Vài nét về mô hình dân chủ điện tử trong hoạt động tham vấn công dân ở Vương quốc Anh

(Quanlynhanuoc.vn) – Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời nhất thế giới. Chính phủ Anh đã có nhiều nỗ lực để tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách nhà nước.

 

Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời nhất thế giới.

Năm 2000, Quốc hội đã ban hành luật về thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Chính phủ nhằm tăng cường sự tham vấn rộng rãi của công chúng, bao gồm những người hưởng lợi từ chính sách, nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Đạo luật nhằm mục đích nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tham vấn chính thức bằng văn bản và buộc các nhà hoạch định chính sách phải lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Ở Anh cũng như hầu hết các quốc gia Tây Âu, sự tham vấn chính sách của công chúng diễn ra trong suốt quá trình hoạch định và thực thi; có nhiều hình thức để người dân tham gia như: tham vấn bằng văn bản, gặp gỡ công khai giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhóm chuyên gia làm chính sách và các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng và hưởng lợi để chấp vấn trực tiếp, thông qua hoạt động của các nhóm nòng cốt, các diễn đàn/hội thảo công dân, ban đại diện công dân, các nhóm làm việc, thực hiện tầm nhìn, thông qua việc tổ chức các chương trình nghị sự, như: trưng cầu thảo luận, hội nghị đồng thuận, diễn đàn theo chủ đề, hòm thư điện tử, trao đổi, khảo sát trực tuyến trên mạng…

Trong xu hướng bùng nổ công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức phi Chính phủ (NGO), chính phủ điện tử (E-Government), sự hình thành và lan tỏa nhanh chóng của lưới phân tích chính sách trong các quốc gia EU. Chính phủ Anh đã xúc tiến chương trình tham gia điện tử (E-Participation) cho công dân của mình nhằm mục đích tạo sự thuận lợi hơn cho công dân trong tham gia góp ý, phản biện chính sách. Giảm thời gian, chi phí và tạo liên kết mạng lưới rộng khắp cho sự tham gia đa chiều của tất cả các lực lượng xã hội trong việc xây dựng, thực hiện chính sách để đạt đến mục tiêu xây dựng một nền dân chủ điện tử (E-democracy).

Dân chủ điện tử được định nghĩa như là việc sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các quá trình ra quyết định dân chủ. Chính phủ Anh cho rằng, vòng tròn dân chủ điện tử (Circle-E-Democracy) không chỉ bó hẹp trong phạm vi bỏ phiếu điện tử (E-voting). Tháng 8/2002, Chính phủ Anh đã tổ chức lấy ý kiến công chúng để xây dựng chính sách về nền dân chủ điện tử. Theo đó dân chủ điện tử sẽ gồm 2 bộ phận là bỏ phiếu điện tử tham gia điện tử (E-Participation).

– Bỏ phiếu điện tử

Chương trình được triển khai thí điểm từ tháng 5/2002 tại 16 chính quyền địa phương, sau đó tiếp tục được triển khai tại 18 khu vực vào tháng 5/2003. Dựa trên kết quả này bỏ phiếu điện tử đã được sử dụng tại quốc gia này từ năm 20061.

– Tham gia điện tử

Một nghiên cứu về tham gia điện tử tại Anh của Giáo sư Ann. Macintosh, thuộc Trung tâm  International Teledemocracy, Trường Đại học Napier, Scotland, Vương Quốc Anh, công bố trong “Kỷ yếu của Hội nghị quốc tế Hawai lần thứ 37 về khoa học hệ thống năm 2004”2cho thấy: hoạt động tham vấn, phản biện chính sách ở Anh được thiết kế gắn chặt với chương trình chính sách, là một yếu tố cấu thành nội tại của hoạt động xây dựng, thực thi chính sách và được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin nên có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng lớn và hiệu quả cao. Nhìn chung, hoạt động tham vấn, phản biện chính sách của công dân và các tổ chức chính trị, xã hội được thực hiện trong tất cả các khâu của hoạt động chính sách, sự tham gia này có một số đặc điểm sau:

Về mức độ tham gia

Theo kết quả nghiên cứu của Macintosh, có 3 cấp độ tham gia là cung cấp thông tin, tham vấn và tham gia tích cực.

Cung cấp thông tin (Information).

Đây là cấp độ thấp nhất, thể hiện qua việc Chính phủ cung cấp thông tin về chính sách cho công chúng biết cung cấp thông tin trong hệ thống tham gia điện tử có 3 mức độ:

– Cho phép (E-enabling): là việc các công dân, tổ chức được cấp phép truy cập vào kho dữ liệu của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân tham gia vào mạng này để tìm kiếm thông tin cho hoạt động phản biện của mình, hình thức tham gia điện tử này mở ra cơ hội tiếp cận nguồn thông tin phong phú, đầy đủ, toàn diện, cũng như cơ hội tham khảo các ý kiến khác để chủ thể phản biện tham khảo.

– Tham vấn (E-engaging): ở cấp độ này người dân được tiếp thông tin sâu hơn về các tranh luận, thảo luận về vấn đề chính sách, có thể theo thứ tự từ trên xuống như các thông tin thảo luận chính sách của Quốc hội, chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

– Trao quyền (E-empowering): ở mức độ này, công dân được hỗ trợthông tin để tham gia tích cực và tạo điều kiện cho những ý tưởng từ dưới lên, để gây ảnh hưởng đến các chương trình nghị sự về các vấn đề chính sách. Đây là quá trình gia tăng ảnh hưởng bởi lượng thông tin mà người dân cung cấp có thể nhiều hơn lượng mà Chính phủ chuyển đến cho họ theo phương thức Top-Down. Người dân trở thành người sản xuất thông tin trong quá trình phản biện chứ không đơn thuần chỉ là người tiêu dùng thông tin của Chính phủ.

Tham vấn (Consultation)

Đây là quá trình trao đổi thông tin hai chiều giữa Chính phủ và người dân, Chính phủ xác định các vấn đề cần tư vấn, thiết lập các câu hỏi, nêu yêu cầu và quản lý quá trình này. Người dân được mời đóng góp quan điểm, ý kiến và những phản hồi khác cho Chính phủ.

Tham gia tích cực (Active Participation)

Ở cấp độ này, người dân và Chính phủ hợp tác với nhau, trong đó các công dân tích cực tham gia vào việc xác định các quá trình và nội dung hoạt động chính sách. Nó thừa nhận địa vị bình đẳng của công dân trong việc thiết lập các chương trình nghị sự chính sách buộc Chính phủ phải nghe ý kiến phản biện của mình và có trách nhiệm phản hồi. Mặc dù chịu trách nhiệm về quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Chính phủ.

Việc thực hiện tham gia điện tử giúp cho Chính phủ bớt chịu áp lực từ phía các tổ chức đảng phái, nghiệp đoàn vốn rất nhiều và có thế lực tại Anh. Đồng thời,cũng giảm được tác động từ phía các nhóm lợi ích, do trong nền dân chủ điện tử, mỗi công dân đều trực tiếp thể hiện quan điểm, chính kiến với Nhà nước. Đồng thời khi quan điểm, chính kiến, các lập luận bao gồm cả ủng hộ và phản đối với tất cả các chứng cứ, thuyết minh khoa học của tất cả các bên sẽ được đem ra xem xét công khai, dân chủ. Chính phủ không thể thiên vị bên nào và các nhóm cũng không thể đòi hỏi Chính phủ ưu ái mình vì sẽ vấp phải sự phản đối từ những bên khác. Chính sách do đó sẽ khách quan hơn. Quá trình xây dựng và thực hiện chính sách tại Anh cơ bản cũng được hoạch định theo 5 giai đoạn kế tiếp nhau, tạo thành một chu trình chính sách, bao gồm các khâu chủ yếu:

(1) Thiết lập chương trình nghị sự (Agenda Setting).

(2) Phân tích cơ hội và thách thức (Analysis).

(3) Xây dựng chương trình (Creating the Policy).

Giai đoạn quan trọng này bao gồm các loạt hoạt động được triển khai là: tham vấn chính thức, phân tích rủi ro, thực hiện thí điểm để nghiên cứu, thiết kế kế hoạch thực hiện. Qua các bước này, hoàn thiện tài liệu, văn bản chính sách.

(4) Thực hiện chính sách (Implementation policy).

(5) Giám sát chính sách (Monitoring).

Tại Anh, hình thức biểu hiện chủ yếu của xã hội dân sự là các nhóm lợi ích hay các nhóm gây áp lực, đại diện quyền lợi của từng nhóm người trong xã hội. Các nhóm này thông qua vận động hành lang gây áp lực với Chính phủ trong các vấn đề chính sách, vai trò của các nhóm lợi ích tại quốc gia này được ví như Nghị viện thứ 3. Các tổ chức phi chính phủ (NGO’s), bao gồm các nhóm tình nguyện, tổ chức phi lợi nhuận, cáchiệp hội, các tổ chức từ thiện, các nhóm áp lực, các nghiệp đoàn, nhóm lợi ích đặc biệt cũng như các nhóm cộng đồng và vận động địa lý hoặc dựa trên sở thích… có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xây dựng và thực thi chính sách của Chính phủ.

Một điển hình cho lợi ích của việc tham gia phản biện chính sách bằng mô hình dân chủ điện tử tại Anh là: trường hợp Cơ quan điều hành môi trường Scotland tham vấn cho Chính phủ xây dựng chính sách phát triển môi trường bền vững; làm căn cứ cho Chính phủ Anh trình bày các quan điểm của nước mình tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Nam Phi vào năm 20023. Tiếp đó thành lập một ban chỉ đạo bao gồm các tổ chức xã hội, như: Tổ chức người bạn của trái đất (Friends of the Earth), Diễn đàn xã hội dân sự (The Scottish Civic Forum), Hội đồng các tổ chức tình nguyện Scoland (The Scottish Council for Voluntary Organizations), Hội nghị các chính quyền địa phương Scoland (the Convention of Scottish Local Authorities). Trường Đại học Napier và các tổ chức thương mại như: BT, Shell… Ủy ban này đã tổ chức tham vấn điện tử rộng rãi về việc xác định những vấn đề mà Scotland đang phải đối mặt, yêu cầu người dân cung cấp quan điểm của họ về hàng loạt vấn đề, từ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để sống cho đến giao thông4. Kết quả là Chính phủ Anh đã có được một chính sách tốt, đạt được đồng thuận xã hội cao với chi phí xây dựng và triển khai thấp.

Để tạo thuận lợi cho mối quan hệ với các NGO’s, Chính phủ Anh có các cơ quan phối hợp: bao gồm các cơ quan liên lạc với xã hội dân sự trong mỗi bộ, cơ quan điều phối trung tâm, các ủy ban nhiều bên liên quan, các nhóm làm việc, hội đồng chuyên gia và các cơ quan tư vấn khác hoặc các tổ chức phi chính phủ liên minh… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định khung về hợp tác giữa các tổ chức NGO và cơ quan công quyền, những văn kiện này đặt ra cơ sở rõ ràng cho mối quan hệ, tạo điều kiện cho đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức NGO’s và cơ quan nhà nước. Cơ chế tham vấn công trong mô hình dân chủ điện tử đã giúp gia tăng sự tham gia trực tiếp của công dân, giảm bớt áp lực từ các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội lớn thường bị chi phối bởi các nhóm đặc quyền trong xã hội. Nhờ vậy, chính sách trở nên cân bằng và khả thi hơn.

Như vậy, với tác dụng nhiều mặt của tham vấn công dân thông qua mô hình dân chủ điện tử tại Vương Quốc Anh là rất đáng để các quốc gia khác học hỏi và rút ra kinh nghiệm cho chính quốc gia mình.

Chú thích:
1. http://www.electoralcommission.gov.uk
2. Professor Ann Macintosh, “Characterizing E-Participation in Policy-Making”, Napier University, Scotland, UK, Email: itc@napier.ac.uk
3. http://enconsult.org.uk/sustainability
4. http://www.scottichuk/petitions

ThS. Nguyễn Thị Quyên
Học viện Hành chính Quốc gia