Hòa Bình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết. Đây cũng là cơ hội để thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa cũng như tính bức thiết của vấn đề, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025 (Nguồn: chinhphu.vn).
 1. Hòa Bình là tỉnh miền núi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên khoảng 4.600km²; đơn vị hành chính bao gồm 10 huyện và 1 thành phố; 210 xã, phường, thị trấn. Dân số trên 80 vạn người, với 6 dân tộc chính (Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, H’Mông), trong đó dân tộc Mường chiếm đa số với trên 63%1.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh Hòa Bình từng bước phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Tính đến thời điểm ngày 29/02/2020, số lượng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh là 2.079 người; số lượng biên chế viên chức là 22.514 người và số hợp đồng lao động là 1.256 người2. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ CBCCVC còn chưa đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng được nhiệm vụ của công việc, yêu cầu của sự đổi mới và hội nhập.

Trước những đòi hỏi từ thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, nguồn nhân lực trong khu vực nhà nước cần phải đổi mới, hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn công việc. Đội ngũ CBCCVC vừa thiếu, vừa thừa; “một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, suy thoái phẩm chất đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, không đáp ứng được yêu cầu”3.

Chính vì thế, tinh giản biên chế (TGBC), cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC là cần thiết nhằm loại bỏ những cá nhân không đạt yêu cầu trong thực thi công vụ. Đây cũng là cơ hội để thu hút người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa cũng như tính bức thiết của TGBC ở địa phương, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh TGBC, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác TGBC, như: Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ ngày 20/11/2014 về chính sách TGBC; Quyết định 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai TGBC theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống, tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghệp công lập, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản triển khai tại địa phương.

Cụ thể: Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 30/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách TGBC; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 05/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về TGBC giai đoạn 2015-2021 theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 29/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 1851/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án TGBC giai đoạn 2015-2021 và Đề án TGBC tỉnh Hòa Bình năm 2016 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.

Những kết quả đạt được.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện TGBC trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc theo kế hoạch, mục đích, yêu cầu, tiến độ đặt ra. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức; công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng; có sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, do đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trên cơ sở Quyết định phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm đối với 100% các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, các cơ quan, đơn vị xác định cơ cấu công chức, biên chế cần có. Đây là cơ sở để TGBC, cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn vị trí việc làm tại các cơ quan, tổ chức hành chính. Việc thành lập, sắp xếp các tổ chức bên trong các cơ quan hành chính (phòng, ban, chi cục), đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch của tỉnh gắn với TGBC.

Tính từ ngày 30/4/2015 đến ngày 31/12/2019, tỉnh Hòa Bình đã tinh giản được 1.560 đối tượng khối chính quyền. Cụ thể, tinh giản do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự là 136 người; cơ cấu lại theo vị trí việc làm là 81 người; chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn là 323 người; phân loại, đánh giá hằng năm là 998 người; các lý do khác là 22 người4.

Cùng với việc TGBC theo quy định, việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, hằng năm  tỉnh đều được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm đến năm 2021 giảm đủ 10% so với biên chế giao năm 2015. Tính đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình đã giảm 1.816 chỉ tiêu (205 biên chế công chức hành chính; 1.530 biên chế sự nghiệp; 81 chỉ tiêu hợp đồng 68/CP) so với biên chế giao năm 20155.

Những khó khăn, vướng mắc.

Công tác TGBC trên địa bàn tỉnh được tiến hành một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Kết quả thực hiện bảo đảm theo lộ trình, kế hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện TGBC của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, từ năm 2015 đến nay, biên chế viên chức sự nghiệp toàn tỉnh Hòa Bình đã giảm đạt tỉ lệ 6,57%. Đến năm 2021, nếu giảm đủ 10% chỉ tiêu biên chế viên chức sự nghiệp so với năm 2015 theo lộ trình thì sẽ không đủ chỉ tiêu biên chế để bố trí viên chức sự nghiệp giáo dục, không bảo đảm tỉ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định.

Thứ hai, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên không được hợp đồng làm việc chuyên môn, nghiệp vụ trong khi địa phương không thể bố trí đủ biên chế theo vị trí việc làm (do cắt giảm 10% biên chế so với năm 2015 theo lộ trình).

Thứ ba, TGBC hiện vẫn đang thực hiện theo tính chất “giảm cơ học”. Đối tượng tinh giản chủ yếu là tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, chưa thực hiện được mục tiêu đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người dôi dư, năng lực yếu kém. TGBC vẫn nhằm mục tiêu giảm số người theo đúng quy định, chưa hướng tới việc “thanh lọc” để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.

3. TGBC là việc làm cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay trong bối cảnh Hòa Bình đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực thi công vụ một cách hiệu quả, hướng tới việc phục vụ người dân tốt nhất, tỉnh Hòa Bình kiến nghị với Bộ Nội vụ trình Chính phủ không thực hiện việc cắt giảm 10% biên chế đối với sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, tỉ lệ giáo viên theo quy mô trường lớp và tỉ lệ bác sĩ, nhân viên y tế theo quy mô giường bệnh.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả việc TGBC trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành tại địa phương cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cấu thành của cơ quan, đơn vị theo hướng xác định rõ số biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó của từng cơ quan, đơn vị nhằm thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tiếp tục tăng cường việc sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả đúng quy định.

Hai là, đẩy mạnh xác định vị trí việc làm. Cần đổi mới công tác đánh giá, phân loại CBCCVC chính xác để có thể xác định được số lượng người làm việc hợp lý trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện ra những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để đưa vào diện TGBC để thanh lọc bộ máy.

Ba là, đẩy mạnh kiêm nhiệm đối với một số chức danh của CBCCVC. Tăng cường kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố.

Bốn là, tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện TGBC, thực hiện chế độ, chính sách nghỉ hưu đúng tuổi đối với CBCCVC bảo đảm đúng quy định, chế độ chính sách và mục tiêu đề ra.

Năm là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan đơn vị và sự đồng thuận của đội ngũ CBCCVC trong thực hiện TGBC. Với những giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn địa phương, tỉnh Hòa Bình đã, đang và sẽ thu được những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.

Chú thích:
1. Giới thiệu về tỉnh Hòa Bình. http://ipa.hoabinh.gov.vn, ngày 20/8/2020.
2, 4, 5. Báo cáo số 89/ BC- UBND ngày 06/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy; quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hợp đồng lao động giai đoạn 2015 – 2020 tỉnh Hòa Bình.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.173.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
2. Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 30/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

TS. Phùng Thị Phong Lan
Học viện Hành chính Quốc gia