Tăng cường thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

(Quanlynhanuoc.vn )- Thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, số vụ vi phạm pháp luật môi trường có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ nguy hại nhưng chưa được xử lý nghiêm minh… Chính vì vậy, việc tiếp tục tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hết sức cấp thiết, giúp môi trường phát triển bền vững.

 

Ảnh minh họa.
Thực trạng thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề luôn được các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm và đặt ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của mình. Tại Việt Nam, BVMT đã thực sự được quan tâm từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đặc biệt từ sau khi Luật BVMT năm 1993 được ban hành.

Để thực hiện xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trong lĩnh vực BVMT cũng như phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường, Luật BVMT đã được sửa đổi 2 lần vào các năm 2005 và 2014 (Luật số 52/2005/QH11 và Luật số 55/2014/QH13). Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động BVMT, như: Luật XLVPHC năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC; Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015); Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT; Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật…

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT, trong đó quy định rõ các hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác BVMT trong tình hình mới, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế những năm qua cho thấy, bên cạnh việc mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì Việt Nam cũng đang phải đối diện với vấn đề môi trường bị ô nhiễm. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị được hình thành nhanh chóng làm cho nguồn rác thải công nghiệp cũng như rác thải sinh hoạt đưa vào môi trường ngày càng nhiều, gây ô nhiễm không khí, đất, nước. Hầu hết các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường tập trung hoặc có nhưng hoạt động chỉ mang tính chất đối phó. Việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải trực tiếp ra sông, biển là khá phổ biến.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 223 khu công nghiệp (trong đó có 171 khu đã hoạt động, 52 khu đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật) và khoảng trên 1.000 khu/cụm công nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố quyết định thành lập, tuy nhiên, chỉ có khoảng 43% số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (kể cả các hệ thống hoạt động chưa hiệu quả).

Trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, số lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, lĩnh vực y tế, từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu… rất lớn (tính riêng lượng chất thải nguy hại từ các làng nghề trên toàn quốc ước đạt trên 2.800 tấn/ngày) nhưng chưa được xử lý đúng quy định pháp luật1.

Hiện nay, cả nước có trên 1.500 tổ chức tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng hầu hết đều không chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về BVMT. Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước, kể cả thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ biến nước ta thành bãi thải công nghiệp. Mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn rác thải, phế liệu được nhập khẩu vào nước ta, như nhựa phế liệu, sắt phế liệu, thiết bị máy tính cũ, ắc quy chì cũ…

Bên cạnh đó, mặc dù hiện cả nước có 98 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, nhưng chỉ có khoảng 1/3 tổng số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp tập trung, còn lại nằm rải rác bên ngoài, xen kẽ trong các khu dân cư, gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có 260 kho thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là các loại thuốc quá hạn sử dụng – là tang vật của một số vụ việc vi phạm chưa được xử lý, có từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh theo thủ tục tố tụng hình sự, hành chính còn tồn đọng. Phần lớn số thuốc này chưa được tiêu hủy theo đúng quy định, công tác lưu giữ, bảo quản chưa được quan tâm đúng mức, gây tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nặng tới môi trường đất và nguồn nước2.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C49) Bộ Công an, trong 10 năm (2006 – 2015), toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó xử phạt VPHC 97.000 vụ với số tiền 1.166 tỷ đồng, đồng thời, khởi tố hơn 3.000 vụ với 4.300 bị can. Đặc biệt, đã điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân3.

Từ năm 2016 đến nay, với việc ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ cùng khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc (ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vi phạm còn buộc phải dừng hoạt động…) đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp trong việc BVMT. Theo đó, mức xử phạt VPHC được tăng lên; khung và mức phạt được chi tiết hóa, bảo đảm công bằng trong quá trình xử phạt. Việc phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng rõ ràng, cụ thể và theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Nhiều hành vi VPHC trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt đã được cụ thể hóa trong Nghị định gồm: các hành vi VPHC đối với cơ sở là đối tượng phải lập bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; các cơ sở không có cam kết/kế hoạch BVMT hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường; các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn và độ rung; các hành vi vi phạm về bảo tồn đa dạng sinh học… Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục các tồn tại, vi phạm, quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thu gom, quản lý, xử lý chất thải; nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về BVMT. Qua đó, góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tỷ lệ cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường giảm qua các năm, cụ thể: năm 2014 là 77,4%; năm 2015 là 65,6%; năm 2016 là 40,7%; năm 2017 là 36,5%; năm 2018 là 40% (giảm khoảng 2 lần so với năm 2014). Đặc biệt, các hành vi vi phạm về xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật giảm rõ rệt.

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra 210 cơ sở trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố, xử phạt VPHC 14 cơ sở, tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Đến nay, đã có 289/435 cơ sở có tên theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 66,43%; 146 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định khoảng 86%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh. Năm 2019, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đã xử lý hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu4.

Ngoài ra, việc phân định thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT và quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT đã phát huy được hiệu quả tích cực, giảm chồng chéo trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm. Công tác thanh tra, kiểm tra được nâng lên một bước, giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch mà tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận, buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất – kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường.

 Những khó khăn cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật trong XLVPHC đối với lĩnh vực BVMT còn nhiều hạn chế: việc áp dụng pháp luật, nhất là áp dụng thủ tục XLVPHC của một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền chưa đúng theo quy định; còn hiện tượng vi phạm về thời hạn, thời hiệu ra quyết định xử phạt.

Một số trường hợp xác định hành vi vi phạm chưa chính xác, có dấu hiệu bỏ qua hành vi vi phạm hoặc tùy tiện trong áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm còn lỏng lẻo; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc trao đổi thông tin và xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, đôi lúc còn mang tính hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở một số địa phương chưa được chú trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường tới người dân và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả đạt được chưa cao…

Thực tế  hiện nay cho thấy, các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được quan tâm xây dựng nhưng vẫn còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời. Luật Thanh tra quy định các đoàn thanh tra phải thông báo trước, chỉ được làm việc trong giờ hành chính, trong khi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các cơ sở ngoài giờ hành chính là khá phổ biến. Bên cạnh đó, chưa quy định trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra đột xuất, dẫn tới giảm hiệu lực của việc thi hành các quy định pháp luật về XLVPHC.

Một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC như: khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá, thu tiền tài sản… được quy định trong Luật XLVPHC nhưng chưa bảo đảm tính khả thi. Trong khi đó, các biện pháp như cắt điện, cắt nước, thu hồi mã số thuế hay giấy phép đăng ký kinh doanh là các biện pháp có tính khả thi cao nhưng không được quy định để áp dụng dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không thi hành các quy định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước.

Mặt khác, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP qua một thời gian triển khai cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn như chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt VPHC; việc sử dụng kết quả thu bằng thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải để làm căn cứ xử phạt VPHC còn hạn chế. Chưa quy định xử phạt đối với một số hành vi xảy ra trên thực tế như: xây lắp không đúng quy định đối với công trình BVMT; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định; không vận hành công trình xử lý chất thải…

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực BVMT, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực BVMT. Rà soát các văn bản, quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời sửa đổi, ban hành và áp dụng trong thực tế. Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP theo hướng: quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT (theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC). Sửa đổi, bổ sung, giải thích một số từ ngữ để thống nhất trong các quy định tại Nghị định như: công trình BVMT, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, chất thải rắn thông thường đặc thù. Bổ sung cách thức xác định thải lượng nước thải để xử phạt VPHC.

Bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh, hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Bổ sung thời hiệu xử phạt VPHC: xác định rõ các hành vi được xác định là đang thực hiện, như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có kế hoạch BVMT, đề án BVMT, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT…

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đa dạng hóa nội dung các quy định về BVMT, các hành vi vi phạm, khung và mức phạt để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện tốt nhằm hạn chế hành vi vi phạm. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin về BVMT trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện để người dân chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm về BVMT tới cơ quan có thẩm quyền, cung cấp cho cơ quan thanh tra, kiểm tra các thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xem xét, xử lý.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, XLVPHC trong lĩnh vực BVMT. Để phát hiện hành vi vi phạm và xử lý được kịp thời, giữa thanh tra các bộ, sở, ngành có liên quan thuộc lĩnh vực BVMT cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau về công tác chuyên môn, cùng phân tích, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực mình quản lý. Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này, cần thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định; thực hiện việc nắm bắt, trao đổi, cung cấp thông tin về đối tượng thanh tra khi được yêu cầu bảo đảm chính xác, kịp thời. Khắc phục tình trạng chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Xây dựng cơ chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong việc xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài, hết thẩm quyền, đúng quy định.

Thứ tư, tăng cường sự tham gia và giám sát của cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và Nhân dân đối với thực hiện pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực BVMT. Chính quyền các cấp cần phối hợp và hỗ trợ về mọi mặt để phát huy tối đa vai trò công tác xã hội, đa dạng hoá các hoạt động XLVPHC trong lĩnh vực BVMT, có cơ chế khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ khai thác, sử dụng, BVMT và tuân thủ các quy định của pháp luật. Xã hội hóa công tác BVMT nhằm huy động ở mức cao nhất sự tham gia của xã hội vào công tác BVMT; xác lập các cơ chế khuyến khích, các chế tài hành chính, hình sự và thực hiện một cách công bằng, hợp lý đối với tất cả các cơ sở nhà nước và tư nhân khi tham gia hoạt động BVMT và tuân thủ các quy định của pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực BVMT.

Chú thích:
1, 2. Thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong giai đoạn hiện nay – một số nguyên nhân và giải pháp. http://tapchicongthuong.vn, ngày 03/9/2019.
3. Thực trạng và giải pháp phòng ngừa các tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay. https://www.tapchitoaan.vn, ngày 17/9/2018.
4. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách bảo vệ môi trường năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ và ngân sách bảo vệ môi trường năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 05/10/2019.

TS. Vũ Thị Lan Hương
Trường Đại học Lao động – Xã hội