Hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng được mục tiêu đặt ra, cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý luận về sự bình đẳng giữa Nhà nước và công dân, tăng cường và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tất cả các nội dung trên đòi hỏi phải hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

 

Ảnh minh họa.
Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở nước ta hiện nay

Công dân là mục đích tồn tại của Nhà nước và Nhà nước là biện pháp để công dân thực hiện mục đích của mình. Xét trong mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền (NNPQ) và cá nhân công dân – con người, mọi thiết chế do con người sáng tạo ra, từ Nhà nước đến pháp luật… đều tồn tại vì con người chứ không phải con người tồn tại vì Nhà nước và pháp luật. Mối quan hệ giữa NNPQ và cá nhân công dân là mối quan hệ biện chứng: nếu pháp luật đòi hỏi cá nhân công dân phải có trách nhiệm với Nhà nước thì đồng thời cũng đòi hỏi Nhà nước phải có trách nhiệm trước cá nhân công dân1. Không thể nói đến NNPQ nếu như mọi người không bình đẳng trước pháp luật, không có sự bảo đảm an toàn, hợp lý về các quyền tự do dân chủ.

Mặc dù ra đời trước thời kỳ đổi mới đất nước, nhưng bước sang giai đoạn xây dựng NNPQ XHCN, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân (NNVCD) mới có nhiều thay đổi và được xem là một trong những mối quan hệ vô cùng quan trọng, được nhận thức rõ và sâu sắc hơn. Đó là quan hệ thống nhất về quyền và nghĩa vụ pháp lý, được khẳng định dưới dạng các quy phạm Hiến pháp, hơn nữa còn được cụ thể hóa thông qua các quan hệ pháp luật khác.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương xây dựng NNPQ XHCN của dân, do dân, vì dân và được ghi nhận trong Hiến pháp. Dù trong khoa học pháp lý có nhiều quan điểm khác nhau về NNPQ, nhưng xét về thực chất, NNPQ là Nhà nước trong đó, quan hệ giữa NNVCD là quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Trong NNPQ, quyền và tự do của người dân được ghi nhận và bảo đảm, đó cũng là cơ sở chính trị – pháp lý cho việc bảo đảm dân chủ và là sự thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nhà nước ta là NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ rõ, tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta đã theo một nguyên tắc mới về chất so với trước đây “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2). Với vị trí, vai trò là Luật cơ bản, nền tảng của quốc gia, Hiến pháp năm 2013 đã xác định các nguyên tắc cơ bản và công thức Hiến định về mối quan hệ giữa NNVCD.

Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa mối quan hệ giữa NNVCD trên cơ sở kế thừa nội dung các bản Hiến pháp trước. Đây là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện của Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển, đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc, toàn diện về NNPQ, quyền con người, về bản chất pháp quyền, dân chủ giữa NNVCD. Tính chất pháp quyền, dân chủ của mối quan hệ giữa NNVCD được thể hiện xuyên suốt toàn bộ nội dung bản Hiến pháp. Đặc biệt, Chương II của Hiến pháp gồm 36/120 điều (từ Điều 14 – 49) quy định trực tiếp về quyền con người (QCN), quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có nội dung bao quát các nguyên tắc cốt lõi, quan trọng về mối quan hệ giữa NNVCD. Nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân (QCD) không chỉ được thể hiện đầy đủ ở Chương II “Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mà còn ở nhiều quy định khác của Hiến pháp và là nguyên tắc, tinh thần chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ bản Hiến pháp.

Nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN, QCD cũng được thể hiện trong Chương III – Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quy định các chính sách và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền về kinh tế – xã hội.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tôn trọng QCN, QCD; Nhà nước có trách nhiệm trong việc công nhận, bảo vệ, bảo đảm QCN, QCD; có cơ chế bảo đảm thực hiện QCN, QCD; mối quan hệ bình đẳng, dân chủ, đồng trách nhiệm giữa NNVCD, ghi nhận đầy đủ và rộng rãi các quyền và nghĩa vụ của công dân về chính trị, kinh tế – xã hội, tự do cá nhân; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước phải thực hiện hoặc bảo hộ các quyền của công dân; xác định giới hạn QCN, QCD trên cơ sở luật định.

Tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân” chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là công thức Hiến định về mối quan hệ giữa NNVCD được xây dựng trên cơ sở triết lý chính trị – pháp lý về chủ quyền nhân dân. Về bản chất của các nguyên tắc cơ bản bảo đảm QCN, QCD, đồng thời đặt ra vai trò, trách nhiệm phải thực hiện của NNPQ.

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 đã xác định các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ giữa NNVCD, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nguyên tắc cốt lõi của NNPQ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về QCN. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất của mối quan hệ giữa NNVCD, cơ sở cho toàn bộ tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật.

Trong NNPQ, mối quan hệ giữa NNVCD là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, quan hệ đồng trách nhiệm. Tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ đối với mọi cá nhân, tổ chức, Nhà nước phải chịu trách nhiệm vật chất, tinh thần về các quyết định và hành vi của mình, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân là mối quan hệ giữa các đối tác bình đẳng, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau. Nhà nước không chỉ có quyền được yêu cầu cá nhân thực hiện các nghĩa vụ pháp lý mà còn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với cá nhân, không dừng lại ở khẩu hiệu, tuyên ngôn mà phải có hệ thống pháp lý bảo đảm để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân2.

Quá trình đổi mới đất nước, xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta đã đạt được những kết quả không nhỏ. Từ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước tập quyền XHCN, thực hiện chuyên chính vô sản đã chuyển sang mô hình tổ chức bộ máy NNPQ XHCN phục vụ Nhân dân. Có thể nói, đây là bước đổi mới về nhận thức, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ bình đẳng giữa NNVCD, phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng NNPQ XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt đứng trước đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa NNVCD. Do đó, không thể không đẩy mạnh việc đổi mới công tác lập pháp, phát huy dân chủ, xây dựng, hoàn thiện mối quan hệ giữa NNVCD để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Nhu cầu hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương xây dựng NNPQ XHCN của dân, do dân và vì dân ở nước ta. Từ đó đến nay, xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đạt được nhiều thành tựu to lớn từ việc nghiên cứu, hình thành cơ sở lý luận, quan điểm cho tới xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức và thể chế pháp lý cho hoạt động nhà nước. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện mối quan hệ thực sự bình đẳng giữa NNVCD là vấn đề thuộc về bản chất của Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 đã xác định đầy đủ, rõ ràng các nguyên tắc nền tảng của mối quan hệ giữa NNVCD trong NNPQ như tôn trọng QCN, QCD; xác định giới hạn QCN, QCD trên cơ sở luật định; Nhà nước có trách nhiệm trong việc công nhận, bảo vệ, bảo đảm QCN, QCD; cơ chế bảo đảm thực hiện QCN, QCD; mối quan hệ bình đẳng, dân chủ, đồng trách nhiệm giữa NNVCD… Tuy nhiên, quá trình xây dựng NNPQ, mối quan hệ giữa NNVCD ở nước ta cũng mới chỉ đạt những kết quả bước đầu. Do đó, để đáp ứng mục tiêu xây dựng NNPQ XHCN và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mối quan hệ giữa NNVCD trong bối cảnh hiện tại.

Việc xây dựng, hoàn thiện mối quan hệ giữa NNVCD ở nước ta có những điều kiện thuận lợi, như: lợi ích cơ bản giữa Nhà nước và Nhân dân là thống nhất, không có mâu thuẫn đối kháng. Bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân, tính dân tộc có sự thống nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam (đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của dân tộc) không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là nền tảng vững chắc cho việc tạo lập mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước với công dân hiện nay ở nước ta.

Tuy nhiên, trong vấn đề tạo lập mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước với công dân vẫn đang tồn tại không ít khó khăn cả về chủ quan và khách quan. Về chủ quan, chúng ta còn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống lý luận về NNPQ XHCN nói chung và lý luận về mối quan hệ bình đẳng giữa NNVCD nói riêng, vì vậy, hệ thống pháp luật cũng còn nhiều hạn chế. Trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước với Nhân dân khi giải quyết công việc liên quan đến QCD thường thiếu sự bình đẳng.

Mặt khác, khi Nhà nước, các cơ quan nhà nước buộc công dân phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thì ngược lại, trong nhiều trường hợp, Nhà nước, cơ quan nhà nước lại thiếu hoặc gần như vô trách nhiệm mà trách nhiệm, nghĩa vụ đó đã được pháp luật quy định. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, việc giải quyết mối quan hệ bình đẳng giữa NNVCD đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn. Chẳng hạn, quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi, đền bù quyền sử dụng đất, vấn đề môi trường… đang diễn ra rất phức tạp. Đây là nội dung  cần giải quyết triệt để trong mối quan hệ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Công dân, nhưng trên thực tế, pháp luật đã không theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội, đôi khi còn lạc hậu.

Chính vì thế, hiện nay trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội đã tạo ra những kẽ hở, cơ hội cho một số công chức nhà nước lợi dụng quyền lực để có những hành vi, thái độ coi thường Nhân dân, vi phạm quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Điều này đang diễn ra hết sức phức tạp ở một số địa phương, làm giảm lòng tin của Nhân dân với Nhà nước, với Đảng.

Về khách quan, sự phát triển kinh tế – xã hội còn thấp, tàn dư tư tưởng phong kiến  vẫn tồn tại chi phối trong một bộ phận không nhỏ của xã hội… Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền lực nhà nước, từ xây dựng, ban hành các quy định pháp luật đến thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc của Nhân dân, mà một trong những biểu hiện đó là hiện tượng cửa quyền, hách dịch, vô trách nhiệm. Do đó, hoàn thiện mối quan hệ bình đẳng giữa NNVCD trong bối cảnh xây dựng NNPQ, hội nhập quốc tế là nhu cầu cấp bách hiện nay.

Ngoài ra, quá trình xây dựng NNPQ vẫn còn tồn tại không ít yếu kém, như QCN, QCD, quyền làm chủ của Nhân dân ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn bị vi phạm, còn tình trạng “vừa thiếu dân chủ, vừa thiếu kỷ cương”. Có thể nói, quyền làm chủ của Nhân dân chưa được bảo đảm và phát huy đầy đủ. Tình trạng dân chủ hình thức vẫn chưa được khắc phục triệt để, nạn tham nhũng, lãng phí và quan liêu còn nghiêm trọng.

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, vẫn còn tình trạng có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, một số luật cụ thể hóa Hiến pháp về QCN chưa được ban hành kịp thời, một số luật được ban hành nhưng chất lượng chưa cao, chưa sát với cuộc sống, phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu, có nơi, có lúc còn chưa xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm QCN, QCD từ phía cơ quan công quyền…

Trước thực trạng trên đặt ra nhiệm vụ cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý luận về sự bình đẳng giữa NNVCD, tăng cường và phát huy dân chủ XHCN, tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Cụ thể:

Bình đẳng giữa NNVCD phải được hiểu là sự bình đẳng theo quy định của pháp luật. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, các bên như nhau. NNVCD đều có quyền và có nghĩa vụ do pháp luật quy định. Quyền của công dân được bảo đảm bằng nghĩa vụ của Nhà nước, quyền của Nhà nước được bảo đảm bằng nghĩa vụ công dân. Trong mối quan hệ giữa NNVCD, các bên đều thực hiện đúng và đầy đủ những gì mà pháp luật quy định thì đó là bình đẳng.

Để tăng cường và phát huy dân chủ XHCN, cần phải đổi mới nhận thức về mối quan hệ giữa NNVCD, trong đó phải đặt người dân vào trị trí trung tâm trong mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước phải được tổ chức trên nền tảng “phục vụ Nhân dân”. Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật. Tăng cường dân chủ ở cơ sở, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc của Nhà nước một cách thiết thực, phù hợp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phải theo tinh thần triển khai Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tích cực hơn các yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ QCN, QCD phù hợp với các chuẩn mực về chế độ pháp quyền.

Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về nội dung này, cần tập trung quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, các chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức nhà nước; sự chịu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước khi gây thiệt hại cho công dân; xác định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân; hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do cơ quan, cán bộ, công chức gây ra; hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm và chịu trách nhiệm của Nhà nước trước công dân; hoàn thiện quy định của pháp luật về quyền công dân theo hướng công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, Nhà nước được làm những gì mà pháp luật cho phép…

Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Đảng, nhất là của các tổ chức đảng và đảng viên trong lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa NNVCD. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh đối với đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quan hệ NNCD.

Chú thích:
1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ Nhà nước, xã hội và công dân trong nhà nước pháp quyền. http://philosophy.vass.gov.vn.
2. Nguyên tắc cơ bản và công thức Hiến định của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong Hiến pháp năm 2013. http://tcnn.vn/news.

ThS. Mai Thị Minh Ngọc
Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam