khái niệm về cơ chế phối hợp thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh

Về mặt pháp lý, khái niệm “thẩm định” tại Điều 1 Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành kèm theo Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định: thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL (sau đây gọi chung là dự án, dự thảo) là hoạt động xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của dự án, dự thảo nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự án, dự thảo trong hệ thống pháp luật. Theo đó, để bảo đảm hiệu quả hoạt động thẩm định VBQPPL, nâng cao chất lượng của VBQPPL, cần có cơ chế thực thi phối hợp trong hoạt động thẩm định.

Theo Đại Từ điển tiếng Việt, “cơ chế” là: “cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện”1; đối với thuật ngữ “phối hợp” có nghĩa là “hành động để làm việc cùng nhau”2. Tiếp cận dưới gốc độ khoa học hành chính, trong quá trình thực thi hoạt động quản lý nhà nước, phối hợp tồn tại trong suốt quá trình quản lý, từ hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, đến việc tổ chức thực thi cơ chế, chính sách, pháp luật. Mục tiêu cuối cùng của phối hợp là tạo ra sự thống nhất, đồng thuận, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong quản lý.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu: cơ chế phối hợp thẩm định VBQPPL của chính quyền địa phương (CQĐP) cấp tỉnh là toàn bộ các yếu tố và sự vận hành các yếu tố, như thể chế pháp luật, chủ thể và các điều kiện bảo đảm khác, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và vận hành để các chủ thể có thể tham gia xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học và toàn diện về mặt pháp lý, nội dung, hình thức và các yếu tố cấu thành của dự thảo VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nhằm giúp HĐND và UBND cấp tỉnh quyết định việc ban hành và thực thi VBQPPL ở địa phương.

Về vai trò thực thi cơ chế phối hợp trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh

Quá trình thực hiện cơ chế phối hợp thẩm định VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự, kỷ cương trong ban hành VBQPPL, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; góp phần phát huy dân chủ, tạo điều kiện để các chủ thể tham gia thẩm định VBQPPL trước khi trình HĐND, UBND ban hành; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, tính khả thi của VBQPPL của HĐND, UBND khi được ban hành.

Thực trạng về cơ chế phối hợp trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh

Một là, về các văn bản hướng dẫn, bảo đảm cho công tác thẩm định VBQPPL của CQĐP như việc ban hành thể chế, các văn bản quy định về bộ máy, bố trí nhân sự, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác thẩm định VBQPPL.

Hệ thống pháp luật hiện hành quy định cơ sở pháp lý cho việc thẩm định VBQPPL chính là thể chế của cơ chế thẩm định VBQPPL. Nội dung quy định về thẩm định VBQPPL trong Hiến pháp, đối với HĐND và UBND tỉnh, tuy không chỉ rõ cụ thể trách nhiệm trong công tác thẩm định VBQPPL, song Hiến pháp năm 2013 cũng đã xác định rõ trách nhiệm của CQĐP về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự thẩm định, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.

Trước khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 ra đời, Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định: trong quá trình tổ chức thẩm định, sở Tư pháp, phòng Tư pháp có thể mời các luật gia và chuyên gia am hiểu vấn đề chuyên môn thuộc nội dung dự thảo tham gia thẩm định. Tuy nhiên, Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP không có quy định cụ thể, rõ ràng về sự phối hợp thẩm định VBQPPL của CQĐP. Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã khắc phục một số hạn chế của vấn đề này, quy định: “Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết”.

Theo đó, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp thẩm định VBQPPL như sau: (1) Trách nhiệm của Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cử đại diện phối hợp thẩm định; (2) Trách nhiệm tổ chức pháp chế đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công các đơn vị khác phối hợp thẩm định hoặc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định; (3) Trách nhiệm sở Tư pháp đề nghị các cơ quan chuyên môn, các ban, ngành của tỉnh cử đại diện phối hợp thẩm định.

Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 mới chỉ quy định thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, chưa quy định về thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định dự thảo quyết định UBND cấp tỉnh. Chính vì vậy, quá trình thực hiện phối hợp trong thẩm định VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh chưa mang lại hiệu quả, dẫn đến chất lượng thẩm định văn bản chưa cao. Qua kết quả khảo sát, hiện nay, số lượng VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh vẫn còn nhiều, tình trạng văn bản chồng chéo và mắc phải nhiều lỗi còn không ít.

Năm 2017, Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) đã tiến hành kiểm tra 5.104 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh, phát hiện 131 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền cũng như nhiều văn bản sai sót về căn cứ, thể thức, kỹ thuật trình bày3. Năm 2019, đã kiểm tra theo thẩm quyền 4.885 VBQPPL, qua đó phát hiện 165 VBQPPL trái về nội dung, thẩm quyền ban hành. Tiến hành khảo cứu của một số địa phương, kết quả cho thấy việc ban hành VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh vẫn còn nhiều sai sót và trái với quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 20154.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát còn chỉ ra có nhiều VBQPPL chưa qua thẩm định của sở Tư pháp nhưng vẫn được ban hành, cụ thể như ở tỉnh Bình Định, tổng số văn bản được ban hành là 1.027 nhưng chỉ có 537/1.027 văn bản được thẩm định, số văn bản chưa qua thẩm định chiếm 47,7%; ở Quảng Ngãi là 421/889 văn bản được thẩm định; Thừa Thiên – Huế chỉ có 634/1462 văn bản được thẩm định5. Năm 2017, qua rà soát 728 VBQPPL của HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh còn hiệu lực thì phát hiện có 52 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm, trong đó việc vi phạm lớn nhất là các văn bản này không được thẩm định, không được lấy ý kiến của đối tượng được điều chỉnh trước lúc ban hành. Riêng Bộ Tư pháp qua rà soát gần 200 VBQPPL còn hiệu lực của HĐND và UBND TP. Hồ Chí Minh thì phát hiện có 16 văn bản vi phạm về nội dung cần được bãi bỏ, chỉnh sửa6.

Hai là, về quy định xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký ban hành văn bản trái pháp luật cũng như việc bồi thường thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây hậu quả.

Quy định xử lý trách nhiệm khi thẩm định, phối hợp thẩm định VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh là cần thiết để bảo đảm hiệu quả thẩm định VBQPPL. Tuy nhiên, Luật Ban hành VBQPPL năm 1996 và Nghị định số 101-CP ngày 23/9/1997 quy định chi tiết một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2002, Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2002; Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP không có quy định về xử lý trách nhiệm khi thẩm định, phối hợp thẩm định VBQPPL.

Chính vì vậy, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã bổ sung quy định tại khoản 8 Điều 7, theo đó:  người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (CBCC) và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL được phân công thực hiện.

Về xử lý trách nhiệm trong thẩm định VBQPPL được quy định trong Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ và tiếp tục được nêu trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, căn cứ vào tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả gây ra, người kiểm tra văn bản có thể đề xuất: hình thức xử lý văn bản trái pháp luật; xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý trách nhiệm đối với CBCC đã tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật trong trường hợp người đó có lỗi.

Ba là, quy định mức chi phục vụ cho công tác thẩm định VBQPPL.

Trên cơ sở Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 09/2007/LT-BTP-BTC ngày 15/11/2007 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND, theo đó, Thông tư quy định mức chi tối đa 200.000 đồng/báo cáo thẩm định hoặc báo cáo thẩm tra; thẩm định, thẩm tra dự thảo: các thành viên tham dự: mức chi tối đa 50.000 đồng/người/buổi.

Thực tế mức chi này quá thấp so với tính chất công việc thẩm định VBQPPL. Do đó, ngày 16/3/2012, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP thay thế Thông tư liên tịch 09/2007/LT-BTP-BTC, trong đó quy định nâng mức chi cho công tác thẩm định VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh như sau: báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND: mức chi tối đa 500.000 đồng/báo cáo thẩm định hoặc báo cáo thẩm tra. Đối với dự thảo chỉ thị của UBND: mức chi tối đa 400.000 đồng/báo cáo thẩm định…

Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật nâng mức chi phục vụ công tác thẩm định VBQPPL. Tuy nhiên, với mức kinh phí theo Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định thì sở Tư pháp các tỉnh, thành phố không thể tổ chức các hoạt động thẩm định có chất lượng, đặc biệt đối với các văn bản thực hiện quy trình xây dựng chính sách phải thực hiện nhiều hoạt động phức tạp, đòi hỏi tốn nhiều nguồn lực về tài chính cũng như con người hoặc trong trường hợp phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định.

Qua khảo sát ở Tuyên Quang, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có từ 23% – 32% cán bộ được khảo sát cho rằng kinh phí thẩm định đã đáp ứng được các công việc cần thiết của công tác thẩm định7. Như vậy, Thông tư này quy định mức chi chung cho công tác xây dựng VBQPPL áp dụng trên phạm vi cả nước, các tỉnh, thành phố đều áp dụng mức chi như nhau là không hợp lý. Điều này cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thẩm định nói riêng và chất lượng nghị quyết nói chung8.

Bốn là, về kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ CBCC, viên chức thực thi cơ chế phối hợp thẩm định VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ CBCC, viên chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số lượng CBCC trong cả nước là 535.528 người9, trong đó đội ngũ CBCC, viên chức của ngành Tư pháp có 39.750 người, chiếm tỷ lệ 7% CBCC, viên chức của cả nước. Trong đó, Bộ Tư pháp có khoảng 1.724 người; ở cấp CQĐP có 26.433 người. Số lượng CBCC, viên chức ngành Tư pháp có sự phân bố như sau: 5.276 công chức, viên chức làm việc tại các sở Tư pháp, chiếm tỷ lệ 20%; 2.848 người làm việc tại phòng Tư pháp, chiếm 11%; 18.091 người làm việc tại vị trí công chức Tư pháp – Hộ tịch của UBND cấp xã chiếm 69%10.

Từ năm 2011 – 2015, Bộ Tư pháp đã đào tạo, bồi dưỡng hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước 34.087 lượt CBCC, viên chức thuộc Bộ, ngành Tư pháp; năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức 37 lớp bồi dưỡng cho 4.004 lượt CBCC, viên chức  nhằm tiếp tục tiêu chuẩn hóa các chức danh, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho chức danh lãnh đạo, quản lý…11. Bên cạnh đó, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng 6 kỹ năng nghiệp vụ có mối quan hệ trực tiếp đến quá trình thực thi cơ chế phối hợp trong hoạt động thẩm định văn bản của CQĐP cấp tỉnh. Tuy nhiên, một số kỹ năng như: kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vấn đề trong thẩm định, kỹ năng tổng hợp ý kiến đóng góp rất ít được tổ chức tập huấn. Trong khi, những kỹ năng này lại liên quan trực tiếp đến việc kiểm tra, tiếp nhận, nghiên cứu, phát hiện vấn đề trong dự thảo VBQPPL.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục tiến hành rà soát các quy định để hoàn thiện pháp luật về cơ chế phối hợp thẩm định VBQPPL của CQĐP cấp tỉnh.

Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về phối hợp thẩm định VBQPPL của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam tập trung vào nội dung cơ bản sau: (1) Loại bỏ một số loại VBQPPL thuộc đối tượng được phối hợp thẩm định (hình thức VBQPPL của UBND các cấp đã được thu hẹp, theo đó, không còn hình thức chỉ thị của UBND), do đó, đối tượng VBQPPL được phối hợp thẩm định quy định tại các VBQPPL hiện hành cần được sửa đổi theo hướng, loại bỏ việc thẩm định hình thức chỉ thị; (2) Rà soát để hoàn thiện nội dung phối hợp thẩm định: nội dung phối hợp thẩm định này có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương xây dựng, ban hành văn bản và có ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung VBQPPL.

Thứ hai, nghiên cứu sự cần thiết ban hành quy định việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị đề xuất dự thảo văn bản không bảo đảm yêu cầu, đặc biệt là những dự thảo văn bản trái pháp luật.

Ban hành quy định xử lý trách nhiệm đối với cơ quan đề xuất dự thảo văn bản trái pháp luật và có các hành vi vi phạm trong phối hợp thẩm định VBQPPL có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các quy định về phối hợp thẩm định VBQPPL. Trước đây chỉ có quy định việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật tại Điều 34 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật và không có trường hợp nào bị xem xét trách nhiệm hình sự do đề xuất ban hành văn bản trái pháp luật. Một trong những nguyên nhân của hạn chế, bất cập này là nội dung quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật tại Điều 134 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP còn mang tính nguyên tắc chung; chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về tính chất, định lượng về mức độ sai phạm, trình tự, thủ tục…, vì thế, rất khó khăn trong việc thực hiện, mặc dù, điều này là rất cần thiết.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hỗ trợ công tác phối hợp thẩm định VBQPPL.

Việc hoàn thiện các quy định liên quan đến kinh phí bảo đảm cho công tác phối hợp thẩm định, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định không chỉ xuất phát từ việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với văn bản mới được ban hành, mà còn xuất phát từ thực tiễn hết sức khó khăn về kinh phí bảo đảm trong triển khai nhiệm vụ phối hợp thẩm định, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại các bộ, ngành, địa phương thời gian qua.

Để bảo đảm tốt hơn về kinh phí hỗ trợ cho công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, cần kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi theo hướng bổ sung một số nội dung chi và nâng định mức chi đối với một số nội dung chi đặc thù về phối hợp thẩm định, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP do định mức chi như hiện tại còn thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội.

Thứ tư, củng cố, bố trí đủ công chức có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức để làm công tác phối hợp thẩm định văn bản theo thẩm quyền, đặc biệt là bố trí đủ số biên chế chuyên trách theo quy định.

Cùng với nhiệm vụ rà soát, có thể thành lập phòng thẩm định, rà soát VBQPPL nhằm tạo điều kiện chuyên môn hóa công tác phối hợp thẩm định văn bản, tăng cường khả năng độc lập tổ chức công việc, nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của công tác này trên thực tế. Bên cạnh đó, để việc phối hợp thẩm định văn bản được chuyên môn hóa, thực hiện có hiệu quả, cần phải có sự phân công cụ thể việc phối hợp thẩm định văn bản theo lĩnh vực, địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng và quản lý đội ngũ cộng tác viên phối hợp thẩm định văn bản.

Chú thích:
1. Nguyễn Như Ý (chủ biên). Đại Từ điển tiếng Việt. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.
2. Make actions, limbs, etc work together”. Oxford Learner’s Pocket Dictionary, tlđd, tr. 96.
3. Bộ Tư pháp. Báo cáo công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ giải pháp năm 2018, tháng 4/2018, tr. 4.
4. Bộ Tư Pháp. Tài liệu Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020.
5. Đoàn Thị Tố Uyên. Bàn về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật. Tạp chí Luật học, số 2/2004, tr. 65 – 69.
6. TP. Hồ Chí Minh: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật không qua thẩm định. https://baophapluat.vn, ngày 23/6/2017.
7. Bùi Khắc Việt. Kỹ thuật và ngôn ngữ soạn thảo văn bản quản lý nhà nước. H. NXB Khoa học xã hội, 1997.
8. Nguyễn Thị Ngọc Mai. Hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (389), tháng 7/2019.
9. Một số vấn đề về đội ngũ cán bộ, công chức. https://tcnn.vn, ngày 18/7/2019.
10, 11. Bộ Tư pháp. Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016 – 2020. http://noichinh.vn, ngày 12/01/2016.

ThS. Nguyễn Trọng Trí
Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước