Hiệu quả từ việc sử dụng con dấu thứ hai tại trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Để triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đổi mới tư duy, nhận thức rõ hơn về các điểm mạnh, điểm yếu cũng như những cơ hội, khó khăn, thách thức để xác định mục tiêu, quan điểm và giải pháp phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh, trong đó nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược.

 

Trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh (Nguồn: danviet.vn)

1. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương Đảng, Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận về “tư duy đổi mới và ý chí quyết tâm cải cách của cả hệ thống chính trị ở địa phương, đặc biệt là người đứng đầu mỗi tổ chức…”1. Trong đó, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm triển khai theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 là cách làm mới chưa có tiền lệ; là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện và được ghi nhận với nhiều thành công. Mô hình đã được nhân rộng và góp phần nâng cao chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam theo quy định của Liên hiệp quốc.

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm PVHCC tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC nói chung, trong đó trọng tâm là thực hiện mô hình Trung tâm PVHCC các cấp và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã với mục tiêu đổi mới toàn diện trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, Trung tâm đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, rà soát các sở, ngành, địa phương triển khai đưa con dấu thứ hai sử dụng tại Trung tâm, phục vụ cho công tác giải quyết TTHC từ đầu năm 2019 đến nay.

Thực tế trước đây, việc giải quyết TTHC tại Trung tâm được thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, nghĩa là tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay tại Trung tâm. Điều này có hiệu quả rõ rệt là minh bạch quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Tuy nhiên, từ khâu phê duyệt đến trả kết quả vẫn còn một bước nữa là đóng dấu. Do các con dấu đang được quản lý ở các sở, ngành nên khi hoàn tất thủ tục vẫn phải chuyển hồ sơ về các sở, ngành để đóng dấu trước khi trả kết quả cho tổ chức, công dân. Điều này không chỉ kéo dài thêm thời gian mà còn có thể phát sinh các vấn đề phức tạp khác trong quá trình di chuyển hồ sơ ra khỏi Trung tâm.

Trước vấn đề nêu trên, sau khi rà soát, nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân trong giải quyết hồ sơ, Trung tâm PVHCC đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, triển khai sử dụng thêm con dấu thứ hai tại Trung tâm PVHCC tỉnh.

Sau khi triển khai con dấu thứ hai, quy trình giải quyết TTHC tại Trung tâm từ “4 tại chỗ” được đẩy lên thành “5 tại chỗ”, bao gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm. Điều này đã mang lại hiệu quả rõ rệt là rút ngắn thời gian và quan trọng hơn đó là bảo đảm toàn bộ quy trình từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi trả kết quả hoàn toàn được thực hiện khép kín ngay tại Trung tâm, giúp nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực gắn với rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Nếu như đầu năm 2019 mới có 6 sở, ngành triển khai con dấu thứ hai thì  đến nay, ở cấp tỉnh đã có 22 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sở, ngành triển khai sử dụng con dấu thứ hai tại Trung tâm2; cấp huyện cơ bản đã triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh: Đông Triều triển khai đối với 12 lĩnh vực, Cẩm Phả 10 lĩnh vực, các địa phương còn lại triển khai đối với lĩnh vực thuộc cơ quan Tư pháp và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất3.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh (Nguồn: danviet.vn).

Kết quả đến hết tháng 12/2019, Trung tâm đã tiếp nhận mới 76.223 hồ sơ, 1.381 hồ sơ năm trước chuyển sang; đã giải quyết 76.364 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,99%), 08 hồ sơ thông báo quá hạn trên hệ thống, (trong đó có 6 hồ sơ quá hạn thực tế, còn lại nguyên nhân quá hạn là do cán  bộ chậm thao tác kết thúc trên phần mềm). Chỉ tính riêng quý I/2020, Trung tâm đã tiếp nhận mới 13.863 hồ sơ, 1.222 hồ sơ năm trước chuyển sang; đã giải quyết 14.077 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99.9%), 14 hồ sơ thông báo quá hạn (chủ yếu là các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh ở các lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, xúc tiến đầu tư), các hồ sơ còn lại đang trong thời hạn giải quyết4.

2. Để quản lý được việc sử dụng con dấu thứ hai đúng mục đích và chức năng, Trung tâm đã xây dựng quy chế phối hợp với từng sở, ngành trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu. Theo đó, Trung tâm PVHCC tỉnh Quảng Ninh sẽ lập bộ phận quản lý các con dấu và bộ phận lưu trữ hiện hành. Các sở, ngành sẽ đăng ký một chữ ký phê duyệt cho mỗi TTHC. Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình ký, đóng dấu và chuyển lưu trữ hiện hành đều được giám sát chặt chẽ và có báo cáo đánh giá hằng ngày.

Việc sử dụng con dấu thứ hai tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân, tăng hiệu quả làm việc trong quá trình giải quyết các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân; quy trình giải quyết hồ sơ được trực tiếp theo dõi. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường giám sát, đóng góp ý kiến đối với quy định trong các TTHC, góp ý về tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCC. Đối với người dân và doanh nghiệp, sử dụng con dấu thứ hai là sự đơn giản hóa các TTHC và tăng hiệu quả của quá trình phê duyệt. Đối với các cơ quan và công chức nhà nước, việc sử dụng con dấu thứ hai là sự hỗ trợ hợp tác giữa các cơ quan nhằm bảo đảm đưa ra kết quả giải quyết TTHC nhanh chóng, chính xác và kịp thời…

Nếu nhìn từ phía người dân, doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu thứ hai góp phần minh bạch quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Ví dụ như, Sở  Tài nguyên và Môi trường: tổng thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở theo quy định là 2.960 ngày thì nay áp dụng mô hình này đã giảm xuống còn 1.302 ngày; Sở Giáo dục và Đào tạo: thời gian theo quy định là 1.585 ngày, nay giảm xuống còn 663 ngày; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: thời gian theo quy định là 1.222 ngày xuống còn 620 ngày; Ban Quản lý khu kinh tế: thời gian quy định là 584 ngày xuống còn 287 ngày như hiện nay5

Đặc biệt là công tác giải quyết các TTHC được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tiêu cực, quan liêu, tạo sự đổi mới, đột phá trong hoạt động giải quyết TTHC, là điểm nhấn của mô hình Trung tâm PVHCC tỉnh, đó là: người dân và doanh nghiệp đã thực sự trở thành trung tâm trong quá trình giải quyết các TTHC…

Ở cấp huyện cũng tiến hành rà soát lựa chọn các lĩnh vực triển khai việc sử dụng con dấu thứ hai tại Trung tâm Hành chính công theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số địa phương thực hiện đăng ký sử dụng con dấu thứ hai tập trung đối với lĩnh vực tư pháp, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, như: Quảng Yên, Ba Chẽ, Uông Bí, Cô Tô, Tiên Yên, Hạ Long. Một số địa phương khác chỉ thực hiện đối với lĩnh vực Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Bình Liêu…

Riêng đối với thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều, thành phố Móng Cái thực hiện từ 10 – 12 lĩnh vực đăng ký việc sử dụng con dấu thứ hai và thực hiện quy chế sử dụng con dấu tổ chức triển khai thực hiện 5 bước: “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại Trung tâm” theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Kết quả tổng hợp cho thấy, đến nay, đã có 4.659/5.424 TTHC được thẩm định và giải quyết tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện, trong đó 808 TTHC được thẩm định tại Trung tâm, 3.851 TTHC được thẩm định và phê duyệt, đóng dấu ngay tại Trung tâm6.

Tiêu biểu như thành phố Cẩm Phả, là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai con dấu thứ hai. Sau một thời gian triển khai đã phát huy tốt hiệu quả trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Con dấu thứ hai được triển khai sử dụng ở toàn bộ 12 lĩnh vực tại Trung tâm Hành chính công thành phố Cẩm Phả, nhờ đó, thời gian giao dịch trực tiếp giữa tổ chức và công dân với cơ quan quản lý nhà nước hiện chỉ tính bằng phút, kể cả đối với các lĩnh vực như cấp giấy phép kinh doanh hay thủ tục giao dịch bảo đảm…

Hiện mỗi ngày lĩnh vực tư pháp tại Trung tâm Hành chính công thành phố Cẩm Phả tiếp nhận hàng chục hồ sơ của tổ chức và công dân. Sau khi thẩm định và ký phê duyệt hồ sơ, thay vì phải mang tới cơ quan đóng dấu như trước đây, cán bộ tư pháp có thể đóng dấu xác nhận bằng con dấu thứ hai của Phòng Tư pháp ngay tại Trung tâm, qua đó rút gọn về quy trình, thời gian giải quyết thủ tục cho công dân.

Có thể thấy rằng, việc sử dụng con dấu thứ hai góp phần minh bạch quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Đặc biệt, ngăn chặn tiêu cực, sách nhiễu, tạo sự đổi mới, đột phá trong hoạt động giải quyết TTHC. Người dân và doanh nghiệp đã thực sự trở thành trung tâm trong quá trình giải quyết các TTHC.

Bằng sự nỗ lực và sáng tạo trong cải cách hành chính, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục góp phần thực hiện chủ đề công tác năm 2020 là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững”, đồng thời xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch và hiện đại.

Chú thích:
1. Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 21/4/2014 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
2, 3, 4, 6. Báo cáo số 278/BC-TTPVHCC ngày 14/4/2020 của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh về Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính từ năm 2015 đến năm 2020; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2030.
5. Báo cáo số 301/BC-UBND ngày 28/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Nguyễn Đức Phương
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh