Chính sách tôn giáo của Xinh-ga-po dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu  

(Quanlynhanuoc.vn) – Để phát triển đất nước, vấn đề tôn giáo, dân tộc là một trong những vấn đề hàng đầu đưa đến thành công cho đất nước Xinh-ga-po ngày nay. Đó là nhờ sự dẫn dắt tài ba của Thủ tướng Lý Quang Diệu – Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xinh-ga-po, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 – 1990.

 

Xinh-ga-po là quốc gia có sự đa dạng tôn giáo (Ảnh minh họa).

1. Xinh-ga-po là một quốc gia đa dạng về văn hóa, sắc tộc và mỗi sắc tộc lại có nét văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Sau độc lập, Xinh-ga-po phải đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế – xã hội. Giai đoạn này, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cùng với những cộng sự xây dựng và hoạch định nhiều chính sách phù hợp để phát triển đất nước, trong đó có chính sách về dân tộc và tôn giáo. Các chính sách về tôn giáo của Xinh-ga-po luôn duy trì sự đoàn kết, hòa hợp,… góp phần lớn đến sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những mặt hạn chế nhất định.

Xinh-ga-po nằm trong eo biển Malacca, có lợi thế then chốt về vị trí địa lý. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các nguồn dân di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ… vào Xinh-ga-po. Trước đây, quốc gia này từng là thuộc địa của Anh và là một phần của Ma-lai-xi-a. Vì vậy, Xinh-ga-po tiếp nhận nhiều luồng văn hóa, ngôn ngữ, tộc người khác nhau, hình thành nên một xã hội đa tộc người, đa văn hóa.

Để phát triển đất nước, vấn đề tôn giáo, dân tộc là một trong những vấn đề hàng đầu đưa đến thành công cho đất nước Xinh-ga-po ngày nay. Đó là nhờ sự dẫn dắt tài ba của Thủ tướng Lý Quang Diệu – Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xinh-ga-po, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 – 1990.

Trong lịch sử thế giới, Lý Quang Diệu là Thủ tướng trẻ nhất và giữ chức vụ Thủ tướng lâu nhất.

Trong hơn 3 thập kỷ trên cương vị Thủ tướng, Lý Quang Diệu đã khẳng định được vai trò của một nhà lãnh đạo xuất chúng khi biến Xinh-ga-po từ một “vùng đất đầm lầy” thành một “thành phố trong mơ”; trở thành một quốc gia hiện đại và là nơi có thu nhập cao hơn phần lớn những người dân Mỹ…

2. Trong lịch sử Xinh-ga-po đã có ba cuộc xung đột chủng tộc: năm 1950, cuộc bạo loạn từ sự phẫn nộ của cộng đồng Islam giáo; năm 1964, xung đột giữa tộc người Hoa và người Ma-lai-xi-a; năm 1969, cuộc bạo loạn bùng phát ở Ma-lai-xi-a rồi lan sang Xinh-ga-po do sự căng thẳng giữa người Hoa và người Ma-lai-xi-a.

Thông qua các quy định về luật pháp như Điều luật duy trì sự hài hòa tôn giáo; Điều luật về các tổ chức đoàn thể xã hội; Sắc lệnh an ninh nội địa,… chính sách tôn giáo ở Xinh-ga-po đã tập trung vào việc ngăn ngừa xung đột. Bên cạnh đó, khẳng định quyền tự do tôn giáo của công dân. Mặt khác, mọi tôn giáo đều có quyền bình đẳng, không tôn giáo nào được coi trọng hơn tôn giáo nào; công dân tham gia tôn giáo theo sự lựa chọn của cá nhân, Nhà nước không can thiệp vào quyền tự do tôn giáo của mỗi người dân. Theo đó, Chính phủ Xinh-ga-po hướng tới mục tiêu quan trọng thứ nhất có thể ngăn chặn xu thế cực đoan của các tôn giáo.

Theo quy định của Điều luật về các tổ chức đoàn thể xã hội, tất cả các nhóm tôn giáo đều phải được đăng ký hợp pháp theo Đạo luật xã hội. Hiến pháp của Xinh-ga-po cho phép tự do tôn giáo, nhưng tất cả các nhóm tôn giáo đều phải được đăng ký hợp pháp theo Đạo luật xã hội. Nếu một tổ chức xã hội nào không đăng ký hoạt động sẽ bị coi là tổ chức tôn giáo ngoài vòng pháp luật… Bên cạnh đó, Xinh-ga-po đưa ra nguyên tắc duy trì sự tách biệt tôn giáo và chính trị, Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong việc hạn chế những biểu hiện thiếu kiềm chế trong việc thể hiện quyền tự do tôn giáo là nguyên tắc thứ nhất. Nguyên tắc thứ hai là duy trì sự khoan dung, hài hòa giữa các tôn giáo. Nguyên tắc thứ ba là quyền tự do tôn giáo phải được cân bằng với lợi ích của cộng đồng.

Thành công của chính sách về tôn giáo

Một là, đất nước đa dạng về tôn giáo. Nếu như những năm 80 thế kỷ XX, số lượng tín đồ theo Phật giáo và Đạo giáo chiếm đa số (Phật giáo 27%, Đạo giáo 30%) thì từ năm 2000, số lượng tín đồ theo Đạo giáo giảm đáng kể, chỉ còn 8,5%. Kito giáo tăng đến 14,7%. Các tôn giáo khác dao động không nhiều. Đáng chú ý là những người không theo tôn giáo nào từ năm 2000 đã tăng lên 14,8%1.

Trong cộng đồng người Hoa, năm 1980 – 1990, Phật giáo và Đạo giáo chiếm tỷ lệ khá cao (năm 1980: Phật giáo là 34,3%, Đạo giáo: 38,2%, Kito giáo: 10,9%; năm 1990: Phật giáo: 39,4%, Đạo giáo: 28,4%, Kito giáo: 14,3%). Tuy nhiên, đến năm 2000, Kito giáo là tôn giáo thứ hai trong cộng đồng người Hoa (16,5%), thứ nhất vẫn là Phật giáo (53,6%), sau đó đến Đạo giáo (10,8%)2. Đối với cộng đồng người Malay, niềm tin của họ đối với đạo Islam qua các năm hầu như không có sự biến chuyển. Còn đối với những người gốc Ấn, số lượng người theo đạo Hindu trong cộng đồng khá phổ biến.

Hai là, sự khác biệt về tôn giáo làm nên bản sắc của Xinh-ga-po. Những tôn giáo sớm xuất hiện trên đảo quốc như Phật giáo, Hindu giáo hay Kito giáo… đã tồn tại qua nhiều thập kỷ. Ngoài những tôn giáo truyền thống còn có sự xuất hiện của các tôn giáo mới như đạo Sikh du nhập từ Ấn Độ, đạo Baiha’i… điều đó cũng làm phong phú thêm sự đa dạng cho văn hóa, tôn giáo Xinh-ga-po. Mặc dù có sự xuất hiện của các tôn giáo khác hay sự thay đổi về số lượng các tín đồ theo tôn giáo cũng không làm mất đi sự đa dạng trong bức tranh tôn giáo của đất nước này. Bên cạnh đó, do Xinh-ga-po không chọn một tôn giáo nào làm quốc giáo nên những lễ hội của các tôn giáo diễn ra trong năm đều coi là những ngày lễ của đất nước…

Ba là, tạo nên một bức tranh tôn giáo đa dạng, hòa hợp. Mặc dù dân số Xinh-ga-po đa dạng các tộc người, mỗi tộc người mang một nét văn hóa khác nhau, nhưng các tôn giáo ở đây khá hài hòa, tạo nên một bức tranh tôn giáo đa dạng, hòa hợp. Để có những kết quả đó, Chính phủ Xinh-ga-po từ sau khi độc lập đã có những chính sách để đoàn kết tôn giáo, sắc tộc và ổn định chính trị, xã hội. Đồng thời, coi trọng công tác tôn giáo, thông qua các chính sách để quản lý các hoạt động tôn giáo, điều tiết các mối quan hệ của các tôn giáo trong cộng đồng…, chủ trương tách biệt tôn giáo với chính trị và bảo đảm quyền tự do tôn giáo theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Đó là điểm mấu chốt cho sự ổn định và hài hòa giữa các tôn giáo, tránh xảy ra các mâu thuẫn và xung đột sắc tộc trên đảo quốc.

Bốn là, giúp Xinh-ga-po ổn định về chính trị. Xinh-ga-po đã thực hiện nhiều chính sách từ mềm dẻo cho đến cứng rắn để điều tiết các mối quan hệ tôn giáo và hoạt động của các tôn giáo trong cộng đồng. Các chính sách tôn giáo và pháp luật hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển của các tôn giáo. Chính phủ yêu cầu các tín đồ tôn giáo thực hiện các nghĩa vụ của đạo và của một công dân đúng nghĩa để xây dựng đất nước. Với một số quy định của các tôn giáo khác nhau, Chính phủ vừa tạo điều kiện vừa có những chính sách khoan dung đối với tôn giáo.

 Một số hạn chế của chính sách

Thứ nhất, sự đa dạng về tôn giáo có thể dẫn đến sự phức tạp do tôn giáo mới gây ra. Xinh-ga-po khuyến khích sự bình đẳng, hài hòa giữa các tôn giáo và không phân biệt đối xử giữa các tôn giáo… Tuy nhiên, điều này mang đến thách thức cho đất nước như khi có sự xuất hiện của tôn giáo mới. Khi một tôn giáo mới xuất hiện, hiển nhiên sẽ có sự thu hút, chiêu mộ các tín đồ và thậm chí là cạnh tranh với các tôn giáo truyền thống. Điều này gây nên sự phức tạp trong cộng đồng và đặt ra không ít thách thức đối với các chính sách của Xinh-ga-po…

Thứ hai, tự do tôn giáo không phải là tuyệt đối. Trong Hiến pháp của Cộng hòa Xinh-ga-po đã quy định về quyền tự do tôn giáo, tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành các chính sách khác để hạn chế một số quyền tự do tôn giáo của công dân. Là quốc gia đa tôn giáo và không có quốc giáo, Chính phủ thông qua việc đăng ký của các nhóm tôn giáo để kiểm soát các nhóm tôn giáo. Các nhóm tôn giáo đã đăng ký có thể chịu sự hủy đăng ký của Chính phủ nếu như làm ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự công cộng,… Một công dân có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền hoặc cả hai nếu như tham dự tổ chức tôn giáo bất hợp pháp…

Thứ ba, chính sách tôn giáo của Xinh-ga-po có những nội dung mâu thuẫn với sự tiến bộ xã hội như Islam giáo là một tôn giáo thừa nhận chế độ đa thê của các tín đồ nam giới. Vì vậy, Chính phủ Xinh-ga-po đã cho phép những người theo đạo này dùng luật Syariah như một luật riêng trong vấn đề hôn nhân, tang lễ,… Chính phủ không can thiệp sâu mặc dù vấn đề này của người Hồi giáo không đồng nhất với Hiến chương Phụ nữ năm 1961 của Xinh-ga-po. Trong năm 2009, có 43 đơn đăng ký kết hôn đa thê, 11 trong số đó đã được phê duyệt3.

Từ kinh nghiệm về chính sách tôn giáo của Xinh-ga-po, có thể rút ra một số giải pháp cho Việt Nam.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 24 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước và có trên 80% dân số có đời sống tâm linh4. Tuy nhiên, trước những biến động của thế giới và sự phát triển của đất nước, tôn giáo đang có những biến đổi mạnh mẽ. Vì vậy, cần có một số giải pháp trong vấn đề về tôn giáo của nước ta như sau:

Một là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, chú trọng công tác vận động quần chúng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân. Thường xuyên tiếp xúc chức sắc để tranh thủ, xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Ba là, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo và định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về vấn đề này. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là cán bộ cơ sở để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay đối với khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo. Đồng thời, chú trọng công tác tổ chức, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Bên cạnh đó, chủ động trong thông tin, bao gồm chủ động nắm và kịp thời trao đổi thông tin để thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; đặc biệt chú trọng đến thông tin đối ngoại về những kết quả đạt được trong công tác tôn giáo, giúp dư luận hiểu đúng, đầy đủ về tình hình tôn giáo trong nước, không để các thế lực thù địch xuyên tạc.

Bốn là, đối với các hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo mới du nhập cần thận trọng, làm thí điểm cho kết quả tốt mới thực hiện diện rộng, không chạy theo số lượng và ấn định thời gian cấp phép hoạt động. Coi trọng giải quyết công việc cấp cơ sở, làm tốt công tác thẩm tra, chặt chẽ về thủ tục trước khi cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Đối với những trường hợp sinh hoạt đạo, truyền đạo trái pháp luật phải kiên trì và sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

Chú thích:
1, 2. Lai Ah Eng. Religious Diversity in Singapore, Institute of Southeast Asian Studies, 2008, p.37.
3. U.S.Department of State. International Religious Freedom Report 2010. http://www.state.gov.
4. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hiện nay. http://www.http:tcnn.vn, ngày 12/10/2016.

Trần Thị Thanh Huyền
NCS của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
 Đại học Quốc gia Hà Nội