Học viện Hành chính Quốc gia – Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Nội vụ và đất nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt tiến trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia có 61 năm luôn sát cánh, đồng hành cùng Bộ Nội vụ, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ giao; luôn là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho ngành Nội vụ và đất nước, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao huân chương Lao động Hạng II cho Học viện Hành chính Quốc gia nhân Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (Nguồn: https://moha.gov.vn)
Quá trình xây dựng và phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia

Trước yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ cho đất nước, ngày 29/5/1959,  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký ban hành Nghị định số 214-NV thành lập Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ. Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên về hành chính ở nước ta, có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp huyện và cấp tỉnh.

Ngày 29/9/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 130-CP đổi tên Trường Hành chính thành Trường Hành chính Trung ương. Ngày 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Điều 2 Quyết định này ghi rõ, Trường Hành chính Trung ương có nhiệm vụ: “Huấn luyện và bồi dưỡng các ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh và tương đương, cán bộ làm công tác tổ chức, văn phòng ở các Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh và tương đương, cán bộ làm công tác giảng dạy ở các trường hành chính và cán bộ phụ trách các ty, sở của tỉnh và thành phố”.

Ngày 12/5/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sáp nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính – Kinh tế Trung ương. Theo đó, nội dung đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) của Trường gồm cả nội dung quản lý kinh tế và quản lý hành chính nhà nước.

Ngày 08/6/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 233-CP tách Trường Hành chính – Kinh tế Trung ương thành 2 trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý Kinh tế Trung ương, trong đó Trường Hành chính Trung ương là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng và ra Quyết định số 91-HĐBT ngày 26/9/1981 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương. Theo Quyết định này, Trường Hành chính Trung ương “là cơ quan giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao cấp, trung cấp; tổ chức việc nghiên cứu khoa học quản lý nhà nước và chỉ đạo việc bồi dưỡng, đào tạo các loại cán bộ quản lý nhà nước thuộc các ngành, các cấp. Bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cho các trường hành chính địa phương và hướng dẫn các trường này về chương trình, tài liệu…”.

Ngày 23/02/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 34/CT về việc tăng cường hệ thống Trường Hành chính của Trung ương và các tỉnh, thành phố, theo đó, Trường Hành chính Trung ương cần được củng cố và tăng cường thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về quản lý nhà nước (QLNN), tương xứng với yêu cầu trong giai đoạn mới. Trường Hành chính Trung ương được hưởng các quy chế như một bộ; được tham gia vào các đề án của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề cải cách bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu lực QLNN. Học viên Trường Hành chính Trung ương được hưởng chế độ sinh hoạt như học viên của Học viện Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 01/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 381-CT đổi tên Trường Hành chính Trung ương thành Trường Hành chính Quốc gia và từ ngày 06/7/1992, được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Theo Nghị định này, Học viện chịu sự quản lý trực tiếp của Hội đồng Bộ trưởng, là trung tâm ĐTBD công chức hành chính nhà nước và nghiên cứu khoa học hành chính (KHHC) nhà nước.

Năm 2002, thực hiện Chương trình cải cách hành chính, giảm bớt đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia từ cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển giao nguyên trạng vào Bộ Nội vụ theo Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg ngày 19/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Theo Quyết định này, Học viện là trung tâm quốc gia, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện các chức năng: ĐTBD đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhà nước, các chức danh công chức hành chính các cấp, cán bộ, công chức cơ sở, công chức dự bị, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các chuyên ngành hành chính và QLNN; nghiên cứu KHHC và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và QLNN.

Theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07/5/2007 của Bộ Chính trị, Học viện Hành chính Quốc gia hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính. Sau 7 năm sáp nhập, Học viện Hành chính lại tách khỏi Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về trực thuộc Bộ Nội vụ từ ngày 10/12/2013 và theo Nghị quyết số 121/NQ-CP của Chính phủ, chính thức mang tên Học viện Hành chính Quốc gia.

Ngày 23/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện), theo đó khẳng định, Học viện có vị trí đặc biệt trong hệ thống các cơ sở ĐTBD CBCCVC, là trung tâm quốc gia, đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu KHHC và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và QLNN.

Học viện góp phần trong sự phát triển của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, Học viện đã có những đóng góp thiết thực, luôn khẳng định trách nhiệm của một đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ; đã tích cực thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi phương diện.

Thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ ĐTBD CBCCVC.

Hơn 61 năm qua, Học viện đã góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bộ máy cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, theo đó đã ĐTBD hàng trăm nghìn lượt CBCCVC thông qua các khoá bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng QLNN theo chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở, cấp vụ và tiến tới bồi dưỡng ở cấp thứ trưởng; bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; bồi dưỡng tiền công vụ.

Từ năm 1996, Học viện đào tạo hệ đại học Hành chính văn bằng 2. Đến năm 2000, Học viện đào tạo đại học hành chính hệ chính quy. Đồng thời, đào tạo đại học hành chính hình thức vừa làm, vừa học và hệ cử tuyển nhằm tạo nguồn cán bộ từ con em các dân tộc thiểu số. Đến nay, Học viện đã đào tạo 18 khóa đại học ngành QLNN hệ chính quy với khoảng 27.000 sinh viên; đào tạo gần 30.000 sinh viên đại học ngành QLNN hình thức vừa làm, vừa học, các lớp đại học hệ cử tuyển…

Về đào tạo trình độ sau đại học, từ năm 1995 đến nay, Học viện đã thực hiện 28 khóa đào tạo thạc sỹ với hàng nghìn học viên cao học tốt nghiệp; thực hiện 18 khóa đào tạo tiến sỹ với hàng trăm nghiên cứu sinh tốt nghiệp. Học viện đã cung cấp một số lượng lớn nhân lực có trình độ học vấn cao về Quản lý công và nhiều chuyên ngành khác, như: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Chính sách công; Tài chính – Ngân hàng.

Thứ hai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu.

Triển khai các nhiệm vụ được Bộ Nội vụ giao, Học viện đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo, đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy theo hướng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, huấn luyện tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ CBCCVC từ những vị trí, lĩnh vực cụ thể. Thời gian qua, công tác đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy theo hướng đón bắt nhu cầu thực tế của đất nước và đi gần với xu thế đào tạo chung đã được tiến hành ở tất cả các loại hình, cấp độ ĐTBD của Học viện.

Đồng thời là cơ sở đi đầu có tính chiến lược trong đào tạo theo chức danh, hoàn thành việc xây dựng các chương trình đào tạo chức danh thứ trưởng và tương đương, cấp vụ, cấp sở, cấp huyện, cấp phòng, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và chuyên viên, chương trình bồi dưỡng giảng viên QLNN, chương trình bồi dưỡng văn hóa công vụ; chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lý công, Tài chính – Ngân hàng, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Chính sách công, Quản lý kinh tế và chương trình đào tạo tiến sỹ Quản lý công.

Học viện đã và đang góp phần xây dựng một hệ thống chỉnh thể chương trình, giáo trình của các loại hình ĐTBD, theo các cấp độ khác nhau, bổ sung cho nhau, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực đa dạng của người học trên nền tảng phát triển thống nhất: từ bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính đến chuyên viên cao cấp; từ đào tạo cử nhân, thạc sỹ đến tiến sỹ; từ ĐTBD theo ngạch đến theo chức danh và vị trí việc làm (VTVL).

Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn về chính sách.

Là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về hành chính và QLNN, trong suốt chặng đường phát triển, Học viện đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu khoa học về bộ máy hành chính nhà nước, KHHC, chính sách công… phục vụ trực tiếp cho công cuộc cải cách nền hành chính, đổi mới cơ chế quản lý ở các bộ, ngành, địa phương và tham gia vào việc tư vấn cho Bộ Nội vụ, Chính phủ trong xây dựng chính sách ở nhiều lĩnh vực. Trong lịch sử phát triển của Học viện, hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách luôn song hành với công tác ĐTBD, hình thành nên các trụ cột khẳng định tầm vóc của Học viện. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh đã phục vụ trực tiếp công tác ĐTBD của Học viện, tham gia giải đáp những vấn đề bức thiết mà thực tiễn cải cách hành chính đang đặt ra. Nhiều chương trình đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở được hoàn thành đã khẳng định tầm vóc, vị thế của Học viện, góp phần tô thêm truyền thống vẻ vang của Bộ Nội vụ.

Thứ tư, từng bước thiết lập, củng cố quan hệ với các đối tác, chủ động, năng động tham gia vào các hiệp hội, cộng đồng quốc tế về hành chính công.

Hiện nay, Học viện là thành viên của ba tổ chức quốc tế lớn về hành chính trên thế giới, đó là: Hiệp hội Quốc tế các trường và Học viện Hành chính (IASIA), Tổ chức Hành chính Miền Đông thế giới (EROPA), Hiệp hội các nhà Hành chính châu Á (AGPA). Học viện có quan hệ với trên 50 cơ sở đào tạo và nghiên cứu hành chính các nước, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với trên 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo hành chính các nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế với mục tiêu thu hút nguồn lực để Học viện thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ giao.

Một số định hướng phát triển Học viện trong thời gian tới

Kế thừa truyền thống hơn 61 năm xây dựng, phát triển và với uy tín của một cơ sở ĐTBD CBCCVC trọng điểm, đầu ngành, xác định tầm quan trọng của Học viện trong sự nghiệp cách mạng của cả nước nói chung và trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ nói riêng, trong thời gian tới, Học viện đang tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, về công tác ĐTBD.

– Tiếp tục hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng theo chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý, bám sát các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của tiêu chuẩn ngạch, chức danh, chú trọng đến bồi dưỡng nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

– Tập trung phát triển các chương trình, chuyên đề bồi dưỡng ngắn hạn theo yêu cầu, theo đặt hàng của các cơ quan, tổ chức. Đây cũng là cơ sở để đội ngũ CBCCVC thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc 40 giờ/năm. Việc thiết kế xây dựng chương trình và phương pháp bồi dưỡng cần có tính thực tiễn cao với đúng ý nghĩa là “huấn luyện” để CBCCVC có kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, thành thạo. Theo đó, Học viện cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để tư vấn, phối hợp xác định nhu cầu, nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực về hành chính và QLNN cho CBCCVC, từ đó thiết kế  xây dựng các chương trình, chuyên đề bồi dưỡng theo nhu cầu công việc và VTVL.

– Xây dựng và hoàn thiện các chương trình ĐTBD về hành chính, QLNN và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở các cơ sở ĐTBD CBCCVC trên phạm vi cả nước.

– Phát triển các chương trình đào tạo sau đại học vừa mang tính nghiên cứu hàn lâm, vừa đạt được tính ứng dụng cao. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ hiện có và mở mới các chương trình liên ngành; hướng tới đào tạo trình độ tiến sỹ ở tất cả các chương trình có đào tạo thạc sỹ.

– Triển khai các hình thức ĐTBD trực tuyến và từ xa để người học được tiếp cận các kênh, phương thức học tập hiện đại và khả năng tự ĐTBD.

Hai là, về công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế trong nước và trên trường quốc tế của Học viện. Để xây dựng Học viện là môi trường học thuật, là cơ quan phản biện, sáng tạo, cần thực hiện tốt phương châm gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào phát triển KHHC ở Việt Nam. Theo đó, triển khai một số nội dung sau:

– Thực hiện các nghiên cứu khoa học về hành chính và QLNN ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đạt chất lượng cao; tập trung phát triển ngành khoa học thuộc thế mạnh, có tính truyền thống, tính đặc thù của Học viện là KHHC, khoa học quản lý công, chính sách công và các khoa học liên ngành.

– Trong từng giai đoạn cụ thể, cần xác định các định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm phục vụ xây dựng chương trình, tài liệu, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn, phản biện đối với các chính sách, văn bản pháp luật của Đảng, Chính phủ và Bộ Nội vụ.

– Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng hoặc đấu thầu nhằm cung cấp luận cứ khoa học và đề xuất kiến giải thực tiễn phục vụ điều hành hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

– Triển khai công tác nghiên cứu khoa học theo hướng tăng cường các bài báo quốc tế có uy tín; có kết quả nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và thế giới. Phát triển Tạp chí QLNN đạt chuẩn ISI hoặc SCOPUS.

– Xây dựng Học viện thành trung tâm tư vấn trong ĐTBD; trung tâm thông tin khoa học của quốc gia và khu vực trong lĩnh vực hành chính và QLNN.

– Tiếp tục duy trì và mở rộng các khóa bồi dưỡng công chức cho các quốc gia trong khu vực, như xây dựng đối tác với các trường tiên tiến trên thế giới, mời các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học nước ngoài tham gia ĐTBD và liên kết ĐTBD, nghiên cứu khoa học, đưa Học viện sớm thích ứng với sự phát triển khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế.

Ba là, về xây dựng đội ngũ và tổ chức bộ máy.

Xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao để thực hiện có kết quả việc đổi mới công tác ĐTBD, có khả năng tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường quốc tế. Bảo đảm các điều kiện cho phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý; thực hiện chế độ đãi ngộ, khuyến khích cán bộ khoa học làm việc tại Học viện; bảo đảm thu hút, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách cử giảng viên đi thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để tích lũy kinh nghiệm thực tế và đi học tập, thực tập sinh, tham gia hội thảo khoa học ở nước ngoài.

Về tổ chức bộ máy, cần phát triển các khoa chuyên môn trở thành các Viện để phát triển theo hướng nghiên cứu và giảng dạy ngày càng chuyên sâu trong các lĩnh vực hành chính và QLNN.

Bốn là, xây dựng cơ sở vật chất.

Xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ để cung cấp và bảo đảm thông tin hiện đại, hiệu quả; ứng dụng các phần mềm vào quản lý công việc, quản lý ĐTBD. Xây dựng thư viện điện tử, giảng đường, phương tiện học tập, ký túc xá đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, chú trọng xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, phát huy tính chủ động của các đơn vị trực thuộc.

Năm là, quản trị nội bộ và kiểm định chất lượng ĐTBD.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý ĐTBD và nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện các quy định, quy trình quản lý nội bộ theo nguyên tắc quản lý chất lượng.

Triển khai đánh giá chất lượng dịch vụ ĐTBD thông qua ý kiến đánh giá từ học viên, cơ quan cử đi học; thông qua kiểm định nội bộ và hướng tới kiểm định độc lập để thẩm định mức độ đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Xây dựng Học viện trở thành trung tâm quốc gia về kiểm định chất lượng CBCCVC và kiểm định chất lượng ĐTBD CBCCVC.

TS. Đặng Xuân Hoan
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia